Nguyên nhân của chứng đổ mồ hôi đêm và cách cải thiện
- Hoa Lài
- •
Khi ngủ vào ban đêm, nhiều người thường hay đổ một chút mồ hôi. Trên thực tế, điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu bạn đổ mồ hôi một lượng khá nhiều và thường xuyên, thì đó có thể được coi là chứng bệnh ‘đổ mồ hôi đêm’. Vậy nguyên nhân là gì và làm thế nào để cải thiện?
1. Nguyên nhân của chứng đổ mồ hôi đêm
Các chuyên gia cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đổ mồ hôi vào ban đêm. Tình trạng này cũng có thể gây ra bởi một loại bệnh cụ thể nào đó.
Tại phòng khám Mayo ở Mỹ, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, chứng đổ mồ hôi đêm là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều khi chúng ta đang ngủ, lượng mồ hôi này nhiều đến mức có thể làm ướt áo, gối hoặc ga trải giường.
Có một số nguyên nhân là vô hại như phòng ngủ quá nóng hoặc do vận động. Mặt khác, một số là có liên quan đến thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ, nhiễm trùng, bệnh tật hoặc do dùng thuốc. Ngoài các nguyên nhân trên, chứng đổ mồ hôi đêm còn có thể do những nguyên nhân cụ thể sau:
Cơ chế tản nhiệt của cơ thể
Bà Siobhan Banks, giáo sư tại Đại học Nam Úc và nhà nghiên cứu Linda Grosser đã viết trên website The Conversation rằng, việc đổ mồ hôi là một hoạt động bình thường trong hệ thống làm mát của con người. Cơ chế này hoạt động mạnh mẽ nhằm giúp cơ thể tản nhiệt, đồng thời duy trì năng lượng và nhiệt độ cơ thể một cách tối ưu. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên đổ mồ hôi nhiều khi ngủ vào ban đêm thì đó lại là điều không bình thường.
Hai học giả viết rằng, vùng dưới đồi (Hypothalamus) được coi là một phần của hệ thống nội tiết, đây chính là trung tâm kiểm soát nhiệt độ của cơ thể. Tại đây, não sẽ tiếp nhận các thông tin từ những cơ quan cảm nhận nhiệt độ nằm bên ngoài hoặc là qua da.
Sau đó cơ quan cảm nhận nhiệt sẽ phát hiện ra những thay đổi về nhiệt độ cơ thể, cuối cùng nó sẽ gửi những tín hiệu trở lại vùng dưới đồi. Tại đây, những tín hiệu gửi đến sẽ được xử lý bằng cách tạo ra các cơ chế tản nhiệt thông qua việc đổ mồ hôi hoặc tạo ra nhiệt thông qua hiện tượng phát run.
Thay đổi nội tiết tố
Bà Banks và bà Grosser cũng nói rằng, cho dù là người nam hay nữ đang ở bất kể độ tuổi nào cũng đều có thể bị đổ mồ hôi vào ban đêm. Tuy nhiên nữ giới sẽ gặp tình trạng này thường xuyên hơn nam giới. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự thay đổi nồng độ hormone liên quan đến thời kỳ mãn kinh. Theo nghiên cứu, có khoảng 80% phụ nữ bị bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi đêm trong thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh.
Nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng đến việc đổ mồ hôi đêm ở nam giới, đặc biệt là những người có mức Testosterone thấp. Theo tài liệu thống kê, có khoảng 38% nam giới từ 45 tuổi trở lên có lượng Testosterone thấp. Tuy nhiên việc đổ mồ hôi đêm cũng có thể làm ảnh hưởng đến nam giới ở mọi lứa tuổi.
Tình trạng bốc hỏa
Mặc dù tình trạng bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm đều gây ra cảm giác nóng nhưng chúng sẽ đưa đến những loại trạng thái khác nhau. Những cơn bốc hỏa xảy ra vào ban ngày và những cơn sốt có thể dẫn đến tình trạng đổ mồ hôi trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi việc đổ mồ hôi vào ban đêm lại thường kéo dài hơn.
Nhiễm trùng, bệnh tật và tác dụng phụ của thuốc
Hai học giả còn cho biết thêm, khi cơ thể đang chống lại sự nhiễm trùng hoặc bệnh tật, thì nhiệt độ của cơ thể cũng sẽ tăng lên. Mục đích là khiến cho cơ thể đổ mồ hôi để làm mát và hạ nhiệt cơ thể.
Nhiễm trùng nhẹ như cảm lạnh thông thường hay nghiêm trọng như virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) đều có thể dẫn đến chứng đổ mồ hôi ban đêm. Tuy nhiên đây không phải là một triệu chứng duy nhất.
Bên cạnh đó, việc dùng một số loại thuốc và uống rượu thường xuyên (đặc biệt là nghiện rượu) cũng có thể gây đổ mồ hôi ban đêm.
Tâm lý căng thẳng
Đổ mồ hôi đêm cũng có thể liên quan đến việc tâm lý quá căng thẳng. Bởi vì căng thẳng sẽ dẫn đến tình trạng lo lắng hoặc bất an, đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Mặt khác, nếu trạng thái căng thẳng kéo dài thì việc đổ mồ hôi cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn, từ đó dẫn đến việc mất ngủ và tâm lý lo lắng cũng sẽ gia tăng.
Ngủ ngáy
Bên cạnh những nguyên nhân trên thì việc đổ mồ hôi ban đêm cũng có liên quan đến các rối loạn về giấc ngủ, cụ thể là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở. Đặc biệt, những người mắc chứng bệnh này thường ngáy rất to. Theo báo cáo, cứ 3 người thì sẽ có 1 người đổ mồ hôi ban đêm khi mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
Tập thể dục cường độ cao
Ngoài ra, đổ mồ hôi ban đêm cũng có thể do tập thể dục cường độ cao. Điều này là bởi khi quá trình tập thể dục, cơ thể sẽ kích thích tuyến giáp hoạt động và tăng tốc độ trao đổi chất cơ bản cũng như nhiệt độ cơ thể trong vòng 14 giờ sau khi tập thể dục. Do đó, ngay cả việc tập thể dục quá sức vào buổi sáng cũng có thể gây ra mồ hôi ban đêm.
2. Cách cải thiện chứng đổ mồ hôi đêm
Có rất nhiều lý do về sức khỏe và thuốc có thể gây ra tình trạng đổ mồ hôi đêm. Tuy nhiên bà Banks và bà Grosser cũng đã kết luận cụ thể trong bài viết của mình về các cách cải thiện tình trạng này.
Nếu bạn thường cảm thấy khó chịu, khó ngủ hoặc kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân do thường xuyên đổ mồ hôi đêm chứ không phải do thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra. Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc thay thế hoặc điều trị thêm để giảm thiểu tình trạng này.
Ngoài việc dùng thuốc để hỗ trợ, bạn cũng có thể áp dụng một số cách sau đây:
– Ngủ ở phòng mát và sử dụng quạt điện nếu cần thiết.
– Không mặc quá nhiều quần áo khi ngủ. Nên mặc đồ ngủ bằng vải cotton hoặc vải lanh thoáng khí.
– Chọn loại chăn mỏng nhẹ và thoáng mát. Tránh loại chăn làm bằng chất liệu sợi tổng hợp và vải nỉ.
– Cân nhắc việc sử dụng nệm, gối mát hơn và tránh những loại làm hạn chế luồng không khí, chẳng hạn như nệm xốp.
– Tránh ăn đồ cay và đồ uống có chứa caffeine hoặc rượu trước khi đi ngủ.
Từ khóa giấc ngủ đổ mồ hôi đêm