Ngày 26/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Việt Nam, quốc gia đầu tiên trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á. Tại Hà Nội, ông thông báo về việc ký kết hợp đồng trị giá 9 tỷ euro (hơn 10 tỷ USD) với Việt Nam. Đồng thời, Tập đoàn vận tải biển CMA CGM của Pháp cũng tuyên bố sẽ xây dựng một bến cảng mới tại Việt Nam.

Macron 2
Ngày 26/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Việt Nam và được chào đón bởi Chủ tịch nước Lương Cường tại Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình video)

Hôm thứ Hai (26/5) tại Hà Nội, Tổng thống Macron đã tuyên bố về việc ký kết hợp đồng trị giá 9 tỷ euro (hơn 10 tỷ USD) với Việt Nam. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Đông Nam Á của ông.

Trong chuyến thăm này, hai bên Pháp – Việt đã ký kết hợp đồng trị giá 9 tỷ euro, đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong các lĩnh vực quốc phòng, hàng không và đường sắt. Đi cùng Tổng thống Pháp là các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp, bao gồm ông Rodolphe Saadé – Tổng giám đốc Tập đoàn CMA CGM.

Vào thứ Hai, Tập đoàn CMA CGM của Pháp cũng tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác với Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNC) của Việt Nam để xây dựng một bến cảng nước sâu mới ở miền Bắc Việt Nam, cụ thể là tại thành phố cảng Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư là 527 triệu euro (hơn 600 triệu USD).

Trong thông cáo báo chí, CMA CGM cho biết dự án nhằm đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ về lưu lượng hàng hóa tại miền Bắc Việt Nam, một trong những khu vực kinh tế sôi động nhất Đông Nam Á.

Hải Phòng là một thành phố cảng gần thủ đô Hà Nội. Thỏa thuận giữa CMA CGM và Công ty Tân Cảng Sài Gòn mang ý nghĩa chiến lược. Sau khi hoàn thành và cùng vận hành, khu cảng mới tại Hải Phòng sẽ có công suất lưu trữ đạt 1,9 triệu TEU (đơn vị container tiêu chuẩn), dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028.

Việt Nam là trung tâm sản xuất chính tại Đông Nam Á và là một trong những quốc gia xuất khẩu lớn của khu vực. Trong năm 2024, Việt Nam đạt thặng dư thương mại với Hoa Kỳ là 123,5 tỷ USD, xếp thứ 4 thế giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc lớn nhất tại Nam Á, vượt xa Malaysia.

Tập đoàn CMA CGM đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1989, hiện đang vận hành 29 tuyến đường biển tại 7 cảng của Việt Nam mỗi tuần. Công ty hiện đang sở hữu chung 2 bến cảng tại Việt Nam, gồm cảng Cái Mép ở miền Nam và cảng container quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.

Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và đứng đầu viện trợ ODA cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua, đạt 5,33 tỷ USD năm 2022; 4,8 tỷ USD năm 2023; 7 tháng năm 2024 đạt 2,96 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử… và nhập khẩu chủ yếu từ Pháp thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp-thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm…

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 8/2024, Pháp có 692 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 3,93 tỷ USD, đứng thứ 16/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến-chế tạo, sản xuất-phân phối điện khí nước điều hòa…

Bình Minh (t/h)