Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sang các nước châu Á
- Hạ Vũ
- •
Các nhà kinh tế tại Nomura Holdings Inc. cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước châu Á đang gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ Trung Quốc chuyển lạm phát hàng hóa của họ sang các nước châu Á.
Bloomberg đưa tin, các nhà kinh tế Sonal Varma và Si Ying Toh của Nomura Securities đã viết trong một báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Sáu (10/5), rằng các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc ở châu Á gồm năng lực công nghiệp dư thừa, đặc biệt là dư thừa sản phẩm năng lượng xanh, nhu cầu nội địa mạnh ở châu Á, và tái cơ cấu chuỗi cung ứng của Trung Quốc đang diễn ra [do áp lực từ Mỹ].
Họ cho biết: “Mối quan hệ thương mại của châu Á với Trung Quốc đang trải qua những thay đổi về cơ cấu”; “Cùng với việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tăng lên ở châu Á, Trung Quốc cũng có thể đưa ra chính sách siết chặt tiền tệ đối với các khu vực ở châu Á”.
Thị trường châu Âu và Mỹ ngày càng khó thâm nhập, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của châu Âu và Mỹ chậm hoặc trì trệ.
Dữ liệu thương mại từ chính quyền Trung Quốc trong tháng Tư cho thấy, xuất khẩu của Trung Quốc từ tháng 1 – 4 sang 10 nước ASEAN bao gồm Singapore, Thái Lan và Indonesia, tăng 6,3%, vượt 185 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 307 tỷ USD, cao hơn tổng kim ngạch thương mại với EU hay Mỹ trong cùng thời kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam tăng hơn 20%.
Nomura Securities cho biết, thương mại của châu Á với Trung Quốc từ mức thặng dư 24,5 tỷ USD năm 2013 thì đã dần xấu đi và vào năm 2023 xuống mức thâm hụt 192,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nhập siêu từ các nước như Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Varma và Toh cho biết, vào năm 2023 có 7/9 nền kinh tế châu Á thâm hụt thương mại với Trung Quốc, đáng chú ý như Hàn Quốc lần đầu tiên sau 31 năm đã thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Varma viết trong một bài báo đăng trên Nikkei ngày 29/4 cho hay, quan hệ thương mại của châu Á với Trung Quốc đang trải qua những thay đổi mang tính cơ cấu. Trong 3 năm qua, hầu hết các nền kinh tế trong khu vực đều chứng kiến tỷ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm trong tổng xuất khẩu, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng.
Bà phân tích rằng có hai lý do khiến các chuyến hàng đến Trung Quốc sụt giảm: Thứ nhất, dưới áp lực tách rời Trung Quốc mà Mỹ liên tục thúc đẩy, khiến chuỗi cung ứng không ngừng đa dạng hóa theo hướng tách khỏi Trung Quốc, làm giảm hoạt động thương mại gia công lấy Trung Quốc làm trung tâm. Thứ hai, nhu cầu nội địa của Trung Quốc suy yếu, điều này đã ảnh hưởng đến xuất khẩu sang Trung Quốc từ các khu vực khác ở châu Á; nếu giải thích xu thế này do vấn đề chi tiêu của người Trung Quốc, sẽ thuyết phục hơn nếu nhìn từ vấn đề suy giảm nhu cầu từ các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty bất động sản trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc suy thoái.
Tuy nhiên Varma cho biết các công ty đa quốc gia đang tìm cách di chuyển chuỗi cung ứng ra xa Trung Quốc, điều đó sẽ khiến hoạt động thương mại gia công lấy Trung Quốc làm trung tâm không ngừng suy giảm. Khi nền kinh tế Trung Quốc bị bao vây bởi những thách thức về cơ cấu và những cơn gió ngược địa chính trị, tốc độ tăng trưởng trung hạn chậm hơn và đầu tư thấp hơn có thể làm giảm thêm thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu tại châu Á. Ngoài ra, Mỹ đang tăng cường giám sát các chiến lược của các công ty Trung Quốc nhằm lách thuế và hạn chế thương mại, đồng thời thúc đẩy tìm cách bịt các lỗ hổng cho phép các công ty Trung Quốc vận chuyển sản phẩm qua các nước thứ ba như Mexico và Việt Nam.
Bà cho rằng trong bối cảnh đó nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở các nước sân sau của Trung Quốc ở châu Á nên điểm đến của Trung Quốc được đẩy mạnh trong khu vực này.
Theo hãng dịch vụ tài chính Nomura Securities của Nhật Bản, ngoài nguy cơ trước mắt từ thuyên chuyển hàng dư thừa Trung Quốc còn có những tác động trung hạn quan trọng khác. Các nhà kinh tế cảnh báo áp lực ngày càng tăng đối với các nhà sản xuất địa phương có thể thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ ở châu Á và sự thay đổi dòng vốn đầu tư giữa Trung Quốc và phần còn lại của châu Á.
Bà Varma cho biết trong bài trên Nikkei rằng nếu nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc chậm hơn so với trước đây, hầu hết các nền kinh tế châu Á cũng sẽ cần tìm thị trường xuất khẩu mới và đa dạng hóa các đối tác thương mại để tìm kiếm tăng trưởng xuất khẩu. Thứ hai, các doanh nghiệp trong khu vực cần chuẩn bị cho cạnh tranh lớn hơn từ Trung Quốc, không chỉ ở các thị trường xuất khẩu mới mà còn ở trong nước. Ví dụ, Trung Quốc xuất khẩu nhiều hóa chất và ô tô sang Hàn Quốc; ô tô sang Thái Lan; hóa chất, thép và nhôm sang Ấn Độ… làm tăng sự cạnh tranh đối với các nhà sản xuất bản địa nước liên quan, qua đó có thể là nguồn của xung đột thương mại.
Từ khóa Xuất khẩu Trung Quốc Thị trường châu Á kinh tế Trung quốc Hàng hóa Trung Quốc Made in China Dòng sự kiện