Mỗi loại vitamin đều có vai trò riêng đối với sức khỏe con người. Vitamin A liên quan đến thị lực, hệ thống sinh sản và tình trạng làn da của chúng ta. Thông thường, các bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trong giai đoạn đầu tăng trưởng dễ bị thiếu vitamin A.

Chế độ ăn uống không lành mạnh, không khoa học có thể khiến người trưởng thành, hay người có vẻ ngoài khỏe mạnh nhất bị thiếu chất. Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn nhận biết cơ thể có đang thiếu vitamin A hay không.

1. Da khô

da kho image
(Ảnh: Shutterstock)

Vitamin A là một trong những yếu tố chính giúp chúng ta sửa chữa mô da và giữ ẩm cho da. Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng thiếu vitamin A là xuất hiện bệnh chàm – da khô và đỏ như bị thương, ngứa ngáy khó chịu.

Bệnh chàm thường phát triển theo 5 giai đoạn với mức độ tăng dần:

  • Da nổi mẩn đỏ: Những vùng da có màu đỏ, nổi lên trên bề mặt thành các mảng lớn và gây ngứa ngáy khó chịu.
  • Nổi mụn nước: Tại những vùng da đỏ sần xuất hiện mụn nước nhỏ li ti, mức độ ngứa tăng dần.
  • Vỡ mụn và chảy dịch nước: Các mụn nước có thể bị tác động trong quá trình sinh hoạt hoặc tự vỡ ra gây tiết dịch nước bên trong.
  • Đóng vảy và thay đổi sắc tố: Khi các mụn nước bị vỡ ra và khô lại sẽ đóng thành các mảng vảy khô màu vàng. Khi các mảng vảy này bong ra sẽ để lộ vùng da non sẫm màu, nhẵn bóng ở dưới.
  • Hiện tượng chàm hóa: Các giai đoạn của bệnh chàm ở trên sẽ lạp đi lặp lại theo chu kỳ nếu không được điều trị sớm khiến da xù xì thô ráp, các lớp da non chồng lên nhau làm thay đổi sắc tố dẫn đến hiện tượng chàm hóa.

2. Quáng gà

moi mat quang ga image
(Ảnh: Shutterstock)

Sức khỏe mắt suy giảm sẽ khiến bạn không thể xử lý hình ảnh trong bóng tối. Những người bị quáng gà có thị lực rất kém vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng (như lúc chập choạng tối). Nếu bị quáng gà, bạn có thể gặp khó khăn hơn khi nhìn đường, lái xe vào buổi tối.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, nhưng nếu là do thiếu vitamin A thì bạn cần ăn thêm trứng, cá, thịt, gan, tôm, rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, quả chín như đu đủ, xoài. Bổ sung vitamin A liều cao được áp dụng cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Những đối tượng này được uống vitamin A định kỳ, thông thường 6 tháng một lần.

3. Mụn trứng cá

Như đã nói ở trên, vitamin A là một trong những chất giúp sửa chữa mô da. Khi cơ thể bị thiếu vitamin A, da mặt sẽ bị khô, tiết ra nhiều dầu hơn, làm tắc lỗ chân lông sinh ra mụn trứng cá. Nếu đọc thành phần trên các sản phẩm dưỡng da, bạn sẽ thấy vitamin A xuất hiện rất nhiều cho những dòng liên quan đến điều trị mụn nhọt và phục hồi da.

4. Khó khăn khi thụ thai

Nếu gặp khó khăn trong việc thụ thai, có thể bạn đang bị thiếu vitamin A. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai hay đang mang thai, vitamin A giúp hỗ trợ sự phục hồi của các mô sau sinh. Hệ thống sinh sản của cả nam và nữ đều hoạt động tốt nhất khi được bổ sung đầy đủ vitamin A. Ăn thực phẩm giàu vitamin A có thể thúc đẩy khả năng sinh sản.

mang thai 1 image
(Ảnh: Shutterstock)

Khi đã có thai, phụ nữ càng phải lên kế hoạch ăn thực phẩm chứa đầy đủ vitamin A để phòng tránh việc sảy thai. Một số loại thực phẩm tốt cho bà bầu: Khoai lang, cà rốt, bí đỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, trứng, dưa hấu, cà chua, xoài, gấc, đu đủ chín.

5. Khó lành vết thương

Cơ thể có thể tự chữa lành vết thương trong thời gian ngắn nhờ quá trình tự sản xuất collagen. Protein này được tìm thấy trong các sinh vật khỏe mạnh và nhờ nó, da và máu có thể khỏe mạnh. Vitamin A giúp sản xuất protein có ích cho sức khỏe da và máu. Nếu gặp tình trạng khó lành vết thương, bạn nên kiểm tra xem các bữa ăn hàng ngày có đủ thực phẩm chứa vitamin A hay không, ví dụ như cà rốt, cam, sữa và thịt đỏ.

vitamin, giữ dáng, Vitamin A
(Ảnh: Shutterstock)

6. Chậm lớn

Đây là một trong những dấu hiệu các mẹ nên chú ý nhất, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thai nhi không được cung cấp đủ vitamin A sinh ra dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Với trẻ nhỏ, vitamin A có vai trò tạo sắc tố võng mạc giúp mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Biểu hiện sớm ở trẻ khi thiếu vitamin A là giảm khả năng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu, còn gọi là “quáng gà”.

Cùng với vitamin D, vitamin A sẽ giúp trẻ em phát triển xương nói riêng và phát triển cơ thể nói chung. Những đứa trẻ có vẻ ngoài còi cọc, suy dinh dưỡng có khả năng đang bị thiếu vitamin A. Thiếu vitamin A còn làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng, sức đề kháng kém, khi bị các bệnh như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, viêm tai thì dễ chuyển sang triệu chứng nặng.

tre em hon ma 2 image
(Ảnh: Shutterstock)

7. Mắt bị khô

Thiếu hụt vitamin A khiến cơ thể không có khả năng sản xuất nước mắt và giữ ẩm cho nhãn cầu. Nếu không được xử lý kịp thời, giác mạc của bạn có thể bị suy yếu đến mức mất hẳn thị lực. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), hàm lượng vitamin A cần thiết mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính:

Nam:

  • Từ 1 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi: 400mcg – 500mcg.
  • Từ 1 tuổi đến 13 tuổi: 300mcg – 600mcg.
  • Từ 14 tuổi trở lên: khoảng 900mcg.

Nữ:

  • Từ 1 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi: 400mcg – 500mcg.
  • Từ 1 tuổi đến 13 tuổi: 300mcg – 600 mcg.
  • Từ 14 tuổi trở lên: khoảng 700 mcg.

Minh Minh

Xem thêm: