Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt gần 260 tỷ USD, giảm hơn 8% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ (thị trường lớn nhất) giảm 15 tỷ USD.

cang hai phong 1
Cảng Đình Vũ, TP Hải Phòng. (Ảnh: cangvuhaiphong.gov.vn)

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2023, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 8,1 tỷ USD, nếu tính từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 70,2 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm ngoái đạt 85,2 tỷ USD thì thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (Mỹ) đã giảm 15 tỷ USD.

Trong các nhóm hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với 12,5 tỷ USD. Tiếp theo là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,82 tỷ USD; dệt may đạt hơn 11 tỷ USD…

Ngược lại, đến hết tháng 9/2023, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 10,2 tỷ USD, giảm khoảng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) nhận định, Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp sản phẩm nguồn như: Bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ…

Do đó, việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Mỹ tạo ưu thế quan trọng, giúp làm “sạch hóa” chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngoài ra, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, doanh nghiệp Việt phải tìm hiểu kỹ các quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức.

Đồng thời doanh nghiệp cũng phải nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo các tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương Việt Nam, tháng 8/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo về kết luận cuối cùng của đợt rà soát lần thứ hai lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam, báo Công thương đưa tin.

Theo đó, tại kết luận, do không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia rà soát nên DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 220,68% (trừ ba công ty được áp dụng thuế suất riêng là 157%). Mức thuế này không thay đổi so với mức thuế hiện hành (áp dụng từ tháng 2/2013).

Ngoài ra, sản phẩm móc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam cũng đang bị DOC áp dụng thuế chống trợ cấp với mức thuế 31,58% (trừ một công ty bị áp dụng thuế suất riêng là 90,42%).

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa gia hạn thời gian điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng và sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, do nghi ngờ thành phần sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các sản phẩm này có thể sẽ phải chịu mức thuế có thể lên đến gần 200% như Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc.

Tuấn Minh