Lão hóa tim ở tuổi 40! 2 cách chống lão hóa và trẻ hóa trái tim
- Quan Mễ
- •
Lão hóa tim không còn là bệnh của người già mà đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Lão hóa tim có thể gây suy tim và đột tử. Bảo vệ trái tim có thể bắt đầu từ việc điều chỉnh chế độ ăn uống và rèn luyện bắp chân – “trái tim thứ hai” của cơ thể người.
Cẩn thận đột tử và suy tim – 4 lý do khiến tim lão hóa sớm
Khi không có bộ phận cụ thể nào của tim gặp vấn đề, nhưng chức năng trở nên kém và phản ứng với bên ngoài trở nên chậm hơn thì đó chính là sự lão hóa của tim. Ví dụ, một người đàn ông 60 tuổi có thể chạy chậm trong một giờ vì tim có đủ sức chịu đựng, nhưng tim của người đó trở nên kém đàn hồi và không thể chạy nước rút đột ngột và nhanh chóng.
Trên mặt chữ mà xét thì “lão hóa” của trái tim hẳn là căn bệnh chủ yếu của người già. Trong những trường hợp bình thường, trái tim con người bắt đầu lão hóa sau 60 tuổi. Tuy nhiên, bác sĩ tim mạch Lưu Trung Bình, đồng thời là giám đốc Phòng khám Vũ Bình, Đài Loan, cho biết ông phát hiện ra trong phòng khám ngoại trú của mình có nhiều bệnh nhân hiện đã bị lão hóa tim ở độ tuổi 40. Nhóm tim lão hóa sớm này có một số đặc điểm:
- Ba cao (mỡ máu cao, đường máu cao, huyết áp cao) và béo phì: Những người béo phì là phổ biến nhất, những người này thường kèm theo tăng huyết áp, tăng lipid máu và tăng đường huyết. Nếu huyết áp quá cao trong thời gian dài sẽ làm tăng khả năng suy tim và lão hóa tim. Lượng đường trong máu quá cao cũng dễ khiến cơ thể bị lão hóa như tim kém đàn hồi và tuần hoàn vi mạch kém.
- Thói quen sinh hoạt không tốt, làm việc thâu đêm: Một số thanh niên có thói quen sinh hoạt không tốt như thức khuya chơi điện tử và xem phim, một số thì do công việc cần phải làm ca đêm.
Bác sĩ Lưu cho biết: “Đối với những người thường xuyên làm việc vào ban đêm, tôi nhận thấy trái tim của người đó trở nên kém đàn hồi hơn. Tuổi còn trẻ nhưng đi bộ phải thở hổn hển.” Khi kiểm tra tim những người này, thấy rằng chức năng tim vẫn hoạt động bình thường nhưng bị suy giảm, đó là hiện tượng tim bị lão hóa.
- Công việc quá tải: Những người làm việc quá sức trong loại hình công việc này cũng dễ có cuộc sống bất thường, ngày đêm đảo lộn. Bác sĩ Lưu cho biết, nhiều bệnh nhân mà ông gặp phải với chứng lão hóa tim sớm là do làm việc quá sức hoặc thừa cân.
- Thói quen ăn uống không tốt: Ăn quá mặn, quá nhiều dầu mỡ hoặc quá ngọt thường xuyên khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn. Đặc biệt, thức ăn quá mặn càng gây gánh nặng cho tim mạch.
Chúng ta cũng thường xuyên nghe tin tức về những trường hợp người trung niên đột tử, bác sĩ Lưu tin rằng điều này có liên quan đến sự lão hóa tim có xu hướng trẻ hóa. Vì nguyên nhân của loại đột tử này về cơ bản giống như sự lão hóa của tim như làm việc quá sức, đảo lộn ngày đêm. Những lý do này có thể khiến chức năng tim kém đi, dễ bị rối loạn nhịp tim hoặc suy giảm chức năng tim bất thường và dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, lão hóa tim có thể dẫn đến suy tim, một căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
Đi bộ, tập thể dục và bổ sung 2 chất dinh dưỡng này để đẩy lùi quá trình lão hóa tim
Các bệnh nhân lão hóa tim cũng đừng quá lo lắng, vẫn có những cách chống lão hóa cho tim mạch .
Bác sĩ Lưu chỉ ra rằng ngoài việc uống thuốc đều đặn, đi ngủ sớm và dậy sớm, kiểm soát “ba cao” thì bệnh nhân cần tập thể dục để có thể cử động bắp chân và điều chỉnh chế độ ăn uống.
1. Bài tập di chuyển bắp chân – “trái tim thứ hai” của cơ thể
Bắp chân được mệnh danh là “trái tim thứ hai” của cơ thể, vì bắp chân cần đưa máu từ phần thân dưới trở về tim, quá trình này đòi hỏi sức bật rất lớn, và các cơ của bắp chân đóng vai trò rất lớn. Bài tập tốt nhất cho tim mạch là vận động chân và tim đập nhanh hơn một chút. Bác sĩ Lưu cho biết: “Chỉ cần là nửa thân dưới không có vấn đề gì khác, thì mọi người đều được khuyến khích tập thêm các bài tập cho nửa thân dưới.”
Các bài tập như nhón gót, đi bộ, leo cầu thang, đạp xe, ngồi xổm, … có thể vận động bắp chân, thậm chí chỉ riêng vận động cơ bắp chân cũng có thể giúp tim khỏe mạnh. Nhiều người cao tuổi chỉ tập thể dục bằng cách đi bộ thôi cũng có thể đạt được hiệu quả của việc tập luyện.
Ngày nay, nhiều nhân viên văn phòng không có thời gian để tập thể dục, bác sĩ Lưu chia sẻ một phương pháp thực tế và đơn giản: Sau khi tan sở, đừng vào nhà ngay mà hãy đi bộ xung quanh nhà khoảng 10-15 phút để thân thể thoát mồ hôi, sau đó có thể về nhà thư giãn và tắm rửa. Điều này không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn giúp giảm căng thẳng.
Ở phương Tây cũng có nhiều nghiên cứu về đi bộ và sức khỏe tim mạch, người ta thấy rằng đi bộ nhanh trong thời gian ngắn có lợi cho tim và sức khỏe tinh thần.
Một nghiên cứu năm 2002 trên Tạp chí Y học & Khoa học trong Thể thao & Thể dục (Medicine & Science in Sports & Exercise) đã chỉ ra rằng 10 phút đi bộ nhanh 3 lần/ngày tương đương với 30 phút đi bộ 1 lần/ngày, đều là cùng thực hiện 5 ngày/tuần, cả hai cách này đều có tác dụng giảm nguy cơ tim mạch, giảm căng thẳng, lo lắng như nhau.
Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ (The American Journal of Clinical Nutrition) cũng có một nghiên cứu tương tự vào năm 2008: Nam thanh niên tích lũy 10 lần đi bộ nhanh 3 phút và 1 lần đi bộ nhanh 30 phút, đều có hiệu quả như nhau trong việc giảm lipid máu sau ăn và huyết áp tâm thu.
Ngoài ra, xoa bóp bắp chân là bài tập thụ động, tuy hiệu quả không bằng đi bộ nhưng cũng rất hữu ích cho tim mạch. Do một số người bẩm sinh có mạch máu mỏng hoặc phải ngồi làm việc lâu nên dễ bị thuyên tắc mạch máu, xoa bóp bắp chân có thể làm giảm nguy cơ tắc mạch và cũng có thể thúc đẩy nhẹ tuần hoàn ở chân.
2. Điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn
Trước hết, tránh chế độ ăn nhiều chất béo, nhiều đường và nhiều muối. Có thể ăn cay, nhưng bác sĩ Lưu nhắc nhở rằng nhiều thức ăn cay thường đi kèm với quá nhiều dầu và muối, chẳng hạn như gia vị cay, dầu ớt và tương ớt. Ngoài ra, vị giác bị kích thích bởi các chất cay, rất khó nếm vị thức ăn, bạn có thể sẽ ăn quá nhiều thức ăn mặn một cách vô thức.
Tiếp theo, bạn có thể bổ sung 2 chất dinh dưỡng bảo vệ tim đã được giới khoa học công nhận là dầu cá và chất xơ:
Dầu cá: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo mỗi người nên ăn cá ít nhất 2 lần một tuần, chẳng hạn như cá thu, cá thu đao, cá mòi, cá hồi, cá ngừ, cá trích và các loại cá khác giàu axit béo omega-3 và chất béo tốt. Điều này rất tốt cho việc duy trì độ đàn hồi của mạch máu tim và giảm cục máu đông.
Tạp chí Y khoa Anh (British Medical Journal) đã công bố một nghiên cứu lớn vào năm 2020 điều tra thói quen bổ sung dầu cá và nguy cơ mắc bệnh ở 420.000 người không mắc bệnh tim mạch. Kết quả cho thấy rằng việc bổ sung dầu cá theo thói quen có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
Chất xơ: Chất xơ từ rau và trái cây có thể loại bỏ cholesterol ở thành mạch máu và tăng lưu lượng máu.
Vào năm 2017, Tạp chí Y học Thần kinh cột sống (Journal of Chiropractic Medicine) đã thực hiện một nghiên cứu hồi cứu tổng hợp 31 bài báo từ năm 1980 đến năm 2017. Kết quả cho thấy những cá nhân tiêu thụ nhiều chất xơ nhất có liên quan đến tỷ lệ mắc và tử vong do tim mạch thấp hơn đáng kể.
Nhiều bệnh nhân đã được cải thiện rất nhiều, bảo dưỡng tim theo cách này, tim sẽ không bị lão hóa quá nhanh.
Từ khóa lão hóa tim suy tim bắp chân dầu cá chất xơ