Việt Nam tham vọng nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới về công nghệ blockchain
- Phan Vũ
- •
Theo Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành, Việt Nam tham vọng nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực và thế giới về công nghệ này vào năm 2030 và tự làm thương hiệu blockchain của riêng mình.
Chiến lược quốc gia ứng dụng và phát triển công nghệ blockchain đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc ký quyết định ban hành vào ngày 22/10. Chiến lược xác định blockchain là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Công nghệ blockchain là một cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh. Công nghệ này được áp dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm năng lượng, tài chính, ngân hàng, truyền thông và giải trí, bán lẻ. Một trong những ứng dụng đầu tiên của công nghệ này là các loại tiền ảo.
Theo Chiến lược, ngay trong năm tới, Việt Nam sẽ thiết lập được nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối, bao gồm hình thành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.
Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng blockchain tại 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng và nâng cấp 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực; đưa chuỗi khối vào khung chương trình đào tạo tại trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, cơ sở nghiên cứu.
Tầm nhìn đến 2030, Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và khai thác công nghệ blockchain.
Giai đoạn này, Việt Nam cũng dự kiến xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu 3 trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về chuỗi khối tại các thành phố lớn; đồng thời có đại diện nằm trong bảng xếp hạng 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuỗi khối dẫn đầu khu vực châu Á.
Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đưa ra 5 hành động cụ thể bao gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng, hình thành hệ sinh thái công nghiệp blockchain; Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực Blockchain; Thúc đẩy phát triển và ứng dụng Blockchain; Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế.
Hiệp hội Blockchain Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành để chủ trì phát triển các nền tảng blockchain Made in Vietnam.
Tính đến cuối tháng 8/2024, theo thống kê của CoinMarketCap, giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu ước đạt 2,21 nghìn tỷ USD với hơn 2,4 triệu loại tiền mã hóa.
Riêng tại Việt Nam, theo báo cáo của hãng Chainalysis, tính đến tháng 7/2023, tài sản mã hóa vào Việt Nam lên đến 120 tỷ USD, gấp khoảng 3 – 4 lần dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và tăng 20% so với giai đoạn 2021 – 2022 (khoảng 100 tỷ USD). Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý cụ thể về tài sản mã hoá, khoản thu thuế đối với 120 tỷ USD này đang bị thất thoát, chảy ra khỏi Việt Nam.
Từ khóa blockchain Việt Nam