Sụp đổ ngân hàng SVB gây hoảng loạn cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc
- Lâm Yến
- •
Sự hoảng loạn do sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) tại Mỹ đang lan sang thị trường đầu tư mạo hiểm Trung Quốc.
Cơ quan quản lý Mỹ đã đóng cửa ngân hàng SVB vào thứ Sáu (ngày 10/3), đánh dấu sự kiện ngân hàng đóng cửa lớn nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008, đồng thời gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới công nghệ. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang, SVB là ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khoảng 209 tỷ đô la tài sản tính đến ngày 31/12.
Trên các mạng truyền thông xã hội, các nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp đang đổ xô chia sẻ thông tin liên quan mà các phương tiện truyền thông đưa tin, và việc làm thế nào để ngăn chặn thảm họa thế này xảy ra. Đối với một số công ty Trung Quốc, mặc dù SVB ở rất xa bên kia đại dương, nhưng tác động của sự sụp đổ là có thật.
Vào cuối những năm 1990, khi Trung Quốc vẫn còn lạ lẫm đối với đầu tư mạo hiểm, SVB là một trong những tổ chức tài chính đầu tiên bắt đầu phục vụ các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, trong khi các ngân hàng truyền thống ngại rủi ro né tránh các công ty khởi nghiệp này.
Theo thời gian, SVB đã trở thành lựa chọn phổ biến cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc huy động vốn bằng đô la Mỹ, và SVB cũng là lựa chọn hàng đầu của một số công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào đô la Mỹ ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, lần này khi SVB thông báo ý định bán cổ phần để tìm kiếm thêm nguồn vốn, các công ty đầu tư mạo hiểm đã thúc giục các công ty trong danh mục đầu tư của họ rút tiền khỏi ngân hàng.
Trang web công nghệ TechCrunch đưa tin, 3 nhà sáng lập công ty công nghệ Trung Quốc và 2 nhà đầu tư mà họ phỏng vấn cho biết, các nhà đầu tư cũng đưa ra lời khuyên tương tự cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc có hợp tác với ngân hàng SVB.
Một trong những nhà sáng lập công ty công nghệ Trung Quốc cho biết: “Sau khi thấy giá cổ phiếu của SVB giảm 30% trong giao dịch tiền thị trường, mọi người nhận ra rằng có điều gì đó không ổn”.
“Sau khi nghe các nhà đầu tư Mỹ bảo tôi rút tiền từ SVB, tôi đã ngay lập tức nói với các đối tác Trung Quốc khác.” Ứng dụng do công ty của anh ấy phát triển nhắm đến người dùng Bắc Mỹ.
Phương tiện truyền thông trong nước của Trung Quốc “Nhật báo Tài chính Kinh tế Số 1” (yicai.com) dẫn lời một người trong ngành nói rằng một số công ty khởi nghiệp của Trung Quốc đã mất hàng trăm triệu nhân dân tệ do sự sụp đổ của SVB.
Andy (hóa danh), doanh nhân của một công ty khởi nghiệp y tế Trung Quốc, đã đăng một khoảnh khắc trên WeChat vào trưa ngày 11/3: “Tôi không ngờ rằng khi tỉnh dậy thì đã đuổi kịp sự sụp đổ của ngân hàng, cuộc sống của tôi thật toàn vẹn”. Phần lớn tài sản bằng đô la Mỹ công ty của Andy là ở SVB, chủ yếu dành cho việc trả lương cho nhân viên văn phòng ở Mỹ.
Nhiều nhà đầu tư cũng xác nhận rằng các công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ có cấu trúc VIE (mô hình sở hữu đặc biệt), đặc biệt đối với các doanh nhân sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm bằng đô la Mỹ làm cấu trúc VIE, thì SVB là lựa chọn duy nhất cho các công ty mới thành lập của Trung Quốc gửi tài sản ở nước ngoài.
Bộ phận nội địa hóa của SVB tại Trung Quốc dường như không bị ảnh hưởng trong thời điểm hiện tại. SVB lần đầu tiên bắt đầu hoạt động tại Trung Quốc vào năm 1999, theo trang web của ngân hàng này. Vào năm 2012, SVB đã thành lập một liên doanh với Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải, đây là ngân hàng Trung – Mỹ đầu tiên nhận được giấy phép kể từ năm 1997.
Bloomberg News trước đó đưa tin rằng ngân hàng liên doanh này đã yêu cầu các khách hàng của mình giữ bình tĩnh và nói rằng hoạt động tại trụ sở chính không bị ảnh hưởng.
Từ khóa công ty công nghệ Trung Quốc Ngân hàng SVB SVB sụp đổ công ty khởi nghiệp Trung Quốc