Chúng ta đều biết giấc ngủ đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với cơ thể. Thiếu ngủ sẽ gây ra những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, ngủ nhiều quá cũng không hẳn tốt, mà trái lại còn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

giac ngu nam gioi
Ngủ nhiều cũng ảnh hưởng tới năng lực nhận thức như ngủ ít (ảnh: Shutterstock)

Theo kết quả từ một cuộc nghiên cứu về giấc ngủ có quy mô lớn trên thế giới, thời gian tối ưu cho một giấc ngủ là từ 7 – 8 tiếng một ngày. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng rằng việc ngủ nhiều quá sẽ gây ra tình trạng suy giảm nhận thức, tương tự như việc ngủ quá ít.

Giấc ngủ là rất quan trọng và vô cùng thiết yếu trong việc cải thiện khả năng nhận thức của con người. Điều này đã được kiểm chứng bởi nhiều nghiên cứu mang tính toàn diện trong vài năm qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết được giấc ngủ kém chất lượng có ảnh hưởng thế nào đến các lĩnh vực nhận thức khác nhau và các tác động nhận thức này có liên quan gì đến việc thay đổi thời lượng của giấc ngủ. Nghiên cứu mới đây đã mang đến một cái nhìn chi tiết nhất, qua đó góp phần giải đáp những câu hỏi có liên quan đến vấn đề này.

Adrian Owen, một thành viên trong dự án nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi rất muốn nắm bắt được thói quen ngủ của mọi người trên khắp thế giới. Đương nhiên, đã có nhiều nghiên cứu với quy mô nhỏ hơn về giấc ngủ của một số người trong các phòng thí nghiệm nhưng chúng tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về việc giấc ngủ diễn ra như thế nào trên thực tế.”

Vào năm 2017, một cổng thông tin trực tuyến được thành lập trong đó yêu cầu người tham gia hoàn thành bảng câu hỏi mang tính chuyên sâu về lĩnh vực nhân khẩu học, bao gồm cả khoảng thời gian ngủ của đêm trước, cùng với 12 bài kiểm tra để đánh giá khả năng nhận thức. Ngoại trừ các trường hợp không đạt yêu cầu, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã thu thập được dữ liệu từ hơn 10.000 người tham gia. Kết quả là, khoảng một nửa đối tượng trong số đó cho biết họ thường ngủ ít hơn 6,3 tiếng mỗi đêm, tức là ít hơn nhiều so với giấc ngủ kéo dài từ 7 đến 8 tiếng – là thời lượng của giấc ngủ được khuyến cáo để đảm bảo khả năng nhận thức tối ưu.

>> 16 thói quen khoa học giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh và sâu giấc hơn

“Chúng tôi nhận thấy rằng thời lượng tối ưu của giấc ngủ để giúp cho bộ não của bạn hoạt động hiệu quả nhất là từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm và đó cũng là lời khuyên mà bác sĩ sẽ đưa ra để có thể mang lại cho bạn một thân hình hoàn hảo,” Conor Wild , tác giả chính trong nghiên cứu cho hay. “Chúng tôi cũng thấy rằng những người ngủ nhiều hơn thời gian đó cũng có hại không kém gì người ngủ quá ít”.

Theo nghiên cứu, dựa trên việc quan sát đồ thị đường cong hình chữ U trong mối tương quan giữa khả năng tranh luận và biểu đạt bằng lời nói tương ứng với thời gian ngủ, người ta phát hiện ra rằng việc ngủ hơn 8 tiếng có hại như là việc ngủ ít hơn 6 tiếng. Có lẽ phát hiện thú vị nhất đó là, thời gian ngủ không ảnh hưởng đến tất cả các loại khả năng nhận thức. Trong khi khả năng tranh luận và biểu đạt bằng lời nói bị ảnh nhiều nhất bởi giấc ngủ thì trí nhớ ngắn hạn lại không bị tác động nhiều bởi thời gian ngủ ngắn, chẳng hạn như 4 tiếng đồng hồ.

Điều thú vị này cho thấy các quá trình nhận thức bậc cao chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những hình mẫu giấc ngủ ít lý tưởng. Mặc dù những nghiên cứu thuyết phục trước đây đã chỉ ra rằng việc thiếu ngủ hoàn toàn có thể tác động tiêu cực lên trí nhớ ngắn hạn, điều này dường như được giải quyết bằng thời gian ngủ ngắn hơn, trong khi các chức năng nhận thức phức tạp hơn, chẳng hạn như giải quyết vấn đề, đòi hỏi thời gian ngủ lâu và cố định hơn.

Chính xác lý do tại sao thời gian ngủ dài hơn lại dẫn đến việc suy giảm khả năng nhận thức là một câu hỏi hấp dẫn. Các nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố khác, chẳng hạn như trầm cảm hoặc sức khỏe kém, có thể dẫn đến giấc ngủ vượt quá 8 tiếng, nhưng không rõ tại sao mà các yếu tố kể trên lại có thể là căn nguyên của việc suy giảm nhận thức. Làm thế nào mà việc ngủ nhiều hơn 8 tiếng có thể gây ra các tình trạng suy giảm nhận thức?

“Một cách giải thích thú vị hơn,” các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết, “rằng nhận thức bị suy giảm trong giấc ngủ dài thực sự là do ngủ quá nhiều, cụ thể là, một giấc ngủ dài có thể dẫn đến tình trạng trì trệ kéo dài, qua đó làm suy giảm khả năng nhận thức ở mức độ cao, ví như việc đưa ra quyết định”.

Trong tương lai sẽ có lời giải đáp rõ ràng cho những câu hỏi hấp dẫn này, nhưng chúng ta có thể tự tin chắc chắn rằng tất cả mọi người nên cố gắng hướng đến một giấc ngủ kéo dài từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể đạt được trạng thái minh mẫn dài lâu, qua đó tăng cường và nâng cao sức khỏe của bản thân mình.

Theo Newatlas.com
Phan Anh