Xu thế người Trung Quốc di cư tới Nhật Bản gia tăng cao
- Thi Thuần Nhân
- •
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản gần đây đưa tin, trong 5 năm qua, một lượng lớn người Trung Quốc giàu có đã chuyển đến Tokyo, đặc biệt là ở trung tâm thành phố với cơ sở giáo dục hiện đại và những khu cao cấp mới xây dựng. Xu hướng này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể dân số nước ngoài ở các phường Chuo, Bunkyo và Chiyoda của Tokyo và đẩy giá nhà đất tăng cao.
So với năm 2019, dân số nước ngoài tại 23 phường của Tokyo đã tăng từ 475,5 ngàn lên 570,4 ngàn, tăng gần 20%.
Là trung tâm thương mại của Tokyo, quận Chuo nổi tiếng với khu Ginza và Fuzhuang thịnh vượng, ven sông có nhiều tòa nhà cao tầng mới được xây dựng. Trong 5 năm qua, dân số nước ngoài trong quận tăng 50% từ 7800 lên 11700, trong đó người Trung Quốc chiếm 51%. Tại phường Bunkyo nơi tọa lạc các trường đại học nổi tiếng như Đại học Tokyo, tỷ lệ này tăng từ 43% lên 54%. Điều này cho thấy người Trung Quốc đến Tokyo sống không chỉ tìm kiếm tài sản đầu tư hay bảo toàn giá trị mà còn tìm kiếm môi trường giáo dục và chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Tăng mạnh người Trung Quốc đến Nhật Bản sống
Số liệu mới nhất từ Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cho thấy số lượng người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản vào năm 2023 lập mức cao kỷ lục đạt 3,42 triệu người, tăng 11% so với cuối năm 2022. Trong số đó cao nhất là công dân Trung Quốc khoảng 822 ngàn người, so với năm trước là khoảng 60,3 ngàn người. Xu hướng này không chỉ phản ánh số lượng lớn người Trung Quốc di cư ra nước ngoài trong những năm gần đây để tìm kiếm môi trường sống phù hợp hơn mà còn liên quan đến việc Nhật Bản sửa đổi và nới lỏng tiêu chuẩn cư trú.
Kể từ năm 2019, Nhật Bản đã sửa đổi luật kiểm soát nhập cư để thu hút thêm lao động nước ngoài nhằm lấp đầy khoảng trống thiếu nguồn lực lượng lao động. Đồng thời, Nhật Bản đã nới lỏng điều kiện cư trú cho doanh nhân nước ngoài và hạ ngưỡng xin thị thực kinh doanh, tính đến cuối năm 2023 đã có khoảng 30.000 người có thị thực này. Những người có thị thực này cũng có thể mời các thành viên gia đình đến sống cùng, thu hút nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có của Trung Quốc.
Sự xuất hiện của lượng lớn người mua Trung Quốc đã đẩy giá nhà ở Tokyo tăng cao. Theo Nikkei Asia, giá bán trung bình của căn hộ mới xây tại 23 phường của Tokyo đã tăng lên 114,83 triệu yên vào năm 2023, tăng 39,4% so với năm 2022, lần đầu tiên vượt mức 100 triệu yên. Giá của các căn hộ mới xây dựng trong khu vực đô thị lớn vùng Kanto (bao gồm cả các tỉnh Tokyo, Kanagawa, Saitama và Chiba) đã tăng lên 28,8%, đạt 81,01 triệu yên – mức cao mới trong ba năm liên tiếp.
Thị trường nhà cho thuê năm 2024 cũng cho thấy tăng trưởng mạnh mẽ trong hai quý liên tiếp. Theo dữ liệu từ Savills plc, giá cho thuê tại 23 phường của Tokyo tiếp tục tăng do dân số nước ngoài ngày càng tăng, lượng thuê văn phòng được cải thiện đi cùng xu thế tăng lương. Chủ tịch Daniel Cheng của Công ty Wangoku Jinliang nói với VOA rằng các nhà phát triển bất động sản ở Tokyo chủ yếu sử dụng đội ngũ bán hàng người Trung Quốc, nhiều công ty bất động sản do người Trung Quốc điều hành tập trung kinh doanh với người Hoa gốc Nhật và Hoa kiều…
“Một số ông trùm trẻ Trung Quốc trong vài năm qua đã kiếm được lợi nhuận nhanh chóng thông qua thị trường vốn và thị trường tiền điện tử, vì vậy họ hành động nhanh chóng khi mua bất động sản và mua ngay khi nhìn thấy ngôi nhà mà họ hài lòng.”
Daniel Cheng cũng đề cập rằng ngoài yếu tố tỷ giá hối đoái, lý do khiến bất động sản Nhật Bản thu hút nguồn vốn nước ngoài bao gồm môi trường chính trị ổn định của Nhật Bản, bảo hiểm xã hội và y tế tốt cũng như quyền sở hữu tài sản… đã thu hút tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc. Mặc dù vậy, thị trường nhà đất nửa đầu năm 2024 lần đầu tiên cho thấy xu hướng suy thoái và khoảng cách giữa giá trung bình và giá trung vị ngày càng gia tăng. Theo khảo sát do Viện Bất động sản Nhật Bản (Real Estate Institute Co.,LTD) thực hiện ngày 22/7, giá trung bình và đơn giá trên một mét vuông đã giảm đáng kể so với mức cao lịch sử cùng kỳ năm ngoái, số lượng căn hộ xây mới ở khu vực thủ đô Tokyo đã giảm 13,7% trong nửa đầu năm 2024 (tháng 1 – 6) xuống còn 9.066 căn, đây là lần đầu tiên sau 4 năm con số này giảm xuống dưới 10.000 căn.
Chủ tịch Chin JouSen của Công ty Yūzaku chuyên về thị trường Trung Quốc cho biết, người mua Trung Quốc có những nhu cầu khác nhau trên thị trường bất động sản Nhật Bản. Người giàu chủ yếu tập trung vào việc bảo toàn giá trị tài sản, trong khi các gia đình trung lưu có xu hướng mua bất động sản ở Tokyo nhiều hơn vì có nhiều sự lựa chọn và tổng mức giá thấp hơn so với những khu dân cư cao cấp ở Minato hoặc Chiyoda, dễ tìm được người cho thuê hơn.
“Một số khách hàng chủ yếu muốn bảo toàn giá trị tài sản, họ không quan tâm đến tỷ suất lợi nhuận nên sẽ chọn những bất động sản giá cao ở Minato hoặc Chiyoda. Những khách hàng mong đợi lợi nhuận sẽ chọn những bất động sản giá thấp hơn ở Shinjuku Ward hay Toshima Ward”, ông Chin JouSen giải thích trong một cuộc phỏng vấn với VOA.
Lý do chuyển đến Nhật Bản: Ổn định
Ông Sun Lijun năm nay 42 tuổi từng làm việc trong một dự án kỹ thuật bán dẫn ở Trung Quốc, dù mức lương hàng năm lên tới 700.000 – 800.000 nhân dân tệ, nhưng ông luôn cảm thấy không vui và đầy lo lắng về tương lai. Năm 2015, ông bắt đầu cân nhắc di cư sau khi xem xét toàn diện về giáo dục, chăm sóc y tế và bảo hiểm xã hội, chất lượng không khí và môi trường sống cũng như triển vọng kinh tế của Trung Quốc, cuối cùng ông và vợ đã đồng thuận vào năm 2021 chuyển đến Nhật Bản cùng hai con thông qua visa quản lý kinh doanh.
Sun Lijun nói với VOA: “Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đang phát triển nhưng tôi luôn cảm thấy không vui. Sau khi nhập cư vào Nhật Bản, chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình đã được cải thiện đáng kể”.
Một trường hợp khác là anh Chen Shangquan từ Phúc Kiến đến Nhật Bản vào năm 2007, ban đầu anh học ngoại ngữ trong một năm, sau đó hoàn thành chương trình giáo dục đại học và làm việc trong một công ty bất động sản ở Tokyo. Cách đây 4 năm, anh thành lập công ty riêng và kết hôn với người vợ mà anh gặp trong quá trình học đại học. Chen Shangquan cho rằng việc hòa nhập với xã hội Nhật Bản là điều quan trọng nhất, người Nhật rất thân thiện và dễ dàng chấp nhận người ngoài.
Bà Water Lee, chuyên gia tư vấn dịch vụ nhập cư cho người Hồng Kông cho biết, nhiều người Hồng Kông chọn định cư tại Nhật Bản do những thay đổi trong môi trường chính trị. Chính phủ Nhật Bản tổ chức nhân sự chuyên môn cho những người mới nhập cư, để giúp họ thích nghi với ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, người có thị thực quản lý kinh doanh vẫn giới hạn cư trú 5 năm, đối với những người Hồng Kông không quen với tiếng Nhật thì việc duy trì sự nghiệp ở Nhật Bản vẫn là một thách thức.
Nhưng bà Lee cho biết: “Nhiều người Hồng Kông không ngừng nỗ lực để ở lại Nhật Bản vì có cuộc sống và tự do tốt hơn, ngay cả trong tương lai họ có cân nhắc việc chuyển đến các nước khác thì họ cũng sẽ không quay lại Hồng Kông”.
Người dân địa phương nghĩ về đầu tư nước ngoài
Bà Michelle Takahashi đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với Đài VOA rằng mặc dù người Nhật có thái độ thân thiện với người nước ngoài nhưng trong một số trường hợp, người nước ngoài vẫn sẽ cảm nhận được sự khác biệt tinh tế trong cách đối xử. Bà Takahashi nói: “Thái độ phục vụ của người Nhật đôi khi khiến người nước ngoài cảm thấy bị đối xử khác biệt, điều này có thể là một thách thức đối với những người nước ngoài không nói được tiếng Nhật”.
Ông Kazuhiko Isozaki thành lập Beru Corporation vào năm 2017, tập trung đầu tư vào những căn nhà trống và cải tạo để cho những nhóm có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội thuê với giá thấp. Ông hoan nghênh các quỹ nước ngoài vào Nhật Bản, đặc biệt là các quỹ Trung Quốc. Isozaki chia sẻ: “Bất động sản Nhật tăng cao có tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô, việc vốn nước ngoài đổ vào thúc đẩy giá bất động sản tăng. Dân số Nhật Bản tiếp tục giảm và thu nhập giảm, từ góc độ chính sách kinh tế thì cần phải hỗ trợ hiệu quả hơn vốn và người dân nước ngoài vào Nhật Bản”. Ông hy vọng sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh giúp người nước ngoài mua bất động sản ở Nhật Bản, chủ yếu bao gồm các dịch vụ giáo dục và hỗ trợ, nhằm giảm bớt trở ngại cho người nước ngoài mua bất động sản ở Nhật Bản.
Từ khóa Nhật Bản Người giàu Trung Quốc người Trung Quốc di cư bất động sản Nhật Bản