Phân tích: Trung Quốc là bên thua cuộc duy nhất trong cuộc chiến thuế quan với Hoa Kỳ?
- Trình Công, Ninh Tâm
- •
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quyết tâm đối đầu toàn diện với chính sách thuế quan của Trump và đang cố gắng tạo ra một “cộng đồng cùng chung vận mệnh” để đối đầu với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã tăng thuế đối với Trung Quốc lên 145% và đình chỉ thuế quan có đi có lại đối với các quốc gia khác không trả đũa Hoa Kỳ trong 90 ngày, với hy vọng cùng nhau kiềm chế ĐCSTQ sau các cuộc đàm phán. ĐCSTQ có thể là bên thua cuộc duy nhất trong cuộc chiến thương mại. Hoa Kỳ cũng cảnh báo Trung Quốc không nên thao túng tỷ giá hối đoái để bù đắp tác động của thuế quan. Một số chuyên gia tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tách rời, và Trung Quốc sẽ còn tệ hơn nữa khi trật tự kinh tế thế giới được xây dựng lại.
Vào ngày 9 tháng 4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tuyên bố trên nền tảng xã hội Truth Social: “Do Trung Quốc (ĐCSTQ) không tôn trọng thị trường thế giới, tôi xin tăng mức thuế mà Hoa Kỳ áp dụng đối với (hàng hóa) Trung Quốc lên 125%, có hiệu lực ngay lập tức”. Ông cũng nói thêm rằng ông hy vọng Trung Quốc sẽ nhận ra rằng những ngày tháng bóc lột Hoa Kỳ và các nước khác không còn bền vững và không thể chấp nhận được nữa.
Ông Trump cũng tuyên bố: “Đối với những quốc gia không trả đũa Hoa Kỳ, tôi đã cho phép tạm dừng áp dụng thuế quan qua lại trong 90 ngày và giảm đáng kể thuế quan qua lại xuống còn 10% trong thời gian đó, có hiệu lực ngay lập tức”.
Vào ngày 10 tháng 4, Nhà Trắng đã công bố trong một sắc lệnh hành pháp rằng, cộng thêm mức thuế suất 20% được áp dụng từ đầu tháng 3 để chống lại nạn buôn bán ma túy fentanyl, thuế quan của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc hiện đã lên tới 145%.
Vào tối ngày 9 tháng 4 theo giờ Bắc Kinh, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra thông báo cho biết, vào ngày 8 tháng 4, Mỹ đã tăng mức “thuế quan đối ứng” đối với Trung Quốc từ 34% lên 84%, và Trung Quốc cũng sẽ áp dụng mức thuế suất 84% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ 12 giờ ngày 10 tháng 4.
Ngay từ đầu, chính quyền Trung Quốc đã lựa chọn đối đầu toàn diện với Mỹ. Sau khi ông Trump tuyên bố áp mức thuế 34% đối với Trung Quốc vào ngày 2 tháng 4, Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả bằng cách áp mức thuế tương tự 34% lên hàng hóa Mỹ. Trước động thái này, ông Trump đã cảnh báo rằng nếu Trung Quốc không hủy bỏ biện pháp này, ông sẽ áp thêm 50% thuế quan đối với Trung Quốc. Kết quả là, Trung Quốc vẫn tiếp tục lựa chọn đối đầu và mạnh mẽ tuyên bố sẽ tăng thuế quan đối với Mỹ lên 84%.
Cùng lúc đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đưa 12 thực thể của Mỹ, bao gồm cả American Photonics, vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, cấm xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng cho các công ty này; đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 công ty Mỹ liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm cả Công ty Trí tuệ Nhân tạo Shield (Shield AI, Inc.).
Ngày 10 tháng 4, đáp lại tuyên bố áp thuế 125% đối với Trung Quốc của ông Trump, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ “đàm phán với Hoa Kỳ” và “chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”, đồng thời tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc “không sợ rắc rối” và thương mại nước ngoài của Trung Quốc có sự tự tin và khả năng ứng phó với nhiều rủi ro và thách thức khác nhau.
Từ ngày 8 đến ngày 9 tháng 4, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức “Hội nghị trung ương về công tác láng giềng”, tuyên bố sẽ “xây dựng cộng đồng chung vận mệnh với các nước láng giềng” và hợp tác với các nước láng giềng để “ứng phó với các rủi ro và thách thức khác nhau”. Hội nghị công tác chung kéo dài 2 ngày này được coi là quyết định tập hợp bạn bè từ các nước láng giềng để cùng nhau đối đầu với Hoa Kỳ.
Để ứng phó với cuộc chiến thương mại của ông Trump, Liên minh châu Âu, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đã áp dụng lập trường “ưu tiên đàm phán và chuẩn bị các biện pháp đối phó”; và, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cũng cảnh báo: Đừng để năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc tràn vào châu Âu. Ngoài ra, các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam cũng đang tích cực trao đổi và đàm phán với chính quyền Trump.
Mặc dù thời thế không đứng về phía Bắc Kinh, nhưng ĐCSTQ đã chọn đơn độc đối đầu toàn diện với Mỹ. Thuế quan đối đẳng mà Trump ban đầu áp dụng trên toàn cầu giờ đã biến thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi EU và các nước châu Á cùng các bên liên quan khác lại trở thành những người ngoài cuộc đứng xem.
Học giả kinh tế Lý Hằng Thanh thuộc Viện Thông tin và Chiến lược Mỹ trong cuộc phỏng vấn với tờ Epoch Times cho biết: “Tập Cận Bình từ năm 2012 đến nay đều theo đuổi chính sách ngoại giao ‘chiến lang’, giọng điệu này không thể thay đổi được. Niềm tin của ông ta là ‘Đông thăng Tây giáng’, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ để trở thành bá chủ thế giới”. Ông cho rằng ảo tưởng này đã trở thành ý thức hệ của chính quyền Trung Quốc, còn ông Tập “tính cách cứng đầu, không dễ thay đổi, nhưng cuối cùng sẽ phải quay đầu”.
Nhà bất đồng chính kiến Phạm Sĩ Quý, người đang sống lưu vong ở Hà Lan, nói với tờ báo Epoch Times: “Tôi từng ở Campuchia. Campuchia có hàng nghìn doanh nghiệp Trung Quốc. Họ lợi dụng chi phí nhân công thấp ở Campuchia để bán phá giá hàng hóa sang Mỹ. Vì vậy, lần này Mỹ áp thêm gần 50% thuế quan đối với Campuchia (thuế quan đối đẳng), chính là để đánh bại thế lực của Trung Cộng”. Về điều này, ông hoan nghênh.
Hoa Kỳ và các đồng minh đang hợp tác để chống lại Trung Quốc và đẩy nhanh quá trình tách rời kinh tế và thương mại
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cho biết vào ngày 9 tháng 4 rằng Hoa Kỳ trước tiên đã đạt được thỏa thuận thương mại với các đồng minh của mình để đặt nền tảng cho hành động tập thể chống lại chính quyền Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề thương mại mất cân bằng với Trung Quốc.
Sau bài phát biểu tại Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ ở Washington, ông Bessent nói rằng cuối cùng Mỹ có thể đạt được thỏa thuận với các đồng minh của mình, và sau đó, “chúng ta có thể cùng nhau giải quyết vấn đề Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Ông chỉ ra rằng khi Mỹ bắt đầu hành động áp thuế đối đẳng, nhiều quốc gia đã tìm cách đàm phán thương mại với Washington, trong khi Trung Quốc là nước duy nhất tìm cách leo thang đối đầu với Mỹ.
Trước đó, ông đã nói với giới truyền thông rằng ĐCSTQ thực tế không muốn đàm phán vì họ là những kẻ vi phạm nghiêm trọng nhất trong hệ thống thương mại quốc tế.
Ông Lý Hằng Thanh nói: “Bây giờ, quả bóng đã được đá cho Tập Cận Bình. Chúng ta hãy xem liệu cuối cùng ông ấy có chịu lùi bước hay không. Ông Tập đã nói rất nhiều rồi, và rất khó để ông ấy lùi bước trong hoàn cảnh này”. Ông cho biết Tập Cận Bình không quan tâm đến nền kinh tế Trung Quốc và cuộc sống của người dân, “những gì ông ấy muốn là hình ảnh chính trị và câu chuyện lớn” và “chống trả” Hoa Kỳ.
Ông Lý Hằng Thanh ví sự đối đầu giữa Tập Cận Bình và Trump như một “trò chơi không chớp mắt”, cuối cùng sẽ có một người phải chớp mắt trước. Nếu Trung Quốc liên tục vài tháng không có đơn đặt hàng xuất khẩu, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, 12 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay không có việc làm, xã hội bất ổn, Tập Cận Bình sẽ buộc phải “chớp mắt”.
Các biện pháp trả đũa thuế quan mà Mỹ và Trung Cộng thực hiện đã khiến tổng mức thuế quan vượt quá 100%. Nếu tiếp tục thực hiện, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong thương mại song phương, thậm chí là sự tách rời kinh tế.
Ông Lý Hằng Thanh cho rằng: “Thuế quan đối đẳng của 2 nước đã cơ bản làm đứt gãy quan hệ kinh tế Mỹ – Trung. Hai nước áp đặt mức thuế cao như vậy, trừ khi là những mặt hàng thiết yếu độc nhất vô nhị, nếu không sẽ không có thị trường”.
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Mỹ và Trung Quốc đạt khoảng 585 tỷ đô la Mỹ, trong đó, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 440 tỷ đô la Mỹ, cao hơn nhiều so với mức khoảng 145 tỷ đô la Mỹ mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ.
Ông Lý Hằng Thanh cho biết, trong 3 cỗ xe kéo kinh tế của Trung Quốc, hiện tại chỉ còn ngoại thương là hoạt động bình thường, mang lại thặng dư thương mại 300 tỷ đô la Mỹ với Mỹ, lợi nhuận cao nhất và mang lại lợi ích lớn nhất. Nếu thương mại Mỹ – Trung tách rời, kinh tế Trung Quốc sẽ càng thêm khó khăn.
Ông nói thêm rằng gần đây, một số hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã được bốc lên tàu, nhưng vì không thể gánh chịu mức thuế quan cao, cuối cùng người mua đã hủy đơn hàng. Còn rất nhiều hàng hóa đã sản xuất xong đang nằm trong kho, chiếm dụng lượng vốn lớn. Những áp lực này cuối cùng sẽ khiến một số thương nhân phá sản, và việc doanh nghiệp phá sản sẽ gây ra vấn đề việc làm. Cuộc sống của người dân Trung Quốc trong tương lai sẽ rất khó khăn.
Trương Đông (bí danh), người làm trong lĩnh vực vận tải hàng hóa tại cảng quốc tế Thượng Hải, trả lời phỏng vấn của phóng viên của Epoch Times cho biết, hoạt động vận tải quốc tế ở Thượng Hải hiện rất ảm đạm, “Sau Tết Thanh Minh, hầu như không có việc gì. Bây giờ, xe container xếp hàng dài chờ bốc hàng, chẳng có gì để làm…”.
Hoa Kỳ vẫn còn quân át chủ bài để kiềm chế ĐCSTQ
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại “Bữa tối của Tổng thống” của Ủy ban Quốc hội Đảng Cộng hòa Quốc gia vào ngày 8 tháng 4: “Phải nói rằng họ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) đang thao túng tiền tệ hiện nay để bù đắp tác động của thuế quan”.
Ngay giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung leo thang nhanh chóng, chính quyền Trung Cộng đã thao túng tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ. Lần đầu tiên sau 19 tháng, vào ngày 8 tháng 4, họ đã cho phép đồng nhân dân tệ giao dịch ở nước ngoài (CNH) rớt xuống mức thấp kỷ lục 7,4.
Cùng ngày, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đặt tỷ giá tham chiếu trung tâm giữa đồng đô la Mỹ và đồng nhân dân tệ ở mức khoảng 7,2 nhân dân tệ, cho phép tỷ giá hối đoái dao động trong biên độ 2%. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2023, và mức 7,2 từ lâu đã được coi là “lằn ranh đỏ mềm” mà chính quyền Trung Quốc kiên quyết bảo vệ.
Tờ Financial Times nhận định rằng việc PBOC đặt tỷ giá nhân dân tệ ở mức thấp nhất là 7,2 nhằm ngầm ám chỉ rằng họ sẽ cho phép đồng nhân dân tệ mất giá để bù đắp tác động của thuế quan Mỹ.
Ông Bessent cảnh báo chính quyền Trung Quốc rằng “không nên cố gắng thoát khỏi khó khăn bằng cách phá giá đồng tiền”, bất kỳ hành động phá giá nào cũng sẽ kích thích các quốc gia khác trên thế giới “liên tục tăng thuế quan để bù đắp cho việc phá giá”. Ông cũng nói rằng nền kinh tế Trung Quốc là “nền kinh tế mất cân bằng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại”, và việc Trung Cộng leo thang trả đũa Mỹ lần này sẽ khiến họ trở thành “kẻ thua cuộc”.
Lời cảnh báo của Hoa Kỳ vào thời điểm này có thể có nghĩa là họ không loại trừ khả năng chỉ định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ trong tương lai.
Ông Lý Hằng Thanh cho biết, “Sử dụng tỷ giá hối đoái thấp hơn để bù đắp tác động của thuế quan đối với thương mại xuất khẩu là một ý tưởng và hoạt động phổ biến trong chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Hoa Kỳ đã cảnh báo rõ ràng rằng “đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể phản tác dụng và bùng cháy dữ dội hơn. Đây là vấn đề cần được quan tâm”.
Khi được hỏi liệu ông có xóa sổ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ hay không, ông Bessant cho biết mọi phương án đều có thể được cân nhắc và không loại trừ khả năng xóa sổ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ.
Đây được coi là một quân át chủ bài nữa của Hoa Kỳ khi đối phó với ĐCSTQ. Tấn công vào cổ phiếu Trung Quốc chính là tấn công trực tiếp vào những người có quyền lực trong ĐCSTQ, vì liên quan đến nhiều lợi ích của họ.
Ông Lý Hằng Thanh nhấn mạnh rằng cuộc chiến thương mại thế giới do Hoa Kỳ khởi xướng này “cuối cùng sẽ thay đổi toàn bộ trật tự kinh tế và thương mại của thế giới. Sau khi trật tự mới được thiết lập, áp lực đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn. Nhiều chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng sẽ được tổ chức lại, điều này sẽ khiến Trung Quốc mất nhiều hợp đồng chuỗi cung ứng hơn”. Có thể nói rằng “năm nay không bằng năm ngoái, năm sau còn tệ hơn năm nay. Đây chính là hiện thực của Trung Quốc”.
Ông Phạm Sĩ Quý nói: “ĐCSTQ là một tai họa cho toàn cầu, không chỉ bán phá giá, phá hoại trật tự thương mại bình thường trên thế giới, mà còn lợi dụng số tiền kiếm được để tiến hành xâm nhập và bành trướng trên toàn cầu. Chỉ khi lật đổ và làm suy yếu Trung Cộng, Trung Quốc mới có hy vọng, người dân Trung Quốc mới có hy vọng, và thế giới mới có hy vọng”.
Từ khóa Trung Quốc Hoa Kỳ thuế quan
