Theo truyền thông trong nước, giá sầu riêng thời gian qua bất ổn định bởi các bên tranh nhau mua và thiếu sự quản lý mã số vùng trồng dùng xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp Việt có nguy cơ thua ngay chính sân nhà.

sau rieng thu hoach sau rieng loan gia sau rieng
“Loạn” giá sầu riêng bởi các bên tranh mua, làm sai quy trình mã số vùng trồng xuất khẩu. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)

Mở cửa được thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất là Trung Quốc, từ tháng 9/2022 đến nay, giá sầu riêng của Việt Nam tăng vọt và neo ở mức cao. Tại các vùng trồng, chi phí sản xuất 1kg sầu riêng chỉ 20.000 đồng, nhưng giá hiện lên mức 50.000 – 90.000 đồng/kg tuỳ loại, nông dân thu lãi lớn, theo báo Việt Nam Net.

Tại hội nghị diễn ra ở Đắk Lắk hôm 11/9, ông Vũ Đức Côn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết những tháng đầu năm là mùa nghịch, giá sầu riêng lên tới 150.000 – 200.000 đồng/kg. Vào chính vụ, giá sầu riêng không biến động nhiều.

Đây cũng là lúc sầu riêng Việt Nam trùng với mùa vụ của một số nước khu vực là Thái Lan, Malaysia.

“Sầu riêng tại Tây Nguyên gần như thu hoạch cuối cùng so với cả nước cũng như các quốc gia lân cận, nên giá luôn khá cao”, ông Côn nói.

Theo vị này, ở Đắk Lắk có 3 hình thức thu mua sầu riêng. Thứ nhất, một số doanh nghiệp đặt cọc với người sản xuất, cách thời điểm thu hoạch 1-2 tháng bằng hợp đồng mua bán. Số tiền đặt cọc khoảng 30% giá trị theo sản lượng bán xô tại vườn.

Thứ hai, một số hộ tự chốt giá với doanh nghiệp tại thời điểm sầu riêng bắt đầu ra hoa do người dân cần tiền để đầu tư phân bón, thuốc BVTV… chăm sóc cây.

Thứ ba, một số đối tượng thương lái, “cò” vào tận vườn để chốt giá 80.000-90.000 đồng/kg. Ông Côn cho rằng hình thức thứ 3 này đang gây nhiễu giá thị trường.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Vạn Hòa, đơn vị có hệ thống cơ sở đóng gói tại Đăk Lăk lên đến 30.000 m2, công suất hoạt động khoảng 100.000 tấn một năm, cho biết phải bù lỗ vì sầu riêng bị “thổi giá”, nông dân bẻ kèo, theo báo Vnexpress.

Ông Trung dẫn chứng trước khi sầu riêng vào vụ một tháng, các vùng trồng đã được doanh nghiệp liên kết trước đó nhưng vẫn bị nông dân bẻ cọc vì các cò, lái vào trả giá cao hơn.

“Nếu doanh nghiệp ký kết thu mua với nông dân giá 60.000-80.000 đồng một kg, nhiều cơ sở vãng lai sẵn sàng trả 90.000 đồng, thậm chí 100.000 đồng khiến nông dân bẻ cọc”, ông Trung cho hay.

Theo ông Trung, việc này khiến công ty gặp khó trong hoàn thành đơn hàng cho đối tác, phải bù lỗ sau mỗi chuyến hàng xuất khẩu. Với tình trạng trên, doanh nghiệp càng làm sẽ càng lỗ. Việc duy trì cam kết với các đối tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, ông này cho biết còn tình trạng đáng báo động là vùng trồng của các hợp tác xã đều được phía Trung Quốc cấp mã nhưng khi thương lái và cơ sở vãng lai thu mua họ lại sử dụng mã vùng trồng khác để đóng gói.

Nếu để tình trạng này tiếp diễn, các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc và làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường.

Đức Minh