‘Thiếu’ than cung ứng, Tập đoàn Than-Khoáng sản xin tăng giá bán
- Quang Minh
- •
Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có báo cáo gửi Bộ Công thương đưa ra nhiều lý do dẫn tới “thiếu than” cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện trong 3 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, TKV cho hay đang có nguy cơ mất cân đối tài chính nếu không được tăng giá bán.
- EVN sắp xây nhà máy nhiệt điện 1,8 tỷ USD trong khi giá than nhập từ Trung Quốc rất cao
- Chi phí năng lượng của nhiều ngành/lĩnh vực chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm
Mới đây, TKV vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình cung ứng than trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể theo kế hoạch cả năm 2022, sản lượng than TKV cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện là 35 triệu tấn. Trong đó, 3 tháng đầu năm dự kiến đáp ứng khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 24% sản lượng năm. Trong khi thực tế các nhà máy nhiệt điện đăng ký lấy gần 9,74 triệu tấn, cao hơn 1,24 triệu tấn so với kế hoạch.
Tuy vậy, tính đến ngày 14/3, lượng than cung ứng cho các nhà máy điện mới đạt hơn 6,3 triệu tấn, đạt khoảng 74% kế hoạch ban đầu và khoảng 65% so với sản lượng các nhà máy đăng ký lấy.
Trong báo cáo gửi Bộ Công thương, TKV cho biết việc cung ứng than phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu (than nhập khẩu về phối trộn với than trong nước), do giá nhập khẩu tăng mạnh khiến sản lượng than nhập khẩu 3 tháng đầu năm chỉ đạt 325.000 tấn. Theo kế hoạch quý 1/2022, sản lượng than phối trộn cần đạt là 3,5 triệu tấn, do lượng than nhập về ít nên sản lượng than phối trộn chỉ đạt 1,1 triệu tấn, thấp hơn 2,4 triệu tấn so với mục tiêu đặt ra.
TKV cho biết dù đã triển khai nhiều giải pháp tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước nhưng không bù đắp được khối lượng than nhập khẩu bị thiếu. Hiện nay, lượng than tồn của TKV hầu hết là than vùng Mạo Khê, Uông Bí – các loại than không tiêu thụ được trực tiếp cho các nhà máy nhiệt điện mà phải pha trộn với than nhập khẩu hoặc các nguồn khác.
Bên cạnh đó, TKV cho hay số lượng công nhân lao động tại hầm mỏ nhiễm COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) tăng cao, có thời điểm nhiều đơn vị khai thác chỉ còn 20% lao động đi làm. Việc khai thác than gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa chất thay đổi khác với thiết kế ban đầu; chi phí đầu vào tăng do cước vận tải, các loại thuế phí đều tăng,…
Ngoài ra, nhiều đối tác của TKV không lấy đúng sản lượng cam kết, khi mặt bằng giá than thấp, các nhà máy nhiệt điện không tiêu thụ than của TKV; khi giá than tăng cao, các đối tác tăng cường lấy than với khối lượng lớn.
Tại báo cáo trên, TKV cho biết nếu không được tăng giá bán than (gồm cả than bán cho các hộ điện), tập đoàn này có khả năng không hoàn thành kế hoạch cung ứng than năm 2022 và có thể đối mặt tình huống mất cân đối tài chính.
Trước đó, ngày 11/3, Bộ Công Thương đã ra văn bản số 1225 yêu cầu TKV bảo đảm cung cấp than trong mọi tình huống cho sản xuất điện trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong thời gian tới.
Tại văn bản 1225, Bộ Công thương đưa ra báo cáo TKV đã không cung cấp đủ sản lượng than như hợp đồng đã ký với các nhà máy nhiệt điện than trong 2 tháng đầu năm. Điều này khiến các nhà máy có khả năng ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu và phía TKV có thể phải bồi thường hợp đồng.
Từ khóa Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam nhập khẩu than TKV