Theo các tài liệu mà Reuters tiếp cận, Việt Nam đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn để chống gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp, tập trung kiểm tra các sản phẩm từ Trung Quốc, nhằm thực hiện cam kết với Mỹ.

viet nam xuat sieu 303 ngay trong thang dau nam 2025
Hoạt động logistics tại Cảng Cát Lái, hệ thống cảng Sài Gòn với nhiều tàu ra vào xếp dỡ,
TP.HCM, Việt Nam, ngày 28/1/2024. (Ảnh: Minh K Tran/Shutterstock)

Tuần trước, Việt Nam đã đạt thỏa thuận sơ bộ với chính quyền Trump, giảm thuế Mỹ áp lên hàng Việt Nam từ mức 46% (dự kiến từ hồi tháng Tư) xuống 20%. Tuy nhiên, hàng hóa bị Mỹ coi là vận chuyển bất hợp pháp qua Việt Nam sẽ chịu thuế 40%. Các biện pháp mới mà Việt Nam chuẩn bị áp dụng nhằm mở rộng nỗ lực gần đây trong việc trấn áp gian lận thương mại và hàng giả nhập khẩu, đồng thời là yếu tố then chốt để duy trì thiện chí từ chính quyền Trump.

Các quan chức Mỹ liên tục cáo buộc Việt Nam bị sử dụng làm trung gian để vận chuyển hàng Trung Quốc sang Mỹ. Họ cho rằng một số hàng hóa được gắn nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” dù không hoặc hầu như không có giá trị gia tăng tại Việt Nam, giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc lợi dụng thuế suất thấp của Việt Nam để né thuế cao áp lên hàng Trung Quốc.

Theo tài liệu ngày 3/7 từ Bộ Công Thương Việt Nam, Chính phủ sẽ ban hành nghị định mới, “quy định mức chế tài cao hơn đối với hành vi gian lận xuất xứ” và áp dụng các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn gian lận.

Ngày 3/7, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng Bí thư Tô Lâm đạt thỏa thuận, khiến Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Anh đạt thỏa thuận sơ bộ với Mỹ về vấn đề thuế quan.

Tài liệu cho biết, cơ quan chức năng Việt Nam được yêu cầu tăng cường kiểm tra hàng xuất khẩu sang Mỹ, tập trung vào “các mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại… hoặc bị EU và Mỹ áp biện pháp bảo hộ thương mại, đặc biệt là hàng từ Trung Quốc”. Tài liệu liệt kê các sản phẩm như nội thất gỗ, ván ép, linh kiện máy móc bằng thép, xe đạp, pin, tai nghe không dây và các sản phẩm điện tử khác.

Báo cáo nêu, tài liệu liệt kê các hành vi gian lận như sử dụng giấy tờ giả để lấy chứng nhận xuất xứ, làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hoặc nhập khẩu hàng giả vào Việt Nam. Tài liệu bổ sung rằng gian lận thương mại gần đây gia tăng, chủ yếu nhằm né thuế và các biện pháp bảo hộ thương mại. Reuters cho biết, Bộ Công Thương Việt Nam và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ không phản hồi yêu cầu bình luận.

Tuy nhiên, thỏa thuận thuế quan Mỹ – Việt vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Chưa rõ Washington sẽ định nghĩa thế nào về vận chuyển bất hợp pháp, hay Việt Nam cần gia tăng bao nhiêu giá trị cho hàng nhập khẩu để tránh thuế 40%. Có thông tin Mỹ đang thúc đẩy Việt Nam giảm phụ thuộc vào linh kiện nhập từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Thời điểm thỏa thuận được hoàn tất cũng chưa rõ.

Theo bản dự thảo không ghi ngày mà Reuters tiếp cận, nghị định của Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra quy trình nghiêm ngặt hơn để giám sát các công ty tự chứng nhận xuất xứ sản phẩm, tăng cường kiểm tra tại chỗ và siết chặt việc cấp chứng nhận xuất xứ. Một nguồn tin cho biết dự thảo nghị định chưa liệt kê các biện pháp xử phạt, dự kiến sẽ được bổ sung trong bản sửa đổi hoặc văn bản pháp luật khác.

Kể từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần gấp đôi. Khi đó, chính quyền Trump áp thuế lớn lên hàng Trung Quốc, khiến một số nhà sản xuất chuyển sản xuất sang Việt Nam và các nước khác. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Mỹ và Việt Nam, khi xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh, Việt Nam cũng tăng đáng kể nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều năm qua, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc gần như tương đồng với xuất khẩu sang Mỹ, với tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2024 đều đạt khoảng 1400 tỷ USD.

Theo RFI