Vì sao Hồng Kông lại quan trọng với Trung quốc và cả thế giới?
- Tiểu Minh
- •
Ngày 28/5 vừa qua, với lý do an ninh quốc gia, Bắc Kinh đã thông qua Dự luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông, theo hướng biến Hồng Kông từ một thể chế độc lập, pháp luật trung lập trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào Bắc kinh. Đây là một sự kiện đáng lo ngại không chỉ riêng đối với Hồng Kông, hay Trung quốc mà là đối với toàn thế giới.
Ông Trần Chí Võ (Chen Zhiwu), giáo sư tài chính rất nổi tiếng trên thế giới của Đại học Yale, cũng là một kinh tế gia nổi tiếng người Hoa, gần đây đã phát biểu: việc giữ lại trạng thái “một quốc gia hai thể chế” của Hồng Kông là rất có lợi và rất cần thiết cho sự phát triển trong tương lai của dân tộc Trung Hoa.
Mấy ngày qua, vị thế của Hồng Kông đã thu hút sự quan tâm lớn trên toàn thế giới. Ngày 29/5, Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump đã nói về vấn đề Hồng Kông, ra lệnh cho chính quyền Mỹ chuẩn bị bãi bỏ vị thế ưu tiên đặc biệt của Hồng Kông, bao gồm cả hủy bỏ những đối xử ưu đãi về thương mại và thuế quan đặc biệt của Hồng Kông. Từ đó đã dấy lên quan ngại bao trùm toàn cầu, bởi vì có thể sẽ là khởi đầu dẫn đến tương lai không ổn định của thị trường tài chính Châu Á, thậm chí sẽ có thể gây ra sụp đổ.
Liên tiếp trong ngày 29 và 30 tháng 5, Giáo sư Trần Chí Võ trả lời phỏng vấn của Nhật Báo Hồng Kông (South China Morning Post) và Truyền hình vệ tinh Thẩm Quyến đã bày tỏ quan ngại về tương lai của Hồng Kông. Ông cho rằng, tầm ảnh hưởng của Hồng Kông trong mối quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc là vượt qua sức tưởng tượng của nhiều người. Nếu một khi Hồng Kông trở thành một thành phố bình thường như các thành phố khác của Trung Quốc Đại Lục thì tổn thất do nó đưa đến sẽ rất lớn trên tất cả các phương diện.
Ông Trần nói với Truyền hình Thẩm Quyến rằng một điểm khác biệt căn bản của Hồng Kông và các thành phố khác của Trung Quốc Đại Lục là hệ thống pháp chế của nó hoàn toàn trung lập. Cụ thể, trong mỗi một phiên tòa của tòa án tối cao Hồng Kông sẽ có 5 thẩm phán tham gia. Trong 5 thẩm phán này có 3 người là thẩm phán thường trực, người bản địa Hồng Kông; 1 người là thẩm phán trưởng của tòa án chung thẩm, người này cũng phải là người bản địa Hồng Kông. Thẩm phán thứ 5 là người trong số 18 thẩm phán không thường trực ở nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài. Như vậy, trong hầu hết các phiên tòa chung thẩm, cơ bản là phải có một thẩm phán là người có quốc tịch nước ngoài.
Chính vì sự sắp đặt thẩm phán có quốc tịch nước ngoài này, điều có vẻ là lạ, nhưng chính nó lại làm cho các doanh nghiệp và cá nhân tin tưởng vào tính tin cậy và tính trung lập của hệ thống luật pháp của Hồng Kông. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho Thâm Quyến, Thượng Hải hoặc bất kỳ thành phố nào của Đại Lục đều không thể thay thế cho Hồng Kông trong thời gian ngắn hạn được.
Ông Trần cho rằng “một quốc gia hai thể chế” là điều kiện trước tiên để đảm bảo giá trị cốt lõi của Hồng Kông. Nếu như “một quốc gia hai thể chế” bị phá vỡ thì Hồng Kông sẽ không còn là Hồng Kông quen thuộc của chúng ta nữa.
Hiện nay, Trung Quốc Đại Lục có quan điểm cho rằng trong sự phát triển kinh tế Trung Quốc thì Hồng Kông không có vai trò lớn lắm, nên thậm chí còn đề xuất biến Hồng Kông từ “một quốc gia hai thể chế” thành “1 quốc gia 1 thể chế” (với ý là xóa bỏ tính trung lập của Hồng Kông), có thể lấy Thâm Quyến, Thượng Hải thay cho Hồng Kông.
Ông Trần đã không đồng ý quan điểm này. Ông nói rằng nguyên nhân Thâm Quyến phát triển nhanh trong thời gian vừa qua là do nằm bên cạnh Hồng Kông. Nếu như không có lợi thế về rất nhiều phương diện của Hồng Kông cung cấp cho thì Thâm Quyến không thể thu hút nhân tài từ các nơi, càng không thể phát triển nhanh như vậy. Ấn Độ luôn cảm thấy nuối tiếc vì đã không có một thành phố nào có vai trò tác dụng được như Hồng Kông.
Ông Trần thừa nhận, việc Trung Quốc mở cửa đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội đối với Hồng Kông, nhưng trên thực tế, Hồng Kông thông qua tiếp xúc xã hội quốc tế, thông qua hợp tác thương mại quốc tế, mà đã cung cấp cho Trung Quốc nội địa rất nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội. Hồng Kông nếu như không có “một quốc gia, hai thể chế”, nếu như bị nội địa đồng hóa, nó sẽ gây ra tổn thất tương đối lớn đối với chính Hồng Kông, mặt khác nó cũng sẽ gây tổn thất lớn hơn cho Trung Quốc nội địa. Ví dụ, năm 2018, Trung Quốc nhận 120 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó có 90 tỷ USD là thông qua Hồng Kông, chiếm 80%.
Ông Trần cho rằng truyền thống nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông và tinh thần chuyên nghiệp của người Hồng Kông là không thể thay thế được bởi bất kỳ một nơi nào khác trong lãnh thổ Trung Quốc.
Do đó ông kêu gọi không nên dễ dàng phá vỡ cục diện này, việc bảo lưu “một quốc gia, hai thể chế” đối với sự phát triển của dân tộc Trung Hoa trong tương lai mà nói là rất có lợi, rất trọng yếu và rất cần thiết. Ông Trần cũng nói trong cuộc phỏng vấn với Nhật báo Hồng Kông rằng, cuộc đối đầu Mỹ-Trung có thể làm Hồng Kông mất đi phần lớn các lợi thế. Khiến cho Hồng Kông biến thành không còn quan trọng đối với Trung Quốc, hay đối với thế giới. Tuy vậy, nếu giữa Trung Quốc và phương Tây không còn vùng đệm là Hồng Kông, hai bên có thể sẽ phát sinh đối kháng trực tiếp, đến khi đó, 100% xung đột giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ là trực tiếp và trực diện, điều này sẽ có hại đối với sự phát triển của Trung Quốc, cũng sẽ làm tổn hại khả năng tăng trưởng của Trung Quốc.
Cuối cùng, ông Trần nhấn mạnh, không thể thay thế địa vị của Hồng Kông “một quốc gia, hai thể chế”.
Tiểu Minh
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông luật an ninh Hồng Kông