TP.HCM: Kinh tế tăng trưởng thấp nhất kể từ 1986, giải pháp nào để hồi phục?
- Sơn Nguyên
- •
Giải pháp nào cho doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mở gói hỗ trợ thế nào để hạn chế “xin – cho”, thời điểm nào mở cửa du lịch quốc tế… nằm trong nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại Tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 5/5 để tìm hướng phục hồi kinh tế của TP.
Tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1986
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tổng sản sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2020 của TP.HCM chỉ tăng 0,42% so cùng kỳ năm 2019 (7,64%), đạt 335.682 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.
Thu ngân sách 88.241 tỷ đồng, đạt 21,7% dự toán và giảm 8,63%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (tăng 12,3%). Khách quốc tế đến thành phố giảm 34,2% so với cùng kỳ năm trước (tăng 14,1%).
Trong khi hơn 1.350 doanh nghiệp giải thể trong quý 1/2020, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ đạt 1,05 tỷ USD, giảm gần 33% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phong cho hay do mức tăng trưởng bình thường của thành phố cao hơn 1,1-1,2 lần với mức tăng trưởng chung của cả nước trong thời gian dài nên sự tăng trưởng chậm lại của TP.HCM sẽ tác động chung đến kinh tế cả nước. Đề cập đến các doanh nghiệp, chủ tịch UBND TP cho rằng nếu chậm trễ các giải pháp khôi phục kinh tế sẽ làm doanh nghiệp khó khăn, có thể dẫn tới phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy như tăng tỷ lệ thất nghiệp, tăng gánh nặng an sinh xã hội và tỷ lệ tội phạm.
Chỉ 2% doanh nghiệp ở TP.HCM tin tưởng cầm cự được đến cuối năm
Đánh giá tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho hay mức độ thiệt hại khác nhau tùy theo mỗi ngành nghề. Doanh nghiệp trong một số lĩnh vực đã nhanh nhạy thích ứng với tình hình, tuy nhiên, con số này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, còn lại các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
“Doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, trung tâm thương mại, y tế, giáo dục… phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch. Các doanh nghiệp cơ khí, điện, cao su, nhựa, công nghiệp hỗ trợ, đồ gỗ, dệt may, da giày… không phân biệt quy mô lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ đều đã cạn kiệt các nguồn lực kinh doanh, thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, giảm đơn hàng, chậm thanh toán, dòng tiền kinh doanh bị bẻ gãy, nguy cơ mất tính thanh khoản cao” – ông Dũng nói, đồng thời dự báo sang quý 2, tình hình suy giảm sẽ nghiêm trọng hơn, nguy cơ số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, phá sản tăng cao.
Dẫn kết quả khảo sát nhanh (trực tuyến) của HUBA đối với các doanh nghiệp hội viên, ông Dũng cho biết 21% doanh nghiệp trả lời tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5, 12% doanh nghiệp tiếp tục duy trì đến hết tháng 6, 12% doanh nghiệp có khả năng duy trì đến hết tháng 9.
Đáng lưu ý, chỉ 2% doanh nghiệp tin tưởng có thể cầm cự được đến cuối năm, 19% doanh nghiệp tiên liệu sẽ phá sản trong quý 2.
Ngoài ra, 61% doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ; trong đó, 28% doanh nghiệp nêu lý do các loại thủ tục còn phức tạp, 14% cho rằng cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình, 9% doanh nghiệp không có người làm do đã ngưng hoạt động; 49% không có ý kiến.
Hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ
Theo các doanh nghiệp, quan trọng trong lúc này là đồng hành giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các gói hỗ trợ. Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM kiến nghị TP đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực được xác định là đối tượng doanh nghiệp chịu thiệt hại trực tiếp do COVID-19 được hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin – cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách. Về đầu ra cho sản phẩm, hội đề xuất TP nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa cũng như mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm ngành lương thực thực phẩm.
Ông Lâm Ngọc Minh Tổng Giám đốc Công ty TNHH nệm Mousse Liên Á, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng “các chính sách cho doanh nghiệp phải nhanh nhạy hơn, chứ không như quy trình khuyến mãi sản phẩm thường phải trình lên Sở Công thương và chờ sau 7 ngày mới chạy. Những vấn đề như khuyến mãi hay nhiều thủ tục khác cần tăng tốc, giảm thời gian để kịp thời hơn cũng là cách tốt để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Đối với giải pháp lâu dài, các doanh nghiệp cho rằng ngoài những chính sách hỗ trợ chung của nhà nước, doanh nghiệp rất cần chính quyền TP hỗ trợ ổn định thị trường, tái cấu trúc thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài khi các nước nới lỏng cách ly xã hội.
Về sản xuất, doanh nghiệp cần hỗ trợ hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa; chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng… Doanh nghiệp cần được hỗ trợ chuyển đổi sang môi trường số hóa; có chính sách phát triển mạnh ngành thương mại điện tử và giao nhận, logistics cho phù hợp với tình hình mới.
HUBA kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp:
Thứ nhất, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng khả năng tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường trong nước, kể cả các gói mua sắm công, vận động doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu, kết nối doanh nghiệp (B2B), ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn nhà thầu các dự án đầu tư công.
Thứ hai, ngoài chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ sở đào tạo hiện có, TP nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Thứ ba, mở rộng đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ cùng với thủ tục đơn giản nhất, do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị thiệt hại nghiêm trọng trực tiếp hoặc gián tiếp.
Thứ tư, nên kéo dài thời gian nợ thuế đến cuối năm để tạo cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, thay vì 3-5 tháng. Kiến nghị Nhà nước có chính sách sẵn sàng giải cứu doanh nghiệp khi có nguy cơ bị mua lại.
Thứ năm, TP nên thành lập một tổ công tác để theo dõi, đôn đốc giải quyết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Sẽ đón khách du lịch quốc tế: Khi nào và làm sao ngăn lây nhiễm?Dẫn số liệu đến sáng 5/5, dịch COVID-19 lan ra 212 nước với 3,6 triệu người nhiễm và 251.577 người chết và 2,2 triệu người đang được điều trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Tính theo ngưỡng an toàn là tỷ lệ người nhiễm 10 người/1 triệu dân là ngưỡng chuyển giai đoạn, ông Nhân cho rằng các nước sẽ thoát ra khỏi dịch và chuyển sang trạng thái bình thường mới với thời gian và quy mô khác nhau. Do đó, Việt Nam cần mở cửa kinh tế, du lịch với từng nước kèm điều kiện cụ thể và vào từng thời điểm khác nhau từ tháng 5 đến tháng 12. Ông Nhân đề nghị UBND TP triển khai cả gói hỗ trợ của Chính phủ và gói hỗ trợ của Thành phố để lao động không phải bỏ việc vì không có thu nhập. Ngoài ra, hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp liên quan đến thuê đất, nhập vật tư,… có nhiều lãi suất cần hỗ trợ. Cần có gói hỗ trợ đảm bảo thanh khoản và theo nguyên tắc hậu kiểm; nếu kiểm tra lại, doanh nghiệp nào khai sai thì phải trả thêm tiền lãi trên khoản này; đẩy nhanh đầu tư công của TP, đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án; thúc đẩy thị trường bất động sản… “Thách thức lớn nhất sắp tới là làm sao phát hiện, kiểm soát kịp thời nguy cơ lây nhiễm trên 6-10 triệu khách nước ngoài có thể vào Việt Nam trong 7 tháng cuối năm. Điều này chưa có lời giải và cần đặt hàng ngành y tế”, ông Nhân cho hay. |
Sơn Nguyên
Từ khóa viêm phổi Vũ Hán COVID-19 dịch bệnh tác động đến kinh tế giải pháp nào để hồi phục kinh tế