Việt Nam lại lo sợ ‘vàng hóa’ nền kinh tế
- Nguyễn Minh
- •
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Động thái trên diễn ra gần tròn 12 năm sau Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng, song hiện có lúc giá vàng miếng lập kỷ lục lên gần 82 triệu đồng, vàng nhẫn chạm 69 triệu đồng một lượng.
Nội dung Công điện số 22 được báo Chính phủ đăng tải vào trưa 20/3, chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Tổng Thanh tra Chính phủ can thiệp thị trường vàng nội địa.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để nhanh chóng thực hiện các giải pháp để bình ổn giá, xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua. Yêu cầu đặt ra là không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Đồng thời, NHNN được yêu cầu rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… Cơ quan này phải tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP – quy định Nhà nước độc quyền vàng miếng – để đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định.
Các giải pháp trước mắt gồm thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
“Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật” – theo nội dung công văn.
Theo đó, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với NHNN và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng….
Các bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan và các địa phương liên quan được giao phối hợp chặt chẽ với NHNN về quản lý thị trường vàng, chủ động cung cấp thông tin và xử lý các công việc theo thẩm quyền, báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Chiều tối cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Minh Khái họp với NHNN, các bộ, ngành về quản lý thị trường vàng. NHNN được yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến cung – cầu thị trường vàng trong và ngoài nước, đánh giá đúng tình hình, “bắt đúng bệnh” để có các phản ứng kịp thời, hiệu quả để xử lý tình hình hiện tại và tương lai.
Chỉ tính từ tháng 6/2023 đến nay, đã có 9 văn bản từ phía Chính phủ chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6/2022, Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng về hệ quả của thực trạng độc quyền kinh doanh vàng.
“Chênh lệch về giá vàng tại Việt Nam so với giá vàng trên thế giới, có lúc lên tới hơn 20 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng trang sức SJC với giá vàng có thương hiệu khác. Đó là các vấn đề gây tâm lý lo lắng bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và làm gia tăng lạm phát.
NHNN Việt Nam đã tiến hành thanh tra kiểm tra với thực trạng giá biến động hay chưa? Liệu có sự bắt tay thao túng giá vàng SJC trên thị trường hiện nay hay không và đến thời điểm nào thì NHNN sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định 24/2012/NĐ-CP để xử lý lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập về kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua?” – bà Thủy nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng giải thích giá vàng biến động khó lường liên quan tới đô la, căng thẳng chính trị Nga-Ukraine… Mặc dù vậy, bà Hồng thừa nhận: “Giá vàng tại Việt Nam biến động cùng xu hướng với thế giới nhưng tốc độ chiều chỉnh lên nhanh hơn và xuống thì chậm hơn so với thế giới”.
Thống đốc Hồng cũng xác nhận giá vàng thương hiệu SJC tăng ở mức lớn so với các nhãn hiệu vàng khác, với lý do “SJC là thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng hơn cả nên họ niêm yết giá cao, đối với SJC thì mua cao thì bán cao trong khi thương hiệu vàng khác mua giá thấp thì bán thấp”.
“[Với] chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế thì NHNN từ 2014 không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, và NHNN cũng đánh giá và sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết. Tuy nhiên số liệu của NHNN có được cho thấy người dân không mua vàng nhiều cho nên chúng tôi chưa tổ chức nhập vàng về để can thiệp giá vàng và vì thấy nhu cầu như vậy nên chưa triển khai giải pháp này”.
Tuy nhiên, TTXVN ngày 15/3 vừa qua đưa ra quan điểm rằng từ năm 2014 không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế. Từ đó, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 20 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác. Bài báo dẫn ý kiến các chuyên gia cho rằng cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng tăng nguồn cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC; cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.
Nguyễn Minh
Từ khóa Dòng sự kiện vàng miếng SJC độc quyền vàng vàng miếng