Cá hồi rất bổ dưỡng nhưng có 3 kiểu người không nên ăn nhiều
- Minh Ngọc
- •
Cá hồi là thực phẩm rất bổ dưỡng, có tác dụng bảo vệ tim mạch và não bộ, tuy nhiên ăn quá nhiều cũng có thể khiến cơ thể bị ảnh hưởng không tốt, nhất là đối với 3 kiểu người sau đây.
Dinh dưỡng trong cá hồi
1. Giàu axit béo Omega-3: Cá hồi có chứa axit không bão hòa Omega-3 có thể làm giảm chất béo trung tính, trong đó EPA giúp kháng viêm, chống trầm cảm, bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa hình thành huyết khối; DHA có ích cho não bộ và mắt.
Chế độ ăn Địa Trung Hải giúp ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ và bảo vệ hệ thống tim mạch đều tập trung vào việc cung cấp axit béo không bão hòa Omega-3 cho cơ thể.
2. Protein chất lượng cao: 1 lát cá hồi tươi khoảng 210 gam có chứa 50 gam protein, đây là một nguồn cung cấp protein dồi dào.
3. Vitamin nhóm B cần thiết cho cơ thể tham gia vào quá trình trao đổi năng lượng, loại bỏ mệt mỏi, ổn định thần kinh, bảo vệ sức khỏe não bộ và thần kinh.
4. Vitamin D không thể thiếu giúp hấp thụ canxi. Cá hồi thiên nhiên chứa hàm lượng vitamin D cao hơn gấp 3 lần so với cá hồi nuôi.
5. Astaxanthin chống oxy hóa: Cá hồi thịt đỏ có chứa chất Astaxanthin thuộc loại carotene thiên nhiên, đây là một chất chống oxy hóa, hỗ trợ Lutein bảo vệ điểm vàng bên trong mắt, cũng như giúp giảm mệt mỏi cho mắt.
Vì có chứa nhiều chất béo và protein nên có 3 kiểu người không nên ăn quá nhiều cá hồi
Mặc dù cá hồi có giá trị dinh dưỡng rất cao, thế nhưng ăn quá nhiều có thể sẽ gây nặng nề cho cơ thể, nhất là đối với 3 kiểu người sau đây:
- Những người có thể chất mập mạp, dễ tăng cân hoặc mỡ máu cao: Mặc dù chất béo có trong cá hồi là dạng chất béo tốt, nhưng cũng là chất béo, vì vậy vẫn cần phải ăn với lượng vừa phải. Ăn quá nhiều cá hồi sẽ khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều calo, gây béo phì.
- Những người có đường tiêu hóa kém: Cá hồi có chứa nhiều protein và chất béo, vì thế những ai có đường tiêu hóa không khỏe nếu ăn quá nhiều một lúc sẽ cảm thấy khó chịu, chất béo sẽ làm chậm quá trình làm rỗng của dạ dày.
Bác sĩ nhắc nhở rằng những người dễ bị tiêu chảy, cảm lạnh và các chứng lạnh bụng khác không nên ăn nhiều sashimi cá hồi. Nói chung, ăn quá nhiều có thể gây suy nhược đường tiêu hóa, lạnh bụng và đau bụng.
- Những người có thận không khỏe: Những người thuộc kiểu này nên kiểm soát lượng protein hấp thụ vào cơ thể nhằm tránh gây nặng nề cho thận.
Cá hồi có thể có chứa kim loại nặng, cần lưu ý khẩu phần và hạn chế ăn da cá
Phó giáo sư khoa Công nghệ Sinh học trường Đại học Trung Nguyên (Đài Loan) kiêm chuyên gia về độc, ông Chiêu Danh Uy nhắc nhở rằng cá hồi là loại thực phẩm tốt, nhưng ăn nhiều sẽ có yếu tố không an toàn tiềm ẩn.
Cá hồi thuộc loại cá có kích thước lớn và xếp ở vị trí cao trong chuỗi thức ăn. Ông Chiêu cho biết, trong hệ sinh vật biển có những chất độc không thể bị phân giải sẽ tích lũy cùng chuỗi thức ăn, khi ăn các loại cá có kích thước lớn “hơn 30 cm” sẽ dễ hấp thụ vào cơ thể quá nhiều chất tàn dư như kim loại nặng bị tích tụ trong cơ thể cá.
Cá hồi cũng có khả năng bị nhiễm ký sinh trùng, thường gặp nhất là Anisakis. Khi làm nóng đến 60℃ mới giết chết được loại ký sinh trùng này, hoặc cần phải đông lạnh ở nhiệt độ dưới 20℃ trên 24 giờ đồng hồ mới có thể ăn sống được. Nếu cùng một lúc ăn nhiều cá hồi không được xử lý đúng cách có thể sẽ gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp và dù cho ăn một lượng nhỏ cũng có khả năng khiến cơ thể dị ứng với ký sinh trùng Anisakis.
Ông Chiêu đưa ra lời khuyên rằng một tuần đừng ăn cá hồi quá 2 lần, ngoài ra cũng nên hạn chế ăn da cá và nội tạng cá vì có khả năng tích tụ kim loại nặng.
Minh Ngọc (Theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa cá thực phẩm dinh dưỡng dinh dưỡng Cá hồi