Giáo sư của ĐH London: ‘Cho đến giờ, thứ bẩn nhất vẫn là miếng rửa chén’
Miếng rửa chén chỉ là một vật dụng nhỏ và ít được quan tâm, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm đối với sức khỏe gia đình. Thường xuyên ẩm ướt và tiếp xúc với đủ loại đồ ăn sống, chín trước và sau bữa ăn… đây chính là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
Vì mắt thường nhìn không thấy các vi trùng này, nên khi thấy chén bát nồi niêu được rửa sạch bóng rồi, ai cũng đinh ninh là đã an toàn. Thực ra, rất có thể chúng ta khiến mầm bệnh lây nhiễm khắp nơi thông qua miếng rửa chén mà không hay.
Phát hiện đáng kinh ngạc
Tiến sĩ Charles Gerba, một nhà vi sinh vật học tại Đại học Arizona, Mỹ, đã khẳng định nhà bếp chính là “chiến trường chính về chiến tranh vi trùng” với mức độ cao đáng kể của các loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh. Ông và đồng nghiệp phân tích, thấy có khoảng 10 triệu vi khuẩn trên 2,54 cm2, trong khi chỉ có khoảng trung bình 50 vi khuẩn trên 2,54 cm2 bồn cầu.
Nói cách khác, miếng rửa chén bẩn gấp 200.000 lần bồn cầu.
Ngoài ra, bạn có biết vi khuẩn phát triển và phân chia mỗi 20 phút? Một tế bào mầm duy nhất có thể trở thành hơn 8 triệu tế bào trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự. Cụ thể, theo giáo sư Hugh Pennington, một trong những nhà vi sinh vật học hàng đầu của Anh, một trong những loại vi khuẩn gây hại nhất đối với sức khỏe con người là Campylobacter. Vi khuẩn này vốn có nguồn gốc từ gia cầm. Người ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Campylobacter thường xuất hiện tiêu chảy (có thể có màu), nôn… Người ta cũng tìm thấy mối liên hệ giữa sự có mặt của vi khuẩn này và hội chứng Guillain-Barre – đặc trưng bởi liệt vận động kèm mất phản xạ gân xương tiến triển nặng dần, với một tỷ lệ bị rối loạn cảm giác. Trong hầu hết các trường hợp mắc Guillain-Barre, tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm hoặc khỏi hẳn nhưng việc hồi phục có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Do vậy, nếu không có những biện pháp vệ sinh đúng đắn thì miếng rửa chén/bát chính là con đường tiếp tay cho vi khuẩn lây lan khi các nơi.
Giáo sư John Oxford, một chuyên gia vi-rút học tại Đại học London đồng thời là Chủ tịch Hội Vệ sinh, một cơ quan chuyên so sánh các tiêu chuẩn vệ sinh trên khắp thế giới, nói rằng:
“Cho đến giờ, thứ bẩn nhất vẫn là miếng rửa chén.”
Hàng ngày khi rửa chén/bát, sẽ có rất nhiều mẩu thức ăn thừa và các chất bẩn khác vướng vào miếng rửa. Theo thời gian, khi chúng ta càng sử dụng miếng rửa chén nhiều mà không vệ sinh sạch sẽ, thì đây chính là ổ mầm bệnh rất nguy hiểm. Vì vi khuẩn sẽ sinh sôi, nảy nở hàng triệu lần trong miếng rửa chén khi để qua đêm, ngày hôm sau chúng sẽ bám lại trên bề mặt các đồ vật được rửa.
Nhiều người dùng miếng rửa chén để lau chùi bồn rửa, mặt bếp, mặt bàn ăn và những bề mặt khác trong nhà, thì mức độ nguy hiểm sẽ lại càng gia tăng gấp nhiều lần. Các loại vi khuẩn thường gây ngộ độc như E.coli, tụ cầu khuẩn, salmonella (gây bệnh đường ruột)… có trong miếng rửa chén sẽ có điều kiện lan rộng và nhiễm vào đồ ăn, thức uống thông qua trung gian là các vật dụng nhà bếp (chén bát, nồi niêu, xoong chảo, muỗng, đũa…). Kết quả là sức khoẻ của các thành viên trong gia đình sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Đối với trẻ nhỏ và người già, hệ thống miễn dịch yếu và rất nhạy cảm nên sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công gây bệnh.
Một câu hỏi được đặt ra là: bao nhiêu vi khuẩn mới có thể khiến một người bị bệnh? Đến nay vẫn chưa ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Thậm chí, ngay cả Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng không thể cung cấp một con số chính xác. Kết luận thông thường là càng nhiều vi khuẩn trong cơ thể thì càng nhiều khả năng gây bệnh cho con người. Đối với một số người, chỉ cần khoảng 10 con vi khuẩn tấn công là đã có thể bị bệnh, còn đối với một số người khác thì có thể phải hàng triệu con vi khuẩn mới làm họ đổ bệnh.
Một số gợi ý giúp sử dụng miếng rửa chén đúng cách
1. Rửa sạch tất cả chất bẩn bám trên miếng rửa chén và vắt thật khô sau mỗi lần sử dụng.
2. Không sử dụng chung miếng rửa chén với miếng rửa dao, thớt; đặc biệt là dao thớt dùng cắt thịt, cá.
3. Không nên sử dụng miếng rửa chén vào các mục đích tẩy rửa khác như lau bề mặt bếp, rửa bồn rửa chén…
4. Đồ đựng các loại miếng rửa chén phải để riêng biệt, và luôn giữ vệ sinh sạch sẽ. (Đó có thể là 1 hộp đựng miếng rửa chén bằng nhựa, inox hoặc sứ tuỳ theo sự lựa chọn của bạn).
5. Vệ sinh miếng rửa chén bằng cách ngâm vào nước sôi, thêm nửa cốc giấm trắng và ba muỗng canh muối. Sau đó rửa sạch lại bằng nước ấm.
6. Làm ướt và cho miếng rửa chén vào lò vi sóng. Bật lò ở nhiệt độ cao trong vòng hai phút để loại bỏ các vi khuẩn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã từng đề xuất các bà nội trợ nên để miếng rửa chén vào lò vi sóng 30 giây mỗi ngày để loại bỏ gần 99 phần trăm các loại vi khuẩn. Tuy nhiên, lưu ý là không được cho miếng rửa chén có kim loại vào lò.
7. Thường xuyên thay miếng rửa chén thay vì phải đợi đến khi nó bị mục nát. Hãy mua sẵn một lô miếng rửa chén trong siêu thị và sử dụng dần.
8. Làm sạch và khử trùng các bề mặt bếp với thuốc xịt diệt khuẩn chuyên dụng (được bày bán trong các siêu thị) và khăn lau. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lạm dụng việc sử dụng các chất này thường xuyên. Có thể dùng dấm ăn để làm việc này.
9. Ngoài ra, rửa chén bằng nước ấm sẽ sạch và an toàn hơn (nếu gia đình nào có điều kiện trang bị vòi nước nóng lạnh).
Ngoài ra, cũng cần lưu ý và cân nhắc khi chọn sử dụng nước rửa chén. Các loại nước rửa chén tự chế, không nhãn mác được bày bán lan tràn trên thị trường hiện nay đều được pha chế từ những hoá chất không rõ nguồn gốc.
Theo các chuyên gia về hóa học, y tế, thành phần chủ yếu trong các loại nước rửa chén này dùng kiềm, các chất phụ gia không kiểm định, không được phép lưu hành, phẩm màu công nghiệp nhập từ Trung Quốc… Nên sử dụng các loại nước rửa chén có thương hiệu, được đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và được phép lưu hành trên thị trường, để đảm bảo an toàn cho gia đình.
Cuối cùng, chúng ta cũng nên rửa tay sạch sau khi rửa chén để đảm bảo vệ sinh an toàn khi chế biến thực phẩm.
Thường xuyên chú ý đến việc giữ vệ sinh cho miếng rửa chén sẽ giúp hạn chế sự lây lan của vi khuẩn trong nhà, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình một cách hữu hiệu và ít tốn kém nhất. Mong rằng, tất cả chúng ta sẽ cùng lưu tâm đến vấn đề tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi gia đình.
Mộc Lan
Xem thêm:
Từ khóa An toàn vệ sinh thực phẩm mẹo vặt vi trùng vi khuẩn gây bệnh miếng rửa chén nội trợ