Từ ngày 29/04 đến 30/06, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận 144 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt 180 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lượng phát hành trong tháng 5. Lãi suất huy động cao nhất là 12,5%/năm, thuộc về đơn vị phát hành CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast.

trai phieu doanh nghiep 17320731139131745854091
Từ ngày 26/5 đến 30/6, HNX ghi nhận 144 đợt phát hành trái phiếu với tổng trị giá 180 ngàn tỷ đồng. Ảnh minh họa Chinhphu.vn.

Từ ngày 29/04 đến 30/06, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ghi nhận 144 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt 180 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành đã vượt 200 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng và Bất động sản dẫn đầu trong hoạt động phát hành mới

Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn dắt hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp với tổng giá trị phát hành đạt 122 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 và tháng 6. Hoạt động phát hành trở nên sôi nổi so với các tháng trước cũng như so với cùng kỳ được thúc đẩy bởi nhu cầu bổ sung vốn dài hạn cho các hoạt động cho vay trong bối cảnh hoạt động huy động vốn từ các tổ chức kinh tế vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại phải tìm cách tối ưu hóa cơ cấu vốn bằng cách cân đối tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung hạn và dài hạn.

Ngành bất động sản cũng tích cực huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu với tổng trị giá đạt khoảng 34 nghìn tỷ động trong quý 2/2025, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh tâm lý lạc quan của các nhà phát triển bất động sản đối với những thay đổi về chính sách như các cải cách hành chính phân cấp thẩm quyền cho chính quyền địa phương, việc đơn giản hóa quy trình cấp phép dự án mới, ….

Đứng đầu tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6 là Ngân hàng ACB (26.650 tỷ đồng), tiếp theo là Ngân hàng Techcombank (24.800 tỷ đồng), Ngân hàng MBBank (15.500 tỷ đồng).

Dẫn đầu về lãi suất huy động của trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6 là CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast với lãi suất bình quân 12,5%/năm; tiếp theo là Tập đoàn VinGroup (12,4%/năm) và Công ty THNN Công nghiệp – Bất động sản và Xây dựng Song Phương (12%/năm).

15,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 7

HNX đồng thời ghi nhận hơn 300 giao dịch mua lại trước hạn, với tổng giá trị 8,8 nghìn tỷ đồng trong khoảng thời gian từ ngày 29/04 đến ngày 30/06. Phần lớn giá trị mua lại trước hạn đến từ nhóm Ngân hàng; tiêu biểu là các giao dịch với tổng trị giá 10 nghìn tỷ đồng của ACB, tiếp theo là Techcombank (9,5 nghìn tỷ đồng), BID (7,3 nghìn tỷ đồng), SHB (4 nghìn tỷ đồng), MBB (4 nghìn tỷ đồng) và MSB (3 nghìn tỷ đồng).

Bên cạnh đó, cũng có một số giao dịch mua lại trước hạn của nhóm Bất động sản như Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living (2,5 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Mỹ Khánh (2,2 nghìn tỷ đồng), Công Ty TNHH Nam Rạch Chiếc (2 nghìn tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Sovico (1,5 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển BĐS Đại Hùng (1,5 nghìn tỷ đồng), Công Ty TNHH Đầu Tư Và Phát Triển Bất Động Sản Seaside Homes (1,5 nghìn tỷ đồng), CTCP Đầu Tư Summer Beach (1,5 nghìn tỷ đồng) và Saigon Glory (0,8 nghìn tỷ đồng).

Trong tháng 7 có 76 trái phiếu dự kiến đáo hạn (bao gồm cả những trái phiếu có ngày đáo hạn đã được gia hạn) với tổng giá trị thanh toán khoảng 15,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhóm Bất động sản ghi nhận khoảng 7,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn từ các tổ chức phát hành như CTCP Hoàng Phú Vương (4,7 nghìn tỷ đồng), CTCP Hoa Phú Thịnh (3,1 nghìn tỷ đồng) và CTCP Sunshine AM (1 nghìn tỷ đồng).

Tùng Lâm (t/h)