Tính đến thời điểm hiện tại, VNĐ mất giá hơn 4%, ngang bằng mức trượt giá được dự báo cho cả năm. Đây là yếu tố bất ổn khiến Ngân hàng Nhà nước phải đối phó nhiều nhất trong Quý I/2024.

usd
Tỷ giá USD đã tăng hơn 4% kể từ đầu năm. Nguồn ảnh VTV.vn

Biến động tỷ giá không chỉ tác động gián tiếp lên lạm phát mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc có khoản vay nợ tiền USD.

Báo cáo tài chính quý I năm nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ khi giá USD liên tục tăng cao.

Cụ thể, Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVChem) ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ gần 9,4 tỷ đồng.

Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ghi nhận doanh thu thuần trong khi quý I/2024 giảm 16%, về mức 6.243 tỷ đồng. Theo đó, PV Power ghi nhận chi phí tài chính tăng 10% lên 154 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lỗ chênh lệch tỷ giá với hơn 70 tỷ đồng.

Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) công bố bị lỗ chênh lệch tỷ giá 452 tỷ đồng trong quý I/2024. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này đến từ việc đánh giá lại các khoản vay, trái phiếu và khoản mục khác có gốc ngoại tệ.

Tập đoàn dệt may (Vinatex) báo cáo lợi nhuận gộp trong quý I/2024 tăng 5% lên 345 tỷ đồng. Nhưng do tỷ giá tăng, công ty phát sinh khoản lỗ tỷ giá lớn do đánh giá lại số dư gốc vay ngoại tệ khiến lợi nhuận ròng giảm 36% xuống 36,5 tỷ đồng.

Theo số liệu Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, tính đến tháng 6/2023 nợ nước ngoài của doanh nghiệp 102,6 tỷ USD. Như vậy với mức tăng của tỷ giá 5% từ đầu năm, doanh nghiệp Việt đã thiệt hại hơn 5 tỷ USD riêng trong Quý I.

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá là một vấn đề lớn của nền kinh tế, nếu không quản lý hiệu quả, sẽ tác động tới lạm phát. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt vấn đề quản lý tỷ giá và điều hành trong thời gian tới.

Gần đây, NHNN có động thái bơm ròng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá với lãi suất cao nhằm kéo lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lên, giảm chênh lệch lãi suất USD và VND, từ đó giảm áp lực đầu cơ USD.

Cụ thể, ngày 23/5 NHNN đã cho các thành viên vay gần 43.100 tỷ đồng, con số kỷ lục trong nhiều năm với lãi suất trúng thầu 4,5%/năm.  Ngày 24/5, NHNN lại tiếp tục cho 7 thành viên vay tổng cộng hơn 27.019 tỷ đồng qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá với lãi suất 4,5%/năm, kỳ hạn 14 ngày. Đây tiếp tục là một phiên có khối lượng cao trong năm 2024.

Ngoài ra, theo thông tin từ Bản tin thị trường tài chính của ACB, kể từ ngày cuối tháng 4 đến nay, NHNN đã bán ra 3,5 tỷ USD với mức giá 25.450 đồng, riêng khối lượng bán ra trong phiên 24/5 là 400 triệu USD. Ngoài tác dụng hỗ trợ tỷ giá, động thái này cũng hút một lượng VND tương ứng (gần 90.000 tỷ đồng) khỏi các ngân hàng thương mại. Đây có thể là một phần nguyên nhân khiến NHNN phải bơm ròng kỷ lục trong những phiên vừa qua.

Nguyên Hương (t/h)