Những trái chanh xanh mướt mang đến sự cân bằng hoàn hảo giữa vị chua và một chút ngọt tinh tế. Không chỉ là một nguyên liệu ẩm thực tuyệt vời, loại quả đa năng này còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như giúp ngăn ngừa sỏi thận và hỗ trợ hoạt động của hệ thần kinh. Hãy cùng khám phá những bí mật ẩn chứa trong những trái chanh, món cơm chanh ngò rí thơm ngon và các mẹo dùng chanh cho trẻ nhỏ. 

quả chanh
Chanh không chỉ có thể làm thức uống tốt cho sức khỏe mà còn có đặc tính chữa bệnh. (Ảnh: PitukTV/ Shutterstock)

Một siêu trái cây trong lịch sử

Chanh đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử. Vào thế kỷ 18, Hải quân Hoàng gia Anh bắt đầu sử dụng nước ép trái cây họ cam quýt để phòng ngừa bệnh scurvy – một chứng thiếu hụt vitamin C nghiêm trọng. Trong những chuyến hải trình dài ngày, các con tàu của Anh thường phân phát nước chanh cho thủy thủ. Khi phương pháp này dần trở nên phổ biến, thuật ngữ “limey” ra đời vào thế kỷ 19 như một biệt danh dành cho các thủy thủ Anh.

Picture1
Ảnh: The Epoch Times

Thành phần dinh dưỡng chính  

  • Giàu vitamin C: Một quả chanh cung cấp hơn 20% nhu cầu vitamin C hàng ngày, giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ sản xuất collagen, giúp da khỏe mạnh, khớp vững chắc và vết thương mau lành.  
  • Hàm lượng axit citric cao: Axit citric giúp ngăn ngừa sỏi thận và tăng cường hấp thu sắt.  
  • Nguồn cung cấp chất xơ tốt, ít calo: Một quả chanh chứa 1,88 gram chất xơ nhưng chỉ có 20 calo.  
  • Dồi dào dưỡng chất thiết yếu: Chanh chứa kali, magie, photpho, canxi, folate và choline, cùng một lượng nhỏ vitamin A, E và K.  

Lợi ích sức khỏe  

Bên cạnh hàm lượng dinh dưỡng phong phú, chanh còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu vẫn chưa được thực hiện trên con người.  

Có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận và sỏi túi mật 

Chanh chứa axit citric, một hợp chất tự nhiên có trong các loại quả họ cam quýt, quả mọng và một số loại rau. Nhờ đặc tính chống oxy hóa, axit citric thường được sử dụng trong thực phẩm, dược phẩm và các sản phẩm khác để bảo quản và ngăn ngừa sỏi thận cũng như sỏi túi mật.  

Nước chanh tươi chứa khoảng 1,38 gram axit citric trong mỗi 30ml. Hàm lượng axit citric này giúp ngăn ngừa sỏi thận và sỏi túi mật bằng cách giảm nồng độ citrate trong nước tiểu.  

Ngoài axit citric, các thành phần khác của bột quả chanh cũng được phát hiện là có thể ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận bằng cách giảm các protein có liên quan đến quá trình phát triển sỏi.

Hỗ trợ sức khỏe não bộ và hệ thần kinh

Các chất chống oxy hóa trong chanh có khả năng vượt qua hàng rào máu não và bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, chanh còn chứa nhiều magie và kali – những dưỡng chất thiết yếu giúp hỗ trợ truyền tín hiệu thần kinh, tái tạo và sửa chữa hệ thần kinh.

Các flavonoid trong chanh có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh và ty thể khỏi tác hại của stress oxy hóa và các gốc tự do, giúp não bộ và hệ thần kinh duy trì sự dẻo dai.

Tiềm năng chống ung thư

Chiết xuất vỏ chanh chứa hai hợp chất có lợi cho sức khỏe là hesperidin và limonin cùng nhiều hợp chất thực vật khác. 

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm chiết xuất vỏ chanh, cũng như limonin, hesperidin và sự kết hợp của cả hai, trên tế bào ung thư gan người. Kết quả cho thấy tất cả các chất đều có tác dụng chống lại tế bào ung thư gan, nhưng chiết xuất vỏ chanh mang lại hiệu quả mạnh nhất, có thể do tác động cộng hưởng của nhiều hợp chất thực vật trong đó.

Trong một nghiên cứu khác, chiết xuất vỏ chanh cũng có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư đại tràng.

Những lợi ích khác của chanh

  • Hỗ trợ tiêu hóa bằng cách kích thích enzym tiêu hóa, giúp cải thiện tình trạng táo bón và đầy hơi.
  • Chống lại tác hại của các gốc tự do nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao.
  • Là thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da do có hàm lượng cao vitamin C.
  • Giảm viêm, bảo vệ mạch máu và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Những sự thật thú vị

  • Christopher Columbus đã mang hạt giống chanh đến Tây Ấn vào năm 1493, và cây chanh nhanh chóng lan rộng khắp khu vực, bao gồm cả Mexico và Florida.
  • Hầu hết chanh được tiêu thụ ở Việt Nam là chanh ta và chanh tứ quý. Chanh tứ quý có nguồn gốc từ bang California (Mỹ). Cây cho trái quanh năm với hương vị chua thanh. 
  • Phần lớn các loại chanh không có hạt, không phải do biến đổi gen mà vì chúng sinh sản thông qua quá trình parthenocarpy, giúp quả phát triển mà không cần thụ phấn.
  • Nhờ hàm lượng axit citric cao, chanh có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, tẩy vết bẩn và khử mùi tự nhiên, khiến chúng trở thành lựa chọn tuyệt vời để làm sạch và khử trùng.
  • Chanh có nhiều kích thước và hương vị khác nhau: Chanh Ba Tư có vỏ to, dày; chanh Key nhỏ, vị chua đậm; chanh Kaffir và chanh Thái phổ biến trong ẩm thực Đông Nam Á; chanh ngọt có vị dịu, thường trồng ở vùng Địa Trung Hải; chanh ngón tay có nguồn gốc từ Úc, nổi tiếng với phần thịt quả dạng “trứng cá chanh” độc đáo.

Cách tăng cường hấp thu dưỡng chất

Vitamin C trong chanh và các loại quả họ cam quýt giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật (sắt không heme), chẳng hạn như đậu, đậu lăng, rau lá xanh, hạt diêm mạch, đậu phụ và mật mía.

Thêm một ít nước cốt chanh vào các món như đậu đen, rau chân vịt hay hạt diêm mạch có thể giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt.

Để tận dụng tối đa lợi ích của chanh, hãy thử ăn cả vỏ vì đây là phần chứa nhiều flavonoid mạnh như hesperidin, naringin, limonene và chất xơ. Lưu ý chọn chanh hữu cơ để tránh thuốc trừ sâu và hóa chất.

Một số cách để bổ sung vỏ chanh vào chế độ ăn uống:

  • Bào vỏ chanh vào món ăn và đồ uống.
  • Phơi khô vỏ chanh, sau đó nghiền thành bột để rắc lên thức ăn và đồ uống.
  • Làm mứt vỏ chanh.
  • Chế biến muối chanh hoặc đường chanh để rắc lên món ăn và món tráng miệng.

Mẹo bảo quản trong bếp

Tránh đun nóng chanh để bảo toàn hàm lượng vitamin C. Vì vitamin C nhạy cảm với nhiệt, hãy thêm nước cốt chanh vào món ăn sau khi nấu để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.

Lưu ý khi sử dụng

Tương tác với thuốc

Một số hợp chất trong chanh có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa thuốc, đặc biệt là những loại được phân hủy tại gan. Nước chanh có thể làm tăng tác dụng cũng như tác dụng phụ của một số loại thuốc như:

  • Lovastatin (Mevacor) – thuốc giảm cholesterol
  • Ketoconazole (Nizoral) & Itraconazole (Sporanox) – thuốc kháng nấm
  • Fexofenadine (Allegra) – thuốc chống dị ứng
  • Triazolam (Halcion) – thuốc an thần

Nhạy cảm da

Tiếp xúc với vỏ hoặc nước chanh, sau đó ra nắng, có thể gây viêm da quang độc (phytophotodermatitis), khiến da sưng, đỏ và phồng rộp. Hãy rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với chanh trước khi ra ngoài trời.

Độ axit cao

Uống quá nhiều nước chanh có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là những người bị trào ngược axit hoặc có dạ dày nhạy cảm.

Về lâu dài, axit trong chanh có thể làm mòn men răng, gây ê buốt và sâu răng. Vì vậy, nên sử dụng một cách vừa phải.

Ảnh hưởng đến đông máu

Axit citric trong chanh có tính chất làm loãng máu. Những người có rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu nên cẩn trọng khi tiêu thụ chanh.

Cách bảo quản chanh tốt nhất

Chanh có thể bảo quản trong vài ngày ở nhiệt độ phòng, nhưng cần tránh ánh nắng trực tiếp vì tia UV có thể làm suy giảm chất dinh dưỡng.

Bảo quản ngắn hạn: Đặt chanh trong tô nhựa có lỗ thông hơi hoặc túi nhựa đục lỗ để duy trì độ ẩm.

Bảo quản lâu dài: Cất chanh trong ngăn rau củ của tủ lạnh, sắp xếp cách nhau để tăng lưu thông không khí. Cách này giúp chanh tươi ngon trong vài tuần.

Công thức: Cơm chanh ngò rí

Món cơm chanh ngò rí tươi sáng, đậm đà và giàu vitamin C cùng chất chống oxy hóa, giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa và hấp thụ sắt hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • 2 chén gạo trắng
  • 1/2 bó ngò tươi, cắt thô
  • 1–2 muỗng canh dầu ăn chất lượng cao (tốt nhất là dầu ô liu)
  • Nước cốt của 2 quả chanh tươi
  • Một nhúm muối, tùy khẩu vị

Cách làm:

  • Nấu cơm như bình thường. Trong khi chờ, rửa sạch và thái ngò.
  • Trộn dầu ô liu, ngò, nước cốt chanh và muối trong một tô lớn. Khuấy đều và để sang một bên.
  • Khi cơm đã chín, từ từ thêm vào tô và trộn kỹ để cơm thấm đều gia vị.
  • Nếu cơm quá khô, thêm một ít dầu ô liu. Nêm nếm lại muối cho vừa miệng.
  • Dùng ngay khi còn ấm và thưởng thức!

Mẹo dùng chanh cho trẻ nhỏ

Picture2
Ảnh: The Epoch Times

Khuyến khích trẻ ăn uống lành mạnh có thể là một thử thách, nhưng một chút nước cốt chanh có thể giúp ích! Chanh không chỉ tăng hương vị mà còn đem lại lợi ích về dinh dưỡng, khiến bữa ăn hấp dẫn hơn với những bé kén ăn.

  • Nước uống: Thêm một ít nước cốt chanh vào ly nước để tăng hương vị và giúp bé uống đủ nước.
  • Kem que: Trộn nước chanh vào hỗn hợp kem que tự làm để có vị chua nhẹ sảng khoái.
  • Sữa chua: Khuấy nước cốt hoặc vỏ chanh bào vào sữa chua để thêm vị tươi mát.
  • Salad trái cây: Rưới nước chanh lên trái cây tươi để làm nổi bật vị ngọt tự nhiên.
  • Sinh tố trái cây: Xay nước chanh cùng chuối, dâu tây và sữa chua để có món sinh tố thơm ngon, giàu vitamin.

Theo Emma Suttie, The Epoch Times

Tú Liên biên tập