SSI Research: Xuất khẩu sang Trung quốc không còn hấp dẫn như trước
- Tường Văn
- •
Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) chỉ ra xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm tốc sau 2 năm tăng trưởng mạnh, khiến đây không còn là thị trường hấp dẫn như trước.
Người đồng hành dẫn báo cáo của SSI Research cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2018, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào hai thị trường Trung Quốc và Hồng Kông lần lượt đạt 28% và 9%, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (với tốc độ tăng trưởng tương ứng là 62% và 24%) – một dấu hiệu giảm tốc rõ rệt.
So với hồi tháng 1/2018, đà giảm của thị trường Trung Quốc thậm chí còn mạnh hơn. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Trung Quốc đã tăng đến 62% vào tháng 1, nhưng bị tụt giảm mạnh hơn một nữa xuống chỉ còn 28% trong quý 2/2018.
Trong khi đó, các thị trường quan trọng khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có tốc độ tăng trưởng thay đổi không đáng kể. Đáng chú ý, thị trường Ấn Độ có tốc độ tăng vượt bậc, lên gần 100% so với mức tăng dưới 40% trong cùng kỳ năm 2017.
Về các mặt hàng xuất khẩu, ngoài hàng dệt may và giày dép vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trong năm nay, 11 nhóm hàng khác có kim ngạch trên 1 tỷ USD như: điện tử, rau quả, thủy sản… đều bị sụt giảm mạnh. Thậm chí máy móc, cao su, gạo và dầu thô bị tăng trưởng âm.
Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất là điện thoại, đạt 267% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, con số này cũng chưa bằng một nửa của năm 2017 với 792%.
Đối với thủy sản, nhập khẩu của Trung Quốc chậm dần, tăng trưởng giảm từ 59% trong 6T.2017 xuống chỉ còn 12% trong nửa đầu năm 2018.
Trong khi đó, rau quả Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc cũng đang bị sụt giảm mạnh. Nếu như ăng trưởng bình quân xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc thường đạt trên 70%/năm trong giai đoạn 2014-2017, thì đến nay, tốc độ đó đã bị giảm xuống chỉ còn 18% trong 6 tháng năm 2018.
Sự giảm sút tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt sang thị trường Trung Quốc là những “chỉ dấu” báo hiệu tính hấp dẫn của thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam đã không còn như những năm gần đây nữa.
Theo SSI Research, sở dĩ tốc độ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc bị chậm lại là do thay đổi trong chiến lược kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI, cùng với đó là nhu cầu của thị trường Trung Quốc đang sụt giảm.
Về triển vọng trong những tháng sắp tới, SSI Research dự báo nhu cầu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục bị co hẹp hơn nữa do nền kinh tế đông dân nhất thế giới đang tăng trưởng chậm lại và đồng Nhân dân tệ bị mất giá sâu. Điều này, theo SSI Research, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa xuất khẩu Thị trường Trung Quốc chiến tranh thương mại