Những công thức Trung y đơn giản dưới đây có tác dụng dưỡng ẩm phổi, thanh lọc độc tố và hỗ trợ khả năng miễn dịch trong những tháng lạnh giá.

oc cho tot cho mua dong
Quả óc chó rất giàu chất chống oxy hóa như axit béo omega-3 và polyphenol, có thể giúp làm giảm tình trạng viêm phổi. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Bạn có biết rằng chúng ta có thể thanh lọc độc tố khỏi phổi và tăng khả năng miễn dịch chỉ bằng các thực phẩm thường dùng? 10 công thức làm sạch phổi, chống viêm sau đây rất dễ tích hợp vào cuộc sống thường nhật và hoàn toàn có khả năng đạt được những mục tiêu kể trên.

Trung y cho rằng nấm tuyết, mộc nhĩ, củ sen, nghệ, gừng, kỷ tử, lê, táo đỏ, óc chó và mật ong có tác dụng nuôi dưỡng phổi. Khoa học y học hiện đại cũng phát hiện chúng có chứa chất chống oxy hóa, chống viêm và tăng khả năng miễn dịch.

Nấm tuyết

thuc pham tot cho mua dong nam trang
Trung y cho rằng nấm tuyết có tác dụng bổ sung dịch cho cơ thể và là chất làm ẩm phổi tự nhiên lý tưởng. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trung y cho rằng nấm tuyết có tác dụng bổ sung dịch cho cơ thể và là chất làm ẩm phổi tự nhiên lý tưởng, đặc biệt rất cần trong mùa khô. Nấm tuyết rất giàu polysaccharides, có tác dụng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch.

Canh nấm tuyết và lê

Thành phần:

  • 1 cây nấm tuyết
  • 1 quả lê
  • Đường phèn vừa ăn

Cách chế biến:

  • Ngâm nấm tuyết trong nước và xé thành từng miếng nhỏ.
  • Gọt vỏ, bỏ lõi và cắt lê thành khối vuông.
  • Cho nấm trắng và đường phèn vào nồi, thêm nước và nấu trong 1 giờ.
  • Thêm lê và đun nhỏ lửa trong vài phút.

Củ sen

Củ sen rất giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp làm sạch phổi, loại bỏ đờm và tăng cường miễn dịch.

Củ sen, ớt chuông đỏ và vàng đều rất giàu vitamin C. Các nghiên cứu đã phát hiện vitamin C trong thức ăn giúp ngăn ngừa ung thư phổi, trong khi thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C lại không đem đến lợi ích tương tự.

Ớt chuông đỏ và vàng xào với củ sen

Nguyên liệu:

  • 2 phần củ sen nhỏ
  • 1 quả ớt chuông đỏ
  • 1 quả ớt chuông vàng
  • Một ít tỏi băm
  • Muối ăn

Cách chế biến:

  • Rửa sạch và thái củ sen, cắt ớt chuông đỏ và vàng thành từng dải.
  • Cho một ít dầu vào nồi và phi tỏi băm ở lửa nhỏ cho đến khi ngửi thấy mùi tỏi.
  • Cho các lát củ sen vào và xào cùng nhau. Sau đó cho thêm một ít nước và tiếp tục xào cho đến khi các lát củ sen hơi trong.
  • Cho ớt chuông đỏ và vàng vào, nêm muối, xào thêm một phút nữa rồi tắt bếp.
cu sen
Củ sen rất giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, giúp làm sạch phổi, loại bỏ đờm và tăng cường miễn dịch. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Mộc nhĩ đen

Mộc nhĩ đen là một loại thực phẩm nhưng có tác dụng dược lý. Nấm mộc nhĩ giúp dưỡng ẩm phổi và thanh nhiệt. Mộc nhĩ cũng giàu sắt, chất xơ và polysaccharides, có thể cải thiện khả năng miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng. Các nghiên cứu đã phát hiện chiết xuất từ mộc nhĩ cũng có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư phổi và cải thiện hệ vi khuẩn phổi.

Salad mộc nhĩ

Nguyên liệu:

  • 2 thìa giấm gạo
  • 2 thìa nước tương
  • 1,5 thìa mộc nhĩ khô
  • 1 thìa đường trắng
  • 1 thìa dầu mè
  • Nửa quả dưa chuột
  • 2 tép tỏi
  • Muối nêm

Cách chế biến:

  • Ngâm mộc nhĩ trong nước khoảng 2 giờ. Cắt bỏ rễ và rửa sạch.
  • Trần trong nước sôi trong 3 phút. Vớt ra, rửa sạch bằng nước sạch, để ráo và để riêng.
  • Băm nhỏ tép tỏi, thái nhỏ dưa chuột và cho tất cả vào đĩa cùng với mộc nhĩ.
  • Lấy một bát khác, cho giấm gạo, nước tương, đường và dầu mè vào, trộn đều rồi đổ lên trên salad. Nêm muối cho vừa ăn.

Quả lê

Lê rất giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, có thể làm giảm đờm và duy trì độ ẩm cho phổi, rất phù hợp khi ăn vào mùa khô. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lê rất giàu polyphenol và flavonoid, có thể cải thiện tình trạng dị ứng và có lợi trong điều trị các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn.

Lê hầm với đường phèn

Nguyên liệu:

  • 1 quả lê
  • 1 thìa canh đường phèn
  • Một ít quả kỷ tử

Cách chế biến:

  • Gọt vỏ lê, bỏ hạt, cắt lê thành từng miếng.
  • Cho vào nồi cùng đường phèn và kỷ tử.
  • Thêm nước, nấu trong 20 phút.

Quả óc chó

Theo Đông y, quả óc chó có tác dụng làm ấm phổi, giảm ho và bổ thận. Quả óc chó rất giàu chất chống oxy hóa như axit béo omega-3 và polyphenol, có thể giúp làm giảm tình trạng viêm phổi. Các nghiên cứu đã phát hiện những người lớn tuổi ăn quả óc chó mỗi ngày có chất chỉ điểm viêm giảm sau hai năm. 

Omega-3 không chỉ bảo vệ hệ tim mạch mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe phổi. Các nghiên cứu cũng đã phát hiện đối với những bệnh nhân bị xơ phổi, lượng axit béo omega-3 trong huyết tương càng cao thì khả năng trao đổi carbon dioxide càng mạnh và họ có thể sống lâu hơn mà không cần phẫu thuật ghép phổi. Hiện tượng này được quan sát thấy bất kể bệnh nhân có tiền sử hút thuốc hay mắc bệnh tim mạch hay không.

Cháo óc chó và táo đỏ

Thành phần:

  • 10 quả táo đỏ
  • 10 quả óc chó
  • ½ chén gạo
  • Một ít đường phèn

Cách chế biến:

  • Ngâm táo đỏ trong nước nóng và bỏ lõi.
  • Rửa sạch quả óc chó.
  • Cho táo tàu, quả óc chó và gạo vào nồi.
  • Thêm nước và đun sôi. Sau đó giảm lửa nhỏ cho đến khi cháo chín hoàn toàn.
  • Thêm một chút đường phèn và nấu cho đến khi tan.

Gừng

Gừng làm ấm cơ thể, làm sạch đờm và giảm ho. Hợp chất hoạt tính trong gừng là gingerol có tác dụng chống viêm mạnh. Các nghiên cứu khác đã phát hiện chiết xuất gừng có thể làm giãn cơ đường hô hấp, ức chế viêm và giúp cải thiện bệnh hen suyễn.

Trà gừng

Thành phần:

  • 1,5 thìa gừng thái lát
  • 1 thìa mật ong
  • 2 ¼ cốc nước
  • 2 lát chanh

Chuẩn bị:

  • Cho gừng vào nồi.
  • Thêm nước, đun sôi và nấu trong 10 phút.
  • Lọc gừng và đổ trà vào cốc.
  • Thêm mật ong và lát chanh.

Táo đỏ

Trung y coi táo đỏ là là thực phầm lý tưởng bổ dưỡng cho máu và phổi. Chúng giàu polysaccharides và vitamin, giúp tăng cường khả năng miễn dịch và bảo vệ hệ hô hấp.

Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã chỉ ra polysaccharides có thể làm tăng khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh của tế bào miễn dịch và ảnh hưởng đến sự biểu hiện của các cytokine gây viêm.

Trà táo đỏ

Thành phần:

  • 2 ½ cốc nước nóng
  • 6 quả táo đỏ

Chuẩn bị:

  • Rửa sạch và bỏ lõi táo đỏ.
  • Cho táo đỏ vào nồi nước nóng và ngâm trong 15 phút.

Nghệ

Nghệ là một loại gia vị chống viêm, đặc biệt làm giảm tình trạng viêm mãn tính ở phổi rất tốt. Các nghiên cứu đã phát hiện uống curcumin có thể làm giảm đáng kể tình trạng viêm và tổn thương phổi.

Sữa nghệ vàng

Thành phần:

  • 1 cốc sữa
  • 1 thìa cà phê nghệ
  • Một nhúm hạt tiêu đen
  • Mật ong vừa ăn

Chuẩn bị:

  • Làm nóng sữa.
  • Thêm nghệ và hạt tiêu đen và khuấy đều.
  • Thêm mật ong vừa ăn.

Mật ong

Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, dưỡng ẩm và giảm ho, đặc biệt thích hợp để làm giảm ho khan và khó chịu ở cổ họng. Một nghiên cứu của Đại học Oxford kết luận rằng mật ong tốt hơn các phương pháp điều trị thông thường trong việc cải thiện các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên và là một phương pháp thay thế rẻ tiền cho thuốc kháng sinh.

Uống chanh mật ong vào buổi sáng có tác dụng làm sạch phổi và làm ẩm cổ họng rất hiệu quả.

Nước chanh mật ong

Thành phần:

  • 1 cốc nước
  • Nửa quả chanh
  • 1 thìa canh mật ong

Cách chế biến:

  • Đun nước.
  • Rửa sạch nửa quả chanh và cắt thành lát mỏng, hoặc vắt lấy nước cốt.
  • Cho tất cả các thành phần vào cốc và trộn đều.

Câu kỷ tử

Ky tu
Kỷ tử có chứa nhiều giàu polysaccharides, vitamin C và carotenoid, có thể bảo vệ sức khỏe phổi và tăng khả năng miễn dịch hiệu quả. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Câu kỷ tử là một loại thảo mộc trong Trung y, giàu polysaccharides, vitamin C và carotenoid, có thể bảo vệ sức khỏe phổi và tăng khả năng miễn dịch hiệu quả. Polysaccharides có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư phổi bằng cách ức chế chu kỳ nhân đôi của chúng hoặc gây ra quá trình chết tế bào theo chương trình.

Trà câu kỷ tử

Thành phần:

  • 1 cốc nước
  • 1 thìa canh câu kỷ tử

Cách chế biến:

  • Đun nước và ngâm câu kỷ tử trong 10 phút.
  • Để nước nguội trước khi uống.

10 công thức trên là những công thức phổ biến, truyền thống của Trung y, với hiệu quả đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học hiện đại. Thêm chúng vào thói quen ăn uống hàng ngày là một biện pháp đơn giản, ngon miệng để tăng cường khả năng miễn dịch trong mùa thu và mùa đông lạnh giá.