Liệu pháp chính niệm dành cho thanh thiếu niên để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần
- George Citroner
- •
Công cụ mới cung cấp phương pháp tiếp cận lấy gia đình làm trung tâm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên.
Thanh thiếu niên có thể chống lại chứng trầm cảm thông qua việc học cách hiện diện, hít thở và thoát khỏi sự kìm kẹp của những suy nghĩ tiêu cực.
Liệu pháp chánh niệm mới do các chuyên gia tại Đại học Cambridge và King’s College London phát triển có tên là ATTEND, viết tắt của “Thanh thiếu niên và người chăm sóc sử dụng liệu pháp chính niệm để chấm dứt chứng trầm cảm”.
Liệu pháp này được thiết kế để mang lại hy vọng khi các phương pháp tiếp cận truyền thống không còn hiệu quả.
Giải quyết các lỗ hổng điều trị trong chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên
Trầm cảm ở thanh thiếu niên là một vấn đề cấp bách ở Vương quốc Anh, ảnh hưởng đến khoảng 140.000 thanh thiếu niên từ 15 đến 19 tuổi. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 35.000 em được điều trị. Trong số đó, có khoảng 14.000 em không đáp ứng với liệu pháp, 8.000 em bị tái phát sau sự cải thiện ban đầu. Trên toàn thế giới, một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm đã trải qua sự thất bại trong điều trị, với ước tính cho thấy khoảng 40% vẫn bị trầm cảm ngay cả với phác đồ đầu tay.
“Quá nhiều người trẻ phải vật lộn với sức khỏe tâm thần nhưng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết thông qua NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh)”, giáo sư Tamsin Ford, trưởng khoa Tâm thần học tại Đại học Cambridge, cho biết trong một tuyên bố báo chí. “Ngay cả trong số những người nhận được sự hỗ trợ, phương pháp điều trị cũng không đủ hiệu quả đối với hơn một nửa trong số họ”.
Điều chỉnh phương pháp tiếp cận theo nhu cầu của thanh thiếu niên
Các phương pháp điều trị trầm cảm ở người lớn có thể không hiệu quả với thanh thiếu niên.
Thanh thiếu niên khác với người lớn về quá trình phát triển, quản lý cảm xúc và tương tác xã hội, vì vậy cần phải điều chỉnh liệu pháp chánh niệm cho phù hợp, Tiến sĩ Sanam Hafeez, một nhà tâm lý học thần kinh tại Thành phố New York và là giám đốc của Comprehend the Mind, chuyên về đánh giá tâm lý thần kinh cho người lớn và trẻ em, chia sẻ với The Epoch Times.
Bà lưu ý: “Thanh thiếu niên có khả năng tập trung ngắn hơn và cần khoảng nghỉ cho các cảm xúc tinh tế. Vì vậy, thời lượng buổi trị liệu cần ngắn hơn để giữ cho các em tập trung. Thanh thiếu niên cũng phải nỗ lực vượt qua cá tính bản thân và các mối quan hệ bạn bè, những yếu tố định hình quá trình đối phó khi các em căng thẳng hoặc buồn bã”.
Tiến sĩ Hafeez nói thêm rằng sự tham gia của gia đình có thể cải thiện hiệu quả của liệu pháp nhờ gia tăng hệ thống hỗ trợ. Bà lưu ý rằng “Những điều chỉnh như vậy giúp chánh niệm bền vững hơn, thiết thực hơn và hữu ích hơn đối với thanh thiếu niên”.
Các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT), một hình thức trị liệu tâm lý được Viện Quốc gia về Sức khỏe và Chăm sóc Sức khỏe (NICE) của Vương quốc Anh khuyến nghị cho người lớn bị trầm cảm tái phát, để dễ tiếp cận và hiệu quả hơn đối với đối tượng trẻ tuổi.
Cha mẹ đóng vai trò tích cực trong quá trình điều trị
Chương trình ATTEND bao gồm tám buổi học dựa trên kỹ năng hàng tuần theo cả hình thức nhóm trực tiếp và trực tuyến. Không giống như MBCT thông thường, chương trình ATTEND có các buổi học song song dành cho cả thanh thiếu niên và cha mẹ hoặc người chăm sóc, kết hợp các giờ nghỉ vận động, các buổi thực hành ngắn hơn, thức ăn nhẹ và các hoạt động phù hợp với thanh thiếu niên.
Ông Patrick Smith, giáo sư tâm lý học lâm sàng tại King’s College London, cho biết trong thông cáo báo chí: “Việc hỗ trợ thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm có thể vô cùng khó khăn đối với các gia đình. Cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc tìm ra cách tốt nhất để giúp con mình. Đó là lý do tại sao khóa học của chúng tôi cung cấp chương trình đào tạo song song riêng biệt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc bên cạnh các buổi học dành cho thanh thiếu niên”.
Ông Smith hy vọng điều này sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn và hỗ trợ quá trình phục hồi của con mình “đồng thời có khả năng cải thiện sức khỏe tâm thần và các mối quan hệ gia đình của chính họ”.
Mục tiêu nghiên cứu và tuyển dụng người tham gia
Sáng kiến ATTEND là một thử nghiệm quy mô lớn trên khắp nước Anh nhằm đánh giá liệu chương trình chánh niệm có hiệu quả hơn các phương pháp điều trị hiện tại của NHS đối với bệnh trầm cảm hay không, chủ yếu bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) như một liệu pháp trò chuyện cùng với thuốc chống trầm cảm, thường là nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu có kế hoạch tuyển 480 thanh thiếu niên và cha mẹ của các em, một nửa tham gia vào các nhóm chánh niệm và một nửa còn lại tiếp tục được chăm sóc theo tiêu chuẩn. Kết quả sẽ bao gồm tỷ lệ phục hồi, phòng ngừa tái phát và hiệu quả về chi phí.
Chương trình ATTEND, do Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Chăm sóc Quốc gia Vương quốc Anh tài trợ, cũng bao gồm các buổi dành cho phụ huynh và người giám hộ để tạo ra các chiến lược tập trung vào gia đình nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần.
“Mặc dù mục tiêu chính là xem liệu khóa học chánh niệm có thể giúp thanh thiếu niên phục hồi sau tâm trạng chán nản hoặc trầm cảm và ngăn ngừa tái phát hay không, chúng tôi cũng quan tâm đến những lợi ích mà khóa học này có thể mang lại cho người chăm sóc các em”, giáo sư Ford tuyên bố. Hơn nữa, nghiên cứu sẽ khám phá tiềm năng tích hợp phương pháp tiếp cận này vào các dịch vụ của NHS, làm tăng khả năng tiếp cận cho nhiều thanh thiếu niên đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn.
“Nếu chúng ta có thể thực hiện sớm, thì chúng ta có thể cứu mọi người khỏi nỗi đau trong tương lai”, cô Kat Nellist, một người ủng hộ trẻ tuổi cho sức khỏe tâm thần và là người đóng góp cho chương trình ATTEND, cho biết trong thông cáo báo chí. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét cảm xúc của những người trẻ tuổi trong suốt dự án, ủng hộ các giải pháp can thiệp sức khỏe tâm thần phù hợp với nhu cầu cụ thể của thanh thiếu niên.
Liệu pháp chánh niệm dành cho thanh thiếu niên không chỉ giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần cấp bách mà còn thúc đẩy sự phát triển của nhận thức về bản thân và các kỹ năng đối phó quan trọng đối với sức khỏe cảm xúc. Bà Hafeez cho biết: “Những lợi ích đa dạng này biến chánh niệm thành một công cụ đa chức năng cho sức khỏe tinh thần và thể chất”.
Tú Liên biên dịch
Theo The Epoch Times
Từ khóa sức khỏe chính niệm Tâm thần liệu pháp