Con số trên chiếm 4,9% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng (+41%) so với dự toán thu thuế môi trường trong năm nay (49.000 tỷ đồng).

bom tien
(Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg qua Getty Images)

Theo Báo cáo Ngân sách dành cho công dân về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 vừa được Bộ Tài chính công bố, dự toán thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tương đương 23% GDP.

Trong đó, thu nội địa đạt 1,174 triệu tỷ đồng, chiếm 84% tổng thu ngân sách; thu từ xuất nhập khẩu 189.200 tỷ đồng (chiếm 13,4%); và thu từ dầu thô đạt 44.600 tỷ đồng (3,2%).

Dự toán thu ngân sách năm 2019 trên so với ước thực hiện của năm 2018 tăng khoảng 4%, chủ yếu là nhờ tăng thu thuế, phí từ hoạt động sản xuất kinh doanh (tăng 13%), trong khi thu từ khai thác dầu thô và thu từ bán tài sản (tiền sử dụng đất, thoái vốn Nhà nước) đều giảm lần lượt -19% và -24%.

Cụ thể, trong cơ cấu tổng thu cân đối ngân sách năm 2019, các khoản thu thuếgiá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế phí khác… đã chiếm tới 62% tổng thu NSNN.

Đáng chú ý, thu từ thuế bảo vệ môi trường cũng tăng từ 49.000 tỷ đồng dự thu năm nay lên đến 69.000 tỷ đồng trong năm 2019 và chiếm 4,9% tổng thu, tức tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.

Về chi ngân sách năm 2019, dự toán hơn 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi, chi đầu tư phát triển chiếm 26%, chi trả nợ lãi vay xấp xỉ 8%.

Như vậy, bội chi ngân sách năm 2019 được dự toán ở mức 222.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% GDP.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Tài chính còn cho biết tỷ lệ nợ công/GDP duy trì ở mức 61,3%, giảm nhẹ so với mức 61,4% trong năm 2017 và ước thực hiện năm 2018.

Trong khi đó, nợ chính phủ dự kiến đến hết ngày 31/12/2019 sẽ chiếm 52,2% GDP; nợ nước ngoài chiếm 49,9% GDP, gần như đã chạm trần nợ nước ngoài 50%GDP do Quốc hội đề ra.

Điều đáng lưu tâm là nợ nước ngoài đang có xu hướng gia tăng không ngừng nghỉ, từ mức 37,3% vào năm 2013 đã tăng đều lên mức 49,7% trong năm nay và dự kiến chạm trần cho phép vào năm 2019.

Chưa kể, mới đây Quốc hội lại vừa thông qua việc nới trần vay nợ nước ngoài thêm 60.000 tỷ, lên mức 360.000 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu công cao, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm mạnh do hội nhập.

no nuoc ngoai
(Nguồn: MOF)

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đưa ra dự kiến thu, chi và bội chi ngân sách sẵn cho cả giai đoạn 2019 – 2022 với các chỉ tiêu không có nhiều thay đổi lớn so với hiện tại.

boi chi ngan sach 2019 2021
(Nguồn: MOF)

Trước đó, đề xuất của Bộ Tài chính về tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã chính thức được Quốc hội thông qua hôm 20/9.

Theo đó, thuế môi trường đối với xăng sẽ tăng lên mức 4.000 đồng/lít, trong khi các loại dầu đều tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, kg. Riêng dầu hỏa tăng lên mức 1.000 đồng/lít. Thời gian hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2019.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với lần tăng thuế này, NSNN sẽ có thêm khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 1.000 đồng, khiến giá mỗi lít xăng sắp tới sẽ không thấp hơn 22.000 đồng/lít và tiến sát ngưỡng 23.000 đồng/lít, gây áp lực lớn lên lạm phát vào đầu năm sau.

Tường Văn

Xem thêm: