Giá cước vận tải container đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và còn tiếp tục tăng mạnh do tình trạng thiếu container rỗng, tình trạng tắc nghẽn cảng toàn cầu.

  • Giá cước tăng mạnh, các hãng tàu chỉ dám báo giá theo tuần
  • Thiếu hụt container rỗng, doanh nghiệp cần đặt trước 4-5 tuần mới đảm bảo xuất hàng đúng thời điểm

CONTAINER YARD TPS TANJUNG PERAK 2012
Container rỗng cho hàng xuất khẩu đang thiếu nghiêm trọng khiến giá cước vận tải không ngừng tăng. Ảnh Wikimedia.

Giá cước tăng mạnh, các hãng tàu chỉ dám báo giá theo tuần

Theo các báo cáo cập nhật từ các công ty môi giới tàu biển, các chuyên trang nghiên cứu hàng hải thế giới, giá cước vận tải container tuyến hàng hải quốc tế đã tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 110% so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Mức giá tăng vọt này đến từ các nguyên nhân như nguồn cung tàu container bị hạn chế bởi các tàu đang phải định tuyến lại quanh khu vực Biển Đỏ do xung đột chiến sự. Thị trường đang bước vào mùa cao điểm. Tình trạng thiếu container rỗng gia tăng. Việc Mỹ sẽ tăng mạnh thuế quan đối với xe điện, tấm pin mặt trời và vật tư y tế của Trung Quốc từ khoảng 25% lên tới 100% từ tháng 8/2024 đã thúc đẩy nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trước khi việc áp thuế có hiệu lực. Các chủ hàng đang gấp rút vận chuyển hàng đến Mỹ vì lo ngại đình công nếu cuộc đàm phán tiền lương giữa công nhân cảng ở Bờ Đông của nước Mỹ vào tháng 9 tới diễn ra không suôn sẻ.

Theo đó, việc bùng nổ giá cước vận tải đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết các tuyến vận tải, bao gồm các tuyến đến châu Mỹ Latinh, châu Phi và trong khu vực châu Á.

Trước đây các hãng tàu báo giá cước container cho thời gian từ 15 ngày đến 1 tháng, nhưng hiện nay chỉ báo giá theo tuần, giá cước có xu hướng tăng nhanh và liên tục, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày.

Cụ thể, theo dữ liệu Xeneta, giá cước vận chuyển container (Ocean Freight) tuần 24/2024 tuyến từ Châu Á đến Bờ Tây Bắc Mỹ: 5.947 USD/FEU, tăng 0,71% tuần trước và tăng 50,33% so với tháng trước; Tuyến từ Châu Á đến Bắc Âu: 5.836 USD/FEU, tương đương tăng 1,50% so với tuần trước và tăng 54,92% so với tháng trước.

Ngược lại, giá cước chiều từ Châu Mỹ, Châu Âu về châu Á có xu hướng giảm nhẹ để thu hút container rỗng về các cảng biển khu vực châu Á. Đơn cử giá cước vận chuyển container từ Bắc Mỹ (Bờ Tây) đến Châu Á tuần 24/2024 giảm xuống mức 688 USD/FEU, tương đương giảm 2,41% so với tuần trước, và giảm 6,65% so với tháng trước.

Tình trạng tắc nghẽn cảng lan rộng toàn cầu

Tình trạng tắc nghẽn cảng toàn cầu và châu Á ngày càng nghiêm trọng. Trước bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng đột biến nhưng nguồn cung tàu container không đáp ứng kịp, tình trạng tắc nghẽn cảng đã quay trở lại tương tự thời kỳ dịch Covid-19 và có phần trầm trọng hơn.

Từ cuối tháng 5/2024, chỉ số tắc nghẽn cảng toàn cầu đã chạm mốc 2 triệu TEU, chiếm 6.8% đội tàu toàn cầu. Trong đó Singapore – cảng lớn thứ hai thế giới – đã trở thành điểm nóng tắc nghẽn mới với thời gian chậm trễ cập bến thông thường chưa đến 1 ngày giờ lên tới 7 ngày, tổng công suất chờ cập bến tăng lên 450.000 TEU. Điều này buộc một số hãng tàu nước ngoài lớn phải mất thời gian chờ và phải hủy các chuyến ghé cảng này theo kế hoạch

Căng thẳng do tắc nghẽn đã chuyển sang các cảng khu vực Đông Nam Á, được thống kê chiếm hơn 26% công suất container tắc nghẽn toàn cầu: Port Klang và Tanjung Pelepas của Malaysia với ghi nhận các tàu hàng mất trung bình 9 giờ để cập các cảng này. Thời gian chờ đợi cũng tăng lên ở tất cả các khu vực cảng chính của Trung Quốc, trong đó Thượng Hải và Thanh Đảo có thời gian trì hoãn lâu nhất (5 ngày).

Hệ quả của tình trạng tắc nghẽn cảng rất nghiêm trọng. Gần một nửa số chuyến tàu container đi hướng Tây Á – châu Âu và châu Á – Bắc Âu đã không khởi hành đúng giờ. Thời gian vận chuyển trung bình tối thiểu từ Đông Nam Á đến Địa Trung Hải trong 5 tháng đầu năm 2024 đã  tăng 39% so với giai đoạn ngay trước đó là từ tháng 7 đến tháng 12-2023. Các hãng tàu nước ngoài liên tục tăng phụ phí (GRI) để bù đắp chi phí chờ đợi cập cảng.

Cần đặt container rỗng trước 4-5 tuần mới xuất được hàng

Theo Thống kê của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng container thông qua các cảng trong hệ thống có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, các cảng khu vực TP.HCM đạt hơn 2,2 triệu Teu, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Các cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải đạt hơn 1,1 triệu Teu, tăng 13,8% và các cảng khu vực Hải Phòng đạt sản lượng 761.000 Teu, tăng 31,5%.

Đáng chú ý, sản lượng nhập rỗng tăng nhẹ 3.685 Teu (tăng 2,13%), nhưng sản lượng xuất rỗng tăng mạnh 19.605 Teu (tăng 25,31%) so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó tổng giám đốc Tân cảng Sài Gòn nhận định, sản lượng xuất rỗng tăng gấp 2 lần tỷ lệ mức tăng tổng sản lượng thông qua cảng Tân Cảng Cát Lái.

Điều này cho thấy, xu hướng mất cân bằng container rỗng tại các cảng trong khu vực nội Á, cũng là nguyên nhân tác động đến giá cước vận chuyển các tuyến nội Á.

Đánh giá tình trạng container rỗng thời gian qua có những biến động, nhiều doanh nghiệp cảng biển cho biết, vòng luân chuyển của container rỗng thường từ 14-15 ngày.

Hiện, thời gian luân chuyển chỉ khoảng 4-6 ngày. Thậm chí, lượng container rỗng cũng biến đổi theo giờ.

Để đảm bảo lượng container rỗng cho khách hàng, các hãng tàu lớn phải chuyên chở mang container rỗng từ nước ngoài về Việt Nam, khuyến khích nhà nhập khẩu lấy container nhanh hơn,  mua thêm container rỗng mới.

Đại diện một hãng tàu cho biết, lượng container rỗng chỉ thiếu cục bộ trong khoảng 2-3 tuần để chờ thời gian nhập rỗng từ nước ngoài về. Để đảm bảo cho việc xuất nhập khẩu, các khách hàng cần đặt trước vỏ container khoảng 4-5 tuần để các hãng cân bằng nhu cầu vỏ rỗng.

Nguyên Hương (t/h)