Bắc Kinh đã từ chối đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc sử dụng 1.000 tỷ USD từ quỹ chính phủ trung ương, để hoàn thành việc cung cấp nhà ở chưa hoàn thiện, với lý do lo ngại về kỳ vọng cứu trợ và rủi ro đạo đức. Điều này làm giảm đáng kể hy vọng về sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản.

bat dong san trung quoc
Cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển bất động sản khiến những tòa nhà dang dở có mặt khắp nơi. (Ảnh: Getty Images)

Bloomberg News của Mỹ đưa tin, theo báo cáo đánh giá thường niên về Trung Quốc công bố ngày 2/8, IMF kêu gọi Trung Quốc sử dụng nguồn tài chính “một lần” để hoàn thiện và bàn giao nhà ở bán trước, hoặc bồi thường cho người mua nhà.

Ước tính chi phí này tương đương với 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 4 năm. Theo ước tính của Bloomberg, con số này tương đương gần 1.000 tỷ USD dựa trên GDP năm 2023. Nhưng Trung Quốc gần như đã loại trừ giải pháp này trong phản hồi chính thức của mình về báo cáo.

Ông Trương Chính Hâm, Giám đốc điều hành IMF Trung Quốc do Bắc Kinh bầu chọn, cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi nên tiếp tục áp dụng các nguyên tắc thị trường và pháp quyền, để hoàn thiện và bàn giao những ngôi nhà này”.

“Nếu chính phủ trung ương cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp sẽ không phù hợp. Vì điều này có thể dẫn đến những kỳ vọng về các gói cứu trợ của chính phủ trong tương lai, từ đó tạo ra rủi ro về mặt đạo đức.”

Báo cáo cho biết, đánh giá của IMF ám chỉ quy mô của những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt. Trung Quốc đang trải qua thời kỳ suy thoái bất động sản kéo dài, nhưng vẫn chưa sẵn sàng tung ra một lượng kích thích tài chính lớn, hoặc thực hiện các biện pháp giải cứu.

Ông Michelle Lam, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại ngân hàng Societe Generale, nói với Bloomberg rằng bình luận của ông Trương Chính Hâm “hơi đáng thất vọng”. Ông lập luận rằng nếu tình hình tiếp tục xấu đi, thì cuối cùng chính phủ cũng nên đi chệch khỏi cách làm của mình, và tăng cường các quy định hỗ trợ chính sách thị trường nhà ở.

Báo cáo cho biết, trong 2 năm qua, khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc đã trở thành trở ngại lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế. Cách tiếp cận của Bắc Kinh dường như đang cung cấp một chút trợ giúp, nhằm đảm bảo rằng việc điều chỉnh thị trường không vượt khỏi tầm kiểm soát, hoặc gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhưng các cơ quan chức năng không muốn cung cấp thêm sự hỗ trợ. Một phần vì các nhà lãnh đạo cấp cao quyết tâm chuyển tăng trưởng kinh tế từ bất động sản sang công nghệ và sản xuất.

Chính phủ đã kêu gọi ngân hàng cho các nhà phát triển vay vốn, và đình trệ các dự án nhà ở nhưng đã ngừng cung cấp vốn trực tiếp.

Vào tháng 5, các quan chức đã công bố kế hoạch giải cứu bất động sản lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó ngân hàng trung ương cung cấp 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42 tỷ USD) dưới dạng cho vay lại nhà ở giá rẻ, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước địa phương mua nhà thương mại đã hoàn thiện và chưa bán với giá hợp lý, nhằm tiêu hủy hàng tồn kho.

Nhưng kế hoạch này không đạt được giải pháp mang tính quyết định hơn như một số nhà phân tích cho rằng sẽ cần từ 1.000 tỷ đến 5.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ – 702 tỷ USD).

Số liệu mới nhất cũng cho thấy, thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục suy giảm. Theo dữ liệu do Viện Nghiên cứu Chỉ số Trung Quốc công bố vào ngày 1/8, trong tháng 7, giá nhà ở cũ tại 100 thành phố ở Trung Quốc đã giảm 6,58% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,74% so với tháng trước. Giá nhà giảm 27 tháng liên tiếp, và tất cả các thành phố đều giảm trong 4 tháng liên tiếp.

Theo báo cáo, IMF cũng cảnh báo rằng “mức nợ cao và những cú sốc tiêu cực đối với nhu cầu trong nước của Trung Quốc có thể gây ra một thời kỳ giảm phát kéo dài”.

IMF ước tính, theo kịch bản này, GDP thực tế của Trung Quốc năm 2029 có thể giảm 5,4%. Tỷ lệ lạm phát cơ bản vẫn ở mức -0,1% trong 5 năm. Điều này cũng có thể khiến các đối tác thương mại của Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

IMF cũng kêu gọi Trung Quốc giảm việc sử dụng các chính sách công nghiệp trên quy mô lớn, vì cho rằng những chính sách này có thể có tác động lan tỏa thương mại đáng kể. Theo dữ liệu của IMF, Trung Quốc đã áp dụng khoảng 5.400 khoản trợ cấp từ năm 2009 – 2022.

Theo tuyên bố của ông Trương Chính Hâm, phản ứng của Bắc Kinh trước những đề xuất này là, sự trỗi dậy của các ngành công nghiệp mới nổi của Trung Quốc như xe điện, được thúc đẩy bởi sự đổi mới của doanh nghiệp, chứ không phải do trợ cấp từ chính phủ.