Ấn Độ theo đuổi “con đường tự do mậu dịch” với Hoa Kỳ
Ông Sunil Barthwal, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ, tuyên bố vào ngày Thứ Ba (15/4) rằng chính phủ của ông đã “quyết định theo đuổi một con đường tự do hóa mậu dịch với Hoa Kỳ“.
“Hiện tại Ấn Độ có cả những mối quan ngại lẫn cơ hội liên quan đến các mức thuế quan hiện hành, nhưng Ấn Độ đã chọn một lối đi, đó là thúc đẩy tự do mậu dịch với Hoa Kỳ”, ông Barthwal phát biểu.
Bộ Thương mại Ấn Độ cho hay các cuộc đàm phán từ xa với Hoa Kỳ để tiến đến một thỏa thuận thương mại sẽ bắt đầu vào tháng Tư, tiếp theo là vòng đàm phán trực tiếp vào tháng Năm.
Ông Barthwal nói rằng các đại diện của Hoa Kỳ và Ấn Độ đã ký kết “[văn kiện quy định] các điều khoản tham chiếu” trong ngày Thứ Ba (15/4) nhằm tổ chức các cuộc thương thuyết về hiệp định thương mại song phương vốn đã được hình thành từ cuộc hội kiến giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng Hai.
Các quan chức Ấn Độ và Hoa Kỳ cho biết các cuộc đàm phán đang đi theo đúng tiến độ nhằm hoàn tất giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận thương mại vào tháng Mười năm nay. Ông Barthwal nhấn mạnh rằng “sẽ tốt đẹp hơn nữa cho cả hai quốc gia” nếu tiến trình có thể hoàn thành sớm hơn.
Kênh truyền hình NDTV của Ấn Độ dự đoán rằng nội các của ông Modi “khó có khả năng đồng ý với chiến lược thuế quan bằng không với Washington”, thay vào đó họ ưa chuộng một “thỏa thuận trọn gói về thuế quan và rào cản phi thuế quan“.
Vấn đề với chiến lược thuế quan bằng không theo quan điểm của phía Ấn Độ là nước này có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ, nên họ cần duy trì một số mức thuế nhất định để bù đắp cho sức mua thấp hơn của người tiêu dùng.
Một số nhà phân tích Ấn Độ đã đề nghị mức thuế bằng không đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ để đổi lại việc được hưởng mức thuế quan bằng không cho một số mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ. Chẳng hạn, Ấn Độ muốn Hoa Kỳ hạ thuế đối với các sản phẩm sử dụng nhiều nhân công như hàng dệt may và hóa chất, trong khi phía Hoa Kỳ mong muốn giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp, ô tô và hàng nông sản xuất khẩu của mình.
“Ấn Độ đang vượt xa các nước khác trong việc đàm phán một thỏa thuận thương mại [với Hoa Kỳ]“, một viên chức Ấn Độ quả quyết với NDTV.
Những lời đề nghị thương mại ban đầu của Ấn Độ đối với ông Trump bao gồm đề nghị mua thêm dầu khí và thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ – một hướng đi mà ông Trump từng cho là có thể đưa Ấn Độ trở thành quốc gia không thuộc khối NATO đầu tiên được phép sở hữu chiến đấu cơ F-35.
Tổng thống Trump từng chỉ trích Ấn Độ khá gay gắt, gọi nước này là “quốc gia lạm dụng thuế quan” và là “vị vua thuế quan”, những lời chỉ trích mà New Delhi hầu như chấp nhận trong khi dựa vào tình bạn giữa ông Modi và ông Trump để duy trì các cuộc đàm phán.
Mặt khác, Ấn Độ cũng nhìn vào mặt tích cực khi nhìn nhận rằng việc ông Trump ném bom thuế quan vào Trung Quốc có thể tạo ra “cơ hội ngàn năm có một” cho các ngành công nghiệp Ấn Độ. Cả các quan chức Mỹ và Ấn Độ đều bày tỏ sự hài lòng với tiến độ đàm phán mỗi khi được ký giả hỏi tới.
Tờ The New York Times (NYT) hôm Thứ Ba (15/4) cho rằng các viên chức Ấn Độ có thể đang lạc quan hơi quá mức trước cơ hội do các biện pháp thuế quan của ông Trump tạo ra để vượt qua Trung Quốc, bởi lẽ Ấn Độ hiện chưa đủ điều kiện để tận dụng triệt để cơ hội đó.
Dù đang phát triển nhanh chóng, nền kinh tế Ấn Độ vẫn chỉ bằng một phần năm so với quy mô nền kinh tế Trung Quốc; hạ tầng cơ sở còn lạc hậu, lực lượng lao động có tay nghề còn thiếu hụt, và quy mô ngành sản xuất của Ấn Độ đang thu hẹp so với khu vực dịch vụ và nông nghiệp – bất chấp nỗ lực không ngừng của ông Modi nhằm biến quốc gia thành một cường quốc sản xuất.
Ông Anil Bhardwaj, Tổng Thư ký một hiệp hội sản xuất tại Ấn Độ, đã có một nhận định đáng chú ý rằng hệ thống tư pháp của tòa án Ấn Độ cần được cải thiện trước khi ngành sản xuất tại Ấn Độ có thể đạt đến cấp độ tiếp theo. Theo ông Bhardwaj, tòa án tại Ấn Độ thường xử lý chậm chạp và tùy tiện, khiến các doanh nghiệp nhỏ sợ mở rộng quy mô và có khả năng bị các tập đoàn lớn hơn thù địch.
“Bất kỳ [vụ tranh chấp đơn lẻ] nào cũng có thể trở thành tử huyệt đối với một doanh nghiệp nhỏ, vì vậy họ tránh phát triển và [vô tình] đánh mất cơ hội đạt được hiệu suất theo quy mô”, NYT nhận định.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn có một số thành quả sản xuất đáng ghi nhận, trong đó có cụm doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh iPhone đạt năng suất cao. Riêng khu vực Tamil Nadu của Ấn Độ hiện đang sản xuất gần 20% số lượng iPhone trên toàn cầu, và các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng con số đó có thể sớm tăng lên 30% trong thời gian tới.
Thiên Vân, theo Breitbart News
Ông Trump chỉ trích Chủ tịch Fed, ám chỉ khả năng sa thải
Theo tờ Wall Street Journal, vào ngày 17/4 (thứ Năm), Tổng thống Donald Trump đã công khai chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell trên mạng xã hội, đồng thời ám chỉ khả năng sẽ sa thải ông. Trước đó một ngày, trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông Powell đã cảnh báo rằng các biện pháp thuế quan do chính quyền Trump đưa ra có thể đẩy giá cả lên cao và làm suy yếu nền kinh tế, từ đó khiến Fed phải đối mặt với những quyết định khó khăn hơn.
Ông Trump viết trên mạng xã hội: “Việc sa thải Powell đến quá muộn!”, đồng thời chỉ trích Chủ tịch Fed là “luôn chậm trễ, luôn sai lầm”, và kêu gọi ông Powell cắt giảm lãi suất theo xu hướng của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Chính quyền Trump gần đây đã áp đặt hàng loạt thuế quan mới, điều này có thể khiến lạm phát tại Mỹ trong vài tháng tới cao hơn so với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, trước đó ông Trump từng tuyên bố rằng ông không có ý định thay ông Powell trước khi nhiệm kỳ của ông ấy kết thúc vào tháng 5/2026. Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV hôm thứ Hai tuần này, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng nhấn mạnh rằng ông ủng hộ sự độc lập trong chính sách lãi suất của Fed, gọi đó là một “báu vật cần được bảo vệ”.
Fed kiên quyết giữ vững lập trường độc lập, bất chấp áp lực chính trị
Theo USA Today, những chỉ trích từ ông Trump diễn ra ngay sau bài phát biểu của ông Powell về tác động tiêu cực của các mức thuế quan. Vào ngày 16/4, ông Powell cho biết khi nền kinh tế có dấu hiệu chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên. Đồng thời, khi các mức thuế được thực thi dần dần, một phần chi phí sẽ bị đẩy sang phía người tiêu dùng, từ đó làm tăng lạm phát.
Ông nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tăng trưởng giảm và giá cả tăng cùng lúc, nhiệm vụ hàng đầu của Fed là kiểm soát lạm phát, điều này có thể đồng nghĩa với việc trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Thông thường, việc cắt giảm lãi suất là công cụ được dùng để kích thích nền kinh tế yếu và thúc đẩy việc làm, trong khi tăng lãi suất được dùng để kiềm chế lạm phát.
Trong bài phát biểu tại Chicago, ông Powell khẳng định rằng sự độc lập của Fed “được quy định trong luật pháp”, và mọi quyết định của ngân hàng trung ương “đều dựa trên những phân tích và đánh giá tốt nhất của chúng tôi”, hoàn toàn không chịu chi phối bởi áp lực chính trị hay các yếu tố bên ngoài. “Ai muốn nói gì thì cứ nói,” ông nói thêm, “không sao cả. Nhưng chúng tôi sẽ kiên trì làm việc theo cách riêng của mình.”
Điều đáng chú ý là ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã nhiều lần công khai gây áp lực lên Fed. Ông Powell được chính ông Trump đề cử làm Chủ tịch Fed vào tháng 2/2018, và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 5/2022. Hồi tháng Một năm nay, ông Trump từng tuyên bố rằng ông “hiểu lãi suất còn giỏi hơn cả Fed”.
Lộ Khắc, Vision Times
Ông Tập đến Phnom Penh đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày Khmer Đỏ nắm quyền
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Phnom Penh, thủ đô Campuchia, vào ngày 17/4 bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước. Ngày này cũng trùng với kỷ niệm 50 năm ngày thành lập chế độ Khmer Đỏ tại Phnom Penh, gây ra cái chết của gần 1/4 dân số Campuchia.
Đây là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của ông Tập Cận Bình, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Campuchia có thể là điểm dừng chân thoải mái nhất trong chuyến công du 3 nước của ông Tập. Ngày 17/4, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã đích thân đến Sân bay quốc tế Phnom Penh để đón ông.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập ca ngợi tình hữu nghị 67 năm giữa hai nước đã vượt qua được “thử thách của những thay đổi quốc tế và vẫn vững như bàn thạch”, đồng thời nhấn mạnh rằng “hai nước đã đi đầu trong việc xây dựng một cộng đồng song phương cùng chung tương lai và thực hiện hợp tác cùng xây dựng Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Thật vậy, Trung Quốc hiện không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn tài nguyên bên ngoài, mà còn là nhà đầu tư lớn nhất của nước này. Campuchia cũng là nước ủng hộ Trung Quốc đáng tin cậy nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong những năm gần đây, một lượng lớn vốn của Trung Quốc đã đổ vào Campuchia, và thành phố Sihanoukville, cách Phnom Penh 200 km về phía tây nam.
Sihanoukville đặc biệt quan trọng vì là một trong những thành phố chủ chốt trong dự án Vành đai và Con đường của ông Tập. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đã khiến GDP bình quân đầu người ở đây cao gấp đôi mức trung bình cả nước.
Tuy nhiên, dòng vốn ồ ạt của Trung Quốc và vô số sòng bạc mở ra cho các ông trùm Trung Quốc cũng khiến nơi đây trở thành nơi đầu tiên xuất hiện bẫy lừa đảo trực tuyến. Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hơn 1/3 trong số 11 tỷ USD nợ nước ngoài của Campuchia đến từ Trung Quốc.
Cảng nước sâu Ream, được nâng cấp với sự hỗ trợ đầu tư của Trung Quốc, vừa hoàn thành và lễ cắt băng khánh thành đã được tổ chức, trở thành điểm kết nối chiến lược quan trọng cho sự bành trướng về phía Nam của Trung Quốc ra đại dương.
Mặc dù Chính phủ Campuchia nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có quyền độc quyền đối với cảng này nhằm xoa dịu mối lo ngại của Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nhưng kể từ tháng 12/2023, hai tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng này.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay cho nhiều nước nghèo để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, cách làm này được đưa vào Sáng kiến Vành đai và Con đường dưới thời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Dự án khổng lồ nhằm xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc sang các nước đang phát triển đã được thực hiện trong 10 năm.
Ngày 20/7/2024, Liberty Times của Đài Loan đưa tin, sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh đã gây tổn hại cho nhiều quốc gia đang phát triển, nhiều quốc gia đã phải gánh những khoản nợ khổng lồ và chưa trả được, dẫn đến vỡ nợ và sụp đổ kinh tế.
Họ buộc phải hy sinh an ninh quốc gia và bàn giao cơ sở hạ tầng hoặc cảng quan trọng cho Trung Quốc để đổi lấy việc gia hạn nợ. Các chuyên gia cho rằng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” không chỉ có mục đích thuộc địa hóa kinh tế mà còn có dã tâm quân sự.
Trong bài phát biểu tại Sân bay quốc tế Phnom Penh, ông Tập đã chúc mừng năm mới nhân dân Campuchia và ca ngợi tình hữu nghị 67 năm giữa hai nước, nhưng không đề cập đến việc ngày 17/12 cũng là kỷ niệm 50 năm Khmer Đỏ lên nắm quyền ở Phnom Penh với sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc.
50 năm trước, chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot cầm đầu đã tiến hành một cuộc thảm sát, khiến gần 2 triệu người thiệt mạng, tương đương với 1/4 dân số cả nước.
Chế độ Khmer Đỏ sụp đổ vào năm 1979 dưới sự tấn công của quân đội Việt Nam, nhưng đến năm 1981 Pol Pot mới tuyên bố giải thể Khmer Đỏ. Giai đoạn lịch sử diệt chủng này đã trở thành nỗi đau vĩnh hằng trong lòng vô số người dân Campuchia có gia đình bị tan vỡ và những người thân yêu bị giết hại.
Bình Minh (t/h)
Tập đoàn LG tính toán lại phương án đầu tư tại Việt Nam sau thông tin thuế quan của Hoa Kỳ
Bước đầu, LG Electronics dừng mở rộng đầu tư dây chuyền sản xuất lò vi sóng, ngừng dây chuyền sản xuất sản xuất tủ lạnh. Ước tính thiệt hại do thuế quan đối ứng của riêng LG Electronics là 460 triệu USD.
Ngày 11/4, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Thông tin trong hội nghị, một khảo sát cho biết LG Electronics Hải Phòng đã dừng đầu tư mở rộng sản xuất lò vi sóng và tạm dừng sản xuất tủ lạnh.
Đây là một động thái bước đầu của Chaebon Hàn Quốc nhằm ứng phó với mức thuế quan vừa công bố của Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo tính toán của LG Electronics, nếu Hoa Kỳ áp dụng mức thuế quan đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, doanh nghiệp này sẽ thiệt hại ước tính 460 triệu USD.
Dây chuyền sản xuất tủ lạnh tạm dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới 400 lao động.
Tập đoàn LG buộc phải cân nhắc hướng đầu tư tại Việt Nam trước mức thuế quan cao ngất ngưởng của Hoa Kỳ
Mức thuế quan đối ứng Hoa Kỳ áp cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam thuộc diện cao nhất trong khu vực, chỉ sau Campuchia (49%), tác động mạnh tới quyết định mở rộng đầu tư của Chaebol Hàn Quốc LG.
Tính đến tháng 4/2024, LG đã thu hút đầu tư vào Hải Phòng 8,24 tỷ USD, trong đó, 7 dự án với vốn đầu tư 7,24 tỷ USD (LG Electronics, LG Display, LG Innotek, LG CNS, LG Chemical (2 dự án), LG International) và 50 doanh nghiệp vệ tinh với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Cuối năm ngoái, LG Display đã nhận thêm Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án 1 tỷ USD.
Cụ thể, LG Display tại KCN Tràng Duệ tăng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên 5,65 tỷ USD. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Tập đoàn LG tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED cỡ nhỏ và vừa cho điện thoại, smart watch, tablet và các thiết bị di động khác, với quy mô 13 – 14 triệu sản phẩm/tháng.
Để dồn lực đầu tư vào dự án LG Display Hải Phòng, LG Display đã bán nhà máy sản xuất màn hình LCD tại Quảng Châu, Trung Quốc cho China Star Optoelectronics Technology (CSOT), công ty con của TCL. Thỏa thuận chuyển nhượng, được ký kết từ tháng 9 năm ngoái, đã được hoàn tất vào đầu tháng này, khi TCL đổi tên nhà máy Quảng Châu thành “T11” và bắt đầu vận hành từ ngày 1/4.
Số tiền thu được từ thương vụ trên giúp LG Display có thêm nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ OLED tại Việt Nam. Công ty đặt mục tiêu đạt lợi nhuận hoạt động 652,3 tỷ won trong năm nay, sau khi ghi nhận khoản lỗ 560,6 tỷ won vào năm ngoái.
Nguyên Hương (t/h)
Ông Trump nói Hoa Kỳ ‘100%’ sẽ đạt thỏa thuận thương mại với Châu Âu khi bà Meloni đến Washington
Theo Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận thương mại trong bối cảnh các mức thuế quan mà ông Trump đưa ra đang đe dọa châu Âu.
Chuyến công du đến Washington của Thủ tướng Ý, bà Giorgia Meloni, diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tạm hoãn áp dụng các mức thuế quan khắc nghiệt đối với EU và các quốc gia khác, có thể sẽ có hiệu lực vào tháng Sáu. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định Hoa Kỳ và EU sẽ đạt được một thỏa thuận trước thời điểm đó.
“Sẽ có một thỏa thuận thương mại, [bảo đảm] 100%. Dĩ nhiên sẽ có một thỏa thuận thương mại, họ rất muốn đạt được một thỏa thuận, và chúng tôi sẽ thực hiện một thỏa thuận thương mại. Tôi hoàn toàn mong đợi điều đó, nhưng đó sẽ là một thỏa thuận công bằng“, Tổng thống Trump phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng hôm thứ Năm (17/4).
Khi được hỏi liệu bà có xem Hoa Kỳ là một đối tác thương mại đáng tin cậy hay không, bà Meloni đáp rằng bà sẽ không đến thăm Nhà Trắng nếu không có lòng tin ấy. Bà Meloni cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ, đồng thời cho biết mục tiêu của bà là mời Tổng thống Trump tham dự các cuộc họp do Ý và châu Âu tổ chức nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán.
“Tôi cho rằng cách tốt nhất là chúng ta thẳng thắn trao đổi về những nhu cầu của mỗi bên chúng ta và tìm ra [giải pháp dung hòa] vì điều đó có ích cho tất cả“, bà Meloni nói với báo giới hôm thứ Năm (17/4).
Tổng thống Trump cho biết thêm, Hoa Kỳ đã tổ chức thảo luận về thương mại với Nhật Bản vào hôm thứ Tư (16/4) và hiện đang tiếp tục đàm phán với “nhiều” quốc gia khác. Tuy nhiên, ông Trump nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ không vội vã ký kết các thỏa thuận ngay lập tức.
“Chúng tôi đang tiến triển rất suôn sẻ về mặt thương mại. Hoa Kỳ đã bị hầu hết các quốc gia trên thế giới bóc lột và lợi dụng, gần như [không có ngoại lệ]. Ý tôi là, [tôi] phải dùng từ gần như (practically), chứ thực tế thì hầu như nước nào [cũng lợi dụng Hoa Kỳ]. Nhưng điều đó sẽ không còn tiếp diễn nữa; chúng tôi sẽ ký kết những thỏa thuận công bằng“, Tổng thống Trump phát biểu hôm thứ Năm (17/4).
Tổng thống Trump cũng bác bỏ những câu hỏi về việc liệu các đồng minh của Hoa Kỳ có thể sẽ nghiêng về phía Trung Quốc để đối phó với các mức thuế quan hay không. Nhưng ông Trump cho biết ông không lo lắng nếu điều đó xảy ra.
“Không ai có thể cạnh tranh với chúng ta“, ông Trump khẳng định.
Tổng thống Trump đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm với bà Meloni, chính trị gia đã từng viếng thăm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng Giêng. Ông Trump trước đây cũng từng ca ngợi khả năng lãnh đạo của bà Meloni và một lần nữa dành những lời khen ngợi cao hơn cho bà vào hôm thứ Năm (17/4).
“Tôi cho rằng bà ấy là một vị thủ tướng tuyệt vời. Tôi cho rằng bà ấy đang làm một công việc tuyệt vời tại Ý. Chúng tôi vô cùng tự hào về bà ấy“, Tổng thống Trump phát biểu.
Nhà Trắng cho biết, sau khi chính quyền Trump công bố các mức thuế quan lịch sử vào ngày 2 tháng 4, hơn 75 quốc gia đã liên hệ để tìm kiếm cơ hội đàm phán các thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ và gần đây con số đó đã tăng lên khoảng 130 quốc gia.
Kế hoạch thuế quan ban đầu ấn định mức thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, vào ngày 9 tháng 4, Tổng thống Trump đã thông báo tạm hoãn những mức thuế quan đó trong 90 ngày. Trong thời gian này mức thuế sẽ được giảm xuống còn 10% nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia thương lượng với Hoa Kỳ.
Bà Meloni từng tuyên bố rằng Ý không ủng hộ những mức thuế quan áp đặt lên Liên minh châu Âu và sẵn sàng “triển khai mọi công cụ” để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Ý.
Phó Tổng thống JD Vance cũng dự trù sẽ gặp bà Meloni tại Rome trong chuyến công du tới Ý và Ấn Độ, sẽ khởi hành vào thứ Sáu (18/4). Theo thông cáo từ văn phòng của ông, Phó Tổng thống Vance dự kiến sẽ thảo luận về “những ưu tiên chung về kinh tế và địa chính trị với các nhà lãnh đạo tại mỗi quốc gia ông đến”.
Thiên Vân, theo Fox Business
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen: “Phương Tây như ta từng biết nay không còn tồn tại nữa”
Niềm tin vào “điểm tận của lịch sử (end of history)” đã tan biến, và châu Âu hiện đang trải qua một “khủng hoảng xuyên Đại Tây Dương”, theo lời bà Ursula von der Leyen, chính trị gia từng là cộng sự thân tín của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, nay giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC).
- Điểm tận của lịch sử (The end of history): là một khái niệm do học giả Francis Fukuyama đưa ra vào cuối thế kỷ 20. Ý của ông Fukuyama nghĩa là sau Chiến tranh Lạnh (khi Liên Xô sụp đổ), nhân loại đã đến “điểm tận của lịch sử“, tức là dân chủ tự do phương Tây đã thắng thế hoàn toàn và không còn cuộc tranh đấu lớn về hệ tư tưởng nào nữa.

Bà Ursula von der Leyen, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Die Zeit của Đức, đã tuyên bố rằng “một Liên minh châu Âu mới khác biệt” là điều cần thiết để kiến tạo “trật tự thế giới mới” đang hình thành qua những cuộc tranh đoạt quyền lực giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.
Phát biểu với thời báo Die Zeit, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra cách giải thích của bà về các sự kiện trong thời gian gần đây rằng: “Phương Tây như chúng ta từng biết nay không còn tồn tại nữa”, tuyên bố rằng ngoài cách hiểu cũ về quốc gia nào thuộc phương Tây và quốc gia nào không thuộc phương Tây, Liên minh châu Âu hiện đang đàm phán để “cùng hợp tác với [châu Âu] xây dựng trật tự thế giới mới” với các quốc gia như New Zealand, Canada, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Mexico và Nam Mỹ.
Khi được thời báo Die Zeit hỏi liệu bà có phải là nhà lãnh đạo của Thế giới Phương Tây hiện nay sau khi Tổng thống Trump trở lại nắm quyền hay không— tương tự như việc Cựu Thủ tướng Đức Merkel cũng từng được những người theo chủ nghĩa tự do châu Âu ca tụng trong nhiệm kỳ Trump đầu tiên — và liệu Liên minh châu Âu có trở thành lực lượng bảo đảm chính cho các giá trị Phương Tây hay không, bà von der Leyen né tránh trả lời thẳng thắn, nhưng liên tục nhấn mạnh rằng trật tự thế giới cũ đã sụp đổ và một trật tự mới đang được hình thành. Bà von der Leyen phát biểu: “Khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1990, [người ta đã tuyên bố về] điểm tận của lịch sử. Nay lịch sử đã trở lại, và cùng với đó là địa chính trị. Và chúng ta chứng kiến điều mà ta từng nhận thức là trật tự thế giới đang biến thành sự hỗn loạn toàn cầu, không chỉ do cuộc tranh giành quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà tất nhiên còn bởi tham vọng đế quốc của Putin. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một Liên minh châu Âu mới, sẵn sàng vươn ra thế giới rộng lớn và đóng vai trò rất tích cực trong việc định hình trật tự thế giới mới đang thành hình này”.
Trong suốt cuộc phỏng vấn, những lời nhận định của bà von der Leyen đầy ẩn ý chỉ trích chính quyền Trump, mặc dù bà không nêu đích danh tên ông Trump, khi liên tục khẳng định lặp đi lặp lại rằng Liên minh châu Âu là một nơi ẩn náu ổn định trong bối cảnh thời đại đầy biến động.
Những lời chỉ trích ngầm như vậy nhắm vào Hoa Kỳ được thể hiện từ nhiều góc độ. Trong số các nhận định của bà von der Leyen có ý cho rằng vì nhiều nền dân chủ ở châu Âu còn quá non trẻ, nên chúng trở thành những nền dân chủ tốt hơn, bởi ký ức về chủ nghĩa độc tài cộng sản ở Đông Âu và phát xít ở bán đảo Iberia vẫn còn in đậm sống động trong tâm trí người dân. Cùng với đó là lời khẳng định rằng nền dân chủ Hoa Kỳ đang suy yếu vì lịch sử lâu đời hàng thế kỷ, và cử tri của họ không còn cảm nhận rõ ràng những hiểm họa đang rình rập.
Tuy vậy, bất chấp những lời ám chỉ nhằm vào Hoa Kỳ và Tổng thống Trump, bà von der Leyen, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu, vẫn khẳng định rằng bà là “một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ, một người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương trung kiên. Tôi vững tin rằng tình hữu nghị giữa người Mỹ và người Âu sẽ mãi trường tồn”.
Bà Ursula von der Leyen từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel, nhưng không có thành tích nổi bật. Vào năm 2019, bất chấp vai trò bộ trưởng không mấy thành công tại Đức, bà von der Leyen vẫn được bổ nhiệm vào chức vị cao cấp tại EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Thiên Vân, theo Breibart News
Tổng thống Trump nói về đàm phán thương mại ‘có hiệu quả’ với Nhật Bản và Mexico
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (17/4) loan báo rằng ông đã có các cuộc thảo luận thương mại “có hiệu quả” với Mexico và Nhật Bản trong những ngày gần đây. Ông cũng hứa hẹn về “các thoả thuận công bằng cho tất cả các bên”.
Ông Trump cập nhật các cuộc đàm phán thương mại trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông viết: “Tôi đã có một cuộc gọi rất hiệu quả với Tổng thống Mexico ngày hôm qua. Tương tự như vậy, tôi đã gặp các Đại diện thương mại cấp cao nhất của Nhật Bản. Đó là một cuộc họp rất hiệu quả. Mọi quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đều muốn gặp mặt! Hôm nay, là Ý!”
Cuộc họp của Tổng thống Trump với các đại diện thương mại Nhật Bản diễn ra vào thứ Tư (16/4) và cuộc họp song phương của ông với Thủ tướng Ý Giorgia Meloni được lên lịch vào buổi trưa ngày thứ Năm (17/4) tại Nhà Trắng.
Trong các mức thuế quan được công bố vào “Ngày Giải phóng” 2/4, ông Trump đã áp mức thuế quan đối ứng 24% đối với Nhật Bản và mức thuế quan đối ứng 20% đối với Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, tổng thống Hoa Kỳ hôm 9/4 đã tạm dừng áp thuế đối với EU, Nhật Bản và hàng chục quốc gia khác trong 90 ngày trừ chế độ cộng sản Trung Quốc. Trong khoảng thời gian tạm dừng này, chính quyền Trump sẽ đàm phán các thoả thuận thương mại song phương với các nước. Theo loan báo của các quan chức Nhà Trắng, hiện đã có khoảng 130 quốc gia đã đang đàm phán với Hoa Kỳ.
Trước khi ông Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối với các quốc gia không trả đũa sau tuyên bố thuế quan “Ngày giải phóng”, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã nói với hãng tin Breitbart News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng ông nghĩ EU và Hoa Kỳ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại “cùng thắng”, “cùng có lợi” cho cả hai bên.
Ông Trump hôm 10/4 cho biết ông đồng ý với Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis khi Breitbart News hỏi tổng thống về phản ứng của ông đối với những bình luận của thủ tướng Hy Lạp.
“Trước hết, tôi biết ông ấy, ông ấy là một người tốt, và tôi đánh giá cao những bình luận của ông ấy. Đúng vậy, có thể đạt được một thỏa thuận với tất cả các bên trong số họ. Thỏa thuận sẽ được thực hiện với Trung Quốc. Thỏa thuận sẽ được thực hiện với tất cả các bên trong số họ, và đó sẽ là những thỏa thuận công bằng. Tôi chỉ muốn công bằng. Đó sẽ là những thỏa thuận công bằng cho tất cả các bên, nhưng chúng [trước đó] đã không công bằng với Hoa Kỳ“, ông Trump nói.
“Họ đã hút cạn chúng ta và quý vị không thể làm thế. Chúng ta có 36 nghìn tỷ USD nợ công vì một lý do… các bên đã lợi dụng đất nước của chúng ta và họ đã lừa chúng ta trong nhiều thập kỷ”, ông Trump nói thêm.
Ông Trump lưu ý rằng ông đã nhấn mạnh đến sự mất cân bằng thương mại trong nhiều năm và đã nỗ lực giải quyết chúng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.
“Nếu quý vị từng thấy tôi trên truyền hình, [khi đó] tôi trẻ như những gã này này… và tôi đã nói về điều đó“, ông Trump nói, chỉ tay về phía những nhà vô địch đua xe.
“Không có gì thay đổi, và không có gì được thực hiện về điều đó. Sau đó, tôi đã làm điều đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, tôi đã làm điều đó, và đã làm tốt. Chúng ta đã thu được hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc và các nước khác, và tôi đã bắt đầu quá trình này, nhưng sau đó chúng ta phải khắc phục hậu quả của COVID do Trung Quốc gây ra. Chúng ta phải khắc phục hậu quả đó, và chúng ta đã làm tốt điều đó“, ông Trump nói.
'A deal can be made with every one of them.'
Donald Trump responds to the Prime Minister of Greece's belief that the EU could strike a trade deal with the US that's 'mutually beneficial to both sides'. pic.twitter.com/49WVB1FAnt
— GB News (@GBNEWS) April 9, 2025
Ủy ban Quốc hội Mỹ kêu gọi Phố Wall rút khỏi đợt IPO của CATL tại Hồng Kông
Quốc hội Mỹ kêu gọi các ngân hàng Mỹ và JPMorgan Chase rút khỏi đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông của nhà sản xuất pin CATL của Trung Quốc.
Đây có thể là thương vụ niêm yết lớn nhất tại Hồng Kông trong năm nay. Theo Bloomberg, Contemporary Amperex Technology (CATL) có thể huy động ít nhất 5 tỷ USD từ đợt IPO này.
Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện Mỹ về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông John Moolenaar, một Nghị sĩ Cộng hòa đến từ bang Michigan, đã gửi thư cho Giám đốc điều hành của Bank of America là ông Brian Moynihan và Giám đốc điều hành của JPMorgan là ông Jamie Dimon, nói rằng việc hỗ trợ CATL niêm yết sẽ đặt bản thân các ngân hàng đầu tư và các nhà đầu tư Mỹ vào “rủi ro nghiêm trọng về mặt pháp lý, tài chính và uy tín”.
Hai ngân hàng này đang đảm nhận vai trò bảo lãnh phát hành cổ phiếu cho CATL.
Ủy ban nhấn mạnh rằng CATL đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen vào tháng Một, do công ty này có liên kết với quân đội ĐCSTQ. Ngoài ra, trong thư còn đề cập đến bản ghi nhớ về chính sách “nước Mỹ trước tiên” (America First Investment Policy) dưới thời Tổng thống Donald Trump, vốn ngăn chặn Phố Wall hướng dẫn các nhà đầu tư nhỏ lẻ Mỹ tài trợ cho các thương vụ IPO như của CATL.
CATL hiện cũng là một trong những nhà cung cấp chính cho hãng xe điện Tesla của Mỹ.
CATL đã lên tiếng phản đối việc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, cho rằng đó là một sai lầm và họ không hề có bất kỳ mối liên hệ nào với quân đội. Mặc dù danh sách đen không kèm theo biện pháp trừng phạt cụ thể, nhưng nó khiến các công ty Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi giao dịch với những công ty nằm trong danh sách này.
Trong thư, Ủy ban Quốc hội Mỹ cho biết, nếu các ngân hàng đầu tư không sẵn sàng rút ngay khỏi thỏa thuận IPO của CATL, thì họ sẽ bị yêu cầu cung cấp phản hồi chi tiết về 21 vấn đề có thể vi phạm luật pháp Mỹ, liên quan đến đánh giá rủi ro, tuân thủ quy định và các thỏa thuận hợp tác.
Theo Bloomberg, đại diện của Bank of America và JPMorgan đã từ chối bình luận, còn người phát ngôn của CATL cũng chưa phản hồi yêu cầu đưa ra bình luận.
Theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, tổng số tiền huy động được từ các đợt IPO tại Hồng Kông trong năm 2024 đến nay là 11,2 tỷ USD, cao hơn gần 90% so với năm 2023.
Doanh thu từ mảng bảo lãnh phát hành cổ phiếu trong quý đầu năm 2024 của cả Bank of America và JPMorgan đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Căng thẳng thương mại và sự bất ổn thị trường đang ảnh hưởng đến hoạt động phát hành cổ phiếu tại Mỹ và châu Âu, khiến hầu hết các thương vụ IPO tiềm năng bị tạm hoãn.
Theo Lâm Yến, Epoch Times
Tổng thống Milei: Argentina có ý định trở thành đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ.
Hôm thứ Hai (14/4), Tổng thống Argentina Javier Milei cho biết, đất nước của ông “có ý định trở thành một đồng minh vững chắc của Hoa Kỳ” và hy vọng sẽ củng cố tình hữu nghị đó bằng cách ký một thỏa thuận thương mại “chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả Hoa Kỳ và Argentina”.
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, Tổng thống Milei tuyên bố: “Giống như Tổng thống Trump đã cam kết sẽ làm Hoa Kỳ vĩ đại trở lại, chúng tôi đã hứa với người dân của mình rằng chúng tôi sẽ làm Argentina vĩ đại trở lại”.
Tổng thống Milei đã cảm ơn Bộ trưởng Bessent và Tổng thống Donald Trump vì đã ủng hộ chương trình cải cách mạnh mẽ của ông, đưa Argentina trở lại thịnh vượng và có một chính phủ có trách nhiệm sau khi “một danh sách dài các chính trị gia bị chủ nghĩa xã hội làm cho mù quáng” đưa đất nước đến bờ vực sụp đổ.
Tổng thống Milei chỉ trích các lãnh đạo trước đây vì đã coi Hoa Kỳ là “người chịu trách nhiệm cho những điều xấu xa mà chính họ đã tạo ra, thay vì [coi Hoa Kỳ] là đối tác tiềm năng để cùng nhau phát triển”. Ông cũng lên án các quốc gia láng giềng Nam Mỹ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, chỉ trích Venezuela là “khu ổ chuột lớn” và Bolivia là “nhà tù ngoài trời”.
Tổng thống Milei so sánh việc Mỹ Latinh đã “bị tàn phá” bởi “virus chủ nghĩa xã hội” giống như châu Âu bị tàn phá bởi Thế chiến thứ hai.
Ông Milei nhận định: “Nơi nào chủ nghĩa xã hội cai trị, nơi đó người dân sẽ thất bại”.
Vị tổng thống theo chủ nghĩa tự do của Argentina lưu ý, Tổng thống Trump “đã nhận thức đúng rằng cần phải sửa chữa những sự bóp méo hiện có và đấu tranh cho một hệ thống thương mại mà mọi người đều tuân theo cùng một luật lệ, không bị lạm dụng và không có các hoạt động thương mại không công bằng”.
Tổng thống Milei nhấn mạnh: “Hôm nay, Argentina đang sống ngày giải phóng của chính mình, sau 15 năm kiểm soát vốn. Hôm nay, chúng tôi đã thoát khỏi cái đe mà chúng tôi đã bị xiềng xích, quay trở lại con đường phát triển bền vững mãi mãi”.
Tổng thống Milei đang đề cập đến các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với vốn và tiền tệ mà ông đã chấm dứt vào tuần này, sau khi nhận được khoản vay 20 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF đã vào cuộc để hỗ trợ các chính sách thắt lưng buộc bụng và nợ công thấp của Tổng thống Milei. Tổ chức tài chính này ca ngợi các chính sách của Tổng thống Milei đã mang lại “những thành quả ban đầu ấn tượng” khi củng cố mức dự trữ ngoại tệ thấp nguy hiểm của Argentina.
Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ mà Tổng thống Milei tuyên bố bãi bỏ, được gọi là chính sách “cái kẹp”, được áp dụng vào năm 2011 để ngăn chặn người dân Argentina chạy trốn khỏi đồng Peso đang mất giá nhanh chóng bằng cách mua USD. Việc siết chặt hơn nữa vào năm 2019 đã khiến người dân bình thường gần như không thể mua được ngoại tệ.
Giá trị của đồng Peso đã giảm xuống đến mức người dân Argentina bình thường sẵn sàng giao dịch với những người buôn bán tiền tệ chợ đen với tỷ giá hối đoái khủng khiếp chỉ để thoát khỏi những đồng Peso gần như vô giá trị của họ. Nhét tiền vào nệm theo nghĩa đen đã trở thành phương pháp “ngân hàng” được ưa chuộng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã tránh cái bẫy giảm giá của nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ, vì lo sợ rằng các biện pháp kiểm soát vốn sẽ ngăn cản họ thu về lợi nhuận từ các dự án kinh doanh ở Argentina.
Tổng thống Milei đã giành được sự tin tưởng của IMF bằng cách thực hiện điều mà như là một phép màu, cắt giảm chi tiêu phung phí quá mức của những người tiền nhiệm theo chủ nghĩa xã hội chỉ sau một đêm và đưa lạm phát cao ngất ngưởng trở lại mặt đất. Hồi tháng 9/2024, ông đã đưa ra một gói ngân sách bao gồm cả thặng dư đầu tiên sau gần 20 năm.
Khoản vay lớn mới nhất của IMF dành cho Argentina lần này thể hiện sự tin tưởng đáng kể của tổ chức tài chính này đối với Tổng thống Milei bởi vì IMF trước đó đã rót 43 tỷ USD vào Argentina thông qua 22 kế hoạch cứu trợ và gói giải cứu.
Tổng thống Milei từ lâu đã không muốn xóa bỏ hoàn toàn chính sách “cái kẹp” vì lo sợ sự mất giá mạnh của đồng Peso sẽ phá hủy sức mua còn lại của người dân bình thường. Tuy nhiên, thỏa thuận với IMF đã giúp nhà lãnh đạo Argentina có đủ tự tin để thực hiện bước đi quan trọng. Động thái của Tổng thống Milei không đến quá sớm, bởi vì Ngân hàng Trung ương Argentina đang chi hàng tỷ USD mỗi tháng để giữ cho đồng Peso ổn định.
Hôm thứ Hai (14/4), Bộ trưởng Bessent tiết lộ, ông đã đến thăm Tổng thống Milei tại thủ đô Buenos Aires để “truyền đạt sự lạc quan mà chúng tôi ở Hoa Kỳ cảm thấy về đất nước Argentina mới này”.
Vị bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ nhận xét: “Theo nhiều cách, [Tổng thống] Milei và phong trào MAGA có chung một con đường”.
Phát biểu với tờ Bloomberg News sau khi gặp Tổng thống Milei, Bộ trưởng Bessent bày tỏ, ông hy vọng những cải cách của Tổng thống Milei sẽ sớm cung cấp đủ ngoại tệ cho Argentina để thanh toán hết cho thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 18 tỷ USD với Trung Quốc.
Chính quyền Trump đã lên án thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này là “sự tống tiền” của chính phủ cộng sản Trung Quốc. Khoảng 5 tỷ USD của thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này hiện đang hoạt động. Chính quyền Milei cho biết, họ muốn giảm thỏa thuận hoán đổi tiền tệ này với chế độ cộng sản Trung Quốc xuống mức zero vào giữa năm sau.
Hôm thứ Hai (14/4), Bộ trưởng Bessent giải thích lý do chuyến thăm: “Hôm nay là một ngày trọng đại. Tôi muốn đến đây hôm nay để thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Milei và đối với cam kết của ông về những gì tôi cho là mang tính lịch sử về việc đưa Argentina trở lại từ bờ vực thẳm”.
Vị bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh, chính quyền Trump muốn giúp Tổng thống Milei và các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh khác đẩy chế độ cộng sản Trung Quốc “tham lam keo kiệt” cách xa khỏi các nguồn tài nguyên khoáng sản.
Đề cập đến chương trình nghị sự của chế độ cộng sản Trung Quốc về Mỹ Latinh, Bộ trưởng Bessent chỉ trích: “Họ [chế độ cộng sản Trung Quốc] đã thêm một lượng nợ khổng lồ vào các bảng cân đối tài chính của những quốc gia [Mỹ Latinh] này. Họ đang đảm bảo rằng các thế hệ tương lai [của các nước Mỹ Latinh] sẽ nghèo đói và không còn tài nguyên. Và chúng tôi không muốn điều đó xảy ra nhiều hơn những gì đã xảy ra ở Mỹ Latinh”.
Bộ trưởng Bessent đã gặp Bộ trưởng Kinh tế Argentina Luis Caputo khi ông ở thủ đô Buenos Aires, có thể là để thảo luận về một thỏa thuận thương mại song phương. Argentina đã nhận được một trong những mức thuế quan thấp nhất mà Tổng thống Trump công bố cho đến nay, chỉ 10%. Bộ trưởng Bessent đã ám chỉ rằng nếu các quan chức Argentina “nỗ lực hết sức có thể” cho các cuộc đàm phán, họ có thể nhận được mức thuế quan 0%.
Gia Huy, theo Breitbart News
Hoa Kỳ hạn chế xuất khẩu chip được DeepSeek AI của Trung Quốc sử dụng
Hôm thứ Hai (14/4), chính quyền Trump đã thông báo cho nhà sản xuất chip Nvidia của Hoa Kỳ rằng việc xuất khẩu chip H20 mạnh mẽ của họ sang Trung Quốc và một số quốc gia khác sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cấp phép mới.
Nvidia cho biết việc đáp ứng các hạn chế này có thể khiến công ty thiệt hại tới 5,5 tỷ USD.
Nvidia đã được thông báo rằng yêu cầu cấp phép mới, sẽ có hiệu lực với thời hạn không xác định, “nhằm giải quyết rủi ro rằng các sản phẩm liên quan có thể được sử dụng trong, hoặc chuyển hướng sang, một siêu máy tính ở Trung Quốc”.
Chip H20 không phải là sản phẩm mạnh nhất trong kho sản phẩm của Nvidia – nhưng cho đến nay, đây là chip mạnh nhất mà Nvidia có thể hợp pháp bán cho Trung Quốc.
Chính quyền Biden vào năm 2022 đã hạn chế việc bán các loại chip tiên tiến hơn cho Trung Quốc. Nvidia đã tìm cách lách quy định này bằng cách giảm hiệu năng của con chip H100 nổi tiếng của mình cho đến khi nó nằm dưới ngưỡng hạn chế xuất khẩu và tạo ra chip H20 – một sản phẩm chỉ được bán riêng cho thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc đã sử dụng chip H20 để tạo ra DeepSeek, một trí tuệ nhân tạo (AI) mới đã làm rung chuyển các thị trường toàn cầu khi được giới thiệu vào cuối năm ngoái vì nó cung cấp hiệu suất cao với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ. Theo các nhà sáng tạo ra nó, một trong những lý do khiến DeepSeek được phát triển với chi phí thấp như vậy, là vì kiến trúc phần cứng của nó sử dụng những con chip giá rẻ của Nvidia.
Sự ra mắt gây chấn động của DeepSeek đã thúc đẩy các công ty công nghệ Trung Quốc đặt hàng hơn 16 tỷ USD chip H20. Theo đó, Nvidia đã đẩy mạnh sản xuất và hiện lo ngại rằng họ sẽ có một lượng hàng tồn kho không thể bán được, vì không có nhu cầu về H20 bên ngoài Trung Quốc. Bản chất độc đáo của H20 có thể làm giảm bớt vấn đề đó phần nào, vì một số hàng tồn kho xuất khẩu bị đóng băng, có thể là chip H100 vẫn chưa được “điều chỉnh” xuống thông số kỹ thuật H20 thấp hơn.
Một vấn đề lớn hơn trong dài hạn là việc mất quyền tiếp cận H20, có thể thúc đẩy Trung Quốc phát triển một con chip tương đương trong nước, có thể thông qua gã khổng lồ điện tử Huawei, có khả năng khiến Nvidia mất thị trường Trung Quốc béo bở của mình vĩnh viễn. Nvidia đã công bố doanh số bán hàng tại Trung Quốc vào năm 2024 là 17 tỷ USD.
“Việc cấm H20 không có ý nghĩa gì với chúng ta. Hiệu suất của H20 thấp, thấp hơn nhiều so với các lựa chọn thay thế hiện có của Trung Quốc; lệnh cấm về cơ bản chỉ trao thị trường AI của Trung Quốc cho Huawei”, nhà phân tích Stacy Rasgon nói với các nhà đầu tư hôm thứ Tư (16/4).
Tờ báo cánh tả New York Times (NYT) hôm thứ Tư (16/4) đã lưu ý rằng tình hình chính trị của Nvidia rất phức tạp, vì Thượng nghị sĩ Dân chủ hàng đầu Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts, ủng hộ mạnh mẽ việc hạn chế bán H20 cho Trung Quốc.
Bà Warren đã viết một lá thư cho Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick vào thứ Hai (14/4), kêu gọi hạn chế bán H20 mà không “trì hoãn thêm nữa” vì bà cảm thấy ngay cả con chip bị hạn chế bán cho Trung Quốc cũng đủ mạnh để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ và vì các công ty Hoa Kỳ đang gặp khó khăn trong về nguồn cung ứng tất cả các chip trí tuệ nhân tạo mà họ cần.
Vị trí của Nvidia về vấn đề này cũng có vẻ tế nhị, vì CEO Jensen Huang đã nỗ lực đáng kể để ngăn chặn các hạn chế xuất khẩu đối với chip của công ty này. Chỉ một ngày trước khi các hạn chế mới được công bố, Nhà Trắng đã hoan nghênh Nvidia vì đã cam kết 500 tỷ USD để sản xuất thiết bị AI tại Hoa Kỳ.
Cổ phiếu Nvidia đã giảm 7% vào thứ Tư (16/4) sau khi tin tức về các hạn chế xuất khẩu được đưa ra. Nvidia H20 không phải là mặt hàng điện tử duy nhất xuất khẩu sang Trung Quốc bị hạn chế trong thông báo của chính quyền Trump vào thứ Hai (14/4); một công ty khác, Advanced Micro Devices, cũng giảm 7% giá trị cổ phiếu vào thứ Tư (16/4) do các hạn chế xuất khẩu, trong khi các nhà sản xuất chip như Qualcomm mất hai đến ba phần trăm giá trị thị trường.
Phạm Duy, theo Breitbart News
Tổng thống Trump ca ngợi ‘tiến triển lớn’ trong tiến trình đàm phán thuế quan với Nhật Bản
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố đã có “tiến triển lớn” khi ông bất ngờ tham gia trực tiếp vào cuộc thương thuyết với phái đoàn thương mại Nhật Bản tại thủ đô Washington vào ngày Thứ Tư (16/4), liên quan đến loạt thuế quan mà ông đã áp đặt lên hàng nhập khẩu toàn cầu.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên chính thức khởi động tiến trình đàm phán thương mại với Hoa Kỳ sau khi chính quyền Trump áp đặt thuế quan rộng rãi.
“Thật vinh dự khi được gặp gỡ Phái đoàn Thương mại Nhật Bản. [Đã đạt được] tiến triển lớn!“, ông Trump bày tỏ cảm xúc trong một bài đăng ngắn trên mạng xã hội Truth Social, tuy nhiên không đưa ra chi tiết cụ thể về nội dung buổi thảo luận.
Trong một bài đăng khác cũng trên Truth Social, ông Trump đã công khai bức ảnh chụp chung tại Nhà Trắng với trưởng phái đoàn Nhật Bản Ryosei Akazawa, và chèn thêm ảnh chụp màn hình thông điệp bày tỏ cảm xúc trước đó.
Trưởng phái đoàn đàm phán Nhật Bản đến Washington lần này là ông Ryosei Akazawa, một phụ tá thân tín của Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Ông Akazawa mới đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng phục hưng kinh tế từ cuối năm ngoái.
Theo các nguồn thạo tin với kế hoạch của Tokyo, chính phủ Nhật Bản không mong đợi trước việc ông Trump sẽ trực tiếp tham dự cuộc họp mà họ chỉ xem như một chuyến đi tìm hiểu thực tế sơ bộ, và kỳ vọng sẽ giới hạn phạm vi thảo luận vào các vấn đề thương mại và đầu tư.
Phát biểu trước báo giới sau đó, ông Akazawa tiết lộ rất ít chi tiết về các cuộc thảo luận, nhưng cho biết các bên đã đồng ý tổ chức cuộc họp thứ hai vào cuối tháng này. Ông Akazawa cũng cho biết Tổng thống Trump đã nói rằng đạt được một thỏa thuận với Nhật Bản là “ưu tiên hàng đầu”.
Ông Akazawa nói thêm rằng vấn đề tỷ giá hối đoái — điều mà chính quyền ông Trump cáo buộc Nhật Bản và một số quốc gia khác đang thao túng để chiếm lợi thế thương mại — không được đưa vào nội dung đàm phán lần này.
Ngay sau phát biểu của ông Akazawa về thị trường ngoại hối, đồng USD đã mạnh lên 0.54% so với đồng yên Nhật.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cùng một số viên chức khác trong chính quyền Trump cũng tham dự vào cuộc đàm phán nêu trên.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba đã có giọng điệu thận trọng hơn khi phát biểu với các phóng viên sau đó tại Tokyo. Ông cho hay: “Dĩ nhiên, tiến trình đàm phán sắp tới sẽ không dễ dàng, nhưng Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng ông muốn đặt ưu tiên hàng đầu cho các cuộc thương thuyết với Nhật Bản”.
Nhật Bản phải chịu mức thuế lên đến 24% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ, mặc dù mức thuế quan này, cũng giống như hầu hết các mức thuế khác của ông Trump, đã bị tạm hoãn trong 90 ngày. Tuy nhiên, mức thuế cơ sở 10% vẫn còn hiệu lực, cùng với mức thuế suất 25% đối với xe hơi – mặt hàng chủ lực trong nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.
Ông Akazawa, trước khi lên đường công du đến Hoa Kỳ, đã nói rằng Nhật Bản kỳ vọng các cam kết gia tăng đầu tư vào Hoa Kỳ sẽ giúp thuyết phục Washington rằng hai quốc gia có thể đạt được một thỏa thuận đôi bên “cùng có lợi” mà không cần đến các biện pháp thuế quan.
Thiên Vân, theo Reuters
Tổng thống Trump ra lệnh điều tra về các khoáng sản quan trọng nhập khẩu
Hôm thứ Ba (15/4), Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick bắt đầu cuộc điều tra an ninh quốc gia về thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu quan trọng của Hoa Kỳ, bao gồm đất hiếm và các khoáng chất thiết yếu khác.
“Các khoáng sản quan trọng, bao gồm các nguyên tố đất hiếm, dưới dạng khoáng sản đã qua chế biến là nguyên liệu thô thiết yếu và là đầu vào sản xuất quan trọng cần thiết cho an ninh kinh tế và quốc gia”, ông Trump cho biết trong sắc lệnh hành pháp được ký hôm thứ Ba (15/4).
Tổng thống Trump lưu ý đến “những lỗ hổng đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự bóp méo thị trường” do phụ thuộc vào “một số ít nhà cung cấp nước ngoài” đối với các khoáng sản này.
Sắc lệnh hành pháp cho biết: “Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào nhập khẩu và lỗ hổng của chuỗi cung ứng của chúng ta làm tăng nguy cơ rủi ro đối với an ninh quốc gia, khả năng sẵn sàng phòng thủ, ổn định giá cả, cũng như sự thịnh vượng và khả năng phục hồi kinh tế”.
Trên thực tế, Hoa Kỳ chỉ sản xuất một lượng khoáng sản không đáng kể mặc dù có nguồn tài nguyên trong lòng đất chưa được khai thác.
Mặc dù Hoa Kỳ sản xuất một số lithium, hiện đã trở thành sản phẩm khoáng sản có giá trị nhất nhờ vào động thái thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ đối với ngành xe điện (EV), nhưng nước này không có ngành công nghiệp tinh chế trong nước nào đối với các kim loại như niken, coban và thậm chí là đồng. Có các mỏ đồng ở Hoa Kỳ, nhưng chỉ có hai lò luyện để xử lý quặng, vì vậy các công ty nước ngoài xử lý hầu hết quá trình luyện đồng.
Tổng thống Trump cảnh báo: “Nếu Hoa Kỳ mất quyền tiếp cận các khoáng sản quan trọng đã qua chế biến từ các nguồn nước ngoài, cơ sở sản xuất thương mại và quốc phòng của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm phái sinh có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đáng kể và không thể đáp ứng được nhu cầu”.
Tổng thống Trump cáo buộc các nhà cung cấp khoáng sản nước ngoài tham gia vào “hoạt động thao túng giá cả tràn lan, sản lượng dư thừa, hạn chế xuất khẩu tùy tiện và khai thác vị thế thống lĩnh chuỗi cung ứng của họ để bóp méo thị trường thế giới và do đó đạt được đòn bẩy địa chính trị và kinh tế”.
Riêng Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) đã bị các công ty Hoa Kỳ và châu Âu cáo buộc là bán phá giá một lượng lớn khoáng sản vào thị trường của họ, khiến cho ngành khai khoáng hoặc tinh chế nội địa Hoa Kỳ và châu Âu gần như không thể phát triển.
Tháng 10 năm 2024, chính quyền Biden đã phàn nàn về việc ngành công nghiệp lithium của ĐCSTQ bán phá giá sản phẩm và “thao túng giá”. Chiến thuật của ĐCSTQ đã làm giá lithium giảm mạnh vào thời điểm nhu cầu đang giảm vì xe điện không bán chạy ở Hoa Kỳ. Điều này đã phá hỏng kế hoạch của các công ty Hoa Kỳ và châu Âu nhằm phát triển nguồn tài nguyên lithium của riêng họ.
ĐCSTQ đã sử dụng chiến thuật tương tự đối với coban vào tháng 5/2024. Ho làm tràn ngập thị trường thế giới bằng coban giá rẻ được khai thác từ các mỏ ở Cộng hòa Dân chủ Congo. ĐCSTQ sẵn sàng chịu lỗ ngắn hạn do cung vượt cầu và giá cả cực thấp để phá hủy sự cạnh tranh của nước ngoài và duy trì sự kìm kẹp của mình đối với các khoáng sản quan trọng.
ĐCSTQ tin rằng những chiến thuật như vậy chứng minh sự vượt trội tàn nhẫn của hệ thống độc tài của họ, có thể thao túng giá cả để khiến các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia tự do không có lợi nhuận. Do cần phải có thời gian để phát triển các mỏ và xây dựng nhà máy lọc dầu, nên một đợt định giá phá hoại ngắn hạn từ ĐCSTQ có thể làm tê liệt các ngành công nghiệp ở thế giới tự do trong nhiều năm.
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump chỉ đạo Bộ Thương mại điều tra định giá phá hoại trong nguồn cung đất hiếm và khoáng sản quan trọng, đồng thời lập báo cáo dự thảo trong vòng 90 ngày về tính khả thi của việc sử dụng thuế quan để kiểm soát biến động giá nhân tạo và “khuyến khích sản xuất trong nước”. Báo cáo cuối cùng sẽ được nộp sau 90 ngày kể từ thời điểm sắc lệnh có hiệu lực.
Mặc dù sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump không nêu tên bất kỳ quốc gia cụ thể nào, nhưng có vẻ rõ ràng là chế độ ĐCSTQ sẽ là nghi phạm chính trong cuộc điều tra về hành vi bán phá giá khoáng sản và định giá phá hoại này. Tổng thống Trump trong tuần này cũng đã ra lệnh điều tra tương tự về hoạt động nhập khẩu dược phẩm và chất bán dẫn.
Hân Nhi, theo Breitbart News
Bloomberg: GE và Honeywell nên dừng cung cấp phụ tùng máy bay cho COMAC
Sau khi Trung Quốc chỉ thị các hãng hàng không dừng tiếp nhận Boeing và các phụ tùng từ Boeing, các chuyên gia hối thúc Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu các nhà sản xuất máy bay Hoa Kỳ dừng việc hỗ trợ Comac phát triển ngàng hàng không vũ trụ.
Vào thứ Ba, Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các hãng hàng không nước này ngừng việc tiếp nhận máy bay Boeing của Mỹ cũng như ngừng việc mua các thiết bị, phụ tùng liên quan đến máy bay của Hoa Kỳ, theo Bloomberg dẫn một nguồn tin ẩn danh.
Đây là động thái trả đũa thuế quan của Hoa Kỳ đã áp lên nước này lên tới 245%.
Với tình hình của Boeing hiện tại, hãng này gần như không thiệt hại gì trước lệnh cấm của Trung Quốc. Hãng này gần như không theo kịp danh sách đơn đặt hàng sẵn có. Boeing đang củng cố các tiêu chuẩn sản xuất và tăng cường sản xuất máy bay 737 Max đang bán rất chạy của mình. Bất kỳ máy bay nào Trung Quốc không nhận sẽ được các nhà khai thác mua ngay vì họ đang rất sốt ruột chờ đợi máy nay phản lực.
Tuy nhiên, tác động dài hạn là đáng kể vì Trung Quốc chiếm 1/5 nhu cầu máy bay chở khách toàn cầu trong 20 năm tới và đang chiếm 1/4 sản lượng của Boeing năm 2018. Tổng công ty máy bay thương mại Trung Quốc (Comac) đang rất tích cực đi chào bán các máy bay thương mại (C909 và C919) nhằm cạnh tranh với Boeing và Airbus.
Vừa qua, trong chuyến đi sang Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Comac cũng ký được hợp đồng bán máy bay cho Hãng hàng không giá rẻ Vietjet.
Trên website của mình, Vietjet đã chào bán các chặng bay thực hiện bởi máy bay Trung Quốc Comac 909 trên chặng bay Hà Nội – Côn Đảo, Tp.HCM – Côn Đảo với mức giá lần lượt là 4,3 – 5 triệu đồng/vé và 1-2,4 triệu đồng/vé, thấp hơn mức giá của VietnamAirlines trên máy bay ATR – 72 của Liên doanh Pháp Ý.
Tính đến ngày 7/1/2025, COMAC đã cung cấp 160 tàu bay C909 ra thị trường đến 12 hãng hàng không (trong đó 11 hãng hàng không của Trung Quốc và 1 hãng hàng không của Indonesia từ 2022). Từ tháng 4/2025, Việt Nam là quốc gia thứ ba khai thác COMAC trên đường bay nội địa.
Chiếc C919, máy bay cỡ lớn 1 lối đi, được Comac giới thiệu nhằm cạnh tranh với 737 Max và Airbus A320, đã được ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc (Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines tiếp nhận. Mỗi hãng có kế hoạch bổ sung thêm 10 đến 12 chiếc trong năm nay, theo FlightGlobal.
Điều thú vị về C919 là các nhà cung cấp nước ngoài, chủ yếu là từ Hoa Kỳ, đã cung cấp các thành phần chính. Động cơ của máy bay là CFM Leap, được sản xuất bởi liên doanh giữa GE Aerospace và Safran của Pháp. Honeywell International cung cấp hệ thống buồng lái, bánh xe, phanh và các thành phần khác. RTX Corp., Crane Co., Parker Hannifin Corp. và các công ty khác cũng đang giúp chế tạo C919. Nhiều công ty trong số này, bao gồm Honeywell và Parker , đã thành lập các cơ sở sản xuất liên doanh tại Trung Quốc để hỗ trợ C919. Comac cũng đang phát triển một máy bay chở khách thân rộng có tên là C929 .
Chiến lược giúp Trung Quốc thiết kế và sản xuất máy bay thương mại được thực hiện cách đây hơn 1 thập kỷ. Nhưng đại dịch và chiến tranh thương mại đã thay đổi bối cảnh. Hoa Kỳ cần xem xét kỹ lượng xem có nên để các công ty nước mình đi xa tới mức nào trong việc giúp Bắc Kinh theo đuổi tham vọng hàng không vũ trụ.
Nếu Trung Quốc lệnh cho các hãng hàng không Trung Quốc dừng mua máy bay và các phụ tùng của Boeing thì tại sao Chính phủ Hoa Kỳ lại ngồi yên và cho phép các công ty Hoa Kỳ giúp Trung Quốc chế tạo máy bay để phá đi thế độc quyền của Boeing và Airbus?
Không rõ các bộ phận cung cấp cho C919 phải chịu thuế quan là bao nhiêu và bao nhiêu thực sự được sản xuất thông qua liên doanh hoặc nhà máy ở Trung Quốc. Các liên doanh này cũng đặt ra câu hỏi về việc chuyển giao công nghệ ép buộc, cách mà Trung Quốc có được công nghệ để đạt được bước tiến xa hơn trong sản xuất.
Hiện nay, các nhà đầu tư của Boeing không ghi nhận quá nhiều lo ngại, cổ phiếu Boeing giảm chưa đến 2% vào thứ Ba. Vì thực tế, Boeing chỉ có 130 đơn hàng chưa thực hiện từ các hãng hàng không Trung Quốc, 3/4 số đó là đặt hàng máy bay 737Max. Đây là con số quá nhỏ so với 6300 đơn hàng đang tồn đọng của Boeing.
Tuy nhiên, ngắn hạn không phải là cách các quan chức Trung Quốc nghĩ về thế giới. Hoa Kỳ và các đồng minh cần có tầm nhìn dài hạn và tự đặt câu hỏi “Liệu có thông minh không khi giúp Trung Quốc tung ra một đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với Boeing và Airbus?”
Ảnh hưởng bởi thuế quan cao, Hội chợ Canton của Trung Quốc vắng khách Âu – Mỹ
Hội chợ Canton Trung Quốc (Hội chợ Quảng Châu) khai mạc hôm 15/4 là hội chợ triển lãm xuất khẩu quy mô lớn đầu tiên được tổ chức sau khi Mỹ công bố áp thuế đối đẳng. Nhiều doanh nghiệp tham gia phản ánh rằng kể từ khi phía Mỹ áp thuế lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, các đơn hàng từ Mỹ gần như bị ngưng trệ hoàn toàn, thị trường gần như “đóng băng”. Triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc đang đối mặt với thử thách nghiêm trọng.
Hội chợ Canton vắng tanh, khách hàng từ Âu – Mỹ đều không đến
Hội chợ Canton từ lâu đã được mệnh danh là “phong vũ biểu của ngoại thương Trung Quốc”, là một trong những hội chợ thương mại lớn nhất thế giới, tổ chức vào mùa xuân và mùa thu hàng năm tại Quảng Châu. Tuy nhiên, trước việc Mỹ áp thuế cao, không ít doanh nghiệp tham gia hội chợ cảm nhận rõ ràng triển vọng xuất khẩu đang xấu đi nhanh chóng. Ban tổ chức cho biết, năm nay khoảng 10% người mua nước ngoài đăng ký đến từ Mỹ và châu Âu; trong khi đó, tại hội chợ tháng 11 năm ngoái, con số này là khoảng 20%.
Kênh “Nhân Dân Báo” trên nền tảng “Ganjing World” đã đăng tải một video tin tức cho biết, việc chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đối đầu với Mỹ cuối cùng lại khiến người dân chịu thiệt. Hội chợ Canton ngày 15/4 của Trung Quốc đã “nguội lạnh”, khách hàng từ châu Âu và Mỹ không đến, quay lưng với hàng Trung Quốc. Trong ngày hôm đó, “10:30 mà không có lấy một người nước ngoài, toàn là người Trung Quốc”, đến khoảng 1:20 chiều, khu triển lãm 4.2 “yên ắng thấy rõ bằng mắt thường”.
Một người đàn ông cho biết, trên lối đi chính của hội chợ, một số khách trông giống người Nga, nhưng đến 98% vẫn là người Trung Quốc. Đến 4:00 chiều là thời điểm đông nhất thì mới thấy có vài người Ấn Độ, còn lại phần lớn là người da đen đi dép lê, “người da đen ở Quảng Châu đa phần là người Trung Quốc rồi”.
Một số nhà xuất khẩu tham gia hội chợ chia sẻ, cùng với việc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, thị trường xuất khẩu sang Mỹ đã “đóng băng”, các nhà nhập khẩu từ Âu – Mỹ ngày càng ít, còn khách hàng Mỹ thì “vắng mặt tập thể”. Một nhà triển lãm bày tỏ sự bất lực rằng, “vài khách hàng lớn đến từ Mỹ năm nay đều không đến”. Thực tế, từ năm 2018, các thương nhân Âu – Mỹ đã bắt đầu rút dần, và đến nay tình hình “thảm đến không dám nhìn”.
Hãng tin Reuters hôm 16/4 đưa tin, phần lớn các nhà xuất khẩu được phỏng vấn cho biết, các đơn hàng từ Mỹ đã bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, trong khi đây là nguồn đơn hàng vô cùng quan trọng với các công ty xuất khẩu, điều này là một tín hiệu không tốt cho nền kinh tế Trung Quốc, vốn trong năm ngoái phụ thuộc lớn vào hàng trăm tỷ USD thặng dư thương mại.
Bà Candice Li, đại diện một doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, cho biết kể từ khi Mỹ tăng thuế lên 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, các đơn hàng từ Mỹ của công ty bà đã biến mất.
Bà Li chia sẻ rằng công ty bà không thể tìm được thị trường mới chỉ sau một đêm, và bà lo ngại công ty sẽ sớm phải cắt giảm giờ làm, thậm chí có thể buộc phải sa thải nhân viên.
Ông Lý, giám đốc thị trường của Comtech, một công ty chuyên xuất khẩu linh kiện điện tử, cũng thẳng thắn: “Đây là vấn đề sống còn, bởi 60% đến 70% hoạt động kinh doanh của chúng tôi là với khách hàng Mỹ.” Hàng hóa không thể xuất đi, tiền không thu được, tình hình vô cùng nghiêm trọng.
Ông Hoàng Khoa Tỷ (Huang Kebi), đại diện bán hàng của công ty Wellblue, chuyên sản xuất máy lọc nước và bồn cầu thông minh, cho biết hiện tại doanh số tại châu Âu có tăng, nhưng thị trường Mỹ thì đã “đóng băng”.
Ông Đỗ (Du), giám đốc kinh doanh của nhà sản xuất loa Zealot, nói rằng Skechers trước đó dự định đặt hàng 30.000 chiếc loa từ Zealot để phân phối tại các cửa hàng ở Mỹ, nhưng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao, đơn hàng này đã bị tạm dừng. Ông cho biết hiện công ty đang dựa vào các thị trường nước ngoài khác để duy trì hoạt động.
Mỹ từ lâu đã là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, với tổng giá trị xuất khẩu hàng năm vượt 400 tỷ USD. Đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, việc mất thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “mạch sống” hoạt động của họ.
Nhiều nhà xuất khẩu cho biết, họ đang cân nhắc chuyển nhà máy sản xuất ra ngoài Trung Quốc hoặc chuyển thị trường tiêu thụ ra ngoài nước Mỹ.
Có cư dân mạng đặt câu hỏi: “Đợt một của hội chợ năm nay chủ yếu là anh em châu Á – Phi – Mỹ Latinh đến xem phải không?”
Có người đáp: “Đúng vậy, hôm nay công ty tôi tiếp khách chủ yếu là từ Trung Á và Trung Đông. Hầu như không gặp khách Âu – Mỹ, có thì cũng là khách Nam Mỹ”.
Lại có người nói: “Hầu như không thấy người Âu – Mỹ, Nhật, Hàn cũng không nhiều”, và rằng “đây là ngày ít người nhất trong vài năm trở lại đây”.
“Hội chợ toàn cầu” biến thành “hội đuổi khách”?
Theo tin từ “Nhật báo Đường Nhân”, Hội chợ Canton Fair năm 2025 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 5/5 tại Quảng Châu. Là một trong những cửa ngõ quan trọng trong thương mại đối ngoại của Trung Quốc, hội chợ này từ lâu đã thu hút đông đảo nhà mua hàng và doanh nghiệp tham gia từ cả trong và ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, một số cư dân mạng đã phàn nàn rằng quy định vào hội chợ năm nay trở nên “khó khăn hơn”, làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Theo phản ánh của không ít người tham gia, năm nay hội chợ đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế rõ rệt đối với khách mua hàng nước ngoài. Không những phải nộp thêm nhiều loại tài liệu từ trước, họ còn phải trải qua quy trình kiểm duyệt danh tính phức tạp mới được cấp thẻ vào cửa. Có cư dân mạng ví von: “Quy trình này chẳng khác gì xin visa”. Đồng thời, các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tham gia hội chợ cũng phải nộp hồ sơ thể hiện dòng tiền đóng bảo hiểm xã hội của nhân viên làm bằng chứng tư cách, nếu không sẽ bị từ chối tham gia.
Loạt quy định mới này đã gây ra sự bất mãn từ một bộ phận giới trong ngành. Một số doanh nghiệp lo ngại rằng các chính sách như vậy có thể sẽ loại bỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với những người làm việc linh hoạt, ra khỏi cuộc chơi, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả thương mại thực tế.
Một cư dân mạng bày tỏ thẳng thắn: “Chẳng phải thế này là đang đuổi khách sao? Hội chợ Canton vốn là để làm ngoại thương, mà giờ lại làm khó người nước ngoài hơn hẳn so với các năm trước.”
Cư dân mạng: Hội chợ Canton “lôi kéo người để tạo lưu lượng”, chính quyền trợ cấp cho người tham dự
Theo Nam Phương Đô Thị Báo, ngày 15/4, Hội chợ Canton lần thứ 137 chính thức khai mạc. Quy mô triển lãm năm nay vẫn giữ mức 1,55 triệu mét vuông, chia thành 55 khu triển lãm với tổng số khoảng 74.000 gian hàng. Số lượng doanh nghiệp tham gia lần đầu tiên vượt mốc 30.000, tăng gần 900 doanh nghiệp so với kỳ trước.
Theo thông báo từ Trung tâm Ngoại thương Trung Quốc, tính đến ngày 13/4, đã có hơn 200.000 khách mua hàng nước ngoài từ 215 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký trước. Trong số 255 doanh nghiệp thương mại lớn xác nhận tham dự có các tên tuổi như Carrefour (Pháp), Tesco (Anh), Metro (Đức)… Trong đó, 97 doanh nghiệp đến từ châu Á, 71 đến từ châu Âu và 52 đến từ Bắc Mỹ.
Tuy nhiên trên nền tảng X, một người dùng có tên “Emma jun” tiết lộ: “Nói thẳng ra là, hội chợ Canton đang kéo người đến để tạo lưu lượng. Các doanh nghiệp được yêu cầu cử người tham dự, mỗi người mỗi ngày đều được nhận trợ cấp. Kiểu như do Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh (hay một cơ quan nào đó) chi trả khoản trợ cấp này, chuyển cho doanh nghiệp, rồi doanh nghiệp mới chuyển cho cá nhân, cũng có khả năng doanh nghiệp không trả cho cá nhân. Kết quả là hội chợ trông đông người, có thể quay video quảng bá đẹp mắt, doanh nghiệp thì nhận trợ cấp, coi như có lãi, nhân viên thì được ‘du lịch’ miễn phí đến hội chợ. Ai cũng vui vẻ. Vậy thì… ai là người chịu thiệt nhất?!”
Một người dùng khác tên “Hakekky3.0” chia sẻ: “Hội chợ Canton là một lát cắt nhỏ của xã hội Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước lớn giữ hàng chục, thậm chí hàng trăm gian hàng mà không dùng hết, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đơn vị thực sự muốn mở rộng thị trường quốc tế, thì không thể đăng ký được gian hàng, đành phải đi mua lại của người khác. Tôi từng trải qua rồi… Không bằng đi tham gia các hội chợ chuyên ngành khác. Không đi hội chợ Canton cũng chẳng sao.”
Hội chợ Canton lần này kéo dài từ ngày 15/4 đến ngày 5/5. Dưới sức ép kép từ hàng rào thuế quan gia tăng toàn cầu và sự bất ổn thị trường ngày càng nghiêm trọng, tổng giá trị giao dịch của hội chợ hiện vẫn là một ẩn số.
Vào ngày 15/4 theo giờ địa phương, trang web của Nhà Trắng Mỹ đã công bố một bản “Tóm tắt thực tế” liên quan đến Điều khoản 232, trong đó nêu rõ “Trung Quốc hiện đang đối mặt với mức thuế lên tới 245% đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ”.
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng hiện đã có hơn 75 quốc gia đang đàm phán với Mỹ về các thỏa thuận thương mại mới. Do các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra, mức thuế cao đối với các quốc gia này tạm thời chưa được áp dụng, tuy nhiên Trung Quốc là ngoại lệ. Do các hành động trả đũa của chính quyền Trung Quốc, hàng xuất khẩu sang Mỹ từ Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với mức thuế lên tới 245%.
Thống đốc California Gavin Newsom kiện Tổng thống Donald Trump về chính sách thuế quan
Thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom (Đảng Dân chủ), vào ngày thứ Tư (16/04) đã tuyên bố California đang đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump về các biện pháp thuế quan mới đây, với lý do các chính sách này gây tổn hại cho tiểu bang và rằng Tổng thống không có thẩm quyền để ban hành chúng.
Đài phát thanh công cộng KQED tại Khu vực Vịnh San Francisco đưa tin: “Thống đốc Gavin Newsom và Tổng chưởng lý Rob Bonta đang yêu cầu một tòa án liên bang tạm hoãn thi hành các mức thuế quan đang được áp đặt đối với Mexico, Trung Quốc và Canada, cũng như mức thuế quan phổ quát 10% mà Tổng thống Trump đã ban hành. Đơn kiện lập luận rằng đạo luật mà Tổng thống đang viện dẫn — Đạo luật Quyền Hạn Kinh Tế Quốc Tế Trong Tình Trạng Khẩn Cấp — chưa từng được sử dụng trước đây [như một căn cứ pháp lý] để biện minh cho các chính sách thuế quan, và rằng ông Trump cần có sự chuẩn thuận của Quốc hội để thực hiện những hành động có hậu quả kinh tế sâu rộng như vậy”.
“Các mức thuế quan bất hợp pháp của Tổng thống Trump đang gây ra hỗn loạn cho các gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế của California — đẩy giá cả tăng cao và đe dọa công ăn việc làm. Chúng tôi đang đứng lên để bảo vệ các gia đình Mỹ không [đủ sức để chịu đựng] tình trạng hỗn loạn này tiếp diễn“, ông Newsom tuyên bố bằng văn bản.
Theo Đài KQED, đơn kiện viện dẫn học thuyết “những vấn đề trọng yếu” (major questions doctrine) của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ — một nguyên tắc pháp lý cho rằng Quốc hội phải tham gia quyết định những vấn đề có tầm ảnh hưởng chính trị hoặc kinh tế lớn. Tối cao Pháp viện đã căn cứ vào học thuyết này để bãi bỏ các đạo luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm và xóa nợ sinh viên dưới thời các Tổng thống Joe Biden và Barack Obama, theo văn phòng Thống đốc cho biết.
Ông Newsom, cùng với nghị viện tiểu bang California, đã dành riêng 50 triệu USD để phục vụ cho các hành động pháp lý chống lại chính phủ liên bang, mặc dù cùng lúc đó tiểu bang California cũng đang xin chính phủ liên bang hỗ trợ 40 tỷ USD để phục hồi sau các vụ cháy rừng gần đây.
Ngoài ra, tiểu bang California còn phải vay hàng tỷ USD mỗi tháng chỉ để duy trì chương trình bảo hiểm y tế cho người nghèo Medicaid, Medi-Cal — sau khi ông Newsom mở rộng diện được hưởng quyền lợi ra cả cho những người nhập cư bất hợp pháp vào năm ngoái.
Ông Newsom và Tổng trưởng lý California Bonta hy vọng sẽ thách thức quyền hạn của Tổng thống Trump với lập luận rằng, mặc dù các vị tổng thống tiền nhiệm từng sử dụng quyền khẩn cấp để áp đặt các biện pháp chế tài đối với kẻ thù ngoại bang, nhưng chưa từng có vị tổng thống nào dùng quyền này để áp thuế đối với hoạt động thương mại.
Hiện ngoại giới vẫn chưa rõ tác động kinh tế ròng của các mức thuế quan do ông Trump áp đặt sẽ ra sao, và dư luận Hoa Kỳ dường như đang chia rẽ về vấn đề này — một số hoan nghênh khả năng lãnh đạo của ông Trump trong khi những người khác lại lo sợ về sự bất ổn kinh tế.
Thiên Vân
KOL Trung Quốc kêu gọi người dùng Tiktok Mỹ mua hàng nhái từ xưởng
Người dùng TikTok tại Mỹ đang bị “dội bom” bởi hàng loạt video từ các KOL Trung Quốc, kêu gọi người tiêu dùng Mỹ “vượt rào” thuế quan do ông Trump áp đặt bằng cách mua hàng trực tiếp từ “công xưởng của thế giới” – Trung Quốc. Một số video chỉ trích chính sách thuế quan, kích động người Mỹ hành động.
Người dùng TikTok tại Mỹ đang bị “ngập đầu” trong loạt video từ những người có sức ảnh hưởng Trung Quốc (KOL), kêu gọi người tiêu dùng Mỹ “vượt rào” thuế quan do ông Trump áp đặt bằng cách mua hàng trực tiếp từ “công xưởng của thế giới” – Trung Quốc.
Phần lớn video được quay tại các nhà máy Trung Quốc, tự nhận là nơi sản xuất cho nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như Lululemon Athletica và Nike.
Nhiều trang web cung cấp đường link để đặt hàng, và thông tin liên hệ trực tiếp.
“Sao bạn không thử liên hệ và mua từ chúng tôi? Giá cả sẽ khiến bạn bất ngờ”, một người bán túi xách hàng hiệu nói.
Trong một video khác, tài khoản “LunaSourcingChina” đứng trước một nhà máy mà cô khẳng định sản xuất quần legging Lululemon với giá chỉ 5 – 6 USD, trong khi sản phẩm này được bán với giá hơn 100 USD tại Mỹ. “Chất liệu và tay nghề gần như giống hệt”, cô nhấn mạnh.
Trong khi đó, người phát ngôn Lululemon khẳng định công ty chỉ sản xuất khoảng 3% sản phẩm hoàn chỉnh tại Trung Quốc và hàng chính hãng chỉ được bán qua cửa hàng, website chính thức và đối tác được ủy quyền.
Nhiều video đăng từ tháng 3 nhưng gần đây mới lan truyền mạnh. Một video có tiêu đề “Trung Quốc phơi bày sự thật” đã thu hút 8,3 triệu lượt xem và gần 492 ngàn lượt thích tính đến ngày 15/4. Video tiết lộ nhà cung cấp của Lululemon cũng thu về 2,6 triệu lượt xem, còn clip “Cách chúng tôi lách thuế quan” có gần 1 triệu lượt xem.
Video lan truyền có tính kích động chứ không khả thi
Alex Goldenberg, cố vấn cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mạng lưới Contagion thuộc Đại học Rutgers, nhận định: “Đây có vẻ là một chiến dịch có chủ đích nhằm làm suy yếu chính sách thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc, thông qua việc tận dụng TikTok để quảng bá hình ảnh hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, dễ tiếp cận và hấp dẫn, bất chấp các rào cản thương mại”.
Dù chưa rõ việc mua hàng trực tiếp từ nhà cung cấp Trung Quốc có thực sự giúp người tiêu dùng Mỹ né được thuế hay không – nhất là khi Mỹ chuẩn bị hủy miễn trừ thuế cho các bưu kiện nhỏ từ ngày 2/5, những video này vẫn nhằm mục tiêu thách thức tuyên bố từ Nhà Trắng về thuế quan.
Hiện thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đã lên tới 245%, trong khi mức thuế bổ sung đối với quốc gia khác đang được tạm hoãn 90 ngày.
Không chỉ là rủi ro thuế quan, các tuyến vận tải chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ cũng đang bị đình trệ. Bưu điện Hồng Kông mới đây cũng thông báo dừng chuyển các bưu kiện nhỏ sang Hoa Kỳ vì chính sách “de minimis” đã bị hủy bỏ.
Làn sóng video cũng cho thấy các KOL Trung Quốc ngày càng len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân Mỹ. Thuật toán TikTok – cùng khả năng định hình nội dung mà hàng triệu người Mỹ tiếp cận – là lý do chính khiến Chính phủ Mỹ thúc ép công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc phải từ bỏ quyền kiểm soát hoạt động quốc tế.
TikTok không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu các nhà máy Trung Quốc có ký thỏa thuận bảo mật với khách hàng quốc tế hay không, và những video kiểu này sẽ ảnh hưởng ra sao đến mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các thương hiệu và nhà sản xuất.
Ông Cameron Johnson, đối tác cấp cao tại công ty tư vấn Tidalwave Solutions có trụ sở tại Thượng Hải, người gần đây đã đến thăm trung tâm sản xuất Nghĩa Ô của Trung Quốc, coi đây là một phần của sự thay đổi cơ bản trong hoạt động mua sắm tại Trung Quốc.
“Trước đây, bạn có thể sử dụng một bên trung gian hoặc một công ty thương mại để tìm nguồn sản phẩm cho thỏa thuận kiểm soát chất lượng hoặc đến thăm nhà máy, thiết lập các mối quan hệ đó và sau đó có thể bạn sẽ đến vào một dịp nào đó,” ông nói với Bloomberg TV. “Nhưng bây giờ những gì chúng ta đang thấy quá trình dân chủ hóa hoàn toàn nguồn sản phẩm.”
Mức thuế quan lên tới 245% áp lên Trung Quốc mà Nhà Trắng mới loan báo là thế nào?
Trong tờ thông tin được công bố trên trang web chính thức của Nhà Trắng vào thứ Ba (15/4, giờ miền Đông Hoa Kỳ), cơ quan này cho biết “Trung Quốc bây giờ phải đối mặt với một mức thuế quan lên tới 245% với hàng hoá nhập vào Hoa Kỳ”. Tại sao lại có con số 245%, trong khi các thông báo trước đây mức thuế mà Washington đang áp lên Bắc Kinh là 145%?
Trong tờ thông tin đăng trên trang web chính thức, Nhà Trắng cho biết hơn 75 quốc gia đã liên lạc để thảo luận về thỏa thuận thương mại mới với Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Trump áp thuế đối với tất cả các quốc gia vào “Ngày Giải phóng” (ngày 2 của tháng 4) và rằng mức thuế cao áp riêng cho các quốc gia khác ngoại trừ Trung Quốc đã được tạm dừng.
“Do các hành động trả đũa của mình, Trung Quốc hiện phải đối mặt với mức thuế lên tới 245% đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ (hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ)“, Nhà Trắng cho biết.
Trước đó, hôm 10/4, Nhà Trắng loan báo rằng tổng mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ khi chính quyền Trump nhậm chức là 145%, cao hơn 100% trong dữ liệu được công bố cùng ngày. Nhà Trắng không giải thích chi tiết về các số liệu. Ngoài ra, theo thông báo của Nhà Trắng hoặc các báo cáo của phương tiện truyền thông Hoa Kỳ, chính quyền Trump đã không tăng thuế đối với Trung Quốc thêm nữa so với mức 145% trước đó.
Vậy nên, có khả năng con số thuế quan “lên đến 245%” trong tờ thông tin mới nhất của Nhà Trắng là dựa trên mức thuế giới hạn đối với một số mặt hàng nhất định, bao gồm cả mức thuế hiện hành vốn đã được áp dụng trước cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump.
Theo tờ New York Times (NYT), ống tiêm xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ phải chịu tổng cộng 245% thuế quan, trong đó 145% thuế quan của chính quyền Trump được cộng vào mức thuế quan hiện hành 100% đã được áp dụng từ chính quyền Biden.
Tờ NYT giải thích rằng, mức thuế quan 125% do ông Trump áp đặt trong nhiều trường hợp sẽ được áp dụng theo 4 loại chính trên cơ sở mức thuế quan lâu nay mà Hoa Kỳ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc: thuế suất cơ bản bình quân 3,4%, thuế bảo hộ từ 7,5%-100% trước năm 2025 được ông Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên, mức thuế mới 25% do ông Trump áp đặt trong nhiệm kỳ hai, mức thuế đối ứng fentanyl 25% dùng để trừng phạt việc fentanyl chảy vào Hoa Kỳ và mức thuế 125% đối ứng đối với đại đa số sản phẩm Trung Quốc nhằm thiết lập cân bằng thương mại giữa hai bên.
Nhưng mức thuế cuối cùng phụ thuộc vào mặt hàng nhập khẩu, vật liệu cấu thành của (nguồn gốc của chúng), mức thuế suất đặc biệt nào được áp dụng và loại sản phẩm nào được miễn thuế. Chẳng hạn như sách trẻ em nhập vào Hoa Kỳ thậm chí đang được miễn thuế quan hoàn toàn.
Trong số các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ống tiêm và kim tiêm chịu mức thuế cao nhất. Những sản phẩm này là mục tiêu hàng đầu của đợt áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của chính quyền Trump nhiệm kỳ đầu tiên, và chính quyền Biden còn áp dụng mức thuế cao hơn đối với chúng. Tháng 9/2024, chính quyền Biden đã áp mức thuế 100% đối với ống tiêm và kim tiêm nhằm bảo vệ các nhà máy của Hoa Kỳ và thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Như vậy thuế quan Hoa Kỳ đang áp lên sản phẩm ống tiêm Trung Quốc là: 0% thuế cơ bản + 100% thuế trước năm 2025 + 20% thuế fentanyl + 125% thuế đối ứng =245%
Theo NYT, mức thuế cụ thể Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm Trung Quốc như sau: Ống tiêm và kim tiêm: 245%, pin lithium-ion: 173%, mực: 170%, áo len: 169%, tấm nhựa: 159%, máy nước bánh mỳ: 150%. Xe điện: 148%, đồ chơi-búp bê – tranh ghép hình: 145%, Vitamine C: 145%, lá nhôm: 75%, lốp xe ô tô: 73%, chất bán dẫn: 70%, đồ gia dụng bằng kim loại: 70%, bản lề cửa xe: 67%, máy tính bảng: 20%, sách trẻ em: 0%.
Khi Nhà Trắng dán nhãn mức thuế quan đối với Trung Quốc lên tới 245%, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã trả lời rằng đó là một “trò đùa quốc tế”. Trung Quốc hiện đang đáp trả Hoà Kỳ với mức thuế quan 125% và Bắc Kinh hôm 11/4 loan báo rằng họ sẽ không đáp trả thuế đối ứng dù Hoa Kỳ tăng thuế thêm nữa.
Hải Đăng
Tổng thống Trump cho rằng thuế quan có thể thay thế thuế thu nhập
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng nguồn thu từ các loại thuế quan mang tên “Ngày Giải Phóng” mà ông đề xuất có thể đủ để thay thế thuế thu nhập liên bang.
Vào đầu tháng Tư, ông Trump đã công bố việc áp các loại thuế quan “đối ứng” đối với gần 90 quốc gia, viện dẫn lý do các hành vi thương mại không công bằng của những quốc gia này. Sau khi các mức thị này chỉ vừa có hiệu lực vào ngày 9/4, ông Trump đã tuyên bố tạm ngừng 90 ngày và chỉ áp mức thuế quan cơ sở 10%. Tuy nhiên, riêng Trung Quốc là một trong số ít trường hợp ngoại lệ, với mức thuế quan đối với hàng hóa của nước này thậm chí còn bị tăng cao hơn nữa, hiện đã ở mức 145%.
Ký giả Rachel Campos-Duffy của đài Fox News hôm thứ Ba (15/4) đã hỏi ông Trump rằng liệu mức thuế quan của ông có thể thay thế thuế thu nhập hay không.
Ông Trump đã khen ngợi câu hỏi này, lưu ý rằng ký giả Rachel Campos-Duffy là người đầu tiên đặt câu hỏi này với ông – mặc dù ông thường xuyên trao đổi với “những bộ óc tài chính hàng đầu [của Hoa Kỳ]” nhưng chưa ai từng đề cập đến khả năng ấy.
“Có khả năng là số tiền thu được từ thuế quan có thể lớn đến mức nó có thể thay thế – quý vị biết đấy, ngày xưa, khoảng từ năm 1870 đến 1913, thuế quan là nguồn thu duy nhất của quốc gia”, ông Trump phát biểu, ám chỉ Thời đại Hoàng kim – một giai đoạn phát triển kỹ nghệ nhanh chóng và sự gia tăng của cải quốc gia.
“Đó là thời kỳ mà quốc gia của chúng ta [nói một cách] tương đối là giàu có nhất. Chúng ta là quốc gia giàu có nhất [trên thế giới]” ông Trump nói thêm.
Ông Trump cho rằng các chính sách thương mại của ông có thể mang lại hơn một nghìn tỷ USD trong năm tới – góp phần giảm nợ công và có thể thay thế hoặc bù đắp thuế thu nhập. Ông khẳng định rằng thuế quan đang củng cố nền kinh tế Hoa Kỳ, mang lại “hàng tỷ USD mỗi ngày” cho ngân khố quốc gia.
Tuy nhiên, giới kinh tế gia tỏ ra hoài nghi trước nhận định rằng thuế quan có thể tạo ra nguồn thu ở quy mô lớn mà ông Trump tuyên bố. Họ cảnh báo rằng giá nhập cảng tăng có thể khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu và kéo theo sự suy giảm nhu cầu chung.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ (Congressional Research Service), trong suốt 70 năm qua, thuế quan chỉ chiếm không quá 2% tổng thu ngân sách liên bang hàng năm của Hoa Kỳ. Riêng trong năm 2024, nguồn thu từ thuế nhập cảng của Hoa Kỳ chỉ chiếm 1,7% trong tổng số hơn 4,9 nghìn tỷ USD doanh thu ngân sách liên bang.
Các chuyên gia tài chính tại ING hôm thứ Ba (15/4) cho biết, các loại thuế quan toàn diện đối với các đối tác thương mại – đặc biệt là Trung Quốc – có thể mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế Hoa Kỳ và giới lao động Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi sẽ “rất khó khăn và có khả năng gây thiệt hại kinh tế đáng kể” trong ngắn hạn.
ING nhận định rằng, nếu các thỏa thuận thương mại được ký kết và thuế quan được cắt giảm, chính quyền Trump có thể sẽ mất dư địa tài chính để thực hiện các đợt giảm thuế sâu rộng hơn.
- Dư địa tài chính (fiscal room): là khả năng hoặc khoảng trống trong ngân sách quốc gia để chính phủ chi tiêu thêm hoặc giảm thuế, mà không gây tổn hại đến ổn định tài chính, không làm tăng nợ công quá mức, và vẫn duy trì được các cam kết chi tiêu lâu dài.
Thiên Vân
Tổng thống Trump: Trung Quốc cần người tiêu dùng Mỹ nên họ phải chủ động đàm phán
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung tiếp tục leo thang khi cả hai quốc gia đều giữ quan điểm cứng rắn không chủ động đàm phán. Mới đây, Trung Quốc đã trả đũa đòn thuế quan của ông Trump bằng việc dừng tiếp nhận máy bay Boeing và nâng thuế suất nhập khẩu hàng Mỹ lên 125%.
Tổng thống Trump kêu gọi Trung Quốc liên hệ với ông để bắt đầu cuộc đàm phán giải quyết cuộc chiến thương mại đang leo tháng của hai nền kinh tế lớn nhất.
” Quả bóng đang ở chân Trung Quốc. Trung Quốc cần một thỏa thuận với chúng tôi. Chúng tôi không cần phải đàm phán với họ,” Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt đọc lại những gì Tổng thống viết trong thông báo hôm thứ Ba.
“Không có sự khác biệt giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trừ việc họ lớn hơn, và Trung Quốc cần những gì chúng tôi có, cũng như các quốc gia khác thôi – đó là người tiêu dùng Mỹ – hoặc nói cách khác, họ cần tiền của chúng tôi,”
Các bình luận trên cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều không nhượng bộ. Cả hai đều đang tiếp tục dựng lên những rào cản thương mại ở mức độ cao hơn.
Theo nguồn thạo tin, Trung Quốc đã lệnh dừng việc tiếp nhận các máy bay Boeing của Mỹ – động thái mới nhất trả đũa Chính quyền Trump khi nâng mức thuế đối ứng của hàng hóa Trung Quốc lên 145%.
Tổng thống Hoa Kỳ đã chỉ trích Trung Quốc trong một bài đăng trên mạng xã hội sáng thứ Ba, nói răng Chính phủ Trung Quốc “vừa hủy bỏ thỏa thuận lớn với Boeing” ký kết trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Chính quyền Trump cho biết đang đàm phán với hàng chục đối tác thương mại để hạ mức thuế xuống thay cho mức thuế đối ứng được công bố.
Ông Trump cũng đang xem xét 15 đề xuất từ các quốc gia, đồng thời nói với bộ phận tư vấn thương mại của ông rằng “ông muốn trực tiếp ký tất cả các thỏa thuận này“, Leavitt nói.
“Có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi hiểu rõ, nhưng chúng tôi hy vọng rằng có thể sớm công bố một vài thỏa thuận” thư ký Nhà trắng cho biết thêm, nhưng không chỉ ra quốc gia cụ thể nào sẽ có được thỏa thuận sớm.
Cho đến thời điểm hiện tại, cả Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa có tương tác ở cấp độ cao nào, trong khi đó hai quốc gia đều chỉ trích lẫn nhau và tăng thuế quan.
Trung Quốc đã công bố vào thứ sáu rằng họ sẽ áp dụng mức thuế 125% đối với tất cả hàng hóa của Hoa Kỳ kể từ ngày 12 tháng 4, mức leo thang mới nhất bắt đầu vào ngày 2 tháng 4 khi Trump áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tổng thống Hoa Kỳ đã tăng mức thuế đó cao hơn mỗi lần Trung Quốc công bố các biện pháp ứng phó. Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải liên hệ trước để bắt đầu đàm phán, trong khi Bắc Kinh cho biết họ không rõ về các yêu cầu của Hoa Kỳ.
Trung Quốc dừng xuất khẩu khoáng sản đất hiếm quan trọng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chủ chốt
Theo nhiều báo cáo, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm có vai trò quan trọng trong việc sản xuất một số sản phẩm trong ngành công nghệ, ô tô, hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Tờ New York Post đưa tin rằng “kể từ ngày 3/4, Trung Quốc sẽ không còn xuất khẩu bảy loại kim loại đất hiếm nặng được chế biến độc quyền tại cường quốc châu Á này, cũng như nam châm đất hiếm nặng”.
Theo nguồn tin này, trong khi lệnh ngừng nhập khẩu khoáng sản đất hiếm của Trung Quốc “áp dụng cho tất cả các quốc gia”, thì việc tiếp cận một số thứ nhất định như “dysprosi và yttri là rất quan trọng” trong các ngành công nghệ, ô tô và quốc phòng tại Hoa Kỳ.
“Theo ông Drew Horn, cựu quan chức cấp cao của Hoa Kỳ về khoáng sản chiến lược và phát triển chuỗi cung ứng năng lượng trong chính quyền đầu tiên của Tổng thống Trump, lệnh dừng xuất khẩu được áp dụng cho tất cả các quốc gia, nhưng việc tiếp cận các nguyên tố như dysprosi và yttri rất quan trọng đối với ngành công nghiệp Hoa Kỳ – đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, xe điện, máy bay và quốc phòng”, tờ New York Post cho biết.
Ông Horn giải thích với New York Post rằng Trung Quốc đã “đe dọa” làm điều này vì họ có “đòn bẩy” để cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới.
Ông Horn cho biết: “Người Trung Quốc đã đe dọa điều này vì họ có đòn bẩy để cơ bản cắt đứt quan hệ với chúng ta và với thế giới, chủ yếu là cắt đứt quan hệ với chúng ta thông qua nhiều phương tiện khác nhau, và bây giờ họ đang làm điều đó”.
Theo Forbes, vào năm 2019, Trung Quốc từng đe dọa sẽ cắt giảm xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Hoa Kỳ.
Ông Craig Singleton, thành viên cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, giải thích với tờ New York Post rằng “vở kịch đất hiếm của Trung Quốc là một quân bài mà họ đã từng sử dụng trước đây” và nói thêm rằng nó đã bị “lạm dụng”.
Tờ New York Times đưa tin vào ngày 4/4 rằng, Trung Quốc đã “ra lệnh hạn chế xuất khẩu sáu loại kim loại đất hiếm nặng, được tinh chế hoàn toàn tại Trung Quốc, cũng như nam châm đất hiếm, trong đó 90% được sản xuất tại Trung Quốc”.
Theo New York Times, trong khi “kim loại và nam châm đặc biệt được làm từ chúng [các khoáng sản đất hiếm nặng]” có thể “được vận chuyển ra khỏi Trung Quốc chỉ khi có giấy phép xuất khẩu đặc biệt”, thì quốc gia này “vẫn chưa bắt đầu thiết lập hệ thống cấp giấy phép”.
“Các loại kim loại và nam châm đặc biệt được làm từ [các khoáng sản đất hiếm nặng] hiện chỉ có thể được vận chuyển ra khỏi Trung Quốc khi có giấy phép xuất khẩu đặc biệt. Nhưng Trung Quốc hầu như chưa bắt đầu thiết lập hệ thống cấp giấy phép. Điều đó đã gây ra sự lo ngại trong số các giám đốc điều hành ngành công nghiệp rằng quá trình này có thể kéo dài và nguồn cung cấp hiện tại khoáng sản và sản phẩm bên ngoài Trung Quốc có thể sẽ cạn kiệt”, theo New York Times.
Cây bút John Hayward của tờ Breitbart News đưa tin rằng Trung Quốc đã tiết lộ họ sẽ “duy trì nguồn cung cấp đất hiếm cho phần còn lại của thế giới trong khi hạn chế quyền tiếp cận của Hoa Kỳ”.
Hân Nhi, theo Breitbart News