Xuất khẩu dầu thô giảm, trong khi nhập khẩu tăng mạnh lên 1,25 triệu tấn
- Tường Văn
- •
Trong khi xuất khẩu dầu thô 6 tháng đầu năm 2018 giảm mạnh (gần 50%), thì nhập khẩu dầu thô lại có chiều hướng gia tăng đột biến lên đến 1,25 triệu tấn, tăng tới hơn 345% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dầu thô trong 6 tháng đầu năm 2018 sụt giảm rất mạnh khi chỉ đạt 1,88 triệu tấn, tương đương 1,05 tỷ USD – lần lượt giảm gần 50% về số lượng và giảm hơn 30% về giá trị.
Xuất khẩu dầu thô sang các thị trường chủ yếu như Trung Quốc, Thái Lan… đều bị giảm mạnh.
Ở chiều ngược lại, lượng dầu thô nhập khẩu vào Việt Nam trong 6 tháng qua lại tăng rất mạnh, lên đến 1,25 triệu tấn – tăng hơn 345% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị nhập khẩu cũng tăng hơn 411% lên mức gần 600 triệu USD.
Như vậy, từ chỗ là quốc gia chuyên xuất khẩu dầu thô từ trước đến nay, Việt Nam lại đang phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Nguyên nhân theo các chuyên gia là bởi Việt Nam đang phải đối mặt với nguồn cung dầu khí ngày càng suy giảm.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây, Tổng giám đốc Vietsovpetro ông Từ Thành Nghĩa cho biết hầu hết các mỏ dầu ở Việt Nam đều đã khai thác trong thời gian dài và hiện đang trong giai đoạn cuối dẫn đến sản lượng khai thác bị suy giảm. Mỏ Bạch Hổ, nơi cung cấp hơn 60% sản lượng của PVN, đã vào giai đoạn suy kiệt.
“Móng mỏ Bạch Hổ chỉ còn quanh quẩn 10 triệu tấn, tối đa chỉ khai thác được trong 4 – 5 năm nữa thôi. Việc duy trì mỗi năm khai thác trên 4 triệu tấn là một thách thức”, ông Nghĩa cho biết.
Bên cạnh nhập khẩu dầu thô tăng đột biến, báo cáo ngành hải quan còn chỉ ra nhập khẩu xăng, dầu các loại cũng gia tăng đáng kể trong nửa đầu năm nay.
Cụ thể, Việt Nam đã nhập tổng cộng hơn 7 triệu tấn xăng, dầu các loại với trị giá gần 4,7 tỷ USD. Tăng 11,5% về lượng và hơn 40% về giá trị.
Các mặt hàng xăng, dầu các loại chủ yếu được nhập khẩu từ Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan và Nga.
Tường Văn
Xem thêm:
Từ khóa dầu mỏ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN Dầu khí biển Đông khai thác dầu khí