Với hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, bắp cải là lựa chọn tuyệt vời để tăng cường miễn dịch, đặc biệt là trong mùa cúm. Bên cạnh đó, bắp cải cũng có đặc tính chống ung thư nhờ các hợp chất lưu huỳnh. Tuy nhiên, những người bị suy giáp nên thận trọng khi sử dụng.

bap cai
(Ảnh: Ron Lach/ Pexels)

Bài viết này sẽ khám phá hàm lượng dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe và những lưu ý khi ăn bắp cải.

Giàu vitamin và khoáng chất

Bắp cải rất giàu các vitamin và khoáng chất sau:

  • Vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp tăng cường miễn dịch, tốt cho sức khỏe làn da và hỗ trợ chữa lành vết thương.
  • Vitamin K, rất quan trọng cho quá trình đông máu và sức khỏe của xương.
  • Vitamin B, đặc biệt là vitamin B6, có thể cải thiện chứng rối loạn pyrrole. Rối loạn Pyrrole được đặc trưng bởi sự mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể. Bệnh nhân mắc chứng rối loạn này có nồng độ pyrrole cao trong nước tiểu, dẫn đến mất vitamin B6 và kẽm. Đáng chú ý, bệnh nhân thường biểu hiện các triệu chứng tương tự như rối loạn tâm thần và hệ miễn dịch.
  • Folate (vitamin B9), rất quan trọng cho quá trình tổng hợp và sửa chữa DNA. Folate đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì nó có thể ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
  • Kali, magiê, canxi và sắt: Kali giúp điều hòa huyết áp; magiê hỗ trợ sức khỏe xương và tạo năng lượng; canxi góp phần giúp xương và răng khỏe mạnh; và sắt rất cần thiết cho quá trình sản xuất máu.

Đặc tính chống oxy hóa và chống ung thư

Ngoài vitamin C, bắp cải còn chứa anthocyanin và polyphenol. Căng thẳng oxy hóa xảy ra khi chất oxy hóa sinh ra vượt quá khả năng chống oxy hóa của cơ thể, làm tổn thương tế bào và mô, từ đó gây viêm. 

Căng thẳng oxy hóa có liên quan đến một loạt bệnh, chẳng hạn như xơ vữa động mạch, bệnh Alzheimer, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và ung thư. Polyphenol và vitamin C trong rau và trái cây có thể giúp ngăn ngừa và giảm tổn thương do oxy hóa.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Annals of Oncology chỉ ra rằng các loại rau họ cải như bắp cải có tác dụng phòng ngừa các bệnh ung thư khác nhau, đặc biệt là vòm họng, thực quản, đại trực tràng, vú và thận. Ăn rau họ cải mỗi tuần một lần có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư này từ 17% đến 32%.

Ngoài chất chống oxy hóa và vitamin, các hợp chất lưu huỳnh có vị đắng gọi là glucosinolate trong rau họ cải cũng giúp chống ung thư. Hợp chất này được chuyển đổi thành isothiocyanate có đặc tính chống ung thư mạnh trong cơ thể. Isothiocyanate ức chế sự phát triển của khối u và kích thích quá trình gây chết tế bào ung thư và tiền ung thư có khả năng phát triển thành khối u.

Một nghiên cứu quần thể được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Châu Âu cho thấy, những người tiêu thụ nhiều bắp cải có nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng thấp hơn 39% so với những người tiêu thụ ít hơn. Tuy nhiên, điều này chỉ thấy ở phụ nữ.

Lợi ích sức khỏe tiêu hóa: Giàu chất xơ

Chất xơ trong bắp cải góp phần tăng cường sức khỏe đường ruột bằng cách kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ sự phát triển của lợi khuẩn. Ngoài việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng, bắp cải còn hữu ích cho các tình trạng như hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Nutrients vào tháng 01 cho thấy việc kết hợp bắp cải và mật ong hạt dẻ có thể cải thiện hiệu quả tổn thương niêm mạc dạ dày do viêm dạ dày. Điều này là do cả bắp cải và mật ong đều có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Mật ong hạt dẻ có màu sẫm hơn và hàm lượng polyphenol cao hơn mật ong thông thường. Hơn nữa, thêm mật ong có thể cải thiện hương vị và giảm vị đắng của bắp cải.

Ngoài ra, bắp cải cũng là lựa chọn lý tưởng để kiểm soát cân nặng do chứa ít calo. Bắp cải có hàm lượng nước và chất xơ cao, hầu như không có chất béo và giúp tăng cảm giác no.

Những lưu ý dành cho những bệnh nhân bị rối loạn tuyến giáp

Mặc dù bắp cải tốt cho hầu hết mọi người nhưng những người bị suy giáp nên hạn chế tiêu thụ. Điều này là do glucosinolates trong rau họ cải có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ iốt của tuyến giáp, vốn cần thiết để sản xuất hormone tuyến giáp. Hormon tuyến giáp rất quan trọng để duy trì sự trao đổi chất và chức năng tổng thể của cơ thể.

Tiêu thụ bắp cải, súp lơ, bông cải xanh hoặc các loại rau họ cải khác có tác động rất ít đến chức năng tuyến giáp ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, đối với những người bị suy giáp, không cần kiêng ăn bắp cải hoàn toàn. Các phương pháp nấu như hấp có thể làm giảm hàm lượng glucosinolate trong rau. Ngoài ra, nên ăn nhiều hải sản, sữa, trứng và muối iốt để bảo đảm đủ lượng iốt.

Bắp cải xào với dầu hoa trà (Camellia oil) để tăng thêm lợi ích

Bắp cải có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: ăn sống, hấp, luộc, hầm, xào hoặc dùng làm món salad.

Một lựa chọn thú vị tốt cho sức khỏe là xào bắp cải với dầu hoa trà. Loại dầu này có mùi thơm và điểm bốc khói cao, tạo thêm hương vị độc đáo cho bắp cải. Dầu hoa trà rất giàu axit béo không bão hòa đơn, chứa polyphenol và các chất chống oxy hóa khác, có thể giúp giảm viêm dạ dày và viêm tá tràng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiêu thụ dầu Camellia có thể ngăn ngừa tổn thương oxy hóa và loét ở đường tiêu hóa.