Dạo gần đây, mì shirataki xuất hiện nhiều trên báo chí và mạng xã hội, được quảng bá là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn giảm cân và cải thiện sức khỏe. Không khó để hiểu tại sao loại mì này lại gây sốt: chúng giàu chất xơ, rất ít tinh bột, không có gluten, không có chất béo và gần như không chứa calo. Konjac – thành phần chính của mì shirataki – không phải là một nguyên liệu mới mà đã được sử dụng làm thực phẩm và dược liệu trên khắp châu Á trong hàng ngàn năm.

mi shirataki
Mì Shirataki. (Ảnh: Shutterstock)

Theo bà Michaela Pretzl, một chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận, glucomannan có trong rễ konjac giúp cải thiện tiêu hóa, duy trì đường huyết ổn định và tạo cảm giác no.

Rễ konjac: Một loại thực phẩm và dược liệu cổ xưa

Mì shirataki có nguồn gốc từ konjac, một loại thực vật đang ngày càng được ưa chuộng trong giới dinh dưỡng nhờ công dụng hỗ trợ giảm cân, kiểm soát cholesterol và tốt cho tiêu hóa. Tuy nhiên, konjac không phải là một phát hiện mới. Nó đã được sử dụng trong nấu ăn và y học cổ truyền ở châu Á từ hàng nghìn năm trước.

Cây konjac, hay Amorphophallus konjac, còn được biết đến với nhiều cái tên như “cọ rắn”, “lưỡi quỷ”, “khoai nưa” và “huệ voodoo”. Loài cây này nở ra một bông hoa với hình dáng vô cùng độc đáo và ấn tượng.

Cây konjac có phần rễ giàu tinh bột, chứa thành phần hoạt tính chính là glucomannan – một loại chất xơ tan trong nước, ít calo và có khả năng hấp thụ lượng nước gấp 50 lần trọng lượng của nó. Chính glucomannan là yếu tố khiến konjac trở nên đặc biệt.

Trong y học, rễ konjac được nghiền thành bột và sử dụng như một thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, konjac còn được chế biến thành nhiều sản phẩm thực phẩm phổ biến như:

  • Mì shirataki: Loại mì trong suốt, có kết cấu giống thạch, được làm từ bột konjac, ít calo và phổ biến trong các chế độ ăn kiêng giảm cân.
  • Thay thế gạo: Ít tinh bột, ít calo, có hương vị trung tính và kết cấu hơi dai.
  • Thạch konjac: Thường được sử dụng trong các món ăn vặt, kẹo và món tráng miệng.
  • Bột konjac: Được dùng làm chất tạo độ sánh trong súp, món hầm và nước sốt.
thach konjac
Trân châu làm từ rễ konjac. (Ảnh: Shutterstock)

Hỗ trợ giảm cân

Vì hấp thụ một lượng lớn nước sau khi được ăn, rễ konjac giúp tạo cảm giác no, từ đó khiến chúng ta ăn ít hơn. Khi glucomannan kết hợp với nước, nó tạo thành một dạng gel trong dạ dày, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, kéo dài cảm giác no và giảm cảm giác đói. Glucomannan không bị tiêu hóa trong dạ dày hay ruột non, được vi khuẩn lên men ở đại tràng, giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.

Kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, được công bố trên Nutrients, cho thấy rằng một loại thực phẩm bổ sung chất xơ có chứa glucomannan đã giúp giảm khoảng 5% trọng lượng cơ thể ở những người béo phì sau 180 ngày sử dụng. Ngoài ra, mỡ nội tạng, chỉ số BMI, và khối lượng mỡ cơ thể cũng giảm đáng kể ở những người dùng glucomannan. Tuy nhiên, đáng chú ý là một số người tham gia đã gặp phải triệu chứng khó chịu ở đường tiêu hóa khi sử dụng loại thực phẩm bổ sung này.

Một số nghiên cứu khác điều tra về tác dụng giảm cân của glucomannan đã đưa ra kết quả không đồng nhất, do đó cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ tác động của nó.

Kiểm soát đường máu

Các nghiên cứu gần đây ủng hộ việc sử dụng konjac như một phương pháp điều trị bổ trợ để giúp kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 nhờ khả năng điều hòa lượng đường trong máu.

Glucomannan trong rễ konjac làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, khiến thức ăn ở lại dạ dày lâu hơn, từ đó giúp tăng cảm giác no và kiểm soát sự tăng đột biến đường huyết sau bữa ăn.

Konjac cũng cho thấy tiềm năng trong việc giảm tổn thương do oxy hóa và viêm nhiễm, đồng thời có tác dụng bảo vệ các cơ quan như thận và gan – những cơ quan dễ bị tổn thương ở người mắc bệnh tiểu đường. Việc tiêu thụ konjac thường xuyên có liên quan đến mức cholesterol thấp hơn và khả năng điều hòa insulin tốt hơn, yếu tố quan trọng trong bệnh tiểu đường loại 2.

Lượng chất xơ cao trong glucomannan từ rễ konjac cũng giúp giảm mức đường huyết và insulin sau bữa ăn.

“Mặc dù KGM [glucomannan từ rễ konjac] không thể được sử dụng như một loại thuốc để điều trị bệnh, nhưng có thể được dùng như một thực phẩm y tế đặc biệt để hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường loại 2”, các tác giả của một nghiên cứu cho biết.

Cải thiện sức khỏe làn da

Nghiên cứu cho thấy glucomannan từ rễ konjac cũng có khả năng chữa lành vết thương mạnh mẽ, và một số nhà khoa học đang nỗ lực tìm cách kết hợp nó vào các chiến lược thúc đẩy quá trình lành vết thương.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học tập trung vào việc tạo ra vật liệu băng vết thương mới bằng cách kết hợp glucomannan từ konjac và polyvinyl alcohol. Glucomannan từ rễ konjac tương tác mạnh mẽ với fibrin, một loại protein quan trọng đối với quá trình đông máu và chữa lành vết thương.

Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 15/1 trên Carbohydrate Polymers, các nhà nghiên cứu đã phát triển một loại hydrogel tiêm sử dụng glucomannan từ rễ konjac đã được biến đổi nhằm cải thiện quá trình chữa lành vết thương ở bệnh nhân tiểu đường – loại vết thương phức tạp và nổi tiếng là khó lành.

Hydrogel chứa glucomannan giúp tăng cường sự di chuyển của tế bào và hình thành các tế bào máu mới – yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi vết thương. Nó cũng giúp giảm viêm và giảm các gốc oxy hóa phản ứng, vốn có thể làm trầm trọng thêm vết thương tiểu đường. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hydrogel này đã đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương một cách đáng kể trên chuột mắc tiểu đường.

Konjac trong Trung y

Ở Trung Quốc, konjac được gọi là Ju Ruo và đã được sử dụng trong y học cổ truyền từ hàng ngàn năm trước.  Konjac được nhắc đến lần đầu trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, một tài liệu y học thời nhà Hán (206 TCN – 8 SCN). Một loại gel được làm từ bột konjac đã được sử dụng trong Trung y để giải độc và ức chế khối u. Người dân bản địa cũng dùng konjac để điều trị hen suyễn, ho, đau ngực, thoát vị, cũng như các bệnh về da và rối loạn chảy máu.

Chống chỉ định

Mặc dù konjac có vẻ như là một sản phẩm kỳ diệu, nhưng có một số điều cần cân nhắc trước khi sử dụng.

Các nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ 3 – 4 gam glucomannan từ rễ konjac mỗi ngày có thể mang lại hiệu quả mà không gây ra tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên, liều cao hơn có thể dẫn đến một số vấn đề như đầy hơi và tiêu chảy. Khi sử dụng glucomannan, tốt nhất nên bắt đầu với liều thấp và tăng dần để theo dõi phản ứng của cơ thể.

Các sản phẩm từ konjac, đặc biệt là thạch konjac, có thể gây nguy cơ hóc nghẹn, nhất là khi không được nhai kỹ, do chúng không dễ hòa tan trong nước.

Hãy thận trọng khi sử dụng các sản phẩm từ konjac, đặc biệt với trẻ nhỏ (đối tượng dễ bị hóc nghẹn) và người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc nhai hoặc nuốt. Nếu bạn đang sử dụng thực phẩm bổ sung từ konjac, hãy uống kèm với nước

Ngoài ra, một số người có thể gặp triệu chứng khó chịu khi tiêu thụ konjac.

Bà Pretzl cho biết: “Các sản phẩm từ rễ konjac có hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ thấp và có thể gây đầy hơi hoặc khó chịu ở một số người do hàm lượng chất xơ cao.

Ngoài ra, hương vị và kết cấu của mì konjac khá khác biệt so với mì ống truyền thống, điều này có thể không phù hợp với tất cả mọi người.”

Theo bà Pretzl, konjac có thể được tìm thấy tại các siêu thị lớn, tiệm thực phẩm châu Á, tiệm thực phẩm dinh dưỡng và các nền tảng mua sắm trực tuyến.

Konjac có thể là một lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn thử một nguyên liệu mới trong ẩm thực, cải thiện sức khỏe hoặc tìm kiếm sự thay thế cho gạo hay mì truyền thống.

Bà Pretzl cho biết các sản phẩm từ konjac đặc biệt có lợi cho những người có các vấn đề không dung nạp thực phẩm hoặc nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt.

“Konjac là lựa chọn tốt cho những người theo chế độ ăn ít tinh bột, ăn kiêng giảm calo, người không dung nạp gluten hoặc bất kỳ ai muốn tăng cường lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của mình.”

Theo Emma Suttie, D.Ac, AP, The Epoch Times

Tiểu Liên biên dịch.