Theo nghiên cứu gần đây, những người uống cà phê luôn chứa một loại vi khuẩn đường ruột nhiều hơn 8 lần so với những người không uống.

uong ca phe
Nghiên cứu mới mô tả ảnh hưởng độc đáo của cà phê đến đường ruột. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Một nghiên cứu quốc tế, theo dõi thói quen uống rượu của gần 77.200 người trên 25 quốc gia đã phát hiện ra rằng, uống cà phê đã để lại dấu hiệu vi khuẩn riêng biệt. Các nhà nghiên cứu có thể xác định những người uống cà phê với độ chính xác đến 95% chỉ bằng cách kiểm tra vi khuẩn đường ruột của họ.

Cách pha cà phê ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột

Một nghiên cứu năm 2021 đã xác định rằng, cà phê có mối tương quan mạnh nhất với thành phần hệ vi sinh vật trong số hơn 150 loại thực phẩm được nghiên cứu, đặc biệt ảnh hưởng đến số lượng vi khuẩn Lawsonibacter asaccharolyticus ở khoảng 1.000 người.

Nghiên cứu mới nhất từ Khoa CIBIO (Khoa Sinh học tế bào, tính toán và tích hợp) tại Đại học Trento ở Ý và Đại học Harvard, được công bố trên Nature Microbiology vào tháng 11, nhằm mục đích hiểu sâu hơn về cách cà phê ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về khẩu phần ăn và y tế từ gần 23.000 người ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, cùng với dữ liệu công khai từ gần 54.200 người trên toàn thế giới. Họ đã so sánh các mẫu phân từ những người uống cà phê và những người không uống cà phê để xác định sự khác biệt trong thành phần vi khuẩn đường ruột.

Nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa việc tiêu thụ cà phê và mức vi khuẩn L. ​asaccharolyticus. Những người uống cà phê có mức vi khuẩn này cao hơn khoảng 5 đến 8 lần so với những người không uống cà phê.

Xu hướng này là nhất quán trên toàn cầu. Điều này cho thấy rằng, ở các khu vực tiêu thụ cà phê như Luxembourg, Đan Mạch và Thụy Điển, vi khuẩn L. asaccharolyticus rất phổ biến. Ngược lại, nó gần như không có ở các quốc gia như Trung Quốc, Argentina và Ấn Độ.

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh rằng, hồ sơ hệ vi sinh vật của từng cá nhân có thể dự đoán mức tiêu thụ cà phê với độ chính xác đến 95%. Một thí nghiệm trong phòng thí nghiệm đã xác nhận rằng, tốc độ tăng trưởng của vi khuẩn L. asaccharolyticus tăng lên khi được nuôi cấy trong môi trường trong ống nghiệm chứa cà phê. Các quan sát sâu hơn cho thấy, những người uống nhiều cà phê có lượng vi khuẩn này nhiều hơn.

Bất chấp những phát hiện này, vai trò của L. asaccharolyticus đối với sức khỏe con người vẫn chưa chắc chắn. Sự hiện diện của L. asaccharolyticus trong hệ vi sinh vật đường ruột tương quan với mức tăng của hippurate, một dấu hiệu của sức khỏe đường ruột và chuyển hóa do vi khuẩn đường ruột tạo ra khi chuyển hóa các hợp chất thực vật (polyphenol) có trong cà phê.

Chúng tôi không có bằng chứng kết luận nào về việc Lawsonibacter asaccharolyticus là vi khuẩn có lợi hay có hại“, ông Nicola Segata, giáo sư di truyền học và là Trưởng phòng Thí nghiệm Metagenomics Tính toán tại CIBIO, nói với The Epoch Times. Ông lưu ý rằng, nhóm nghiên cứu đang tiến hành các thí nghiệm bổ sung cụ thể để tìm ra câu trả lời tốt hơn.

Tương lai của xét nghiệm hệ vi sinh vật

Nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu mở rộng nghiên cứu của họ về tác động của các loại thực phẩm khác đối với hệ vi sinh vật đường ruột, mặc dù họ nhận ra những thách thức trong việc định lượng chính xác lượng thức ăn nạp vào.

Theo ông Segata, những phát hiện này cho thấy tiềm năng sử dụng các loại thực phẩm riêng lẻ để tăng số loại hoặc số lượng các loại lợi khuẩn đường ruột. “Để đạt được điều này, chúng tôi cần mở rộng nghiên cứu sang nhiều loại thực phẩm và vi khuẩn khác, và đây chính xác là những gì chúng tôi cũng đang thực hiện ngay lúc này”, ông Segata cho biết.

Các nhà nghiên cứu hình dung ra một tương lai mà việc xét nghiệm hệ vi sinh vật có thể cho phép đưa ra các khuyến nghị về khẩu phần ăn phù hợp với từng người dựa trên sự hiện diện của các loại vi khuẩn cụ thể liên quan đến một số loại thực phẩm nhất định. Phương pháp tiếp cận này có khả năng giúp mọi người tối ưu hóa cách ăn uống để có sức khỏe tốt hơn bằng cách xem xét mối quan hệ phức tạp giữa thực phẩm và thành phần hệ vi sinh vật.

Nguyên Khang biên dịch
Theo The Epoch Times

Xem thêm: