Theo Bloomberg, doanh số bán thép hàng năm của thương nhân Thượng Hải Yu Yongzhang đã giảm hơn 3/4 chỉ sau vài năm, khiến ông “không còn hy vọng”. Tại Chile, ông Hector Medina, người đã làm việc tại nhà máy thép Cap SA gần 50 năm, sắp mất việc. Tất cả những điều này là vì “sự dư thừa sản lượng” do các chính sách của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.

thep khong gi
Các cuộn thép không gỉ trong nhà máy. (Ảnh minh họa: Vladimir Mulder/Shutterstock)

Khi nói đến thép, sản lượng hàng năm của Trung Quốc đã vượt quá 1 tỷ tấn, vượt xa một nửa tổng sản lượng toàn cầu.

Hiện nay, cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở Trung Quốc đã khiến ngành xây dựng trong nước bị thu hẹp, và nguồn thép rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Đối với phần còn lại của thế giới, tình trạng dư thừa sản lượng của Trung Quốc tạo ra mối lo ngại về việc bán phá giá, từ đó đẩy giá xuống, buộc các nhà máy phải đóng cửa và công nhân mất việc làm.

Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tăng thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc trong bài phát biểu tại Hiệp hội Công nhân Sắt thép Hợp nhất (AA). Cố vấn kinh tế Lael Brainard của ông chỉ ra rằng tình trạng dư thừa sản lượng do các chính sách của Bắc Kinh gây ra, đã dẫn đến mối đe dọa nghiêm trọng cho tương lai của ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng đã bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép của Trung Quốc thông qua các nước thứ ba như Mexico.

Tại Trung Quốc, nhu cầu yếu và dư thừa công suất đã khiến số lượng công ty thua lỗ tăng nhanh, hơn 2.300 công ty thua lỗ trong tháng 6, tăng 1/3 so với cuối năm ngoái. 

Ông Yu Yongzhang, chủ công ty thương mại ở Thượng Hải bán cọc thép cho nền móng xây dựng, cho biết: “Cùng với việc giá cả giảm mạnh, lợi nhuận cũng giảm sút. Năm nay gần như tôi không kiếm được tiền.

Tuần này, ông Hồ Vọng Minh (Hu Wangming), ông chủ của Baowu Steel Group, cho biết ngành thép Trung Quốc đang phải đối mặt với một “mùa đông khắc nghiệt”. Vào ngày 15/8, ông Trương Nhuệ (Zhang Rui), tổng giám đốc công ty thép Shanxi Jianbang Group Company, cho biết trên kênh WeChat của mình rằng ngành thép cần cắt giảm hơn 30% nhân viên để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.

Ông Ngô Văn Chương (Wu Wenzhang), người sáng lập công ty tư vấn Shanghai Steel Home E-Commerce Co., Ltd., người đã làm việc trong ngành thép 40 năm, cho biết: “Nhu cầu thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh, tiếp theo chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự sụt giảm ổn định.”

Khi giá thép nội địa ở Trung Quốc giảm mạnh, xuất khẩu trở nên có lãi hơn. Giá thép cuộn cán nóng xuất khẩu từ Trung Quốc hiện nay thấp nhất kể từ năm 2020.

Trong nửa đầu năm, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc tương đương với toàn bộ sản lượng của Bắc Mỹ và dự kiến ​​sẽ đạt khoảng 100 triệu tấn trong năm nay.

Khi công ty Salzgitter AG của Đức công bố kết quả tài chính nửa đầu năm trong tuần này, họ đã chỉ ra rằng tình trạng dư thừa sản lượng và xuất khẩu của Trung Quốc là nguyên nhân khiến công ty thua lỗ. ArcelorMittal SA, nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu, cũng đưa ra những lời chỉ trích tương tự.

Martin Theuringer, giám đốc điều hành Hiệp hội Thép Đức, cho biết: “Những cảnh báo từ Trung Quốc cho thấy nỗi lo sợ của chúng tôi đang trở thành hiện thực”.

Chính phủ Chile đã nhanh chóng áp đặt mức thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm nay để ngăn nhà máy thép Cap SA ngừng hoạt động lò cao. Sau khi công ty tiếp tục thua lỗ nặng nề, công ty phải quyết định đóng cửa. 

Ông Hector Medina, lãnh đạo công đoàn 72 tuổi, phải đối mặt với khoản trợ cấp thôi việc cho 2.500 nhân viên. Điều này cũng giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế địa phương, nơi sinh kế của hơn 20.000 người phụ thuộc phần nào vào hoạt động của nhà máy thép Cap SA.

“Việc đóng cửa là rất đáng hổ thẹn, việc này hoàn toàn là do sự cạnh tranh cực kỳ không công bằng từ Trung Quốc”, ông Medina nói: “Tất cả chúng ta sẽ mất nguồn thu nhập”.

Châu Mỹ Latinh đã chứng kiến ​​sự gia tăng nhập khẩu giá rẻ trong những năm gần đây. Vào cuối thế kỷ 20, xuất khẩu thép của Trung Quốc sang khu vực chỉ đạt 80.500 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, năm ngoái con số đó đã tăng vọt lên gần 10 triệu tấn.

Ông Daniel Rey, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp thép Colombia, đang thúc giục chính phủ thực hiện các chính sách bảo vệ, cho biết: “Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng hơn”.