Quý I: Nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%
- Nguyên Hương
- •
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nông nghiệp quý I tăng trưởng âm 1,17%, diện tích gieo trồng lúa và năng suất trồng lúa đều suy giảm.
Nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi.
Báo cáo chỉ rõ ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%, chỉ cao hơn mức tăng trưởng âm 2,69% của quý I/2016 trong giai đoạn 2011-2020, làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,79%, thấp hơn mức tăng 4,96% và 5,42% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.
Diện tích gieo trồng lúa giảm cả Bắc, Trung, Nam
Tính đến trung tuần tháng Ba, cả nước gieo trồng được 2.998,7 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 97% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.076,8 nghìn ha, bằng 98,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.921,9 nghìn ha, bằng 96%.
Tại các địa phương phía Bắc, thời tiết nắng ấm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo trồng lúa. Hiện nay, cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên dự báo thời tiết sẽ nắng nóng, sâu bệnh gây hại diễn biến phức tạp, cần theo dõi sát diễn biến tình hình sâu bệnh và xử lý kịp thời các ổ bệnh để không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa.
Sản xuất lúa đông xuân ở các địa phương phía Nam gặp khó khăn do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, riêng diện tích gieo trồng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay đạt 1.546,4 nghìn ha, giảm 57,9 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước.
Xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng cao, tính đến ngày 20/3 có 33,8 nghìn ha lúa đông xuân bị nhiễm mặn, trong đó diện tích mất trắng là 20,2 nghìn ha, chiếm 1,3% diện tích gieo trồng. Một số địa phương có diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại nhiều do xâm nhập mặn: Trà Vinh 6,8 nghìn ha, Bến Tre 5,3 nghìn ha, Sóc Trăng 3,6 nghìn ha
Bên cạnh đó, diện tích trồng các cây lương thực khác cũng suy giảm, ngô chỉ còn 312,9 nghìn ha, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước; khoai còn 56 nghìn ha bằng 91,1%; đỗ tương còn 13,4 nghìn ha bằng 89,3%; lạc còn 113 nghìn ha bằng 93,5%;…
… năng suất lúa cũng giảm
Theo báo cáo sơ bộ, diện tích gieo trồng lúa mùa của toàn vùng ĐBSCL ước tính đạt 169,2 nghìn ha, giảm 2,5 nghìn ha so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 44,5 tạ/ha, giảm 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 753,2 nghìn tấn, giảm 26,6 nghìn tấn. Diện tích lúa bị nhiễm mặn làm năng suất lúa mùa giảm, đồng thời việc chuyển đổi diện tích trồng lúa mùa sang nuôi trồng thủy sản ở một số địa phương đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất vụ mùa của toàn vùng.
Các địa phương có diện tích gieo trồng lúa mùa giảm là Cà Mau giảm 2,1 nghìn ha; Kiên Giang giảm 1,5 nghìn ha, Bến Tre giảm 0,8 nghìn ha.
Xuất khẩu gạo tiềm ẩn nguy cơ thiếu lương thực trong nước
Trước đó, sáng 25/3, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số thị trường có mức tăng tương đối mạnh. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại.
“Đứng trước tình hình đó, nếu như việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như 2 tháng đầu năm thì Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước” – ông Khánh nhấn mạnh.
Nguyên Hương
Từ khóa xuất khẩu gạo COVID-19 nông nghiệp tăng trưởng âm