Đổi cách ăn uống hiệu quả hơn thuốc trong kiểm soát hội chứng ruột kích thích – Nghiên cứu
- Khánh Ngọc
- •
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4/2024 cho thấy, những thay đổi đơn giản trong khẩu phần ăn uống có hiệu quả hơn việc dùng thuốc trong kiểm soát hội chứng ruột kích thích (IBS). Và cơ thể sẽ nhẹ nhàng trong thời gian dài. Ngay cả 6 tháng sau, hầu hết những bệnh nhân nào vẫn tiếp tục duy trì thói quen ăn uống mới thì vẫn nhận được những lợi ích đáng kể.
Khẩu phần ăn uống so với thuốc điều trị IBS
Lời khuyên về khẩu phần ăn uống phù hợp cho những người mắc bệnh IBS là nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn thường xuyên hơn thay vì 3 bữa lớn và hạn chế các kích thích thông thường như cà phê hoặc sữa. Thuốc thường được dùng để giảm các triệu chứng như táo bón, đầy hơi hoặc tiêu chảy.
Nghiên cứu được công bố trên The Lancet–Gastroenterology & Hepatology (Tập san The Lancet – Tiêu hóa & Gan mật), đã kiểm tra 294 người (241 phụ nữ – vì chứng IBS phổ biến hơn ở phụ nữ – và 53 nam giới) mắc IBS ở mức trung bình đến nặng, so sánh 3 liệu pháp điều trị trong 4 tuần: 2 liệu pháp liên quan đến khẩu phần ăn uống và 1 liệu pháp dùng thuốc. Các liệu pháp về ăn uống bao gồm lời khuyên truyền thống trong điều trị IBS như giảm lượng carbohydrate lên men (FODMAP) – các loại đường như kẹo, tinh bột như khoai tây – và khẩu phần ăn ít carbohydrate.
Nhóm dùng thuốc được điều trị dựa trên các triệu chứng chính gồm bổ sung chất xơ nhuận tràng như Sterculia (kẹo cao su karaya) để trị táo bón hoặc thuốc chống tiêu chảy như loperamid (Imodium) để trị tiêu chảy.
Tất cả các nhóm đều báo cáo rằng chất lượng cuộc sống được cải thiện, ít triệu chứng liên quan đến thể chất hơn, giảm lo lắng và trầm cảm. Tuy nhiên, các liệu pháp can thiệp bằng khẩu phần ăn uống cho thấy có sự cải thiện đáng kể hơn: 76% theo lời khuyên truyền thống, 71% theo khẩu phần ăn ít carb đã giảm các triệu chứng, so với 58% ở nhóm dùng thuốc.
Sau 6 tháng theo dõi, nhiều người tham gia trong nhóm áp dụng liệu pháp thay đổi khẩu phần ăn uống vẫn tiếp tục hưởng được nhiều lợi ích và giảm các triệu chứng một cách đáng kể: 68% theo lời khuyên truyền thống và 60% theo khẩu phần ăn low-carb.
Sanna Nybacka, chuyên gia dinh dưỡng, phó giáo sư tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển và là nhà nghiên cứu chính, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng khẩu phần ăn uống đóng vai trò trung tâm trong điều trị IBS và có một số phương pháp điều trị thay thế hiệu quả. Chúng tôi cần thêm kiến thức về cách cá nhân hóa tốt nhất việc điều trị IBS trong tương lai.”
Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome-IBS) là bệnh mãn tính liên quan đến sự rối loạn nhu động của ruột già. Các biểu hiện của bệnh chủ yếu xuất hiện ở đại tràng và có ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt của người bệnh như đau bụng, khó chịu. Tuy nhiên, bệnh không gây ra tổn thương về mặt giải phẫu hay cấu trúc ruột như Crohn hay viêm loét đại tràng. Các triệu chứng của bệnh tái đi tái lại nhiều lần và có thể kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học và các bác sĩ vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích. Theo nhiều nghiên cứu, bệnh do nhiều tác nhân kết hợp lại gây ra sự rối loạn thần kinh ở đường tiêu hóa, sự co thắt bất thường ở khối cơ thành ruột, nội tiết tố, thực phẩm, căng thẳng kéo dài… Theo Đông Y, hội chứng ruột kích thích là do bị rối các tạng phủ như can, thận, tỳ vị dẫn tới rối loạn công năng, huyết ứ và đờm thấp gây ra. Hội chứng này khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong đời sống hằng ngày với các biểu hiện như: đau bụng kéo dài, đi phân nát, đại tiện lỏng, táo bón… |
Khi khẩu phần ăn uống chưa đủ mạnh để điều trị
Tiến sĩ David Purow, Giám đốc khu vực phía Đông của Hệ thống chăm sóc sức khỏe Northwell Health có trụ sở tại New York về nội soi đường tiêu hóa và không liên quan đến nghiên cứu cho biết, nhóm của ông từ lâu đã khuyến nghị về một khẩu phần ăn uống ít FODMAP cho bệnh nhân IBS. Ông lưu ý rằng: “Nghiên cứu này xác nhận cho những phát hiện mà chúng tôi đã thấy ở bệnh nhân của mình.”
Tiến sĩ Christine Frissora, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Weill Cornell Medicine, người cũng không liên quan đến nghiên cứu, nói với The Epoch Times rằng ruột của con người tiêu hóa kém các loại thực phẩm FODMAP. Bà nói thêm: “Những mảnh thực phẩm không tiêu hóa được sẽ bị vi khuẩn đường ruột ăn, sau đó tạo ra khí.” Bà lưu ý, điều này dẫn đến rối loạn nhu động ruột, suy giảm cơ vận chuyển thức ăn ở ruột và gây khó chịu cho đường tiêu hóa.
Tiến sĩ Frissora cho biết rằng kết quả nghiên cứu không làm bà ngạc nhiên và trích dẫn nghiên cứu năm 2022 của bà cho thấy có khoảng 70% bệnh nhân IBS không thể tiêu hóa carbohydrate đúng cách. Bà lưu ý, “Chúng tôi đã thử nghiệm hàng trăm bệnh nhân có các triệu chứng IBS mạn tính và 20% trong số bệnh nhân đó kém hấp thu sucrose (đường ăn).”
Mặc dù việc thay đổi khẩu phần ăn uống rất quan trọng trong điều trị IBS, nhưng kết quả không phải luôn có tác dụng với tất cả mọi người. Tiến sĩ Purow cho biết như nghiên cứu cho thấy, nhiều người đã cải thiện được các triệu chứng của bệnh với khẩu phần ăn ít FODMAP, nhưng không phải là tất cả.
Đối với những bệnh nhân IBS không đáp ứng với khẩu phần ăn ít FODMAP hoặc ít carb thì sẽ có các lựa chọn không dùng thuốc như:
- Probiotic: Những lợi khuẩn này giúp điều chỉnh hệ vi sinh vật, giảm bớt các triệu chứng IBS. Probiotic có trong sữa chua, kefir, kim chi, dưa cải bắp và rau lên men, đồng thời cũng có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung.
- Psyllium: Chất xơ hòa tan này giúp điều hòa nhu động ruột và giảm các triệu chứng IBS, được dùng như một chất bổ sung hoặc thêm vào thực phẩm.
- Dầu bạc hà: Đây là loại thuốc chống co thắt giúp thư giãn cơ ruột, giảm các triệu chứng IBS.
- Trị liệu hành vi nhận thức: Liệu pháp nói chuyện này giúp các cá nhân xác định, thay đổi các kiểu suy nghĩ và hành vi tiêu cực có thể góp phần gây ra các triệu chứng IBS.
- Châm cứu: Nghiên cứu cho thấy, châm cứu có thể làm giảm các triệu chứng IBS bằng cách kích thích các huyệt cụ thể giúp điều hòa hệ tiêu hóa.
Ngoài ra còn có 2 bài thuốc dân gian điều trị hội chứng IBS được lan truyền trong xã hội Việt Nam như sau:
1. Dùng nghệ với mật ong
Nghệ là loại dược liệu chống viêm, làm lành vết thương hiệu quả và thường xuất hiện trong các bài thuốc dân gian trị bệnh tiêu hóa, trong đó có bệnh đại tràng và hội chứng ruột kích thích. Sự kết hợp của mật ong với nghệ sẽ giúp tăng gấp đôi hiệu quả chữa bệnh bởi đây đều là 2 nguyên liệu tốt cho đường ruột.
Cách thực hiện:
- Dùng 200 gam tinh bột nghệ vàng và 100ml mật ong trộn đều thành hỗn hợp đặc nhuyễn.
- Cho hỗn hợp vừa tạo được vào lọ, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và dùng mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 thìa cafe nhỏ.
- Người bệnh nên ăn trực tiếp vào trước bữa ăn khoảng 30 phút để thuốc ngấm vào cơ thể tốt nhất.
2. Dùng lá vối
Theo y học hiện đại, lá vối và nụ vối chứa rất nhiều hoạt chất kháng sinh tự nhiên, có khả năng khống chế các loại vi khuẩn có hại. Đồng thời, loại dược này còn có tác dụng điều trị tiêu chảy, giảm đau bụng, cải thiện đại tiện và hộ chứng ruột kích thích rất tốt.
Cách thực hiện:
- 200 gam lá vối rửa sạch nhằm loại bỏ bụi bẩn và tạp chất rồi vò nát.
- Cho lá vối vào ấm rồi đun cùng 2 lít nước lọc cho đến khi nước sôi thì bật lửa nhỏ, để khoảng 30 phút thì tắt bếp.
- Chờ nước nguội thì chắt ra uống hết trong ngày, mỗi ngày từ 2 – 3 lần.
Sử dụng những dược liệu từ vườn nhà để điều trị IBS được ưa chuộng bởi giá thành rẻ, nguyên liệu dễ tìm, công thức dễ làm và thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, do là những bài thuốc được truyền miệng nên hiệu quả vẫn chưa được kiểm chứng. Vậy nên, tham khảo tư vấn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe là điều rất quan trọng, giúp xác định kế hoạch điều trị tốt nhất nhằm kiểm soát các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mời xem thêm bài liên quan:
Từ khóa Hội chứng IBS Hội chứng ruột kích thích Ăn low-carb dưỡng sinh