Bệnh chàm là một loại viêm da có thể khiến da bị viêm, ngứa, đỏ, khô và thô ráp. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh dễ tái phát. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó còn có thể dẫn đến mụn nước, rỉ nước và đóng vảy, khiến da dày lên. Căn bệnh này cũng nổi tiếng là khó chữa.

benh cham
(Ảnh: Heidi Akselin/ Wikimedia)

Theo thống kê từ bệnh viện Da Liễu Trung Ương, tỷ lệ người mắc bệnh chàm ở Việt Nam chiếm khoảng 20% trong tổng số bệnh nhân tới khám chuyên khoa da liễu. Ai cũng có thể bị chàm bất kể tuổi tác hay giới tính. Bệnh thường bắt đầu từ thời thơ ấu và trong khi gần một nửa số trường hợp cải thiện hoặc biến mất theo tuổi tác, một tỷ lệ đáng kể vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng khi trưởng thành.

Chế độ ăn toàn thịt (carnivore) chữa bệnh chàm

Hãy cùng tìm hiểu về trường hợp một bệnh nhân bị chàm và viêm mũi dị ứng trong hơn một thập kỷ đã giảm triệu chứng hoàn toàn sau khi áp dụng chế độ ăn toàn thịt. 

Bệnh nhân này đã gặp rắc rối với bệnh chàm, mụn trứng cá và viêm mũi dị ứng từ lâu. Điều đáng ngạc nhiên là những triệu chứng này biến mất sau khi chuyển sang chế độ ăn toàn thịt trong 3 tuần. Đối với những người gặp phải vấn đề tương tự, phương pháp này có thể đáng cân nhắc để thử. Vậy lý do đằng sau sự thay đổi ngoạn mục này là gì?  

Theo lời kể của bệnh nhân, ông bị chàm ở chân và nổi mụn trứng các dạng nang ở lưng hơn chục năm nay. Mặc dù đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau từ Trung y và Tây y, cũng như nhiều loại thuốc và kem bôi nhưng ông vẫn không thấy cải thiện. Vào giữa tháng 11/2023, ông bắt đầu thử nghiệm chế độ ăn toàn thịt và chỉ trong vòng 3 tuần, các vấn đề về da đã biến mất. Điều đáng chú ý là ngay cả bệnh viêm mũi dị ứng kéo dài hàng chục năm của ông cũng đã khỏi. Tình trạng này khiến anh hắt hơi nhiều lần vào mỗi buổi sáng và ông phải dùng thuốc xịt mũi và thuốc chống dị ứng để giảm bớt.

5 nguyên nhân và triệu chứng chính của bệnh chàm

Viêm da có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ của da, khiến da nhạy cảm hơn với các chất kích thích, chất gây dị ứng và các yếu tố môi trường khác. 

5 nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm bao gồm:

  • Di truyền: Có tiền sử gia đình mắc bệnh viêm da, dị ứng, viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô) hoặc hen suyễn.
  • Rối loạn chức năng miễn dịch: Da hoạt động như một hàng rào bảo vệ cho cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị tổn hại, hàng rào bảo vệ da yếu đi, các tác nhân kích thích sẽ xâm nhập và gây tổn thương nặng hơn. Điều này có thể dẫn đến bệnh chàm.
  • Yếu tố môi trường: Các chất kích thích như xà phòng, chất tẩy rửa, hóa chất và một số loại thực phẩm có thể gây ra bệnh chàm.
  • Căng thẳng tâm lý: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh chàm bằng cách gây ra sự thay đổi nội tiết tố.
  • Thay đổi thời tiết: Nhiệt độ và độ ẩm quá cao có thể gây bùng phát bệnh chàm.

Các triệu chứng của bệnh chàm có thể khá khó chịu. Trong đó, phổ biến nhất là ngứa, đặc biệt là vào ban đêm. Bệnh chàm thường xuất hiện dưới dạng các mảng màu đỏ hoặc nâu xám trên da, thường thấy ở bàn tay và bàn chân (như mắt cá chân và cổ tay) và cổ, ngực, mí mắt, khuỷu tay và đầu gối. Ngoài ra, bệnh chàm có thể làm da tăng nhạy cảm và khiến da dễ bị sưng tấy hơn.

Điều trị bệnh chàm thực sự là một thách thức. Bác sĩ thường kê corticosteroid tại chỗ để giảm viêm, và thuốc kháng histamine nếu nghi ngờ nồng độ histamine tăng cao. Mặc dù thuốc kháng histamine không thể điều trị trực tiếp bệnh chàm nhưng giúp giảm ngứa và kiểm soát một số tác nhân gây bệnh. Trong trường hợp nặng, có thể cần dùng thuốc ức chế miễn dịch và các loại thuốc khác.

Chế độ ăn toàn thịt có thể giúp cải thiện bệnh chàm như thế nào

Bây giờ hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao bệnh chàm của bệnh nhân ở trên lại biến mất sau khi chuyển sang chế độ ăn toàn thịt. 

Chế độ ăn toàn thịt rất giàu protein, vitamin B6 và B12 cũng như các khoáng chất như kẽm và sắt, đặc biệt là methionine. Methionine là nguồn cung cấp methyl cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể. Quá trình methyl hóa rất quan trọng đối với nhiều quá trình sinh hóa quan trọng, bao gồm sao chép DNA, sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và thải độc. Quá trình methyl hóa giảm có thể làm tăng nồng độ histamine và suy yếu miễn dịch.

Điều này đặc biệt liên quan đến dị ứng. Sự giải phóng histamine là một phản ứng miễn dịch của cơ thể khi tiếp xúc với các chất lạ; giống như một cơ chế bảo vệ. Tuy nhiên, quá nhiều histamine có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Vì histamine được chuyển hóa thông qua quá trình methyl hóa nên quá trình methyl hóa giảm sẽ dẫn đến nồng độ histamine trong cơ thể tăng cao.

Bằng cách chuyển sang chế độ ăn toàn thịt, bệnh nhân đã nhận được hàm lượng methionine đáng kể, từ đó giải quyết tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng gây giảm methyl hóa. Ngoài ra, quá trình methyl hóa còn liên quan đến các coenzym và đồng yếu tố quan trọng, đặc biệt là vitamin B6 và kẽm. 

Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa năng lượng, sản xuất chất dẫn truyền thần kinh và đáp ứng miễn dịch. Tương tự, kẽm rất cần thiết cho chức năng não bộ, sức khỏe miễn dịch và tiêu hóa. Cả hai chất dinh dưỡng này đều có nhiều trong thịt, có thể góp phần giúp bệnh nhân cải thiện rõ rệt.

Hầu hết các phương pháp điều trị bệnh chàm đều tập trung vào việc kiểm soát các biểu hiện bên ngoài, về cơ bản là nhắm vào các triệu chứng. Ngược lại, thay đổi chế độ ăn uống có thể giải quyết các nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, giải quyết hiệu quả gốc rễ của vấn đề.

Vậy tại sao một số người lại bị thiếu hụt vitamin B6 và kẽm? Quá trình methyl hóa suy giảm có thể liên quan đến các yếu tố di truyền và biểu sinh, chẳng hạn như tiền sử gia đình và ảnh hưởng của môi trường. Ngoài ra, các tình trạng như rối loạn pyrrole cũng có thể góp phần gây ra sự suy giảm metyl hóa.

Rối loạn pyrrole được đặc trưng bởi việc cơ thể sản xuất quá nhiều hợp chất pyrrole, sau đó bài tiết qua nước tiểu. Điều này dẫn đến mất một lượng đáng kể vitamin B6 và kẽm. Sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe làn da và gây ra các vấn đề về móng và tóc, chẳng hạn như rụng tóc nhiều hơn.

Nếu nguyên nhân cơ bản là do suy giảm methyl hóa và rối loạn pyrrole, bệnh nhân cũng có thể bị căng thẳng về cảm xúc, lo lắng, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh cũng như các đặc điểm tính cách như cầu toàn, cạnh tranh, cứng nhắc, không muốn thay đổi và có xu hướng trầm cảm.

Chế độ ăn toàn thịt có một đặc điểm đáng chú ý khác. Ngoài việc cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết, chế độ này còn giúp loại bỏ đường và gluten trong carbohydrate. Do ảnh hưởng đáng kể đến chức năng miễn dịch; việc loại bỏ đường và gluten ra khỏi chế độ ăn uống có thể hỗ trợ quá trình phục hồi sau bệnh chàm và viêm mũi.

Một nghiên cứu điều chỉnh chế độ ăn uống tại Hoa Kỳ trên 169 bệnh nhân bị viêm da dị ứng, với độ tuổi trung bình là 43, cho thấy việc loại trừ bột mì trắng, gluten và các loại rau họ cà (như khoai tây trắng, cà chua và cà tím) giúp cải thiện các triệu chứng trên da hiệu quả nhất.

Hạn chế duy nhất của chế độ ăn toàn thịt có thể là thiếu lượng rau cần thiết cho cơ thể. Do đó, việc kết hợp chất xơ và rau củ vào chế độ ăn chủ yếu từ thịt có thể mang lại sự cân bằng hữu ích. 

Tú Liên biên dịch và t/h, theo bác sĩ Jingduan Yang/ The Epoch Times