Nghiên cứu toàn cầu: Tiêu thụ đồ uống có đường tăng song song với bệnh béo phì
- Zrinka Peters
- •
Mặc dù trong những thập kỷ gần đây đã có nhiều thông tin về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ quá nhiều đường, nhưng số lượng đồ uống có đường mà thanh thiếu niên tiêu thụ vẫn ở mức cao.
Một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh béo phì và bệnh mạn tính có thể được tìm thấy ở một nơi dễ bị bỏ qua – cốc uống nước.
Một nghiên cứu toàn cầu kéo dài 18 năm đã phát hiện ra rằng, lượng tiêu thụ đồ uống có đường (SSB) ở trẻ em và thanh thiếu niên tăng 23%, “song song” với sự gia tăng của tình trạng béo phì.
Khi các quốc gia phải vật lộn với chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan đến béo phì dự kiến sẽ lên tới 18.000 tỷ đô la vào năm 2060 thì mối quan hệ giữa đồ uống có đường và hậu quả sức khỏe suốt đời đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Điều này đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu kêu gọi mọi người gia tăng nỗ lực trong việc hạn chế việc tiêu thụ SSB.
Đồ uống có đường tăng vọt trên toàn thế giới
Nghiên cứu dựa trên dân số, được công bố trên BMJ (Tập san Y khoa Anh quốc) vào tháng 8, đã phân tích dữ liệu về mức tiêu thụ đồ uống có đường trong 450 cuộc khảo sát về khẩu phần ăn uống từ 118 quốc gia. Nghiên cứu bao gồm 2,9 triệu người, đại diện cho dân số toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra lượng SSB tiêu thụ ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 3 đến 19 tuổi trong giai đoạn 1990 đến 2018. Mô hình nghiên cứu này phân loại dữ liệu thành 7 vùng riêng biệt dựa trên những điểm tương đồng chung về hồ sơ nguy cơ và kết quả bệnh tật. SSB được định nghĩa là “bất kỳ đồ uống nào có thêm đường và ≥209 kJ (50 kcal) cho mỗi khẩu phần 237 g, bao gồm đồ uống thương mại hoặc tự làm, nước ngọt, đồ uống tăng lực, đồ uống trái cây, nước trái cây pha, nước chanh và aguas frescas”. Một khẩu phần được chuẩn hóa là 248 g (8 oz).
Các tác giả phát hiện ra rằng, trong 185 quốc gia thuộc diện nghiên cứu, lượng SSB tiêu thụ đã tăng lên 23% ở trẻ em và thanh thiếu niên trong giai đoạn 1990 đến 2018. Nhìn chung, 10,4% người trẻ tuổi trên toàn thế giới uống trung bình từ 7 hoặc nhiều đồ uống có đường/tuần. Nghiên cứu cũng phát hiện ra sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, với tỷ lệ tiêu thụ SSB trung bình cao nhất là ở Châu Mỹ Latinh và Caribe (ở mức 9,1 khẩu phần/tuần) và thấp nhất ở Nam Á (ở mức 1,3 khẩu phần/tuần).
Trong số 25 quốc gia có nhiều trẻ em và thanh thiếu niên nhất thì Mexico có mức tiêu thụ đồ uống có đường cao nhất, tiếp theo là Uganda, Pakistan, Nam Phi và Hoa Kỳ.
Tại Hoa Kỳ, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở thanh thiếu niên đã giảm kể từ năm 2005 nhưng lượng tiêu thụ vẫn ở mức cao, với hơn 60% thanh thiếu niên uống ít nhất 1 loại đồ uống có đường vào bất kỳ ngày nào, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Trong giai đoạn 2015 – 2016, trung bình 14% lượng calo trong khẩu phần ăn uống của thanh thiếu niên Hoa Kỳ là từ đường bổ sung, trong đó SSB là nguồn cung chính.
Giá thành cao của SSB
Nước ngọt và các loại đồ uống có đường khác có thể có sức hấp dẫn lâu dài không chỉ do hương vị mà còn vì giá thành thấp. Mặc dù giá trung bình của một lon nước ngọt 355 ml (12 oz) đã tăng trong những năm gần đây từ mức thấp là 0,33 đô la/lon vào tháng 5/2018 lên 0,58 đô la/lon vào tháng 8, nhưng giá của nước ngọt vẫn tương đối rẻ so với nhiều loại đồ uống thay thế có hàm lượng đường thấp hơn, như nước ngọt prebiotic ‘Poppi’, có giá bán lẻ khoảng 2,50 đô la/lon, hoặc thậm chí một chai nước uống có giá 2,18 đô la.
Tuy nhiên, chi phí cho sức khỏe cá nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe cao hơn nhiều.
Béo phì là một căn bệnh phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra và mức tiêu thụ cao đồ uống có đường là 1 yếu tố nguy cơ đã được xác nhận. Dựa trên dữ liệu được thu thập từ năm 2017 đến năm 2020, CDC ước tính có gần 42% người lớn ở Hoa Kỳ bị béo phì – tăng gấp 3 lần kể từ đầu những năm 1960.
Tương tự như vậy, tỷ lệ béo phì tăng mạnh ở trẻ em và thanh thiếu niên, với khoảng 20% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 2 đến 19 hiện đang bị béo phì, so với 5,5% vào năm 1980. (Những người trẻ tuổi béo phì có khả năng trở thành người lớn béo phì, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe suốt đời.)
Sự gia tăng béo phì đi kèm với chi phí kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ đô la. Các tác giả nghiên cứu đã tìm ra mối quan hệ giữa việc tăng tiêu thụ đồ uống có đường và xu hướng béo phì. Họ viết rằng, “Chúng tôi đã tìm thấy mối tương quan chặt chẽ giữa lượng SSB tiêu thụ và tỷ lệ béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên trong từng năm”. Các nhà nghiên cứu viết rằng, tình trạng này cần có sự “chú ý đặc biệt” vì chi phí kinh tế cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì dự kiến sẽ tăng vọt, từ khoảng 2.000 tỷ đô la vào năm 2020 lên 18.000 tỷ đô la vào năm 2060 – hơn 3% tổng nền kinh tế thế giới.
Mối quan hệ giữa SSB, béo phì và bệnh mạn tính
Tiến sĩ Kubanych Takyrbashev, cố vấn sức khỏe và thể chất tại công ty Chăm sóc Sức khỏe NAO, chia sẻ với tờ Epoch Times rằng: “Là bác sĩ, tôi đã tận mắt chứng kiến việc tiêu thụ đồ uống có đường (SSB) như soda. Đồ uống tăng lực có đường có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng béo phì”.
Mặc dù SSB bổ sung rất nhiều calo rỗng vào đồ uống, nhưng mọi người lại thường không cân bằng lượng calo rỗng đó bằng cách tăng cường hoạt động thể chất, do đó, sự mất cân bằng này có thể dẫn đến tăng cân, Tiến sĩ Kubanych lưu ý. “Tôi [cũng] quan sát thấy rằng, hàm lượng đường cao không chỉ bổ sung thêm calo mà còn ảnh hưởng đến độ nhạy insulin, có thể dẫn đến tăng tích trữ mỡ và góp phần gây ra tình trạng béo phì”.
Một bài đánh giá được công bố trên Nature Reviews Endocrinology (Tập san Đánh giá về Nội tiết Tự nhiên) số tháng 1/2022 đã nghiên cứu về mối quan hệ giữa đồ uống có đường với béo phì và bệnh mạn tính, sử dụng dữ liệu từ nhiều bài đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp. Các tác giả đã lưu ý về mối tương quan giữa lượng calo dư thừa từ SSB và tình trạng tăng cân. Họ cũng nhấn mạnh về các cơ chế sinh học khác, bao gồm giảm cảm giác no sau khi uống SSB (so với ăn thức ăn rắn), tăng insulin máu do hấp thụ glucose nhanh và khả năng kích hoạt hệ thống khen thưởng dopaminergic của não.
“Một khối lượng lớn bằng chứng đã cho thấy về mối quan hệ giữa việc thường xuyên tiêu thụ SSB với việc tăng cân và nguy cơ cao hơn (so với việc tiêu thụ SSB không thường xuyên) mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư”, các tác giả viết.
Tiến sĩ Kybanych cho biết, “Tôi tin là có mối quan hệ chặt chẽ giữa việc tiêu thụ SSB và sự phát triển của các bệnh mạn tính. Lượng đường quá mức trong những loại đồ uống này có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, mở đường cho bệnh tiểu đường loại 2. Tiêu thụ lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe gan, có khả năng dẫn đến các tình trạng như bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu”.
Giảm Tiêu thụ SSB
Cuốn sách Hướng dẫn về Khẩu phần Ăn uống cho Người Mỹ giai đoạn 2020 – 2025 khuyến nghị rằng, những người trên 2 tuổi nên hạn chế lượng đường bổ sung mà họ tiêu thụ ở mức dưới 10%/tổng lượng calo hàng ngày. Điều này có nghĩa là, đối với công thức ăn trung bình gồm 2.000 calo mỗi ngày thì lượng calo đến từ tất cả các nguồn đường bổ sung cộng lại là không được quá 200 calo. Để hiểu rõ hơn, một lon Coca-Cola 355 ml (12 ounce) có 39g đường và 140 calo, hoặc đạt 70% trong số 200 calo tối đa được khuyến nghị hàng ngày theo hướng dẫn. Một chai Coke 600 ml (20 ounce) chứa 65g đường và 240 calo – vượt xa giới hạn khuyến nghị hàng ngày.
Nhận thức ngày càng tăng về tác động của SSB đối với tình trạng tăng cân và kết quả sức khỏe đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu ủng hộ các biện pháp mạnh mẽ hơn để giảm lượng tiêu thụ của SSB. Khi tiểu bang Oakland, California, áp dụng “thuế cho đồ uống có đường” vào tháng 7/2017, một phân tích cho thấy lượng mua SSB đã giảm 26,8% so với thành phố lân cận Richmond. Các tác giả viết rằng, những đợt giảm này có thể dẫn đến việc tiết kiệm “đáng kể” chi phí chăm sóc sức khỏe dài hạn và cải thiện kết quả sức khỏe.
Một nghiên cứu mô phỏng vi mô kiểm tra tác động tiềm tàng của việc áp thuế cho SSB tại Hoa Kỳ trong 10 năm, do Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ công bố vào năm 2020, dự đoán rằng tác động tích lũy của thuế SSB dựa trên khối lượng đối với sức khỏe và chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ rất đáng kể. Việc giảm lượng tiêu thụ SSB có thể ngăn ngừa hơn một triệu trường hợp mắc bệnh tim mạch và/hoặc tiểu đường, tăng thêm 2,44 triệu năm sống điều chỉnh theo chất lượng và tiết kiệm hơn 50 tỷ đô la chi phí chăm sóc sức khỏe.
Các biện pháp được đề xuất để giảm lượng tiêu thụ SSB bao gồm: áp thuế cho đồ uống có đường, hạn chế tiếp thị cho trẻ em và thanh thiếu niên, nâng cao giáo dục sức khỏe cộng đồng.
Đối với những người muốn giảm lượng SSB tiêu thụ thì sẽ có rất nhiều cách lựa chọn thay thế. Các lựa chọn bao gồm: nước có ga có hương vị (hoa dâm bụt và nho Concord, có ai thích không?), soda prebiotic và probiotic ít đường, đồ uống có đường stevia và kombucha. Tuy nhiên, để cung cấp đủ nước và giúp tiết kiệm tiền – nước tinh khiết vẫn là lựa chọn tốt nhất.
“Theo quan điểm của tôi, một trong những cách hiệu quả nhất để cắt giảm SSB là thay thế SSB bằng các lựa chọn lành mạnh hơn”, Tiến sĩ Kubanych cho biết. “Nên bắt đầu bằng cách uống nhiều nước hơn và nếu bạn cần một chút hương vị, nên thử pha thêm các loại trái cây như chanh hoặc quả mọng. Trà thảo mộc không đường và nước có ga với một ít nước ép trái cây tự nhiên cũng có thể là những lựa chọn thay thế tuyệt vời”. Ông cũng khuyên nên kiểm tra nhãn để tránh các loại đồ uống có chứa đường ẩn.