Điều trị viêm loét dạ dày và loét tá tràng hiệu quả
Viêm loét dạ dày, loét tá tràng là bệnh lý về đường tiêu hóa rất phổ biến. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị và thậm chí là ung thư dạ dày.
Niêm mạc đường tiêu hóa bình thường có thể bảo vệ chúng khỏi bị tổn thương bởi axit dạ dày thông qua cơ chế bảo vệ như tiết chất nhầy chứa natri bicarbonat (NaHCO3) bởi tế bào nhầy ở dạ dày, từ đó có thể tái tạo tế bào nhanh chóng và cung cấp lượng máu dồi dào. Nhưng một khi axit dạ dày được tiết ra quá nhiều hoặc có các yếu tố khác phá vỡ cơ chế phòng vệ thì sẽ gây ra tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng.
Con người hiện đại đang sống trong một môi trường căng thẳng cao độ, tinh thần không ổn định, dễ bị lo lắng, áp lực, không thể ăn ba bữa đều đặn, hoặc thường ăn quá nhiều, hơn nữa lại có thói quen hút thuốc và uống rượu. Những nguyên nhân đó đã khiến căn bệnh này trở nên vô cùng phổ biến. Nếu dùng thuốc giảm đau, steroid (thành phần thuốc chống viêm) và kháng sinh lâu ngày thì bệnh loét dạ dày tá tràng sẽ ngày càng trở nên trầm trọng.
Tuy nhiên, trên thực tế thì loét dạ dày khác với loét tá tràng:
Loét dạ dày: Tuổi khởi phát là khoảng 50 tuổi, lượng và nồng độ axit dạ dày phần lớn ở mức bình thường, vết loét chủ yếu liên quan đến khả năng bảo vệ tế bào dạ dày kém, triệu chứng thường xảy ra sau bữa ăn, thường đau ở phía bên trái dạ dày. Việc theo dõi lâm sàng phải cẩn thận vì khoảng 7% sẽ phát triển thành ung thư dạ dày.
Loét tá tràng: Tuổi khởi phát là khoảng 40 tuổi, lượng và nồng độ axit dạ dày cao hơn bình thường, thường xảy ra trước bữa ăn, thường đau ở phía bên phải, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, gấp khoảng 3 lần so với loét dạ dày. Khoảng 33% bệnh nhân bị loét dạ dày sau đó sẽ phát triển thành loét tá tràng. Loét tá tràng cũng dễ gây ra các biến chứng như thủng ruột nhưng nguy cơ phát triển thành ung thư là rất thấp.
Điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng theo y học cổ truyền Trung Quốc
Nghiên cứu sinh lý trong y học cổ truyền Trung Quốc cho thấy có rất nhiều loại thuốc bắc có thể cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày và thúc đẩy quá trình lành vết loét bao gồm:
Vị thuốc Hoàng Liên: Thành phần chính của Hoàng Liên là berberine, nó không chỉ ức chế hiệu quả vi khuẩn Helicobacter pylori mà còn kháng acetylcholine và có tác dụng chống co thắt.
Vị thuốc Đại hoàng: Giúp làm giảm sự tiết dịch dạ dày, giảm hoạt động của axit tự do và pepsin trong dạ dày. Ngoài ra nó còn loại bỏ Helicobacter pylori, giảm viêm, cải thiện vi tuần hoàn vết loét và tạo điều kiện lành vết loét.
Vị thuốc Điền thất: Bột điền thất có thể cải thiện sự lưu thông của niêm mạc dạ dày và đẩy nhanh quá trình đảo ngược bệnh lý của mô hoặc tăng sản.
Tuy nhiên, các loại thuốc này phải được kết hợp thật hợp lý trên cơ sở “biện chứng luận trị” để cải thiện tình trạng viêm dạ dày, thúc đẩy quá trình lành vết loét và giảm bệnh tái phát.
Ngoài ra, nếu niêm mạc đã bị tổn thương, thì có thể cân nhắc sử dụng hoàng kỳ, đẳng sâm, bạch cập…, chúng đều có tác dụng phục hồi và bảo vệ niêm mạc. Những người bị viêm niêm mạc, có thể sử dụng hoàng cầm, hoàng liên, bồ công anh. Những người không đủ lưu lượng máu đến niêm mạc có thể sử dụng xuyên thất và đan sâm.
Còn đối với những người tiết chất nhầy không đủ, có thể sử dụng sinh địa, mạch môn và huyền sâm. Bên cạnh đó, thuốc ô bối tán và tả kim hoàn là những công thức thường được sử dụng để ức chế axit dạ dày. Vì vậy, bài thuốc Đông y có thể được sử dụng linh hoạt hoặc kết hợp với y học hiện đại.
Những thực phẩm người bệnh viêm loét dạ dày nên tránh dùng
Sữa có thể trung hòa axit dạ dày và cải thiện các triệu chứng loét nhanh chóng, tuy nhiên trên thực tế, canxi trong sữa kích thích tiết axit dạ dày nên không có tác dụng gì.
Gạo lứt và đồ chiên rán sẽ kéo dài thời gian tiêu hóa của thức ăn trong dạ dày, khiến dạ dày giãn nở và làm tăng tiết axit dạ dày, vì vậy, người bệnh viêm loét dạ dày cần tránh dùng.
Thói quen sống cũng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh dạ dày
Về mặt cuộc sống, người mắc bệnh này cần luôn duy trì tâm trạng thoải mái, giảm bớt những lo lắng không cần thiết, tránh căng thẳng, sống điều độ, tránh thức khuya, làm việc quá sức và tuân thủ nghiêm ngặt giờ ăn uống. Đồng thời, luôn giữ tâm trạng vui vẻ khi ăn và nhai chậm. Sau bữa ăn, nên vận động nhẹ nhàng, không nên vận động mạnh và tránh nằm xuống ngay. Đặc biệt là đừng tùy tiện dùng thuốc chống viêm và giảm đau.
Tác giả: Phó Giáo sư tại Đại học Y Trung Quốc đồng thời là giám đốc Phòng khám Y học cổ truyền Trung Quốc Ye Huichang tại thành phố Đài Trung, Đài Loan.