Nguy cơ từ dòng vốn Trung Quốc đổ vào điện than Việt Nam
- Tường Văn
- •
Tại buổi thảo luận về “Vai trò của Trung Quốc trong 50 năm phát triển ngành điện Việt Nam”, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ từ dòng vốn Trung Quốc đổ vào các dự án nhiệt điện than Việt Nam.
Kế hoạch đã được Trung Quốc lên kịch bản từ trước
Trung Quốc với vai trò là quốc gia đông dân nhất thế giới và có nhu cầu lớn về năng lượng, đặc biệt là điện, có tác động đáng kể đến sự dịch chuyển trong thị trường điện.
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Tuệ Anh từ đại học Oxford, mặc dù Đại Lục đang tìm cách giảm nhu cầu năng lượng 1,5%/năm, nhưng ước tính đến năm 2040, quốc gia này vẫn chiếm 1/4 lượng điện năng tiêu thụ của thế giới. Trung bình mỗi người dân nước này sẽ cần gấp đôi lượng điện năng so với hiện tại do xu hướng chuyển dịch các loại phương tiện chạy bằng xăng dầu sang động cơ điện.
Điều này đặt ra một tình huống Trung Quốc làm sao vừa phải tìm cách đáp ứng nhu cầu điện trong nước, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chiến dịch “xanh hóa bầu trời” của quốc gia đang có mức độ ô nhiễm môi trường, tỷ lệ khói bụi trong không khí cao hàng đầu thế giới.
Để làm được điều đó, Trung Quốc buộc phải tìm cách xuất khẩu các công nghệ lạc hậu và tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài. Và ASEAN là một lựa chọn không thể phù hợp hơn.
Trong khi Trung Quốc dư thừa năng lực sản xuất điện và máy móc công nghệ rẻ, các nước đang phát triển trong ASEAN lại cần các khoản đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết nhu cầu cao về năng lượng, cánh cửa các quốc gia này đang được mở rộng hết mức để đón nhà đầu tư nước ngoài.
Nắm bắt được điều đó, Trung Quốc đã vạch ra những kế hoạch nhằm tạo ảnh hưởng lên các thị trường điện trong ASEAN.
“Trung Quốc muốn tác động lên ASEAN thông qua nhu cầu về tiền đầu tư cho dự án năng lượng cũng như cơ sở hạ tầng của các nước này”, bà Tuệ Anh cho biết.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Trung Quốc đã thành lập một số ngân hàng và quỹ đầu tư cho vay vốn đầu tư vào hạ tầng năng lượng như: Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có vốn điều lệ 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp 30% vốn; quỹ Đầu tư cơ sở hạ tầng Trung Quốc – ASEAN trị giá 10 tỷ USD; và quỹ Con đường tơ lụa 40 tỷ USD.
Các quốc gia ASEAN có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất trong khu vực mà các khoản tiền đầu tư từ Trung Quốc nhắm tới gồm có: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Theo ước tính của OECD, 5 thị trường này chiếm hơn 10% tổng lượng điện năng tiêu thụ của toàn cầu, đồng thời tăng trưởng 6,2% hàng năm trong giai đoạn 2017–2021.
Trong những năm gần đây, 5 quốc gia này đã mở rộng cửa cho thị trường điện. Tính mở được đánh giá là rất lớn tính từ giai đoạn 2009–2011, trùng với thời gian các quỹ của Trung Quốc được thành lập.
Nguy cơ từ dòng vốn Trung Quốc
Tuy nhiên, khi nói đến đầu tư của Trung Quốc vào thị trường điện Việt Nam, rất nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi dòng tiền chủ yếu được đổ vào các dự án điện than có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Có mặt tại buổi thảo luận, bà Nguyễn Thị Hằng, đại diện Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) nhắc lại về báo cáo “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: Góc nhìn tài chính” của tổ chức này hồi tháng 5/2017 . Theo đó, Trung Quốc hiện đang cấp khoảng 8,3 tỷ USD vốn vay vào lĩnh vực điện than.
Bằng việc cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở Việt Nam, GreenID nhấn mạnh Trung Quốc, (ngoài ra có Nhật Bản và Hàn Quốc) đã đạt được mục đích mở rộng thị trường cho các công ty thiết kế, cung cấp thiết bị và xây dựng của những quốc gia này.
Điều này đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, nơi mà hàng loạt các công ty trong lĩnh vực nhiệt điện than bị giảm thị phần do vấn đề dư thừa công suất điện than, lo ngại ô nhiễm môi trường và cạnh tranh từ ngành năng lượng tái tạo.
Với Trung Quốc, hoạt động cấp vốn vay cho các dự án nhiệt điện than còn giúp mở đường đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đi kèm và nhập khẩu tài nguyên của quốc gia này, đồng thời gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần phải ước tính được công suất điện mà Trung Quốc tạo ra tại Việt Nam là bao nhiêu, công nghệ đưa tới là mới hay cũ. Bởi lẽ, nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện có chất lượng kém, bị đội vốn nhiều lần, chậm tiến độ, trong khi sản phẩm tạo ra thì không đáng kể.
Qua quan sát, bà Lan nhận định “ý định làm điện than của Việt Nam còn rất lớn, với lý do là chi phí rẻ”. Tuy nhiên, đó chỉ là sự “ăn gian” khi bỏ qua các chi phí ngoại biên và những hệ quả cần giải quyết liên quan đến môi trường.
“Trung Quốc đang muốn bỏ điện than, họ dư thừa và muốn phân tán. Việt Nam là nơi họ muốn bán”, bà cho hay.
Do đó, bà Phạm Chi Lan cho rằng cần cân nhắc kỹ về vấn đề này, bởi không phải ngẫu nhiên mà cựu Phó Tổng Thống Mỹ AI Gore trong chuyến thăm Việt Nam vào ngày 3/8 mới đây lại đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Nhiều chuyên gia khác tại hội thảo cũng bày tỏ lo ngại thực tế phức tạp đằng sau dòng vốn Trung Quốc đổ vào các dự án điện tại Việt Nam. Chẳng hạn, có những dự án có vốn là từ chủ đầu tư Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), nhưng nguồn vốn đó lấy từ đâu cũng lại là vấn đề. Bên cạnh đó là việc có các nhà thầu Trung Quốc yếu nhưng lại được trúng thầu dự án điện, điều này dẫn đến lo ngại các khoản “chi phí gầm bàn” làm ảnh hưởng đến chất lượng, tính minh bạch của các dự án điện tại Việt Nam.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa dự án nhà máy nhiệt điện than Nhiệt điện than Đông Nam Á Con đường tơ lụa mới vay tiền Trung Quốc dự án Trung Quốc nhiệt điện than