Việt Nam tụt 1 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh 2019
- Tường Văn
- •
Theo xếp hạng về “Môi trường kinh doanh năm 2019” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam xếp thứ 69/190 quốc gia được khảo sát về mức độ dễ dàng kinh doanh, vị trí này bị tụt 1 bậc so với năm ngoái.
WB xếp hạng môi trường kinh doanh được dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin giấy phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ lợi ích nhà đầu thiểu số; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Theo đó, WB đánh giá nền kinh tế Việt Nam được 68,36/ 100 điểm, cao hơn mức điểm trung bình của khu vực Đông Nam Á (63,41 điểm) và xếp thứ 69/190 quốc gia, cao hơn Lào và Philippines, tương đương với Indonesia (thứ 73) và xếp sau Singapore (thứ 2), Malaysia (vị trí thứ 15), Thái Lan (thứ 27).
Trong 10 tiêu chí đánh giá của WB ở trên, Việt Nam tăng điểm tới 7 chỉ tiêu, 3 chỉ tiêu không thay đổi và chỉ có 1 chỉ tiêu về “xử lý khi mất khả năng thanh toán” bị giảm điểm.
Mặc dù vậy, thứ hạng chung của Việt Nam lại bị tụt bậc, cho thấy mức tăng điểm vẫn chưa đáng kể và còn ở mức thấp so với trung bình chung của các nước.
Cụ thể, các chỉ số Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp (xếp hạng ngoài 100) bao gồm: khả năng thành lập doanh nghiệp (hạng 104); nộp thuế (hạng 131); khả năng giao thương quốc tế (hạng 100); và khả năng xử lý khi mất khả năng thanh toán vẫn còn khá thấp điểm (hạng thứ 133/190 quốc gia).
Trong bảng hồ sơ lưu trữ của WB, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người (GNI per capita) vào khoảng 2.170 USD, thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp (Lower middle income) của thế giới.
Quốc gia đứng đầu về mức độ dễ dàng kinh doanh năm 2019 là New Zealand, Singapore xếp thứ 2, tiếp theo là Đan Mạch, Hồng Kông, Hàn Quốc và Georgia.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới Hoa Kỳ xếp thứ 8, Trung Quốc xếp thứ 46, Nga thứ 31. Đứng cuối bảng năm nay là quốc gia Venezuela, quốc gia Đông Phi Eritrea và Somalia.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Việt Nam World Bank môi trường kinh doanh