5 cây thảo dược quen thuộc tốt cho hệ tiêu hóa
- Tú Liên
- •
Hầu hết chúng ta đều gặp phải các vấn đề về tiêu hóa ít nhất một lần trong đời. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy hệ tiêu hóa đóng vai trò then chốt đối với sức khỏe tổng thể – không chỉ đơn thuần là quá trình hấp thu dưỡng chất, mà còn liên quan mật thiết đến hệ miễn dịch, thần kinh, và thậm chí cả hệ cơ xương khớp. Khi hệ tiêu hóa không khỏe mạnh, nó có thể trở thành yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh mạn tính. May mắn thay, tự nhiên ban tặng cho chúng ta nhiều loại thảo dược quen thuộc, có khả năng hỗ trợ và cải thiện tiêu hóa một cách hiệu quả.

Trong cuộc sống hiện đại, các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, đau dạ dày, táo bón, trào ngược, hội chứng ruột kích thích, v.v. không phải là hiếm gặp. Thay vì dùng nhiều loại thuốc khác nhau, bạn có thể thử một số giải pháp tự nhiên từ các loại thảo mộc dưới đây. Chúng thường được sử dụng trong các công thức nấu ăn hoặc dưới dạng trà với tác dụng phụ tối thiểu.
1. Bồ công anh
Thường được xem là một loài cỏ dại, nhưng trên thực tế, bồ công anh lại có đặc tính chữa bệnh đáng kinh ngạc, mỗi bộ phận của cây từ rễ, lá đến hoa đều có lợi cho tiêu hóa.
Không phải ngẫu nhiên mà bồ công anh được ví như một loại thuốc bổ mùa xuân tuyệt vời. Nó giúp đánh thức hệ tiêu hóa chậm chạp sau những ngày mùa đông nhờ khả năng thúc đẩy quá trình tiết nước bọt, axit dạ dày và mật để tiêu hóa thức ăn.
Ngoài ra, bồ công anh còn chứa lượng lớn các hợp chất như terpenoid, polysaccharide và đặc biệt là inulin – một loại prebiotic giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột. Các đặc tính chống viêm và bảo vệ hệ vi sinh của bồ công anh có thể hỗ trợ các bệnh như thiếu acid dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản (GERD), viêm loét đại tràng, bệnh gan, sỏi mật, viêm tụy cấp, và ung thư đường tiêu hóa..
Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để xác định các đặc điểm hoạt tính sinh học, quá trình trao đổi chất, khả dụng sinh học và tính an toàn giữa các loài bồ công anh khác nhau.
Bồ công anh có thể được dùng dưới nhiều dạng: rễ rang lên để pha trà, hoa và lá tươi/thêm vào món xào, hoặc ăn sống. Hoa cũng có thể được dùng làm rượu và mứt. Toàn bộ cây có thể ngâm rượu (vodka), dùng một thìa cà phê trước bữa ăn nhằm hỗ trợ tiêu hóa.
Những người có bệnh về túi mật, thận, loét dạ dày, viêm dạ dày, đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc chống đông máu, và người dị ứng với họ Cúc không nên hoặc thận trọng khi dùng bồ công anh.
2. Rễ cam thảo
Rễ cam thảo (Glycyrrhiza glabra) không chỉ là vị thuốc quen thuộc trong Đông y mà còn là một “người bạn” tuyệt vời cho hệ tiêu hóa và gan.
Trong Trung y, rễ cam thảo được sử dụng để cân bằng khí (năng lượng sống), đặc biệt là ở lá lách, được coi là rất quan trọng đối với toàn bộ cơ thể và hệ tiêu hóa. Loại thảo mộc này từ lâu đã được công nhận trong Đông y và Tây y vì có công dụng chống viêm đặc hiệu đối với đường tiêu hóa.
Nếu bạn từng gặp phải những vấn đề như đau dạ dày, viêm ruột, ợ nóng hay tiêu hóa kém, rễ cam thảo có thể là một lựa chọn tự nhiên rất đáng cân nhắc. Cam thảo giúp làm dịu lớp niêm mạc ruột, hỗ trợ hồi phục các tổn thương và ức chế vi khuẩn có hại như Helicobacter pylori – nguyên nhân chính gây loét dạ dày. Đặc biệt, cam thảo không làm ảnh hưởng đến lợi khuẩn đường ruột như nhiều thuốc kháng sinh thông thường.
Trong các nghiên cứu tại Nhật Bản và Trung Quốc, cam thảo được chứng minh có tác dụng bảo vệ gan rất tốt, đặc biệt là trong trường hợp viêm gan, gan nhiễm mỡ, hoặc tổn thương gan do rượu, thuốc. Nhờ đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh, glycyrrhizin – hợp chất tạo nên vị ngọt trong cam thảo giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào gan và tăng cường chức năng gan một cách tự nhiên.
Không chỉ có tác dụng riêng lẻ, cam thảo còn hỗ trợ tỳ vị – hệ tiêu hóa trong khái niệm Đông y. Nếu bạn hay mệt mỏi, tiêu hóa kém, dễ đầy hơi, cam thảo có thể chính là “liều thuốc” làm dịu cho tỳ vị của bạn.
Dù nhiều lợi ích nhưng không nên dùng cam thảo quá nhiều hoặc kéo dài hàng tuần liên tục vì có thể gây tăng huyết áp hoặc hạ kali máu. Bạn có thể sử dụng cam thảo như một hỗn hợp thuốc nhỏ giọt hoặc trà, uống hai đến ba ngày một lần. Rễ cam thảo cũng có thể được trộn với câu kỷ tử, hoa cúc hoặc hoa sen – tất cả đều có lợi cho sức khỏe tiêu hóa.
3. Vỏ cây du trơn
Cây du trơn (Ulmus rubra), với đặc tính nhớt và khả năng tạo lớp phủ bảo vệ, là một vị thuốc quý trong việc làm dịu và bảo vệ hệ tiêu hóa. Dược điển Thảo dược Hoa Kỳ đã công nhận du trơn là một loại thuốc chống viêm, nhuận tràng, chống oxy hóa, chống tiêu chảy và bổ dưỡng cho cơ thể.
Theo các chuyên gia thảo dược, cây du trơn tạo ra một lớp phủ bảo vệ nhẹ nhàng, giúp làm dịu và chữa lành vết tổn thương viêm niêm mạc trong cơ thể do ma sát từ thức ăn và chất thải đi qua. Điều này đặc biệt quan trọng khi niêm mạc đường tiêu hóa bị viêm như trong bệnh viêm loét đại tràng, tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, glycogen và polysaccharides trong cây du trơn cũng giúp kích thích hệ miễn dịch tại chỗ, đồng thời có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.
Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh tác dụng của cây du trơn trong việc điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Khi kết hợp với các thành phần như lactulose, cam thảo, và cám yến mạch, cây du trơn giúp cải thiện tình trạng căng thẳng, đầy hơi, đau bụng và các triệu chứng tiêu hóa khác. Hơn nữa, các triệu chứng tiêu hóa và tâm trạng của người bệnh cũng được cải thiện từ 40% đến 80%, với gần 60% cho thấy niêm mạc ruột lành lại sau 12 tuần.
Đáng chú ý, nghiên cứu cũng cho thấy gần một nửa người tham gia đã ngừng sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) – một loại thuốc phổ biến trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản nhưng có thể gây nhiều tác dụng phụ như loãng xương, đau đầu, chóng mặt và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Việc sử dụng cây du trơn giúp giảm sự phụ thuộc vào thuốc, mang lại hiệu quả mà không gây tác dụng phụ.
Cây du trơn thường được sử dụng ở dạng bột dùng để pha với nước uống hoặc pha trà. Nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ vì chất nhầy trong du trơn có thể cản trở sự hấp thu của thuốc. Ngoài ra, không nên dùng kéo dài liên tục và tránh dùng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
4. Hoa cúc La Mã
Hoa cúc La Mã không chỉ có hương thơm dễ chịu mà còn là một phương thuốc tự nhiên lâu đời trong việc hỗ trợ tiêu hóa. Từ Ai Cập cổ đại đến y học hiện đại, hoa cúc được sử dụng để làm dịu chứng đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn.
Hoa cúc chứa bisabolol – một tinh dầu có tác dụng chống viêm, chống co thắt, và giảm enzyme tiêu hóa gây kích ứng. Ngoài ra, nó hoạt động như một chất nhầy tạo lớp bảo vệ cho niêm mạc ruột, rất hữu ích trong các trường hợp kích ứng và loét.
Một số nghiên cứu cho thấy việc kết hợp hoa cúc với rễ cam thảo và ngải cứu giúp giảm rõ rệt các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích chỉ sau vài tuần. Không những giúp tiêu hoá, hoa cúc còn hỗ trợ cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng – một yếu tố thường làm trầm trọng bệnh lý tiêu hoá.
Trà hoa cúc nổi tiếng với khả năng giúp thư giãn và hỗ trợ giấc ngủ. Đối với những người tiêu hoá kém vì căng thẳng, hoa cúc được xem như một “liều thuốc thảo dược” nhẹ nhàng nhưng hiệu quả.
Hoa cúc còn được ứng dụng như một phương pháp điều trị bổ sung ở bệnh nhân ung thư, giúp giảm loét miệng, buồn nôn và cải thiện chất lượng sống thông qua cơ chế chống oxy hóa và điều hòa trục ruột–não.
Cách dùng hoa cúc phổ biến nhất là pha trà. Theo chuyên gia, để tăng cường tác dụng trên đường tiêu hóa, bạn nên ngâm hoa trong thời gian lâu hơn, ít nhất là trong 10-15 phút, đến khi trà chuyển từ vị ngọt sang vị đắng.
5. Bạc hà
Bạc hà (Mentha spp.) là loại thảo mộc quen thuộc với hương vị mát lạnh, thường xuất hiện trong kem đánh răng, nước súc miệng và kẹo. Tuy nhiên, bên cạnh công dụng tạo hương, bạc hà còn mang lại nhiều lợi ích y học, đặc biệt đối với hệ tiêu hóa.
Thành phần nổi bật của bạc hà là menthol – hợp chất tạo cảm giác mát, đồng thời có tác dụng chống viêm và giảm đau. Menthol giúp làm dịu các mô bị kích ứng trong đường tiêu hóa, từ đó hỗ trợ điều trị các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng hay co thắt dạ dày.
Bạc hà thường được dùng phối hợp với các loại thảo mộc có vị đắng – nhóm thảo dược giúp kích thích tiết dịch tiêu hóa và mật, từ đó cải thiện tiêu hóa, đặc biệt với chất béo. Bạc hà không chỉ giúp giảm vị đắng khó chịu mà còn góp phần tăng hiệu quả tiêu hóa nhờ các hợp chất có hoạt tính sinh học như flavonoid, tannin và tinh dầu terpenoid – những chất có đặc tính kháng viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa.
Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận bạc hà có hiệu quả trong cải thiện hội chứng ruột kích thích, chứng đầy hơi, khó tiêu và cả trào ngược dạ dày thực quản nhẹ. Tuy nhiên, người dùng cần thận trọng vì bạc hà có thể gây giãn cơ thắt thực quản dưới, làm nặng thêm các triệu chứng nếu dùng không đúng cách.
Ngoài ra, bạc hà còn được sử dụng trong y học truyền thống để giảm buồn nôn, tiêu chảy và căng thẳng hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Cách sử dụng bạc hà phổ biến, dễ thực hiện là pha trà. Bạn có thể hãm 1-3 thìa lá khô trong nước nóng từ 10–20 phút và thưởng thức. Đối với các vấn đề tiêu hóa mãn tính, ngâm lâu hơn có thể hiệu quả hơn. Việc đậy kín nắp trà sẽ giúp “giữ lại tinh dầu và tối đa hóa các đặc tính hóa học” trong cây. Đối với trẻ em kén ăn, bạn có thể trộn một ít trà bạc hà với mật ong để làm xi-rô.
Mặc dù bạc hà mang lại nhiều lợi ích, không phải ai cũng phù hợp sử dụng. Phụ nữ cho con bú cần lưu ý về khả năng giảm tiết sữa khi dùng liều cao. Việc lựa chọn hình thức và liều dùng nên dựa trên tình trạng sức khỏe và thể trạng cá nhân.
Lưu ý: Mọi thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo. Trong mọi trường hợp, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một loại thảo mộc nào để có tác dụng tốt nhất.
Từ khóa thảo dược hỗ trợ tiêu hóa
