Nghiện xem tin tức tiêu cực có thể gây lo lắng hiện sinh – Nghiên cứu
- Khánh Ngọc
- •
Các phương tiện truyền thông tiêu cực đã tồn tại từ rất lâu, tuy nhiên, các phương tiện truyền thông ngày nay vẫn đang sử dụng nhiều chiến thuật để lôi kéo mọi người quay lại xem nhiều hơn – gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Dành quá nhiều thời gian để xem xem những tin tức giật gân và các bài đăng tiêu cực trên mạng xã hội có thể khiến bạn phải đặt ra câu hỏi về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Trong nghiên cứu đầu tiên thuộc dạng này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thói quen này, được gọi là “doomscrolling – chứng nghiện xem tin tức tiêu cực,” có liên quan đến sự lo lắng hiện sinh.
Doomscrolling là gì?
“Doomscrolling” là một thuật ngữ được đặt ra để mô tả việc thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính để đọc những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội hay các trang báo trực tuyến. Có người cho rằng thuật ngữ này xuất hiện lần đầu vào năm 2020 khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng thực ra nó đã được nhắc tới vào năm 2018 trên Twitter – nơi tràn ngập các tin tức tiêu cực và các bộ phim cực đoan.
Nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ 800 sinh viên đại học Iran và Mỹ, tất cả đều là những người thích dùng mạng xã hội. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng bất chấp sự khác biệt giữa các quan điểm văn hóa, việc xem các tin tức tiêu cực đã làm tăng khả năng gặp phải các triệu chứng lo âu hiện sinh ở cả 2 nhóm.
Ông Reza Shabahang, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email với The Epoch Times: “Các khía cạnh tồn tại của việc hấp thụ tin tức, đặc biệt là trong bối cảnh tin tức tiêu cực, vẫn là một khía cạnh chưa được khám phá đầy đủ trong tâm lý hấp thụ tin tức. Nghiên cứu của chúng tôi tìm cách cung cấp những hiểu biết sơ bộ về lĩnh vực đang bị bỏ qua này.”
Chứng nghiện xem tin tức tiêu cực – một đại dịch thời kỹ thuật số hiện đại
Nghiên cứu của ông Shabahang rất phù hợp với bối cảnh kỹ thuật số hiện tại. Mặc dù phương tiện truyền thông tiêu cực không phải là hiện tượng mới nhưng cách chúng ta tương tác với nó đã thay đổi. Sự thay đổi này trở nên đặc biệt rõ ràng ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, khi “chứng nghiện xem tin tiêu cực” được đưa vào từ điển công cộng nhằm mô tả trạng thái cố định trí óc của chúng ta vào việc kiểm tra các bản cập nhật tin tức – một trạng thái có thể dẫn đến tâm lý lo lắng, trầm cảm và cảm giác bất lực.
Kể từ thời điểm đó, các nhà tâm lý học như ông Ehab Youssef nhận thấy, ngày càng có nhiều hiện tượng này xảy ra ở các khách hàng của mình.
Ông Youssef nói với The Epoch Times rằng: “Có vẻ như họ đang gánh cả thế giới trên vai, liên tục bị tấn công bởi những tin tức xấu khiến mọi thứ dường như trở nên ảm đạm. Tôi có một khách hàng mô tả về cảm giác bị mắc kẹt trong một vòng xoáy tin tức, vẫn biết nội dung này đang ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân, nhưng dường như lại không thể ngừng xem những tin tức này được.”
Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, vòng tròn luẩn quẩn đang đang diễn ra này có thể gây ra một hiện tượng được gọi là rối loạn căng thẳng sau sang chấn do phương tiện truyền thông gây ra, trong đó những người tiếp xúc với những lời kể thứ cấp về sang chấn tâm lý của người khác có thể phải chịu những tác động tâm lý tương tự như thể họ đã trải qua những sự kiện đó.
Lo lắng về cuộc sống? Đổ lỗi cho vòng xoáy tin tức
Nhưng các sự kiện thế giới không chỉ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của chứng nghiện xem tin tức tiêu cực – mà bộ não của chúng ta cũng đóng một vai trò nào đó. Do những tin tức tiêu cực có thể báo hiệu một mối đe dọa tiềm ẩn nào đó, nên chúng ta thường phản ứng với những tin tức này mạnh mẽ hơn những tin tức tích cực.
“Thành kiến tiêu cực” này thôi thúc chúng ta tìm kiếm những tin tức khiến chúng ta lo lắng. Một bài báo năm 2023 được đăng trên Nature Human Behavior (Tập san Hành vi Tự nhiên của Con người) cho thấy, đối với những tiêu đề có độ dài trung bình thì “mỗi từ tiêu cực bổ sung sẽ làm tăng tỷ lệ nhấp chuột lên 2,3%” trong khi các từ tích cực lại làm giảm khả năng nhấp chuột xuống 1%. Nội dung tiêu cực cũng thúc đẩy sự tham gia của đọc giả nhiều hơn, bao gồm cả xem chia sẻ và phản ứng trên mạng xã hội.
Các kênh truyền thông cung cấp tin tức và các nền tảng xã hội ngày càng hướng tới việc quảng bá nội dung thu hút sự tương tác như vậy, đồng thời khuyến khích người dùng tiếp tục xem mạng. Ông Shabahang và các đồng nghiệp của ông nhận thấy rằng việc quảng bá này đã dẫn đến một môi trường mà “những tin tức trung tính về mặt cảm xúc bị giảm đi, mà thay vào đó là một phần đáng kể những tin tức thể hiện những cảm xúc như tức giận, sợ hãi, ghê tởm và buồn bã.”
Việc tiếp xúc liên tục với dòng tin tiêu cực này có thể làm lung lay niềm tin cốt lõi của mọi người, khiến chúng ta đặt lại câu hỏi về bản chất của con người, mục đích của cuộc sống, làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống thật mong manh, thế giới thật khó lường, khó tìm thấy lòng nhân từ và công lý.
Tiến sĩ Stacey Rosenfeld, nhà tâm lý học được cấp phép và là giám đốc Trung tâm Trị liệu Gatewell, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times: “Trước khi chúng ta tiếp xúc với tất cả những tin tức này, tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta nghĩ rằng con người nói chung là tốt và nhân loại nói chung là tốt. Và tôi nghĩ rằng, chúng ta hiện đang tiếp xúc với nhiều nội dung hơn khiến chúng ta phải đặt câu hỏi… chẳng hạn như điều gì đang xảy ra với thế giới?”
Những cảm giác và câu hỏi này là đặc tính của nỗi lo lắng hiện sinh – cảm giác rằng cuộc sống không có ý nghĩa cuối cùng.
Nghịch lý thay, một bài báo năm 2022 trên The Guardian (Tập san Người bảo vệ) lại đưa tin rằng sự lo lắng hiện sinh có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn trong việc nỗ lực tìm kiếm những tin tức giúp xoa dịu cảm giác vô vọng của chúng ta. Nhưng vì các thuật toán ưu tiên nội dung có mức độ tương tác cao, nên chúng ta có thể tiếp tục gặp phải những câu chuyện xác nhận những suy nghĩ tiêu cực của mình.
Cuộc sống có ý nghĩa không?
Tính nhạy cảm của chúng ta đối với sự lo lắng hiện sinh có thể một phần là do xã hội chuyển từ niềm tin chung vào sự thật khách quan sang chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa hậu hiện đại.
Chủ nghĩa hiện sinh, theo một bài báo trong Bách khoa toàn thư triết học Stanford, bác bỏ những điều tuyệt đối về đạo đức, ý nghĩa và bản chất con người để ủng hộ niềm tin rằng các cá nhân phải tự tạo ra định nghĩa riêng về ý nghĩa và bản thân.
Tương tự, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng thừa nhận rằng hiện thực là việc tự xây dựng hình ảnh bản thân và không điều gì có thể được nhận biết một cách khách quan.
Cả 2 triết lý này đều nuôi dưỡng cảm giác vô mục đích và sự lo lắng hiện hữu, tuy nhiên ngày càng có nhiều người chấp nhận những thế giới quan tương đối này. Như Tiến sĩ George Barna, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Đại học Cơ đốc giáo Arizona, đã báo cáo trong ‘Bản Đánh giá về Thế giới quan của người dân Hoa Kỳ năm 2024’ của tổ chức này rằng “Thanh niên có xu hướng hình thành thế giới quan của họ chủ yếu thông qua cảm xúc và trải nghiệm cá nhân, thay vì logic và sự kiện.”
Và dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, số người không theo tôn giáo nào đã tăng từ 5% năm 1972 lên 29% vào năm 2021.
Niềm tin ngày càng suy giảm vào những điều tuyệt đối của vũ trụ có thể làm trầm trọng thêm tác động của việc xem tin tức tiêu cực trên mạng. Nếu không có cảm nhận cụ thể về thực tế để giải thích về bản chất con người và tình trạng của thế giới, thì chúng ta có thể sẽ phải tìm kiếm trong vô vọng những câu trả lời mà chúng ta không thể tìm thấy trong những thông tin ngày càng tiêu cực mà chúng ta đang đọc.
Ông Youssef cho biết: “Sự không chắc chắn này có thể làm trầm trọng thêm cảm giác sợ hãi hiện sinh, khiến thế giới dường như càng hỗn loạn và khó đoán hơn.” Ông nói thêm, tuy nhiên, những người có nền tảng khách quan sẽ “thấy việc điều hướng trong biển thông tin trở nên dễ dàng hơn.” Họ có khả năng phân biệt thông tin tốt hơn giữa các nguồn thông tin đáng tin cậy với chủ nghĩa giật gân và tránh được những lo lắng hiện hữu.
Những cạm bẫy của việc nghiện xem tin tức tiêu cực
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Health Communication với 1100 người nghiện xem tin tức xấu thì chỉ có 28,7% đạt điểm thấp trong các chủ đề được đưa ra. Còn phần lớn đều đạt điểm cao ở một số chủ đề, với kết quả là: 27,5% bị ảnh hưởng ít – nghĩa là thói quen có vấn đề nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được, 27,3% có vấn đề ở mức độ vừa phải và 16,5% có dấu hiệu lo lắng và căng thẳng nghiêm trọng.
“Những người này bị mắc kẹt trong một vòng tròn luẩn quẩn, trong đó, thay vì điều chỉnh thì họ lại bị cuốn vào sâu hơn, bị ám ảnh về tin tức và thường phải liên tục cập nhập để làm dịu bớt cảm xúc của họ,” ông Bryan McLaughlin, Phó giáo sư tại Texas Tech Trường đại học và tác giả chính của nghiên cứu cho biết, “nhưng điều đó không giúp ích gì. Họ càng kiểm tra tin tức thì càng bị nó khống chế trong các khía cạnh cuộc sống.”
Theo chuyên gia tâm lý Tess Brigham: “Điều đó có hại cho sức khỏe tinh thần của bạn bởi vì các tin tức tiêu cực không có lợi ích gì mà chỉ khiến bạn thêm lo lắng và hoang tưởng về thế giới xung quanh mình”.
Mặc dù bạn có thể không nhận thức được rằng bạn đang hấp thụ tất cả các năng lượng tiêu cực đó, nhưng nó đã ăn vào tiềm thức của bạn. Sự lo lắng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn, còn viễn cảnh ngày tận thế ám ảnh bạn cả trong mơ.
Làm thế nào để ngừng xem tin tức tiêu cực
Để ngăn chặn chứng nghiện xem tin tức tiêu cực và giảm bớt sự lo lắng, Shabahang và các đồng nghiệp của ông nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp cận tin tức và mạng xã hội một cách sáng suốt. Kết quả nghiên cứu của họ “cho thấy rằng việc ưu tiên hấp thụ tin tức tiêu cực một cách thận trọng có thể hữu ích trong việc tránh những cảm giác tồn tại không mong muốn.”
Để trợ giúp cho sự thận trọng như vậy, những người đang mong muốn chống lại việc xem tin tức tiêu cực có thể thực hiện các bước thực tế như sau:
- Xóa các ứng dụng có xu hướng nhắc nhở bản thân cần phải xem tin tức tiêu cực, chẳng hạn như công cụ tổng hợp tin tức hoặc phương tiện truyền thông xã hội;
- Đưa ra những lựa chọn có chủ ý về nguồn tin tức nào sẽ đọc thay vì xem qua các nguồn cấp dữ liệu một cách thụ động;
- Đặt điện thoại ở phòng khác vào ban đêm để tránh bị cám dỗ lướt mạng xã hội trước khi đi ngủ;
- Đặt giới hạn thời gian hàng ngày cho việc đọc tin tức và mạng xã hội;
- Ưu tiên các tương tác và hoạt động trong đời thực như dành thời gian với bạn bè, đi dạo hoặc tham gia vào các sở thích hữu ích.
Ông Shabahang cho rằng khi chúng ta tương tác với giới truyền thông, điều quan trọng là phải suy nghĩ về lý do tại sao chúng ta lại tương tác và điều đó khiến chúng ta cảm thấy thế nào.
Ông nói: “Chúng ta nên nhận thức được lý do gì đã thúc đẩy chúng ta sử dụng phương tiện truyền thông và hấp thụ tin tức; suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào khi tương tác với truyền thông. Việc nhận thức này sẽ giúp chúng ta quản lý mức hấp thụ thông tin hiệu quả hơn, duy trì quan điểm lành mạnh hơn.”
Nếu bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc trầm cảm dai dẳng mặc dù đã hạn chế đọc tin tức, nên tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia được cấp phép.
Từ khóa mạng xã hội nghiện xem tin tức tiêu cực Doomscrolling Lo lắng hiện sinh Chủ nghĩa hiện sinh