Suốt 10 ngày qua, tỷ giá USD/ VND tăng liên tục, mặc dù Ngân hàng Nhà nước trấn an rằng đó là bình thường, nhưng đến 15:00 chiều 21/11, tỷ giá vẫn không hạ nhiệt, hầu hết các ngân hàng đều tăng giá so với buổi sáng cùng ngày. Đến lúc này nhiều người đã lo lắng, không biết có còn là “bình thường” không khi mà giá bán ra cao nhất đang ở mức 22.630 đồng/USD ?

ty-gia
Tỷ giá đang tăng bất thường. (Ảnh: qua tapchitaichinh.vn)

Tỷ giá chiều 21/11

Ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước theo công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD là 22.124 VND/ USD, tăng 12 VND so với cuối tuần trước, đây là phiên thứ 8 liên tiếp tỷ giá đi lên. Ngay sau đó hầu hết các ngân hàng đã tăng tỷ giá, cao hơn khoảng 30-50 đồng/ USD so với phiên chiều cuối tuần trước.

Đến 15:00 chiều ngày 21/11 xu hướng tăng giá vẫn chưa dừng lại. Hầu hết các ngân hàng không điều chỉnh tăng giá bán, nhưng điều chỉnh tăng giá mua vào, thu hẹp khoảng cách mua vào bán ra. Cụ thể tình hình thực tế tại một số ngân hàng như sau:

Sáng 21/11, Vietcombank đã tăng 50 đồng ở cả 2 chiều mua-bán lên mức 22.500/22.600 đồng/USD. Nhưng đến chiều đã tăng thêm 10 đồng lên 22.510 cho mua vào, 22.610 bán ra.

Ngân hàng BIDV đã tăng 50 đồng ở chiều mua vào và tăng 60 đồng ở chiều bán ra, sáng niêm yết ở mức 22.520/22.600 đồng/USD, buổi chiều không thay đổi.

Ngân hàng VietinBank buổi sáng cũng đã điều chỉnh tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra ở mức 22.505/22.615 đồng/USD. Chiều 21/11, VietinBank điều chỉnh tăng giá mua thêm 10 đồng thành 22.515 đồng, giữ nguyên giá bán ra.

Ngân hàng Eximbank sáng 21/11 niêm yết ở mức 22.480/22.580 đồng/USD cho mua vào, bán ra. Đến chiều cũng tăng lên mức mua vào 22.530, bán ra 22.600 đồng/USD.

Ngân hàng ACB, sáng 21/11 niêm yết tỷ giá ở mức 22.490/22.580 đồng/USD, buổi chiều cũng nâng mức mua vào lên 22.510, giữ nguyên giá bán ra.

Giá cao nhất thuộc về LienVietPostBank, sáng 21/11 niêm yết tỷ giá ở mức 22.510/22.630 đồng/USD.  Buổi chiều giữ nguyên giá bán ra nhưng nâng giá mua vào thêm 20 đồng, lên mức 22.530 đồng, đang là cao nhất trong các ngân hàng.

Như vậy, chiều 21/11 hầu hết  các ngân hàng tăng giá mua vào, mức mua vào cao nhất là 22.530, bán ra cao nhất là 22.630 đồng/USD.

Thực ra đây chưa phải là đỉnh điểm tỷ giá, năm 2015, có những thời điểm ngắn đã đạt tỷ giá cao hơn.

Tỷ giá tăng có đáng lo?

Còn nhớ đợt biến động tháng 6/2016 khi xảy ra sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit), tỷ giá cũng lên rất nhanh, nhưng chỉ sau vài ngày thì tỷ giá hạ nhiệt. Thậm chí sau đó, tỷ giá còn mất điểm, giảm 0,08% so với cùng kỳ 2015.

Nhưng lần này tỷ giá đã tăng mạnh, kéo dài liên tục, xu hướng chưa thấy dừng kể từ đầu tháng 11. Về mức độ tăng, giả sử nếu lấy theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng Ngoại thương (Việtcombank) ngày 21/11 là 22.610 đồng/USD so với ngày 01/11 là 22.355 đồng/USD thì mức tăng là 1,14%.

Với mức tăng này cũng tương đương với mức tăng giá của đồng USD. Kể từ khi Ông Donald Trump chính thức trúng cử, đồng đôla liên tục tăng giá, đến nay đã tăng hơn 1%. Chỉ duy nhất có đồng Yên còn trụ được, còn hầu hết các đồng tiền khác đều mất giá, trong đó, đồng EUR đã gần xấp xỉ bằng USD.

Nếu trong tuần này tỷ giá vẫn không hạ nhiệt thì cũng sẽ gây sốc cho nền kinh tế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục ra các thông báo trấn an thị trường rằng chuyện tăng giá là bình thường, chưa có áp lực tăng giá hiện tại và những tháng cuối năm; rằng tăng giá chưa đến mức độ để Ngân hàng Nhà nước can thiệp; rằng Ngân hàng Nhà nước hiện đang có nguồn lực USD dồi dào đủ để can thiệp thị trường.

Tuy nhiên, thực tế việc tăng tỷ giá liên tục trong 10 ngày qua cho thấy cơ quan quản lý không nên chủ quan. Không nên cứ đổ cho nguyên nhân yếu tố tâm lý, đầu cơ như cách nói trước đây. Bởi vì thời điểm này đang rất nhạy cảm đối kinh tế thế giới nói chung. Đối với nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung quốc, chỉ trong 10 tháng, Việt Nam đã nhập 40 tỷ USD từ Trung Quốc, một con số quá lớn từ trước đến nay, trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang phá giá mạnh đồng tiền để đẩy hàng qua biên giới thì Việt Nam rất cần phải cẩn trọng.

Việc để tỷ giá xảy ra biến động mạnh, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm gần Tết cổ truyền có thể ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Tâm Sáng

Xem thêm: