Trung Quốc đang nỗ lực giành lại “quân bài” Bắc Triều Tiên?
- Huệ Anh
- •
Sau hơn 40 ngày, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lại gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc giới chức cấp cao Trung Quốc liên tục thăm hỏi Bắc Triều Tiên đầy bất thường ngay trước thềm Hội đàm Kim Jong-un và Trump, dường như là một tin không vui đối với đa số cộng đồng quốc tế. Có phân tích, một mặt Trung Quốc lo ngại bị gạt ra rìa trong tình hình mới nhất ở Bắc Triều Tiên, mặt khác muốn kéo lại “quân bài Bắc Triều Tiên” để dùng cho cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.
Ngày 8/5, Tân Hoa xã Trung Quốc chính thức xác nhận chuyến thăm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc từ ngày 7 – 8/5, và ông Tập Cận Bình đã gặp Kim Jong-un ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Nội dung của hội đàm tập trung vào xu hướng quan hệ Trung – Triều và tầm quan trọng của quan hệ song phương, cũng nhấn mạnh đến tính chất “xã hội chủ nghĩa” chung của hai nước.
Trung Quốc đang nỗ lực giành lại “quân bài” Bắc Triều Tiên?
Giới quan sát chú ý đến sự kiện hai ngày trước đó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa đến thăm Bắc Triều Tiên, vì thế nghi ngờ một trong những mục đích trong chuyến đi của ông Vương Nghị là nhằm bố trí cho cuộc gặp Kim – Tập này. Nhưng trước khi ông Vương Nghị đến Bắc Triều Tiên, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Tống Đào của Trung Quốc cũng dẫn một phái đoàn đến thăm Bắc Triều Tiên và được tiếp đón theo quy cách cấp cao, lần này thì ông Tống Đào đã được Kim Jong-un đón tiếp.
Đáng chú ý là ngay sau chuyến thăm của ông Vương Nghị đến Bắc Triều Tiên, trong trả lời truyền thông ngày 5/5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên lại lên giọng chỉ trích Mỹ, nói Mỹ cho rằng nhờ biện pháp trừng phạt và áp lực chính trị của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên mới khiến Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán là “ngộ nhận”… Những lời lẽ cứng rắn trở lại của Bắc Triều Tiên đã thu hút sự chú ý.
Những ngôn từ của Bắc Triều Tiên khá trùng hợp với thông tin liên quan từ truyền thông nhà nước Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã Trung Quốc đưa tin, khi ông Vương Nghị gặp Kim Jong-un đã cho biết, vì Bắc Triều Tiên “nắm bắt thời cơ, hành động quyết đoán nên đã làm tình hình trên bán đảo Triều Tiên thay đổi tích cực.”
Một số phân tích đã chỉ ra, qua lời lẽ của ông Vương Nghị đã thể hiện rất rõ ràng ý đồ của ông ta là mang thành quả tích cực trên bán đảo Triều Tiên đẩy về phía Kim Jong-un. Trong khi thực tế thành quả này có được là do các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc của chính quyền Trump.
Về vấn đề thời gian gần đây giới chức cấp cao Trung Quốc bất ngờ liên tục viếng thăm Bắc Triều Tiên, có nhận định cho rằng nguyên nhân chính của động thái này là do cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, vì Trung Quốc hoàn toàn bất lợi trước Mỹ nhưng không có cách nào chống lại hiệu quả, cho nên phải kích hoạt lại “quân bài Bắc Triều Tiên”. Những hứa hẹn của Trung Quốc dành cho Bắc Triều Tiên không gì hơn ngoài hai vấn đề: khoản viện trợ tài chính khổng lồ và hỗ trợ quân sự.
Ngoài vấn đề Trung Quốc muốn dùng “quân bài Bắc Triều Tiên” để đối phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ, cũng có quan điểm cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang lo lắng bị gạt sang bên lề trong cục diện bán đảo Triều Tiên, lo ngại Bắc Triều Tiên bị Mỹ lôi kéo.
Trên Đài Phát thanh Á châu Tự do (RFA), chuyên gia vấn đề Hồng Kông Lâm Hòa Lập (Willy Lam) cho rằng, trong vòng hơn 40 ngày ông Tập Cận Bình hai lần gặp Kim Jong-un là liên quan đến lo ngại nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ bị gạt ra bên lề trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, vì vậy mà ông Tập khẩn cấp cử ông Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Bắc Triều Tiên để trao đổi việc cho Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc một lần nữa.
>>Giới chuyên gia nhận định sự kiện Vương Nghị bất ngờ đến Bình Nhưỡng
Theo ông Lâm Hòa Lập, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Kim Jong-un gặp nhau ở Bàn Môn Điếm, cả phía Triều Tiên và Hàn Quốc đều cảm thấy rằng chỉ cần hai miền Triều Tiên và Mỹ là có thể giải quyết vấn đề. Như vậy về cơ bản nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ không còn vai trò gì, vì thế mà họ hoảng sợ. Điều này cho thấy Bắc Kinh muốn có quyền tham gia vào quyết định cuối cùng trong vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Đài Phát thanh Á châu Tự do cũng trích dẫn quan điểm của học giả Lư Chính Phong (Lu Cheng-Fung) thuộc Khoa Quốc tế Đại học công lập Kim Môn tại Đài Loan cho rằng, nhà cầm quyền Trung Quốc cảm thấy lo lắng chính quyền Bắc Triều Tiên sẽ khó trụ vững được dưới biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Với quyết tâm của Washington trong vấn đề phi hạt nhân đối với Bắc Triều Tiên, đồng thời đã tích cực bố trí cho cuộc gặp giữa Trump với Kim Jong-un, khiến Trung Quốc đang rất lo ngại Bắc Triều Tiên sẽ ngả về phía Mỹ.
Trên trang thông tin tiếng Trung của BBC Anh, Giáo sư Quan hệ Quốc tế Thời Ân Hoằng (Shi Yanhong) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang lo ngại vì nhìn từ cục diện tình hình hiện nay thì xem chừng Hàn Quốc và Mỹ đang chiếm nhiều lợi thế hơn.
Liệu quan hệ Trung – Triều có trở lại “như môi với răng”?
Liên quan đến xu hướng này, ngay sau chuyến thăm Bắc Triều Tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, tờ New York Times (Mỹ) đã có nhận định cho rằng, Trung Quốc đã bắt đầu có ý đồ buông lỏng một số chế tài về kinh tế với Bắc Triều Tiên, người lao động Bắc Triều Tiên đã được làm visa ngắn hạn trở lại làm việc tại Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến thăm Bắc Triều Tiên (Ảnh: Getty Image)
Tờ báo cũng dẫn lời nhận định của một số doanh nhân rằng, dự tính trong thời gian không xa thương mại song phương giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ tăng trưởng lại.
Về vấn đề này, ông Thời Ân Hoằng nhận định, “việc Trung Quốc giảm các biện pháp trừng phạt chống Bắc Triều Tiên là một xu hướng tất yếu”. Nhưng bất chấp những dấu hiệu cải thiện trong quan hệ Trung – Triều, hành động Trung Quốc cũng không thể có đột phá gì, có nghĩa là Trung Quốc sẽ không thể vì Bắc Triều Tiên mà đánh mất mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc.
Trước đó, người phát ngôn nhà xanh Hàn Quốc Kim Dong-jo cũng cho biết, phía Trung Quốc đã thông báo trước cho Hàn Quốc thông tin hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau tại Đại Liên.
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Trump cũng đã có chia sẻ trên trên Twitter rằng, sẽ trao đổi điện thoại với “người bạn” Tập Cận Bình, “chủ đề chính sẽ là thương mại, sẽ có những điều tốt đẹp (good things), cũng bàn về vấn đề Bắc Triều Tiên, mối quan hệ và niềm tin đang được xây dựng.”
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un quan hệ Trung Triều Vương Nghị Tập Cận Bình