Toàn cảnh KT tuần 9: Ô tô miễn thuế từ ASEAN lần đầu tiên về Việt Nam; Đề xuất tăng thuế môi trường lên kịch trần
- Minh Sơn
- •
Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần; Lô xe ô tô ASEAN miễn thuế đầu tiên về Việt Nam; Trẻ từ đủ 15 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng; Người Thái đang tính thâu tóm thêm một thương hiệu Việt… là những tin kinh tế nổi bật trong tuần qua.
Tin kinh tế Việt Nam
- Thấy gì từ đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần của Bộ Tài chính? Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch trần 4.000 đồng/lít của Bộ Tài chính cho thấy sự thiếu nhất quán trong điều hành và thực thi của Chính phủ khi tiếp tục câu chuyện “nói một đằng, làm một nẻo”. Bên cạnh đó, việc tăng thuế còn là dấu hiệu đáng báo động về mặt ngân sách, đặc biệt là tình trạng thâm hụt ngân sách và gánh nặng chi thường xuyên vẫn rất lớn.
- Lô xe ô tô ASEAN miễn thuế đầu tiên về Việt Nam, thị trường sắp bùng nổ? Ngày 1/3, hơn 2.000 xe ô tô của Honda Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan chính thức cập cảng SPCT – Hiệp Phước (TP.HCM). Đây là lô xe đầu tiên nhập từ các nước ASEAN kể từ khi mức thuế nhập khẩu về 0% từ ngày 1/1/2018.Đáng chú ý, lô xe được phía Thái Lan cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng nhận kiểu loại và xuất xứ ô tô xuất khẩu, vốn là một “nút thắt” trong Nghị định 116, hứa hẹn sẽ tạo nên bước ngoặt lớn cho thị trường ô tô Việt vốn đang rất “khát” hàng.
- Indonesia đẩy mạnh xuất khẩu ô tô sang Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày từ 27 – 28/2, Thứ trưởng Bộ Thương mại Indonesia Oke Nuwan cho biết Indonesia sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu pháp lý của Việt Nam theo Nghị định 116, đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ GTVT Việt Nam cung cấp và hướng dẫn cụ thể về các quy định mới ban hành để có những điều chỉnh phù hợp, nhằm đảm bảo hoạt động xuất khẩu ô tô của Indonesia vào thị trường Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định.“Với sự điều chỉnh về giấy chứng nhận chủng loại xe ô tô, Indonesia kỳ vọng việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam sẽ sớm được phục hồi”, ông Oke nói.
Tin tài chính – ngân hàng
- Vụ mất 245 tỷ đồng tại Eximbank: Khách hàng không đồng ý nhận số tiền tạm ứng gần 15 tỷ. Ngày 2/3, bà Chu Thị Bình – khách hàng bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm tại Eximbank cho biết bà từ chối nhận số tiền tạm ứng hơn 14,8 tỷ đồng từ phía ngân hàng.Bà Bình cho hay sau khi làm việc với ngân hàng, hai bên đã không tìm thấy sự đồng thuận trong các điều khoản. Theo bà Bình, số tiền này chưa được ngân hàng giải thích rõ ràng, chỉ nói chung chung là tiền hỗ trợ bà giải quyết khó khăn, trong khi đó khoản bị mất của bà không được đề cập đến.
- Từ ngày 3/3: Trẻ từ đủ 15 tuổi được cấp thẻ tín dụng; Rút ngoại tệ tại nước ngoài tối đa 30 triệu đồng/ngày. Thông tư 26 của NHNN quy định người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được sử dụng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước. Bên cạnh đó, hàng loạt quy định mới “mở đường” cho hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng bắt đầu có hiệu lực. Với sự mở đường từ chính sách, dự kiến ngành thanh toán di động (không dùng tiền mặt) sẽ có những chuyển biến nhanh chóng trong thời gian tới.
- Kế toán chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng đầu tư vào Bitcoin. Đại diện một công ty du lịch có trụ sở tại TP. Nha Trang vừa tố cáo nhân viên kế toán là Trương Ngọc Tuyển (30 tuổi) về hành vi chiếm đoạt hơn 8,2 tỷ đồng của công ty bằng hình thức chuyển tiền từ 2 tài khoản ngân hàng của công ty vào tài khoản cá nhân để đầu tư Bitcoin. Đến giữa tháng 1/2018, khi sàn giao dịch tiền ảo mà Tuyển tham gia bị sập, cô mất trắng toàn bộ số tiền. Đầu tháng 2/2018, công ty phát hiện vụ việc và tố cáo Tuyển.
Thị trường chứng khoán
- Người Thái tính chi hơn 2.330 tỷ đồng thâu tóm thêm một thương hiệu Việt. Công ty Nawaplastic Industries (Saraburi), một thành viên của Tập đoàn SCG Thái Lan, đang đăng ký mua toàn bộ 24,16 triệu cổ phiếu, tương đương 29,5% vốn của Nhựa Bình Minh (BMP). Nếu chào mua thành công số cổ phần của BMP mà SCIC đang chào bán cạnh tranh, Nawaplastic sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ tại BMP lên 49,91% vốn. Công ty người Thái hoàn toàn có thể nắm tỷ lệ cổ phần kiểm soát (trên 50%) bằng việc mua thêm cổ phiếu thông qua phương thức khớp lệnh trên thị trường hoặc mua thỏa thuận.
- Techcombank sẽ niêm yết trên sàn HoSE năm nay. Thông tin được đưa ra tại buổi Đại hội Cổ đông thường niên vào ngày 3/3 vừa qua. Theo đó, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết Techcombank sẽ bán hơn 158 triệu cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư Mỹ hoặc châu Âu. Mức giá được tiết lộ sẽ không dưới 23.000 đồng/cp. Với mức giá này, dự tính Techcombank sẽ thu về tối thiểu hơn 3.600 tỷ đồng.
- Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất trong vòng 3 năm qua. Dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại tại sàn giao dịch HoSE là cổ phiếu HCM của CTCP Chứng khoán TP.HCM với trên 156 tỷ đồng, tiếp đến là cổ phiếu VRE của Tập đoàn Vincom với trên 141 tỷ và cổ phiếu VCB của ngân hàng Vietcombank với hơn 137 tỷ đồng.Tổng khối lượng bán ròng của khối ngoại tại hai sàn đạt hơn 33,5 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị bán ròng 1.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ lực đỡ từ một số cổ phiếu vốn hóa lớn, kết thúc tuần giao dịch, cả hai sàn đều có mức tăng nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, VN-Index đứng ở mức 1.121,21 điểm, tăng 1,66% so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index cũng tăng 1,59% lên 128,25 điểm.
Tin kinh tế thế giới
- Sự sùng bái tăng trưởng (P3) – Kinh tế học coi sự mở rộng bất tận mới được xem là cao cả. Nếu các nhà môi trường nhận định đúng, việc theo đuổi tăng trưởng vô hạn thậm chí có thể đe dọa đến sự tồn tại của nhân loại, tàn phá sự đa dạng sinh học và đẩy chúng ta đến mức tiêu dùng vô tội vạ và phát thải nhiều khí CO2, những thứ khiến cho hành tinh của chúng ta, vốn là nơi mang đến sự giàu có cho chúng ta, bị hủy hoại. Chỉ trong kinh tế học thì sự mở rộng bất tận mới được xem là cao cả. Trong sinh vật học nó được gọi là ung thư.
- Đức và phương Tây e ngại khi Trung Quốc mua cổ phần hãng xe Dailmer. Việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư sang Đức, châu Âu, trong đó có việc mua cổ phần hoặc mua lại nhiều công ty lớn, đã gây ra quan ngại về vấn đề tự do thương mại, an ninh quốc phòng trong Liên minh châu Âu (EU).Trong thương vụ thâu gom cổ phần Daimler mới đây của hãng xe Trung Quốc Geely, các chuyên gia kinh tế Đức quan ngại các công ty Trung Quốc – vốn nổi tiếng về việc sao chép bản quyền – có thể tiếp cận công nghệ hay các phát minh quan trọng của hãng xe Đức thông qua điều khoản giao dịch trong hợp đồng đầu tư. Đáng chú ý, một loạt các hãng xe như: Volvo (Thụy Điển), Lotus, MG, London Taxi (Anh); hay hãng lốp Pirelli (Italy), tập đoàn robot công nghiệp Kuka (Đức) đều đang dưới quyền kiểm soát của người Trung Quốc.
- Sau thép và nhôm, ông Trump dọa sẽ áp thuế với ô tô nhập từ EU. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Bảy (3/3) cho biết trên Tweeter rằng Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu đối với ô tô của Liên minh Châu Âu (EU), nếu EU muốn tăng thêm mức thuế quan và rào cản lớn đối với các công ty Mỹ đang kinh doanh ở đó.Trước đó, hôm thứ Năm (1/3), ông Trump cũng thông báo Mỹ sẽ áp mức thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu vào tuần tới. Tuyên bố này của ông Trump đã làm dậy sóng thị trường toàn cầu và khiến các lãnh đạo thế giới, trong đó có EU không đồng tình.
Minh Sơn (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa thuế môi trường toàn cảnh kinh tế Việt Nam Eximbank TP.HCM kinh tế thế giới Kinh tế Việt Nam