Tuần này, Tổng thống Mỹ Biden tăng thuế đối với một loạt hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, động thái là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Những biện pháp của Mỹ đang thay đổi bản đồ thương mại của châu Á, theo đó thương mại Đông Á trong tương lai có thể không còn tập trung vào Trung Quốc.

Container Los Angeles 1
Hàng nghìn container vận chuyển cập cảng Long Beach gần Los Angeles California năm 2021. (Ảnh: ADLC/ Shutterstock)

Hôm thứ Ba (14/5), chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã tăng thuế đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết các biện pháp mới ảnh hưởng đến 7 loại sản phẩm: thép và nhôm, chất bán dẫn, pin, khoáng sản quan trọng, pin mặt trời, cần cẩu từ tàu lên bờ, và các sản phẩm y tế.

Kể từ năm 2018, chính quyền Mỹ dưới cả 2 thời tổng thống dù đối đầu nhau nhưng đã nhất quán trong phát động cuộc chiến thương mại và công nghệ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhằm ngăn chặn hành vi phi thị trường đồng thời nỗ lực đẩy Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghệ cao cấp.

Dưới ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị, xuất khẩu sang Mỹ của Đài Loan đang có tăng trưởng nhanh chóng và mạnh mẽ, một phần vì Đài Loan là nơi sản xuất chất bán dẫn tiên tiến quan trọng trên thế giới.

Dữ liệu do chính quyền Đài Loan công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy, doanh số bán hàng của Đài Loan sang thị trường Mỹ trong tháng Tư năm nay tăng 81,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức cao kỷ lục. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Đài Loan sang Mỹ đạt mức cao nhất trong cùng kỳ 24 năm trước đó; chiều ngược lại là thương mại với Trung Quốc không ngừng giảm, chạm mức thấp nhất trong 22 năm. Ngay cả khi bao gồm cả Hồng Kông, thị phần thương mại của Trung Quốc với Đài Loan cũng giảm dần.

Cao Hung Dai Loan
Trung tâm Container số 7 Cảng Cao Hùng Đài Loan. (Ảnh: Epoch Times)

Vấn đề tương tự cũng đang diễn ra với các đồng minh châu Á khác của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai nền kinh tế quan trọng của châu Á này cũng đang tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, chiều ngược lại là xuất khẩu của họ sang Trung Quốc suy giảm.

Xu hướng thương mại sẽ kéo theo thay đổi dòng đầu tư, theo đó các công ty toàn cầu bắt đầu tăng cường đầu tư vào những nơi khác như khu Đông Nam Á, Mexico… để tránh thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc. Các công ty từ Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang thúc đẩy xây dựng thêm nhà máy ở Mỹ để tranh thủ nguồn trợ cấp của Mỹ cho các ngành công nghệ cao.

Quá trình này thúc đẩy các nhà sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước thân thiện hơn với Mỹ, hướng theo chủ trương “gần bờ” của chính quyền Tổng thống Biden, điều này cũng đẩy nhanh việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyen tại Natixis nói với Bloomberg: “Hiện tượng này trên toàn khu vực phản ánh cuộc chiến thương mại và đầu tư Mỹ-Trung”; “Tôi nghĩ hiện tượng này sẽ phát triển mạnh mẽ”.

Trung Quốc sẽ không còn là trung tâm thương mại Đông Á

Xu thế các công ty nước ngoài ngày càng hạn chế mở rộng hoạt động ở Trung Quốc là thực tế. Trong cuộc khảo sát mới nhất, chỉ 13% công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc cho biết Trung Quốc là điểm đến đầu tư ưa thích của họ – con số này chưa bằng một nửa so với con số đó vào năm 2021.

Tại các nền kinh tế hàng đầu châu Á như Nhật Bản, đầu tư mới vào Trung Quốc từ Nhật Bản cũng giảm dần kể từ năm 2021. Cuộc khảo sát mới nhất cho thấy điều kiện hoạt động của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc rất khó khăn, khoảng 50% công ty dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ xấu đi vào năm 2024 – tỷ lệ này đã tăng từ mức 37% vào cuối năm ngoái, theo đó đa số doanh nghiệp không có kế hoạch tăng cường đầu tư Trung Quốc.

Nhờ chính sách trợ cấp của ĐCSTQ, chuỗi công nghiệp xe điện của Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng, Trung Quốc hiện có hơn 200 nhà sản xuất xe điện gây ra tình trạng dư thừa công suất rất lớn. Các chuyên gia dự đoán rằng nhiều công ty nhỏ hơn sẽ không thể tồn tại. Ngoài ra cuộc chiến giá điên cuồng giữa các hãng xe Trung Quốc cũng khiến các hãng xe nước ngoài giảm sản lượng và đầu tư vào Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Ngày 10/1/2024 tại cảng Yên Đài ở tỉnh Sơn Đông  miền đông Trung Quốc, một số lượng lớn xe điện xuất khẩu đang chờ được chất lên con tàu nội địa dùng để xuất khẩu ô tô Trung Quốc BYD Explorer 1 (STR/AFP/Getty)

Tập đoàn ô tô Hyundai của Hàn Quốc đã bán lỗ nhà máy ở Trùng Khánh sau khi doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Mitsubishi Motors của Nhật Bản cũng quyết định rút khỏi Trung Quốc, chấm dứt sản xuất tại Trung Quốc. Trong khi đó Honda Motor mới đây có khoảng 1.700 người đã tự nguyện nghỉ việc do vấn đề doanh số bán hàng sụt giảm.

Đài Loan cũng đã giảm đáng kể đầu tư vào Trung Quốc.

Đơn đặt hàng xuất khẩu cho thấy Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ chính trong điểm đến cuối của những sản phẩm hoàn thiện của Đài Loan. Tuy quá trình xử lý trung gian thường đi qua Trung Quốc, nhưng dữ liệu mới nhất cho thấy hàng xuất khẩu của Đài Loan đã bắt đầu hoàn toàn bỏ qua Trung Quốc. Đầu tư mới của Đài Loan vào Trung Quốc cũng giảm mạnh, từ mức đỉnh 14,6 tỷ USD năm 2010 xuống còn 3 tỷ USD vào năm ngoái.

Những hiện tượng này cho thấy, sau đại dịch COVID-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung do tời Tổng thống Trump khởi xướng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang nhanh chóng được tổ chức lại.

Cảnh giác công ty Trung Quốc dùng nước thứ ba để tránh thuế

Hiện nay để tránh thuế quan với hy vọng duy trì thị phần của mình trong chuỗi cung ứng, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á và Mexico.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty Trung Quốc cố gắng lắp ráp và sản xuất ở nước thứ ba để tránh thuế quan của Mỹ, nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Đại diện Thương mại Katherine Tai, cho biết Mỹ đang rất chú ý đến vấn đề này.

Tại phiên điều trần hôm thứ Tư, bà Raimondo nói với các thượng nghị sĩ Mỹ rằng Bộ Thương mại lo ngại về các báo cáo cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc có kế hoạch lắp ráp xe ở Mexico. Bà cho biết sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn các công ty Trung Quốc lách thuế quan của Mỹ. Bà chia sẻ: “Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo công ty Trung Quốc không lách được các mức thuế mới này của Mỹ thông qua con đường Mexico  ”.