Gần đây công ty tư vấn Strategy Risks đã có báo cáo chỉ ra Ford Motor gặp rủi ro cao nhất trong 250 công ty hàng đầu của Mỹ đầu tư ở Trung Quốc, mức độ trên cả các “gã khổng lồ” như Apple và Tesla. 

Ford
Logo của Ford tại triển lãm xe ở Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Strategy Risks là công ty giúp các công ty giảm thiểu rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc, họ phân tích và định lượng các công ty và lĩnh vực trên 5 phương diện: các nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, quan hệ đối tác với các công ty và Chính phủ Trung Quốc, rủi ro về các vấn đề khu vực, rủi ro liên quan đến chuỗi cung ứng, và tính minh bạch trong việc tiết lộ đánh giá rủi ro của họ.

Đánh giá trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau trên nhiều vấn đề như công nghệ và quân sự…

Bloomberg hôm thứ Hai (30/9) đưa tin công ty Strategy Risks có trụ sở tại New York đã phân tích và xếp hạng rủi ro của 250 công ty lớn nhất Mỹ tại Trung Quốc. Chỉ số mới nhất của hãng này cho thấy, năm 2023 công ty Ford đứng đầu trong danh sách rủi ro này với điểm rủi ro tổng thể là 69/100, thứ 2 với số điểm rủi ro 65 là nhà sản xuất máy điều hòa không khí Carrier Global Corp và công ty Apple, còn thứ 3 là Tesla và Coca-Cola với 63 điểm.

Ngoài ra trong top 10 còn có: Cummins, Honeywell International, RTX Corp (trước đây gọi là Raytheon Technologies), Walt Disney, và Caterpillar.

Strategy Risks cho biết rủi ro của Ford đã tăng 20 điểm kể từ năm 2022, số điểm hiện tại của hãng cao hơn gấp đôi so với số điểm trung bình là 34 điểm.

Bảng xếp hạng tính đến doanh thu của một công ty ở Trung Quốc, quan hệ đối tác với các công ty và nhà nước Trung Quốc; liên quan đến lao động, nhân quyền và chuỗi cung ứng; ngoài ra là liệu các công ty có lộ đánh giá riêng của họ về rủi ro trong khu vực này hay không.

Báo cáo Strategy Risks cho thấy tại Trung Quốc, Ford là đồng sở hữu của ít nhất 7 liên doanh do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Tính đến tháng 12/2023 Ford sở hữu ít nhất 4 liên doanh bị ảnh hưởng bởi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Ford cho biết họ có 3 liên doanh ở Trung Quốc.

Theo Strategy Risks, chỉ số này không đo lường “sự hiện diện ở Trung Quốc” hay “thị phần Trung Quốc”, mà đo lường “rủi ro ở Trung Quốc”, cũng như mức độ liên quan của Ford với nhà nước Trung Quốc và mức độ rủi ro liên quan.

Đầu năm nay, Giám đốc điều hành Ford là ông Jim Farley cho biết, công ty đã lên kế hoạch cắt giảm chi phí trên tất cả các hoạt động tại Trung Quốc để phục hồi sau doanh số bán hàng trì trệ ở đó.

Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải công bố cuộc khảo sát thường niên vào ngày 12/9, cho thấy những vấn đề của Trung Quốc như căng thẳng chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, và cạnh tranh khốc liệt trong nước đang làm suy yếu niềm tin vào Trung Quốc của các công ty Mỹ, mức lạc quan của họ về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới đã giảm xuống mức thấp nhất.

Cuộc khảo sát này với 306 công ty Mỹ cho thấy chỉ có 47% lạc quan về triển vọng kinh doanh của họ ở Trung Quốc trong 5 năm tới, giảm 5% so với năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1999. Khảo sát cũng cho thấy số công ty Mỹ kiếm được lợi nhuận ở Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, chỉ chiếm 66%.