Sau tính lại, GDP tăng thêm 25,4%/năm
Quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố. Quy mô GDP thay đổi khiến nhiều chỉ tiêu thay đổi, như tổng thu nhập quốc gia (GNI), GDP bình quân đầu người, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP…
Tổng cục Thống kê (GSO) đã hoàn thành việc đánh giá lại quy mô GDP và gửi kết quả đánh giá lên Thủ tướng Chính phủ để công bố chính thức.
Tổng cục Thống kê cho biết quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. Các chỉ tiêu có liên quan bao gồm: Tích lũy tài sản; Tiêu dùng cuối cùng; Tổng thu nhập quốc gia (GNI); Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kết quả đánh giá lại quy mô GDP tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế – xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.
Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ, theo cơ quan thống kê.
Trong khi đó, nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa sẽ thấp hơn sau số liệu mới của GDP, như tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.
Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. “Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật”, cơ quan này khẳng định.
Trước đó, qua thông cáo báo chí và cung cấp thông tin báo chí, Tổng cục Thống kê nhiều lần khẳng định việc “đánh giá lại quy mô GDP” không phải là cách tính mới và là việc làm thường xuyên và định kỳ của các cơ quan thống kê, trong nước cũng như trên thế giới.
Phạm vi đánh giá lại quy mô GDP lần này là chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không bao gồm các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.
Ngày 7/8, tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đồng thời công bố việc đánh giá lại quy mô GDP. Theo cách tính mới, GDP/người sẽ tăng lên khoảng 3.000 USD/năm (năm 2018), thay vì 2.590 USD/người/năm theo cách tính hiện đang áp dụng. Số liệu cụ thể về quy mô GDP của nền kinh tế Việt Nam theo cách tính mới chưa được cung cấp. Theo cách tính hiện tại, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 5,5 triệu tỷ đồng (hơn 240 tỷ USD). Tuy nhiên, công bố đánh giá về năng suất lao động quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, trong đó, khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo sức mua tương đương (PPP) 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philipines. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa tính lại GDP nợ công