Việc xuất hiện các triệu chứng của bệnh tiểu đường có đồng nghĩa với việc phải dùng thuốc suốt đời không? Câu trả lời là không, trong một số trường hợp bệnh tiểu đường có thể được đảo ngược, đặc biệt nếu thay đổi lối sống từ sớm. 

Du an moi 2024 11 02T085318.069
Ăn ít carbohydrate cải thiện việc kiểm soát bệnh tiểu đường mà không cần dùng thuốc. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tiến sĩ Lưu Trí Tín, tác giả cuốn sách “Phương pháp mới giúp hạ đường huyết nhanh và giảm cân” và là Viện trưởng Viện Kinh thánh Bắc Mỹ tại Thung lũng Silicon, California, đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân về việc kiểm soát thành công đường huyết sau khi từng có chỉ số tăng vọt trong chương trình “Sức khỏe 1+1” của NTDTV.

Các triệu chứng của ông bắt đầu xuất hiện sau thời gian thường xuyên tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt trong giai đoạn đại dịch. Chỉ số HbA1c của ông tăng lên 8,2% vào cuối năm 2022, đạt ngưỡng chẩn đoán bệnh tiểu đường. Vào buổi sáng, lượng đường huyết lúc đói của ông gần 170 mg/dL (9,35 mmol/L).

Lúc đó, Tiến sĩ Lưu quyết định không dùng thuốc hạ đường huyết mà chuyển sang liệu pháp ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện chỉ số đường huyết. Vài tháng sau, đường huyết lúc đói của ông giảm xuống còn 90 mg/dL (4,95 mmol/L) và chỉ số HbA1c giảm còn 6,2%. Cân nặng của ông cũng giảm từ gần 61kg xuống còn khoảng 52kg. Sau khi bổ sung protein theo chỉ dẫn của bác sĩ, cân nặng của ông đã ổn định quanh mức khoảng 54,4kg. Vòng eo của ông cũng giảm từ 86,4cm xuống 77,5cm và sau đó duy trì ở khoảng 80cm.

Ông đã tóm gọn sự thành công trong việc đảo ngược bệnh tiểu đường của mình bằng 4 hành động chính: ăn theo phương thức ketogenic, nhịn ăn, tập thể dục và giữ vững niềm tin. 

  • Ketogenic: chỉ ăn 30 đến 50 gram carbohydrate mỗi ngày.
  • Nhịn ăn theo phương pháp “15 – 9”, tức là giới hạn thời gian ăn trong ngày (từ bữa sáng đến bữa tối) trong vòng 9 giờ mỗi ngày và nhịn ăn trong 15 giờ còn lại.
  • Tập thể dục: Các bài tập aerobic, các bài tập sức bền tại nhà như squat và nhón gót chân.
  • Niềm tin: Cầu nguyện với Chúa và xin sức mạnh để kiên trì vượt qua.

Liệu pháp ăn ketogenic để kiểm soát đường huyết

Về liệu pháp ăn ketogenic, Tiến sĩ Lưu cho biết, ông không kiêng tuyệt đối carbohydrate (chủ yếu có trong cơm, gạo, bún, phở, ngũ cốc, trái cây) mà kiểm soát lượng tiêu thụ ở mức 30 đến 50 gram/ngày. Buổi sáng, ông ăn bánh mì nguyên cám, buổi tối ăn một ít cơm gạo lứt, thỉnh thoảng dùng thêm đậu và trái cây. Về tỷ lệ giữa protein/chất béo, ông cho rằng rất khó để tính toán chính xác, chỉ cần ăn theo thói quen bình thường và giảm carbohydrate là được.

Các nghiên cứu cho thấy, đối với những bệnh nhân béo phì mắc bệnh tiểu đường loại 2, liệu pháp ăn ketogenic với lượng carbohydrate chiếm khoảng 20% tổng lượng calo có thể giúp kiểm soát cân nặng và đường huyết. Sau khi chuyển sang liệu pháp ăn ketogenic, liều lượng thuốc điều trị tiểu đường hoặc insulin có thể được giảm xuống. Hai bệnh nhân của Tiến sĩ Lưu đã giảm được 20kg sau khi thay đổi liệu pháp ăn uống. Lượng đường huyết của họ trở lại bình thường sau 2 và 3 năm và họ không còn cần dùng thuốc điều trị tiểu đường nữa.

Tuy nhiên, đối với người Việt Nam, khẩu phần ăn chủ yếu vẫn đến từ carbohydrate, vì vậy việc cắt giảm quá nhiều có thể không thích hợp. Người bệnh có thể duy trì mức carbohydrate từ 50-55%, hoặc giảm thấp hơn một cách từ từ. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với tình trạng bệnh của mình.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy – Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai, một số nguyên tắc ăn uống thích hợp cho người bệnh tiểu đường bao gồm: Lựa chọn các thực phầm có chỉ số đường huyết thấp (không làm tăng nhiều glucose máu sau ăn), ăn nhiều chất xơ. Có thể ăn rau trước ăn cơm. Thịt cá có thể ăn như bình thường. Không nên ăn quá no, bữa chính ăn vừa phải, có thể ăn thêm 1-2 bữa phụ vào giữa buổi chiều hoặc trước lúc đi ngủ.

Chất béo bão hòa không phải lúc nào cũng là “kẻ thù”

Liệu pháp ăn ketogenic làm giảm lượng carbohydrate nạp vào và dùng chất béo làm nguồn năng lượng chính. Tiến sĩ Lưu cho biết, chúng ta nên ưu tiên sử dụng các loại chất béo tốt như quả bơ, cá hồi và dầu ô liu, đồng thời giảm sử dụng dầu thực vật tinh chế.

shutterstock 433733230
(Ảnh: JulijaDmitrijeva/ Shutterstock)

Nhiều người lo ngại là liệu pháp ăn ketogenic sẽ làm tăng lượng chất béo bão hòa nạp vào. Tiến sĩ Lưu giải thích rằng, có loại chất béo bão hòa tốt và xấu. Bơ, dầu dừa và pho mát đều là những nguồn chất béo tự nhiên được xem là tốt.

Một nghiên cứu năm 2020 được đăng trên “Journal of the American College of Cardiology” (Tập san của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ) cho thấy, các thực phẩm giàu chất béo bão hòa như các sản phẩm từ sữa nguyên kem, sô cô la đen và thịt chưa qua chế biến không có mối liên quan rõ ràng với nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay tiểu đường. Ngược lại, các sản phẩm từ sữa nguyên kem thậm chí có thể giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2.

Mặt khác, việc tiêu thụ quá nhiều chất béo không bão hòa cũng không hẳn là lựa chọn tốt hơn. Ví dụ, không nên ăn quá nhiều dầu thực vật có hàm lượng axit béo không bão hòa Omega-6 cao. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc tiêu thụ quá nhiều Omega-6 và không đủ Omega-3 có thể dẫn đến viêm mạn tính trong cơ thể, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, béo phì và tiểu đường.

Đối với việc kiểm soát cholesterol, Tiến sĩ Lưu cho rằng không cần phải quá lo lắng về cholesterol có trong thực phẩm. Khoảng 80% cholesterol được cơ thể tự tổng hợp, liên quan đến yếu tố di truyền và các yếu tố khác, chỉ khoảng 20% đến từ liệu pháp ăn uống. Vì vậy, rất khó để giảm cholesterol chỉ bằng cách điều chỉnh ăn uống. Tiến sĩ Lưu hiện đang dùng thuốc hạ cholesterol statin (Liptor), theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Nhịn ăn gián đoạn 15 – 9 là đủ để kiểm soát đường huyết

Có nhiều phương pháp nhịn ăn phổ biến như nhịn ăn 5 – 2 (ăn bình thường trong 5 ngày và nhịn ăn hoặc ăn ít trong 2 ngày). Phương pháp 16 – 8 (nhịn ăn trong 16 giờ và ăn trong 8 giờ tiếp theo). Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc nhịn ăn có thể cải thiện khả năng điều hòa glucose, giảm viêm và được chứng minh có tác dụng phòng ngừa nhiều bệnh mạn tính trong các thí nghiệm trên động vật.

Về phương pháp nhịn ăn, Tiến sĩ Lưu đã áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn 15 – 9 nhẹ nhàng hơn, tức là nhịn ăn trong 15 giờ và ăn trong 9 giờ tiếp theo. “Tôi ăn sáng lúc 9 giờ, ăn trưa lúc 12 giờ trưa và ăn tối lúc 6 giờ. Tôi cố gắng không ăn vặt giữa các bữa, điều này dễ thực hiện hơn. Phương pháp 15 – 9 giúp duy trì đường huyết ở mức rất tốt”.

Tiến sĩ Lưu cho biết thêm, nếu thời gian nhịn ăn quá dài, có thể khiến người ta cảm thấy quá đói khi đến bữa ăn, dẫn đến ăn quá nhiều và làm tăng đường huyết. Ngoài ra, việc nhịn ăn trên người bệnh sử dụng insulin hoặc thuốc cũng có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết. Vì vậy, người bệnh không được tự ý bỏ thuốc và luôn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ một chế độ ăn kiêng nào.

Tiến sĩ Lưu chia sẻ thực đơn ăn uống hàng ngày của mình:

Bữa sáng: 1 lát bánh mì nguyên cám hoặc ngũ cốc nguyên hạt với kem phô mai, một nửa quả bơ và cá hồi xông khói; một ly sữa đậu nành hoặc sữa hạnh nhân; và một quả trứng kho.

Bữa trưa: Một đĩa salad rau xà lách romaine, ức gà nướng, phô mai, một ít nước sốt salad và các loại hạt. Ông cho biết, nước sốt salad thường chứa đường và không nên ăn quá nhiều.

Bữa tối: Cá hồi nướng và rau xào hoặc gà chiên với đậu phụ. Cắt gà thành từng miếng nhỏ và chiên cùng với đậu phụ và 1/4 chén gạo lứt.

Ông cũng thường đi ăn bên ngoài. “Bạn có thể ăn tất cả các món ăn ngon nhất, nhưng chỉ cần giảm tối thiểu lượng carbohydrate”. Ông nhấn mạnh rằng “ăn cho đến khi no 80%” và không ăn quá nhiều calo sẽ tự nhiên giúp bạn đạt được mục tiêu.

Hiệu quả giữa bài tập sức bền và bài tập aerobic trong bệnh tiểu đường

Bên cạnh việc chú trọng vào liệu pháp ăn uống, tập thể dục cũng là một phương pháp hiệu quả để kiểm soát đường huyết. Tiến sĩ Lưu cho biết, các bài tập phổ biến nhất của ông tại nhà là squat, nâng tay bằng mũi chân và nâng tạ để tăng cường sức mạnh cơ bắp.

Đặc biệt, bài squat tác động vào các cơ vùng đùi, nơi có nhiều cơ nhất và có tác dụng tốt nhất trong việc kiểm soát đường huyết. Bạn có thể đếm từ 1 đến 10 và lặp lại 5 lần. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bài tập sức bền hiệu quả hơn bài tập aerobic trong việc kiểm soát đường huyết.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy, người bệnh tiểu đường nếu muốn tập các bài tập cường độ cao (như chạy, cử tạ), cần xin ý kiến bác sĩ vì có thể có nguy cơ hạ đường huyết. Người bệnh nên tập thể dục cường độ vừa phải (đi bộ nhanh, đạp xe…) khoảng 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Uống đủ nước khi tập. Không tập khi glucose máu < 5,5 mmol/L hoặc > 14,5 mmol/L. 

Nguyên Khang (t/h)